Nhân kỷ niệm 50 năm ngày quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm, xin đăng lại bài viết hồi 2016. Bài đã đăng trên các báo điện tử kienthuc.net.vn, soha.vn.
Trong những ngày qua, báo chí dồn dập đăng tin bài về những hoạt động tưởng niệm Hoàng Sa nhân dịp đánh dấu 42 năm ngày Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam.
Nổi bật nhất và thu hút sự quan tâm của dư luận cả nước là 2 sự kiện đặc biệt quan trọng, đó là khởi công xây dựng Nhà trưng bày Hoàng Sa tại Đà Nẵng, ngày 7-12-2015 và mới đây nhất là Khu tưởng niệm Hoàng Sa tại Lý Sơn, ngày 17-1-2016 . Nhà trưng bày Hoàng Sa là nơi lưu giữ những bằng chứng lịch sử về chủ quyền đã có tự ngàn xưa của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Còn Khu tưởng niệm Hoàng Sa tại Lý Sơn sẽ là nơi nhắc nhở muôn đời con cháu ghi nhớ công lao của các thế hệ người Việt từ bao đời nay đã không tiếc máu xương để gìn giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc; đặc biệt là để cho thế giới và thế hệ sau này hiểu rằng quần đảo Hoàng Sa là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam như lời ông Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng đã khẳng định(1).
Một sự kiện quan trọng khác là ngay trong ngày 19.1, đánh dấu 42 năm Trung Quốc chiếm đóng Hoàng Sa (19-1-1974/19-1-2016), Hội Khoa học Lịch sử TP.Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học về Hoàng Sa lần thứ hai.
Những hoạt động trên diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động trái phép ở Trường Sa như gấp rút xây đường băng trên đảo đá Subi và đảo đá Vành Khăn, đưa dân thường ra đảo đá Chữ Thập, xâm phạm vùng bay Hồ Chí Minh…
Có thể nói chưa bao giờ tiếng nói chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc được cất lên mạnh mẽ như hiện nay. Tiếng ông cha – hồn thiêng sông núi tự ngàn xưa vọng về, thôi thúc giục giã. Những lúc này hơn lúc nào hết, chúng ta càng thấm thía lời dạy của bậc thánh nhân, hết lòng vì lợi ích quốc gia, dân tộc đó là vua Trần Nhân Tông:
“… Không thôn tính được ta, thì gặm nhấm ta
Họ gặm nhấm đất đai của ta, lâu dần họ sẽ biến giang san của ta từ tổ đại bàng thành cái tổ chim chích.
Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn:
Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác.
Ta cũng để lại lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho muôn đời con cháu”.
Vâng, “Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác”! Muôn đời con cháu hãy nhớ lấy điều đó.
Trên báo Thanh niên ngày 17-1 có cái tựa thật hay: “Hoàng Sa, còn nhớ là không thể mất”. Đất nước này trường tồn bởi những điều giản dị như thế. Hoàng Sa, Trường Sa trong tim mỗi người dân nước Việt. Đánh mất điều thiêng liêng ấy là có tội với tiền nhân và đất nước.
Tôi xin mượn lời của ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam chia sẻ với báo chí khi xem một số đồ án thiết kế tiêu biểu về Khu tưởng niệm Hoàng Sa được trưng bày lấy ý kiến người dân ở TP.HCM vào giữa tháng 12-2015: “Bây giờ quần đảo Hoàng Sa lọt vào tay Trung Quốc nhưng chúng tôi tin rằng con cháu chúng ta phải lấy lại bởi đó là một phần máu thịt đất nước Việt Nam”(2).
Hoàng Sa rồi sẽ trở về trong lòng đất Mẹ Việt Nam. Tôi, bạn và 90 triệu người dân nước Việt tin như thế bởi đó là chân lí mà chân lí thì không một thế lực đen tối nào có thể thay đổi được.