Không thể lãng quên!

Chủ nhật - 13/03/2022 23:01
Hôm nay, tròn 34 năm ngày Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm đảo đá chìm Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Cũng như ngày 17/2(1979), ngày 14/3(1988) đến hằng năm lại nhắc nhở chúng ta, nhất là thế hệ trẻ, về những sự kiện lịch sử bi hùng của dân tộc diễn ra còn chưa xa.

Ngày hôm kia, 12/3/2022, đích thân Thủ tướng Phạm Minh Chính đến đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm, tri ân các liệt sĩ tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

Trước đó, ngày 26/1/2022, trong chuyến công tác tại Quảng Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã đến dâng hương đặt vòng hoa tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2/1979 tại Khu tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ Pò Hèn.

Xa hơn một chút, ngày 8/12/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến dâng hương, dâng hoa viếng anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên.

Chỉ trong một thời gian ngắn, Chủ tịch nước rồi Thủ tướng thay nhau thăm viếng các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 và trận hải chiến Gạc Ma 1988. Đó chắc chắn không phải là một sự vô tình.

Bởi từ 17/2/1979 đến nay, biên cương, biển đảo Tổ quốc chưa bao giờ được yên.

Vậy mà, đã có lúc, hai sự kiện đau thương này từng bị lãng quên.
 
Bỗng nhớ chuyện lịch sử thời Trần, cách đây hơn 7 thế kỷ. Đấy là hình ảnh "Người lính già đầu bạc. Kể mãi chuyện Nguyên Phong" (Bạch đầu quân sĩ tại, vãng vãng thuyết Nguyên Phong) trong thơ của Vua Trần Nhân Tông. Đó là nét đẹp trong văn hóa ứng xử của cha ông để con cháu muôn đời không lãng quên lịch sử hào hùng của dân tộc. Đất nước trường tồn chính là nhờ ở mạch ngầm không ngừng chảy ấy.

Bây giờ, mỗi khi đến ngày 17/2 hay 14/3, báo chí và mạng xã hội lại nói nhiều về hai sự kiện này. Nhiều bài báo gọi đích danh quân Trung Quốc xâm lược, nhưng cũng có những bài báo viết về hai sự kiện này lại không dám gọi tên. Nếu có nhắc đến thì cũng rất phiếm chỉ, như “quân địch”, “quân xâm lược”, thậm chí là “nước ngoài”.

Buồn nhất là trên mạng xã hội, có người còn phản bác việc gọi đích danh quân xâm lược trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 hay trận hải chiến Gạc Ma năm 1988. Họ ngụy biện: “Nhắc tên làm gì, bởi mọi người dân Việt Nam ai cũng biết. Nói rõ tên để gây hận thù và chiến tranh hay sao ?”.

Ô hay, cứ gọi tên kẻ thù là “gây hận thù và chiến tranh” ư? Vậy thì thế giới này chắc phải đánh nhau suốt 365 ngày bởi lịch sử dân tộc nào mà chẳng có những cuộc chiến chống ngoại xâm?

Né tránh việc gọi tên kẻ xâm lược chính là một cách phủ nhận lịch sử, phủ nhận xương máu của đồng bào, chiến sĩ trong đó có cả đồng đội, người thân của mình đã đổ xuống vì tự do, độc lập, vì hòa bình, hạnh phúc của đất nước.

Khép lại quá khứ không có nghĩa là xóa nhòa tất cả.

Không thể lãng quên, không ai được quên những năm tháng bi hùng trong lịch sử chống giặc giữ nước thời hiện đại của dân tộc. Tôn trọng lịch sử, sòng phẳng với lịch sử là cách tốt nhất để chúng ta giáo dục cho các thế hệ con em mình biết uống nước nhớ nguồn, tiếp nối truyền thống anh hùng của ông cha, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng và sự toàn vẹn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trong bất cứ tình huống nào.

34 năm Gạc Ma bị Trung Quốc cưỡng chiếm, 14/3/2022
Nguyễn Duy Xuân


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TỔ QUỐC TRÊN HẾT
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
CM tháng 8 và QK 2/9
79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8
& QUỐC KHÁNH 2/9
Luong truy cap
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập165
  • Hôm nay30,033
  • Tháng hiện tại386,460
  • Tổng lượt truy cập59,284,113
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây