Tản mạn đầu năm

Thứ sáu - 06/01/2023 15:20
Đã bước sang năm 2023 được mấy ngày rồi mà vẫn còn cảm giác bâng khuâng của thời khắc giao thừa giữa năm cũ sang năm mới. Âu đó cũng là lẽ thường tình khi tâm lý con người chưa quen với cái mới mẻ của thời gian trong vòng xoay vũ trụ.
Có lẽ vì thế mà sáng nay, tâm trạng tôi lại đan xen bao nỗi suy tư về một năm 2022 đầy biến động, đúng theo nghĩa đen của từ này.

Gần một năm qua, từ khóa được biết đến nhiều nhất trên Google có lẽ là cuộc chiến Nga – Ukraine. Bây giờ hơn 300 ngày sau khi ông Putin phát động chiến tranh, Nga vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra là trong vòng 48 giờ, thủ đô Kiev và 4 thành phố khác sẽ bị chiếm. Thất bại của Nga trong cuộc chiến này có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian?

Nhưng nực cười nhất là cuộc chiến tận trời Âu ấy lại đang gây chia rẽ sâu sắc người Việt. Các cuộc cà phê vỉa hè bỗng trở nên hoạt náo bởi những trận cãi nhau căng thẳng không ai chịu ai giữa phe phản đối và phe ủng hộ Putin. Phe phản đối khẳng định dứt khoát: Putin đích thị là kẻ xâm lược. Phe ủng hộ thì cho rằng Ukraine “mất dạy” cho nên bị Nga “đập” cho là phải; còn tổng thống Zelenxki chỉ là một “thằng hề” đọ sao nổi Putin lão luyện tài ba. Vân vân và vân vân. Có lẽ phải đợi đến khi cuộc chiến trên chiến trường ngã ngũ thì may ra các cuộc tranh cãi ấy mới có thể chấm dứt.  

Còn trong nước thì nổi cộm nhất là chuyện các vụ đại án: Kit Việt Á, chuyến bay giải cứu, AIC, Trịnh Văn Quyết, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát. 365 ngày vừa qua, tin tức về các vụ đại án này không ngày nào là không tràn ngập trên báo chí và mạng xã hội. Danh sách quan chức liên quan đến các đại án này ngày một dài ra trong đó có những cái tên rất “nổi tiếng” như cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành; các cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, Vũ Hồng Nam; cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái; các cựu Phó chủ tịch tỉnh Chữ Xuân Dũng (Hà Nội), Trần Văn Tân (Quảng Nam).

Suốt năm qua, tin tức về các vụ đại án tham nhũng, tiêu cực không ngày nào là không tràn ngập trên báo chí và mạng xã hội khiến cho tâm trạng dư luận dường như đã bị “chai” trước những thông tin vốn làm cho mọi người bàn tán sôi nổi như hồi cách đây mấy năm khi công cuộc đốt lò tham nhũng vĩ đại vừa mới được nhen nhóm.

Người dân nghiệm ra một thực tế là, dường như lò càng cháy, tham nhũng không những càng tinh vi mà còn táo tợn, vụ sau to hơn vụ trước về quy mô và chức vụ. Các ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh, Trần Văn Nam, Phạm Xuân Thăng, Tô Anh Dũng, Chữ Xuân Dũng, Trần Văn Tân khi phạm tội đều đương chức. Họ là những cán bộ lãnh đạo chủ chốt được lựa chọn rất kỹ càng và bài bản trong các kỳ đại hội Đảng gần đây nhất. Vậy mà không hiểu sao, họ vẫn “quyết” nhúng chàm dẫu biết rất rõ là lò thiêu tham nhũng đang bừng bừng cháy và người lãnh đạo cao nhất của Đảng luôn cảnh báo rằng “chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Tại sao vậy? Tại sao những người như các vị nêu trên không biết sợ tham nhũng? Câu hỏi ấy ám ảnh trong đầu những ai còn chút quan tâm đến thế sự đất nước.

Ba bốn chục năm trước, nhiều người cùng chung suy nghĩ và trông chờ ở thế hệ 8X, 9X – lớp người trẻ nắm vận mệnh, nắm cơ hội làm thay đổi thời cuộc nhất là trong lĩnh vực quản trị đất nước. Họ bước vào tuổi trưởng thành khi nhân loại vừa đặt chân sang thế kỷ 21. Họ được đào tạo bài bản, nhiều người còn được đi tu nghiệp ở nước ngoài, tiếp thu tinh hoa tri thức về mọi mặt của nhân loại. Họ là những hạt giống đầy hứa hẹn cho những vụ mùa bội thu của đất nước trên con đường đi tới tương lai giàu đẹp.

Nhưng rồi mong ước dường như vẫn chỉ là mong ước. Những Nguyễn Xuân Anh, Lê Phước Hoài Bão, Vũ Quang Hải, Nguyễn Nhân Chinh,… hóa ra chỉ là trái chín ép của hạt giống không được ươm đúng quy trình, không đủ ngày đủ tháng. Họ được đặt vào ghế cao nhờ cái uy của những bậc phụ huynh đầy quyền lực. Bằng cấp đầy mình chả nói lên điều gì khi họ được cha anh trao cho những chức vụ quản lý nhà nước không liên quan đến chuyên môn, không trải qua thực tiễn sàng lọc tự nhiên trong môi trường công tác. Kết cục như thế nào mọi người đã rõ. Nhưng xem ra những tấm gương trên vẫn chưa đủ để thức tỉnh những ai đang cố trải thảm đỏ cho con em mình thăng tiến. Đất nước sẽ ra sao dưới bàn tay lãnh đạo của những người trẻ được đặt vào mâm cỗ dọn sẵn mà không phải bằng sự nỗ lực phấn đấu, rèn luyện của bản thân?

Trong đại án “chuyến bay giải cứu”, có hai quan chức mới bị bắt tuổi đời còn tương đối trẻ. Đó là ông Chữ Xuân Dũng, sinh năm 1973, Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội (từ tháng 12/2020) và ông Trần Văn Tân, sinh năm 1979, Phó Chủ tịch Quảng Nam (từ tháng 4/2018).

Cả hai ông đều có bằng tiến sĩ, lý luận chính trị cao cấp, đều đảm nhận chức vụ lãnh đạo khi đang ở tuổi ba mươi. Các ông bước vào thế kỷ 21 khi đang tuổi thanh xuân, được xem là thế hệ “vàng” đem lại kỳ vọng cho sự phát triển của đất nước. Vậy mà, ông Dũng, ông Tân cũng không thoát khỏi bả vật chất đầy cám dỗ giữa lúc đại dịch cô vít đang khiến đất nước cũng như người dân lao đao.

Làm sao để cán bộ không dám, không thể, không cần, không muốn tham nhũng? Đó là câu hỏi lớn mà cử tri cả nước đang đặt ra đồng thời cũng là quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong cuộc đấu tranh quyết liệt phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.

03/01/2023
Nguyễn Duy Xuân



 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

20/11
NGÀY NHÀ GIÁO VN 20/11
VÌ MỘT NỀN GIÁO DỤC
NHÂN BẢN - DÂN TỘC - KHAI PHÓNG
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
Luong truy cap
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập64
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm60
  • Hôm nay17,943
  • Tháng hiện tại67,822
  • Tổng lượt truy cập61,226,237
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây