Miễn học phí từ mầm non đến đại học cho con nhà giáo: Ưu đãi nhưng đặc quyền đặc lợi thì không nên
admin100
2024-10-15T02:59:30-04:00
2024-10-15T02:59:30-04:00
http://nguyenduyxuan.net/toi-lam-bao/mien-hoc-phi-tu-mam-non-den-dai-hoc-cho-con-nha-giao-uu-dai-nhung-dac-quyen-dac-loi-thi-khong-nen-12442.html
http://nguyenduyxuan.net/uploads/news/2016_08/khai-giang.jpg
Nguyễn Duy Xuân
http://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Thứ ba - 15/10/2024 02:57
Sáng 8/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên họp thứ 38 cho ý kiến lần 2 về dự thảo Luật Nhà giáo.
Dự luật này đang nhận được sự quan tâm sâu sắc của dư luận bởi đề xuất miễn học phí từ mầm non đến đại học cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của giáo viên đang trong thời gian công tác.
Phản ứng của dư luận về đề xuất của dự luật
Trên vietnamnet.vn ngày 11/10, cô giáo Nguyễn Thị Hà (Trường THPT Quỳnh Lưu 4, Nghệ An), bày tỏ quan điểm của mình: “Đề xuất miễn học phí cho con em giáo viên là một giải pháp có phần cảm tính và chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề”, bởi theo cô giáo Hà, “thực tế là trong hệ thống cán bộ công chức, viên chức hưởng lương từ nguồn ngân sách Nhà nước, lương của giáo viên nhìn chung không thấp. Mức sống của đại bộ phận giáo viên cũng đang ở mức trung bình trong xã hội”. “Tôi hi vọng các nhà quản lí cần có khảo sát toàn diện, khách quan về mức độ làm việc và đóng góp của đội ngũ giáo viên trong tương quan với các ngành nghề khác để xây dựng chế độ chi trả tiền lương xứng đáng”, cô giáo Hà bày tỏ mong muốn.
Trên laodong.vn ngày 11/10, trong bài viết “Miễn học phí cho con giáo viên: "Tôi không vui với đặc ân này", nhà giáo Nguyễn Văn Lực, người đã có thâm niên 37 năm công tác trong ngành giáo dục - nguyên giáo viên Trường THCS Trịnh Phong, Khánh Hòa - cho rằng: “Việc đề xuất đưa thêm điều “Miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong thời gian công tác” vào Luật Nhà giáo không khác nào chỉ vì lợi ích của con giáo viên, thiếu công bằng đối với con em của những ngành nghề khác”.
“Dẫu biết rằng đây là chính sách nhân văn, thể hiện sự quan tâm đến giáo viên, giáo dục, giáo dục là quốc sách hàng đầu là hoàn toàn hiểu được. Tuy nhiên điều này vô tình tạo ra sự “đặc quyền, đặc lợi” cho riêng con của giáo viên thì không nên, xã hội không đồng tình, ngay cả bản thân tôi cũng như nhiều giáo viên không vui khi được thụ hưởng chính sách “đặc quyền” này”, thầy Lực nêu quan điểm.
Rất nhiều comment của bạn đọc trên các trang vietnamnet.vn, tuoitre.vn, tienphong.vn,... đều bày tỏ quan điểm không đồng tình với đề xuất của dự luật miễn học phí cho con nhà giáo. Kết quả sơ bộ thăm dò bạn đọc về vấn đề này trên trang vnexpress.net, số người không đồng ý đang ở mức 58%.
Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì?
Trên tuoitre.vn ngày 11/10, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết: “Quan điểm của ban soạn thảo khi đưa nội dung này vào dự thảo luật cũng là thể hiện sự tôn vinh, ghi nhận cống hiến của nhà giáo, góp phần khích lệ nhà giáo yên tâm, gắn bó với nghề”. “Đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo xuất phát từ quan điểm tôn vinh và ghi nhận chứ không phải đó là chính sách hỗ trợ vì họ gặp khó khăn”, ông Đức khẳng định.
Theo ông Đức, thu nhập cao nhất của nhà giáo hiện nay, bao gồm lương, các loại phụ cấp có thể lên tới 30 triệu đồng/tháng, nhưng số hưởng mức này không nhiều. Một bộ phận lớn nhà giáo đang hưởng mức thu nhập rất thấp, từ 6,8 đến dưới 10 triệu đồng/tháng. Kể cả khi lương giáo viên cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp thì chưa chắc nhà giáo đã sống đủ với thu nhập từ nghề.
Trần tình của ông Cục trưởng chưa thuyết phục. Thứ nhất, không nên cho rằng đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo là thể hiện sự tôn vinh nghề và ghi nhận cống hiến của nhà giáo cho giáo dục. Thứ hai, nhận định của ông Đức “Kể cả khi lương giáo viên cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp thì chưa chắc nhà giáo đã sống đủ với thu nhập từ nghề” là hết sức chủ quan.
Ưu đãi nhưng đặc quyền đặc lợi thì không nên
Dù rất tán thành nhưng các đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ sự lo ngại về đề xuất miễn học phí cho con giáo viên của cơ quan soạn thảo Luật Nhà giáo có thể bị dư luận đánh giá mang "lợi ích nhóm" cho riêng ngành của mình.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng dự luật quy định miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong quá trình công tác là nhân văn. Tuy nhiên, ông đề nghị Chính phủ xem xét quy định cho phù hợp, "Ưu đãi, chế độ đặc thù thì được nhưng đặc quyền đặc lợi thì không nên". (tuoitre.vn ngày 9/10)
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ, đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo hết sức quan tâm và cần khẩn trương, thận trọng, kỹ lưỡng.
Trên tuoitre.vn ngày 10/10, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng: Cơ quan soạn thảo cần giải trình rõ lý do về đề xuất này chứ không thể xây dựng chính sách trên cơ sở cảm tính, nói để tôn vinh nhà giáo hay nhà giáo là đối tượng yếu thế, thu nhập thấp là không đúng, không hợp lý".
Từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến giáo dục và nhà giáo. Tháng 11/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” tiếp tục khẳng định mức lương nhà giáo cần được xếp cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp.
Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12 tháng 8 năm 2024 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI, khẳng định: “Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo, tháo gỡ những điểm nghẽn, trong đó, cần sớm xây dựng Luật về nhà giáo”; tiếp tục “thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tuỳ theo tính chất công việc, theo vùng”.
Với thiết kế Luật nhà giáo hiện nay, nhà giáo công tác trong cơ sở giáo dục công lập là viên chức đặc biệt, được hưởng lương cao nhất trong hệ thống lương ngành. Giáo viên cũng được hưởng một số phụ cấp như ưu đãi khi công tác ở vùng sâu, vùng xa, phụ cấp công tác ở vùng kinh tế hải đảo theo quy định của pháp luật...
Thực tế cho thấy, với những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước cùng với sự quan tâm của Chính phủ và các cấp, các ngành về chế độ ưu đãi, lương thưởng, đại bộ phận giáo viên hiện nay đều có mức sống từ trung bình trở lên. Cho nên nói giáo viên là “đối tượng yếu thế, thu nhập thấp là không đúng, không hợp lý" như đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đã khẳng định.
Chỉ sợ không công bằng
Dư luận cho rằng, đề xuất miễn học phí các cấp học cho con nhà giáo nếu được thông qua sẽ không chỉ tăng thêm gánh nặng cho ngân sách mà còn tạo tiền lệ xấu về việc ưu tiên, ưu đãi.
Trên viettimes.vn ngày 12/10, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng đề xuất này nhằm giúp các nhà giáo có đời sống ổn định, thu hút người giỏi. Tuy nhiên, nếu được thông qua, đề xuất sẽ tạo nên sự bất công giữa các ngành nghề, kích thích xu hướng chăm lo lợi ích cục bộ và khiến tổng thể xã hội không phát triển lành mạnh.
Sự bất công mà GS.TS Vũ Minh Giang đề cập không chỉ so với các ngành nghề khác mà còn ngay cả trong đội ngũ nhà giáo: giữa giáo viên lâu năm có mức lương cao với giáo viên mới ra trường, giáo viên công tác ở vùng khó khăn.
Cuối cùng, vẫn xin nhắc lại ý kiến của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khi đánh giá về quy định miễn học phí cho con nhà giáo của dự luật: "Ưu đãi, chế độ đặc thù thì được nhưng đặc quyền đặc lợi thì không nên".
12/10/2024
Nguyễn Duy Xuân