Tuyên thệ - hành động và niềm tin

Thứ tư - 01/02/2023 15:11
"Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước QH, trước đồng bào và cử tri cả nước, tôi xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam."
Tuyên thệ - hành động và niềm tin

LTS - 8h35 sáng ngày 26/7/2021, tại Phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thực hiện nghi lễ tuyên thệ nhậm chức.

Trước sự chứng kiến của Quốc hội, đứng trước cờ Tổ quốc, tay trái đặt lên bản Hiến pháp, tay phải giơ cao, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ: “Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, trước đồng bào cử tri cả nước, tôi - Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân và Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Tôi nguyện nỗ lực rèn luyện phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó".

Gần 18 tháng sau, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 3, Quốc hội khóa XV diễn ra chiều 18/1, Quốc hội chính thức miễn nhiệm chức Chủ tịch nước đối với ông Nguyễn Xuân Phúc. Ông Phúc chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 phó thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; 2 phó thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự.

Nhân sự kiện hy hữu này, xin đăng lại bài viết ngày 8/4/2016 về việc tuyên thệ của các vị lãnh đạo Nhà nước vừa mới được Quốc hội khóa 13 bầu.



 Ông Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ khi nhậm chức Chủ tịch nước. Ảnh VTV.vn

"Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước QH, trước đồng bào và cử tri cả nước, tôi xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam."

Đó là lời thề thiêng liêng của các vị lãnh đạo Nhà nước vừa mới được Quốc hội khóa 13 bầu trong kì họp này.

Lần đầu tiên, cả ba chức danh: Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ tuyên thệ trước Quốc hội, trước quốc dân đồng bào. Một sự kiện thu hút sự quan tâm sâu sắc của dư luận, đồng thời cử tri cả nước cũng đặt trọn niềm tin vào lời thề của các vị lãnh đạo vừa tuyên thệ.

Chuyện tuyên thệ từ lâu không còn xa lạ đối với các quốc gia trên thế giới. Ở nước ta cũng vậy. Từ hàng trăm năm trước, các triều đại phong kiến trong lịch sử nước nhà đều coi trọng lời thề thiêng liêng trước hùng khí non sông, anh linh tiên tổ thông qua lễ tế trời đất tại các đàn tế như đàn Xã Tắc, đàn Nam Giao...

Trong lịch sử Nhà nước cách mạng hơn 70 năm qua, cũng đã có những lễ tuyên thệ như thế.

Ngày 16-17/8/1945, tại Tân Trào, sau khi Quốc dân Đại hội bầu ra Ủy ban Giải phóng Dân tộc Việt Nam trước bàn thờ Tổ quốc và hòn đá thề cửa đình Tân Trào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời tuyên thệ: “Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc, dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước... Xin thề!”.

Khi thành lập Chính phủ kháng chiến, Hồ Chủ tịch cũng đã đọc lời tuyên thệ nhậm chức: "Trước bàn thờ thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, thề xin cương quyết lãnh đạo nhân dân kháng chiến, thực hiện nền dân chủ cộng hòa Việt Nam, mang lại tự do, hạnh phúc cho dân tộc. Trong công việc giữ gìn nền độc lập, chúng tôi quyết vượt mọi nỗi khó khăn dù phải hy sinh tính mệnh cũng không từ".

Vì vậy việc tổ chức nghi lễ tuyên thệ trang trọng tại Quốc hội vừa qua chính là việc chúng ta đang trở lại với truyền thống và giá trị phổ quát của nhân loại.

Việc các vị lãnh đạo Nhà nước tuyên thệ khi nhậm chức rõ ràng là đã tạo được niềm tin cho đồng bào và cử tri cả nước đối với những người được giao trọng trách chèo lái con thuyền đất nước trong bối cảnh hiện nay.

Lời tuyên thệ tuy ngắn gọn nhưng đó là lời hứa, là sự cam kết thiêng liêng của người đứng đầu các cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Các vị lãnh đạo sẽ phải ghi nhớ, suy nghĩ về lời tuyên thệ để luôn luôn gắng hết sức mình làm tròn phận sự trước Tổ quốc, trước Nhân dân.

Vì thế, nhân dân tin tưởng và kỳ vọng sau các lễ tuyên thệ, những người lãnh đạo cao nhất của đất nước sẽ luôn nhớ đến những gì mình tuyên thệ trước Quốc hội và trước đồng bào, sẽ biến lời thề thành hành động, nỗ lực hết sức mình phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân, tất cả vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Trong buổi lễ tuyên thệ sáng 7/4/2016 có một chi tiết đáng chú ý, sau khi tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đứng lên nói: "Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam ghi nhận lời tuyên thệ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Chúc đồng chí hoàn thành nhiệm vụ và thực hiện đúng lời tuyên thệ hôm nay!".

8-4-2016
Nguyễn Duy Xuân


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Luong truy cap
CM tháng 8 và QK 2/9
79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8
& QUỐC KHÁNH 2/9
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập232
  • Hôm nay29,642
  • Tháng hiện tại449,488
  • Tổng lượt truy cập60,333,295
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây