Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh xài bằng giả: Ai chịu trách nhiệm?

Thứ tư - 15/11/2023 17:01
Điều khiến dư luận ngạc nhiên là tại sao một lãnh đạo cấp cao ở địa phương như ông Thắng lại dám dùng bằng giả để thăng tiến và chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” lại diễn ra giữa lớp lớp rào chắn, quy trình nghiêm ngặt của công tác tổ chức nhân sự?

Nguyễn Công Thắng

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh vừa quyết định kỷ luật một loạt lãnh đạo cấp sở trong đó có việc biểu quyết xem xét kỷ luật ông Nguyễn Công Thắng - ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy - và báo cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ông Thắng bị đề nghị kỷ luật vì sử dụng văn bằng thạc sĩ giả để thăng tiến.

Theo xác minh của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh, khi bảo vệ luận án và nhận bằng tiến sĩ, ông Nguyễn Công Thắng đã sử dụng giấy công nhận văn bằng thạc sĩ giả không do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp. Việc làm đó của ông Nguyễn Công Thắng đã vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong việc sử dụng giấy tờ, văn bằng không hợp pháp, vi phạm những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng.

Bấy lâu nay, chuyện cán bộ, đảng viên xài bằng giả để luồn sâu, leo cao, dư luận không còn lạ lẫm gì. Vào Google, gõ cụm từ (đặt trong ngoặc kép) “cán bộ xài bằng giả” lập tức cho ra hơn 500 kết quả chỉ vòng chưa đầy 1/3 giây.

Nhưng dùng văn bằng giả để tiến thân như trường hợp ông Nguyễn Công Thắng thì càng khiến dư luận “tâm tư” và giảm sút niềm tin bởi cái trọng trách mà ông đang nắm giữ.

Theo bản lí lịch tự khai khi ứng cử đại biểu HĐND tỉnh, ông Thắng là thường vụ tỉnh ủy, giữ chức trưởng một ban Đảng của tỉnh khi mới 36 tuổi. Ở tuổi đó mà vào được cơ quan lãnh đạo cao nhất của BCH Đảng bộ tỉnh, nói theo chữ nghĩa thời “a còng” thì, “không phải dạng vừa đâu”! Phải là người tài giỏi, đạo đức, có năng lực thực sự mới lọt qua được nhiều cửa ải sàng lọc rất khắt khe của tổ chức để được ngồi và yên vị ở ghế cao tỉnh ủy.

Vậy ông Thắng có tài giỏi thực sự không? Có chứ. Minh chứng là hơn hai năm sau, khi mới chớm tuổi 39, ông đã được cấp trên chuẩn y chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh nhiệm kỳ 2020 – 2025 – một ban Đảng đầy quyền lực trông coi việc kiểm tra, giám sát nội tình của Đảng bộ tỉnh, đặc biệt là công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Nhưng rồi cái kim trong bọc lâu ngày cũng tòi ra. Ông Chủ nhiệm UBKT tỉnh ủy không thể giấu giếm, che đậy mãi hành vi gian dối của mình. Điều khiến dư luận ngạc nhiên là tại sao một lãnh đạo cấp cao ở địa phương như ông Thắng lại dám dùng bằng giả để thăng tiến và chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” lại diễn ra giữa lớp lớp rào chắn, quy trình nghiêm ngặt của công tác tổ chức nhân sự?

Là Thường vụ Tỉnh ủy, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy mà xài bằng giả thì thật hết biết. Bởi với chức danh đó, ông Thắng còn dám kiểm tra, giám sát ai, còn đủ dũng khí và khách quan để chỉ đạo xử lý những vụ việc cán bộ đảng viên ở địa phương nhúng chàm? Và nếu không phanh phui ra, trong tương lai gần, ông Thắng còn leo cao đến nhường nào?

Phải thẳng thắn nhìn nhận, sai phạm của ông Nguyễn Công Thắng là rất nghiêm trọng, bởi một người có vị trí cao, đầy mình bằng cấp như ông mà gian dối thì nguy cơ gây hại cho tổ chức, cho đất nước là điều không thể tránh khỏi. Sự gian dối này cần phải xử lý nghiêm mới mong làm trong sạch được đội ngũ, nhất là đối với cơ quan kiểm tra Đảng.

Để xảy ra chuyện gian dối này, người phải chịu trách nhiệm trước hết là ông Nguyễn Công Thắng – một cán bộ lãnh đạo, một đảng viên không trung thực, coi thường kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đảng muốn trong sạch, vững mạnh, lấy lại niềm tin của nhân dân thì không thể để trong hàng ngũ của mình những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất như thế.  

Trách nhiệm tiếp theo là Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Ninh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh. Các tổ chức này cần sớm có câu trả lời trước Đảng và công luận: Vì sao ông Nguyễn Công Thắng dùng bằng giả mà vẫn lọt qua các cửa ải để luồn sâu, leo cao, thăng tiến như diều gặp gió chỉ trong vòng mươi năm công tác?

Từ trường hợp của ông Nguyễn Công Thắng, một lần nữa cho thấy việc kiểm soát chất lượng cán bộ cũng như kiểm soát văn bằng, chứng chỉ còn có nhiều lỗ hổng; công tác tổ chức cán bộ còn bất cập để lọt tình trạng con ông cháu cha hay cán bộ kém năng lực, phẩm chất vẫn được tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt. Đặc biệt khi phát hiện hiện tượng gian dối bằng cấp hay lí lịch, việc xử lý lại không nghiêm, không minh bạch, khiến cho tình trạng gian dối không được ngăn chặn bởi đã có lãnh đạo “nêu gương”.

Vụ Đại học Đông Đô mấy năm trước là một thí dụ. Chỉ trong vòng một năm (từ tháng 4/2018 đến tháng 3/2019) trường đại học này đã cấp 429 văn bằng tiếng Anh giả cho những người có nhu cầu lấy bằng nhanh để hoàn thiện đầu vào, đầu ra nhằm mục đích vụ lợi.

Điều đáng nói là khi vụ án này khép lại, chỉ có những kẻ tiếp tay, giúp sức cho hành vi gian dối bị xử phạt. Trong số hơn 400 người “mua” bằng giả, có 67 người dùng loại giấy tờ này để làm nghiên cứu sinh, học thạc sĩ, kê khai hồ sơ, thi công chức hoặc thi thăng hạng – tức họ đều là “người nhà nước” và có chức vụ. Tuy nhiên, chỉ có 2 trường hợp bị miễn nhiệm chức vụ, 14 trường hợp khác bị kỷ luật cảnh cáo, khiển trách hoặc kiểm điểm. Danh sách đen mà dư luận muốn biết vẫn không được đưa ra ánh sáng.

Kết quả xử lý vụ Đại học Đông Đô nói trên là một minh chứng cho sự coi thường kỷ cương phép nước, rốt cuộc những kẻ sai phạm nhờn luật, tiếp tục dối trên, lừa dưới với những bằng cấp giả, lí lịch rởm để luồn sâu leo cao.

Điểm b, d Khoản 3 Điều 11 của Quy định 102-QĐ/TW nêu rõ, đảng viên “Có hành vi chạy chức, bằng cấp, vị trí công tác, luân chuyển”; “Làm giả hồ sơ để được xét đi học, tiếp nhận, tuyển dụng vào các cơ quan, tổ chức” thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng.

Khoản 3, Điều 13 và Khoản 4 Điều 19 của Nghị định 112/2020/NĐ-CP nêu rõ, cán bộ công chức “sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị” sẽ bị xử lí hình thức kỷ luật buộc thôi việc.

Muốn trong sạch đội ngũ thì không thể không xử nghiêm những cán bộ lãnh đạo gian dối, và cả những người/tổ chức đã bao che, dung túng cho sự gian dối đó dù ở cương vị công tác nào.

1/11/2023
Nguyễn Nguyễn





 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
Luong truy cap
CM tháng 8 và QK 2/9
79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8
& QUỐC KHÁNH 2/9
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập193
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm192
  • Hôm nay32,164
  • Tháng hiện tại422,218
  • Tổng lượt truy cập59,319,871
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây