Kỷ lục quốc gia “to, lớn, rộng, dài” có làm nên giá trị Việt?
admin100
2023-07-10T16:27:00-04:00
2023-07-10T16:27:00-04:00
http://nguyenduyxuan.net/toi-lam-bao/ky-luc-quoc-gia-to-lon-rong-dai-co-lam-nen-gia-tri-viet-11953.html
http://nguyenduyxuan.net/uploads/news/bao/ao-dai-ky-luc.jpg
Nguyễn Duy Xuân
http://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Thứ hai - 10/07/2023 16:27
Cách làm kỷ lục cố tạo ra hình thức khác thường to, lớn, rộng, dài mà quên mất bản chất văn hóa vốn có và chất lượng sản phẩm thì chỉ nên xem là trò giải trí nhất thời, không mang lại danh giá và lợi ích quốc gia.
Gần đây, xuất hiện nhiều kỷ lục quốc gia được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng chứng nhận.
Đó là chiếc áo dài “Non sông gấm vóc” có chiều dài 220,6m, nặng 250kg được trình diễn trong chuỗi hoạt động chào mừng lễ Giỗ tổ Hùng Vương và Tuần lễ Văn hóa Du lịch đất Tổ 2023; là chiếc nem rán dài 20,23m được chế biến bởi 60 sinh viên Trường Cao đẳng Nguyễn Du ngày 22/4/2023, tại Khu du lịch Xuân Thành (Nghi Xuân, Hà Tĩnh).
Hai năm trước, một chiếc nón cao 4m, đường kính 6m và được làm từ 30.000 bông hoa loa kèn đặt ở bán đảo hồ Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) cũng đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là kỷ lục "Mô hình nón lá kết bằng hoa loa kèn có kích thước lớn nhất Việt Nam".
Ngược dòng thời gian, đã từng có những kỷ lục “to, lớn, rộng, dài” nhưng vô bổ khiến dư luận phản đối như các kỷ lục bánh chưng, bánh tét, bánh phồng tôm, tô hủ tiếu, ly cà phê… Kỷ lục nào khi được lập cũng rất “kêu”, nào là quảng bá thương hiệu, quảng bá văn hóa - du lịch, kết nối du khách,… Nhưng rồi, theo thời gian, các kỷ lục chìm lắng, rơi vào quên lãng, như chưa bao giờ là kỷ lục. Bởi bánh chưng thì bị hỏng, tô hủ tiếu lại bốc mùi, chiếc áo dài cắt ra từng mảnh may thành trăm chiếc áo dài khác...
Kỷ lục to, lớn, rộng, dài không phản ánh hình ảnh thực của sản phẩm; không làm tăng giá trị sản phẩm, thậm chí còn làm xấu đi hình ảnh sản phẩm bởi sự gian dối (bánh chưng độn xốp) hay quy trình sản xuất ra sản phẩm không đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm (tô hủ tiếu bốc mùi). Chưa kể, dù sản phẩm chất lượng nhưng nếu không có chiến lược kinh doanh hợp lý để mở rộng thị trường tiêu thụ thì cũng khó tạo nên sự đột biến để phát triển.
Có một thông tin đáng chú ý: gần 20 năm qua, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập khoảng 3.000 kỷ lục trong nhiều lĩnh vực trên toàn quốc. Trong số đó, hơn 1/3 là những kỷ lục chỉ đơn thuần về hình thức “to, lớn, rộng, dài”. Đó là nguyên nhân dẫn đến chuyện kỷ lục được xác lập dễ như đi chợ mua rau.
Rõ ràng, những “kỷ lục” như thế không làm nên giá trị thương hiệu mà nó đại diện. Người tiêu dùng – nhất là du khách nước ngoài – ưa thích các món ẩm thực đậm chất truyền thống Việt như bánh chưng, phở, cà phê, nem rán,… chắc chắn không phải từ các kỷ lục to nhất, dài nhất. Cũng như áo dài hay nón lá Việt được bạn bè khắp năm châu biết đến và ngưỡng mộ không phải đợi đến khi có kỷ lục áo dài hàng trăm mét, có nón lá kết bằng hoa loa kèn khổng lồ. Cách làm kỷ lục cố tạo ra hình thức khác thường to, lớn, rộng, dài mà quên mất bản chất văn hóa vốn có và chất lượng sản phẩm thì chỉ nên xem là trò giải trí nhất thời, không mang lại danh giá và lợi ích quốc gia.
Muốn sánh vai với các cường quốc năm châu phải đua tranh về kinh tế, quân sự, khoa học công nghệ, giáo dục để có nhiều phát minh sáng chế, nhiều sản phẩm mang tính cạnh tranh toàn cầu trong bối cảnh khoa học, kỹ thuật, công nghệ thế giới đang phát triển như vũ bão. Còn những sản phẩm mang tính giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc về ẩm thực, trang phục thì chẳng cần phải lập kỷ lục để tranh “nhất thế giới” với ai một khi nó đã là của riêng Việt Nam.
Thiết nghĩ, để đất nước phát triển bền vững, để khát vọng một Việt Nam hùng cường sớm thành hiện thực, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, các bộ ngành và các địa phương, doanh nghiệp nên nói không với các “kỷ lục” nhất thời, nhảm nhí, đánh bóng tên tuổi, đang xuất hiện ngày một nhiều gây lãng phí tiền của, công sức của nhà nước và xã hội, làm sai lệch những giá trị Việt chân chính.
26/6/2023
Nguyễn Duy Xuân