Chống tham nhũng, tiêu cực: "Quyết tâm, quyết liệt hơn nữa theo tinh thần thượng tôn pháp luật"

Thứ bảy - 29/06/2024 18:01
Tính từ đầu nhiệm kỳ 13 đến nay, đã có 22 ủy viên Trung ương bị thôi chức trong đó 8 người bị khởi tố, 3 người bị kỷ luật.

Đó là chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau khi nghe lãnh đạo Ban Chuyên án báo cáo về một số vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo. Thông tin này được Trung tướng Tô Ân Xô - người phát ngôn Bộ Công an - cho biết tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 chiều 4/5/2024.

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, Tổng Bí thư yêu cầu Bộ Công an tiếp tục quyết tâm, quyết liệt hơn nữa theo tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, và mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

Thông tin trên gây sự chú ý và càng củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực đang ngày càng nóng bỏng.

Tính từ đầu nhiệm kỳ 13 đến nay, đã có 22 ủy viên Trung ương bị thôi chức trong đó 8 người bị khởi tố, 3 người bị kỷ luật. Trong số 22 ủy viên trung ương có 7 ủy viên Bộ Chính trị bị thôi chức vì trách nhiệm người đứng đầu liên quan tới một số vụ đại án. Đó là các ông bà: Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, Trương Thị Mai, Phạm Bình Minh, Trần Tuấn Anh, Đinh Tiến Dũng.

Điều khiến dư luận quan tâm là nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp, dù đã “hạ cánh an toàn” mấy năm nay những vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự bởi sai phạm do bản thân gây ra khi đương chức. Đó trường hợp của ông Mai Tiến Dũng, cựu bộ trưởng, cựu chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Ông Dũng vừa bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ liên quan tới vụ án đưa và nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng. Hơn một năm trước, ngày 13/1/2023, Ban Bí thư đã quyết định kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với ông Dũng, do vi phạm liên quan đến vụ “chuyến bay giải cứu” đưa công dân về nước trong dịch Covid-19.

Khi đương chức bộ trưởng, ông Mai Tiến Dũng từng có câu nói “nổi tiếng”: Nếu chúng ta sai, chúng ta nhận lỗi trước dân. Nếu dân sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật".

Đặc biệt, trong các ngày 6 và 7/5/2024, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ thứ 41, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010-2015; ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy; các ông Lê Hoàng Quân, Nguyễn Thành Phong, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND Thành phố vì đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý, sử dụng đất, tài chính, tài sản, đầu tư, quy hoạch, xây dựng ở các dự án do Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và ở các gói thầu, dự án do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) thực hiện, gây hậu quả rất nghiêm trọng, nguy cơ thất thoát, lãng phí rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước và nguồn lực xã hội, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền Thành phố.

Hồi tháng 3/2020, Trung ương đã kỷ luật bằng hình thức cách chức bí thư Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2010 – 2015 đối với ông Lê Thanh Hải và cảnh cáo đối với ông Lê Hoàng Quân do liên quan những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của nhà nước, ảnh hưởng xấu đến phát triển KT-XH và đời sống của một bộ phận nhân dân thành phố, gây bức xúc trong xã hội.

Những thông tin trên làm yên lòng dư luận, củng cố niềm tin của người dân đối với Đảng trong cuộc chiến chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước. Con số 22 ủy viên Trung ương cùng với hàng trăm cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý và nhiều tập thể ban thường vụ tỉnh ủy ở nhiều tỉnh thành bị xử lý kỉ luật trong nhiệm kỳ này đã cho thấy tính chất quyết liệt, không khoan nhượng của cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.
 
Đó cũng là hồi chuông cảnh báo, tham nhũng, tiêu cực không còn nhỏ lẻ mà đã cấu kết thành tập đoàn lợi ích giữa cán bộ có chức quyền với các doanh nghiệp sân sau. Đồng tiền bất chính đã tha hóa những cán bộ, đảng viên từng được người dân gửi gắm niềm tin khi được trao trọng trách lãnh đạo Đảng, quản lý Nhà nước các cấp. Đó cũng là bài học sâu cay về công tác tổ chức, công tác quy hoạch cán bộ.

Về vấn đề này, ngay từ những ngày đầu xây dựng chính quyền cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân”. Người còn nói: “nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển càng thêm nhiều”.

Đấy là chuyện của gần 80 năm trước. Còn bây giờ nước hơn trăm triệu dân, người tài đức càng không thiếu, càng không phải lo “kỷ luật cán bộ rồi thì lấy ai làm việc”.

Một nền hành chính công minh bạch, quy tụ được người tài đức một lòng một dạ phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân là mong mỏi lớn nhất của người dân bấy lâu nay.

29/6/2024
Nguyễn Duy Xuân


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

20/11
NGÀY NHÀ GIÁO VN 20/11
VÌ MỘT NỀN GIÁO DỤC
NHÂN BẢN - DÂN TỘC - KHAI PHÓNG
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
Luong truy cap
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập259
  • Hôm nay39,293
  • Tháng hiện tại82,168
  • Tổng lượt truy cập62,152,821
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây