40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, nghĩ về sự nghiệp trồng người

Thứ sáu - 18/11/2022 15:20
Tôi đã từng viết như thế này về những thầy cô giáo nơi buôn làng xa xôi hẻo lánh ngày ấy: “Trên ngực họ không một tấm huy chương. Nhưng lại có một thứ huy chương siêu hạng, được đúc bằng ý chí nghị lực của họ và luôn luôn được toả sáng bằng niềm tin, lòng biết ơn của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Họ âm thầm lặng lẽ thắp sáng lên ngọn lửa cuộc đời”.

Cách đây 40 năm, ngày 28/9 năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 167 – HĐBT về ngày Nhà giáo Việt Nam.

Điều 1 của Quyết định 167 ghi rõ: “Từ nay hàng năm sẽ lấy ngày 20 tháng 11 là ngày Nhà giáo Việt Nam”.

Gần hai tháng sau, ngày 20/11 năm 1982, lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên được tổ chức trong cả nước.

Từ đó đến nay, 20/11 là ngày truyền thống của ngành giáo dục, ngày xã hội tôn vinh những người gánh trên vai trọng trách “vì lợi ích trăm năm trồng người”.

40 mùa lễ hội, 40 mươi cái Tết Nhà giáo đã đi qua, hôm nay ngẫm lại…

Thế hệ chúng tôi từ khi được cắp sách tới trường đã biết đến ngày 20/11, lúc bấy giờ gọi là Ngày Hiến chương quốc tế các Nhà giáo. Nhưng điều thú vị và pha chút thiêng liêng là dịp 20/11 hằng năm còn được dân mình gọi là Tết – Tết của thầy cô – một cách gọi đậm chất văn hóa Việt và sẽ mãi mãi là một bộ phận không thể thiếu trong di sản văn hóa để lại cho con cháu mai sau. Tết Nhà giáo, thật không hạnh phúc nào bằng đối với những ai đã, đang và sẽ theo đuổi nghiệp trồng người.

Những năm đất nước khó khăn hay trong hoàn cảnh chiến tranh bom đạn khốc liệt, lễ 20/1 tuy giản dị nhưng vẫn ấm tình người. Quà tặng bằng vật chất, tiền bạc lúc bấy giờ có lẽ chưa mấy ai nghĩ đến, có chăng là sự quan tâm của nhà nước bằng cách tăng thêm tiêu chuẩn thực phẩm trong tháng nhân ngày Tết Nhà giáo. Ngay cả hoa cũng hiếm nữa là. Với học trò chúng tôi thì món quà ý nghĩa nhất là vâng lời dạy bảo của thầy cô, học hành chăm ngoan.

Ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên, 20/11 năm 1982 được các cơ sở giáo dục tổ chức trọng thể, nghiêm trang nhưng cũng hết sức giản dị. Lúc bấy giờ, tôi đã là nhà giáo công tác ở trường Cao đẳng sư phạm được 3 năm. Lễ 20/11 năm đó ở một trường chuyên nghiệp trực thuộc Bộ đóng trên địa bàn Đắk Lắk được ghi dấu bằng buổi mít tinh tại hội trường cùng với các hoạt động thể thao và đêm hội diễn văn nghệ quần chúng chào mừng. Thế cũng đủ ấm lòng những nhà giáo trẻ như tôi bởi so với các thế hệ sinh viên của trường, ở thời điểm đó, chúng tôi vẫn còn may mắn lắm.

Những năm cuối thập kỷ 70 và 80 thế kỷ trước, bao thầy cô giáo trưởng thành từ cái nôi Cao đẳng sư phạm Buôn Ma Thuột (nay là CĐSP Đắk Lắk) tỏa đi khắp các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, về những nơi xa xôi, hẻo lánh, cuộc sống còn muôn vàn khó khăn, gian khổ. Nhiều người đã vĩnh viễn ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ vì ốm đau, bệnh tật, vì sốt rét rừng, vì bọn phản động Fulro giết hại. Gian khổ, mất mát là thế nhưng họ vẫn bám trụ, hy sinh cả tuổi xuân của mình bởi một lẽ sống cao đẹp: đem ánh sáng văn hóa đến cho con em đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Tôi đã từng viết như thế này về những thầy cô giáo nơi buôn làng xa xôi hẻo lánh ngày ấy: “Trên ngực họ không một tấm huy chương. Nhưng lại có một thứ huy chương siêu hạng, được đúc bằng ý chí nghị lực của họ và luôn luôn được toả sáng bằng niềm tin, lòng biết ơn của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Họ âm thầm lặng lẽ thắp sáng lên ngọn lửa cuộc đời”.

Và dĩ nhiên, những năm tháng cực kỳ gian khổ đó, 20/11 đến với thầy cô giáo vùng sâu vùng xa như một lẽ thường tình, như mọi ngày lên lớp khác với bao bộn bề trăn trở. Chỉ có nghị lực và niềm tin là thêm một lần tỏa sáng mỗi khi ngày Nhà giáo đến hằng năm.

Đất nước đổi thay, phát triển sau hơn ba mươi lăm năm đổi mới. Ngày Nhà giáo, Tết Nhà giáo bây giờ đã khác xưa. Nhà nước và xã hội ngày càng quan tâm hơn đến đời sống vật chất của thầy cô. Ngày 20/11 không chỉ ở phố phường đô hội mà cả nơi buôn làng xa xôi cũng rực rỡ bởi những bó hoa tươi thắm cùng những món quà ý nghĩa chúc mừng thầy cô giáo.

Sự nghiệp trồng người được cả xã hội tôn vinh bằng những việc làm thiết thực. Nghề dạy học vẫn luôn là nghề cao quý. Và thầy cô mãi là kỹ sư tâm hồn của các thế hệ học trò.

Nhưng, ngẫm lại, vui đó mà cũng buồn lòng đó.

Giáo dục nước nhà vài ba chục năm lại đây có biết bao sự đổi thay. Một loạt những dự án cải cách giáo dục, thay đổi chương trình, sách giáo khoa đã đem lại cho nền giáo dục một gương mặt mặt mới, dần tiếp cận được những tinh hoa giáo dục hiện đại của nhân loại. Thành tựu của giáo dục trong suốt 40 năm qua là vô cùng to lớn, tự hào.

Dưng mà vẫn thấy buồn lòng. Giáo dục trong bối cảnh hiện nay còn ngổn ngang bao nỗi âu lo, trăn trở.

Tuy đã trải qua nhiều cuộc cải cách, đổi mới nhưng chất lượng giáo dục và đào tạo vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của thời cuộc. Những mặt trái của đời sống kinh tế xã hội trong cơ chế thị trường đang từng ngày từng giờ tác động xấu đến môi trường giáo dục. Bệnh thành tích, danh hão, chạy theo tiền bạc, gian dối thi cử, nói không đi đôi với làm,... đang khiến cho môi trường giáo dục ngày càng mất đi sự trung thực, lòng tự trọng và danh dự - những cốt lõi làm nên giá trị cao quý của đạo đức nhà trường. Bạo lực học đường diễn ra không chỉ đối với học sinh, sinh viên mà còn cả trong đội ngũ thầy cô đứng lớp.

Những lệch lạc nói trên là nguyên nhân hàng đầu tác động xấu đến tâm hồn trong trắng của học sinh khiến họ mất phương hướng trong việc hình thành nhân cách và lối sống.

Ngày Nhà giáo Việt Nam hằng năm là dịp để mỗi chúng ta - thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh và cả xã hội - bình tâm lắng lại, suy ngẫm về những gì đã và đang diễn ra trong môi trường giáo dục hiện nay; để mỗi khi 20/11 về, đón Tết Nhà giáo trong niềm vui, hạnh phúc thực sự bằng cái tâm trong sáng và bầu nhiệt huyết của mình vì một nền giáo dục Nhân bản – Dân tộc – Khai phóng.  

Ngày Nhà giáo Việt Nam thứ 40, 2022
Nguyễn Duy Xuân
Đăng Đắk Lắk Nguyệt san, tháng 11/2022


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Luong truy cap
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
CM tháng 8 và QK 2/9
79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8
& QUỐC KHÁNH 2/9
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập144
  • Hôm nay41,537
  • Tháng hiện tại224,665
  • Tổng lượt truy cập60,108,472
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây