Con học giỏi mẹ được giảm án liệu có đúng luật?
admin100
2023-05-31T18:45:00-04:00
2023-05-31T18:45:00-04:00
http://nguyenduyxuan.net/toi-lam-bao/con-hoc-gioi-me-duoc-giam-an-lieu-co-dung-luat-11910.html
http://nguyenduyxuan.net/uploads/news/2017_02/phat.jpg
Nguyễn Duy Xuân
http://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Thứ tư - 31/05/2023 18:45
Theo lập luận của kiểm sát viên, bị cáo Lê Thị Hương cần thời gian ở bên con để động viên con học hành. Đại diện cơ quan công tố đã đề nghị giảm nhẹ hình phạt với bị cáo Hương theo hướng cho hưởng án treo và trả tự do ngay tại tòa.
Sáng 24/5, sau 2 ngày xét xử, TAND Cấp cao tại TP Hà Nội tuyên án đối với 6 bị cáo được xem xét đơn kháng cáo trong vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC) và các đơn vị liên quan.
Theo đó, Tòa tuyên bị cáo Lê Thị Hương (nhân viên AIC) - một trong số 6 bị cáo được xem xét đơn - 36 tháng tù treo, trả tự do tại tòa cùng về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Một trong những lý do để Tòa giảm hình phạt cho bị cáo là do bà Hương có con trai 14 tuổi đạt thành tích cao trong các kỳ thi toán quốc tế.
Theo lập luận của kiểm sát viên, bị cáo Lê Thị Hương cần thời gian ở bên con để động viên con học hành. Đại diện cơ quan công tố đã đề nghị giảm nhẹ hình phạt với bị cáo Hương theo hướng cho hưởng án treo và trả tự do ngay tại tòa.
Việc con học giỏi được viện dẫn như một yếu tố giảm nhẹ hình phạt cho mẹ là điều chưa từng thấy trong các phiên tòa hình sự tại Việt Nam, khiến dư luận hết sức băn khoăn. Cũng không có điều luật nào quy định bị cáo “cần thời gian ở bên con để động viên con học hành” để được giảm hình phạt như lập luận của kiểm sát viên.
Đối chiếu với Điều 51, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định các tình tiết giảm nhẹ thì thấy thành tích học tập của con cái không nằm trong danh sách 22 tình tiết quy định tại điều này. Con của bị cáo Lê Thị Hương tuy đạt thành tích cao trong các kỳ thi toán quốc tế (Tòa không nói rõ giải gì và được Nhà nước khen thưởng như thế nào) nhưng không thể xem “là người có công với cách mạng” như quy định tại điểm x, khoản 1 của Điều 51.
Vậy, tại sao bị cáo Hương lại được giảm nhẹ hình phạt và trả tự do ngay tại tòa?
Theo một số luật sư, quyết định đó của Tòa án dựa vào khoản 2, Điều 51 Bộ luật Hình sự: "Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án".
Các "tình tiết khác" này đã được Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn cụ thể tại Mục 5. Phần I, Công văn 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử. Theo đó, “các tình tiết khác” gồm: “Vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột bị cáo là người có công với nước hoặc có thành tích xuất sắc được Nhà nước tặng một trong các danh hiệu vinh dự như: Anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú hoặc các danh hiệu cao quý khác theo quy định của Nhà nước;”.
Rõ ràng, con bị cáo Hương dù có đạt thành tích cao trong các kỳ thi toán quốc tế vẫn không thuộc các đối tượng được nêu trong công văn nói trên, không nằm trong các danh hiệu được Nhà nước trao tặng.
Vậy sao Tòa vẫn áp dụng tình tiết giảm nhẹ?
Mấu chốt của vấn đề nằm ở khoản 2, Điều 51 của Bộ Luật hình sự đã nêu trên: “Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án”.
“Tình tiết khác” tạo ra biên độ co giãn không có giới hạn trong việc luận tội, thực thi pháp luật. Khoản 5, phần I trong công văn 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 cũng ghi: “Ngoài ra, khi xét xử, tùy từng trường hợp cụ thể và hoàn cảnh cụ thể của người phạm tội mà còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án”.
Phải chăng đây là điểm bất cập trong Bộ Luật hình sự hiện hành cũng như trả lời của Tòa án Nhân dân tối cao trong công văn 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019?
Từ đó, dư luận lo ngại việc TAND Cấp cao tại TP Hà Nội coi thành tích học tập của con cái là tình tiết giảm nhẹ khi quyết định án phạt đối với bị cáo xuất phát từ chi tiết “tình tiết khác” rất chung chung, mơ hồ sẽ tạo tiền lệ khiến cho việc thực thi pháp luật không đảm bảo sự nghiêm minh, công bằng.
Không chỉ riêng trường hợp của bị cáo Hương, việc giảm nhẹ hình phạt cho nhiều quan chức trong các vụ đại án vừa qua vì có “tình tiết khác” như thành tích cống hiến, bằng khen, danh hiệu cũng khiến dư luận “tâm tư” bởi công tội không phân minh. Chả nhẽ những kẻ thoái hóa biến chất, cố tình gây thiệt hại cho ngân sách hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng lại còn xứng đáng để được “thưởng” thêm một lần nữa ngay tại tòa từ những gì mà họ đã từng được Nhà nước ban tặng?
25/5/2023
Nguyễn Nguyễn