“Khó khăn thì xây tượng đài để làm gì?”
admin100
2023-06-04T16:24:00-04:00
2023-06-04T16:24:00-04:00
http://nguyenduyxuan.net/toi-lam-bao/kho-khan-thi-xay-tuong-dai-de-lam-gi-11913.html
http://nguyenduyxuan.net/uploads/news/2023_06/image-20230601163124-1.jpeg
Nguyễn Duy Xuân
http://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Chủ nhật - 04/06/2023 16:24
Điều mà đại biểu Vân trăn trở cũng chính là vấn đề mà báo chí và dư luận từng phản ánh trong nhiều năm qua. Nhiều địa phương hằng năm phải nhận gạo cứu trợ vào dịp Tết Nguyên đán nhưng vẫn quyết bỏ ra hàng trăm, thậm chí là ngàn tỷ đồng từ ngân sách để “đua” xây tượng đài, cổng chào.
Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ vừa dựng xong đã sụt lún. (Ảnh báo Thanh tra)
Đó là câu hỏi mà đại biểu Lê Thanh Vân nêu ra tại kỳ học thứ 5 Quốc hội khóa XV trong phiên thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bày tỏ sự không đồng tình khi nhiều dự án tượng đài, cổng chào vẫn triển khai trong lúc đời sống người dân còn khó khăn, ông Lê Thanh Vân không giấu nỗi băn khoăn, lo lắng: "Ở vùng sâu vùng xa, khó khăn như vậy thì xây tượng đài để làm gì"?.
Điều mà đại biểu Vân trăn trở cũng chính là vấn đề mà báo chí và dư luận từng phản ánh trong nhiều năm qua. Nhiều địa phương hằng năm phải nhận gạo cứu trợ vào dịp Tết Nguyên đán nhưng vẫn quyết bỏ ra hàng trăm, thậm chí là ngàn tỷ đồng từ ngân sách để “đua” xây tượng đài, cổng chào.
Mới đây, có báo chạy tít “Lo 'lạm phát' tượng đài hoành tráng”. Nỗi lo ấy của tác giả bài báo là có cơ sở. Vào Google gõ cụm từ “dự án tượng đài” cho ra cơ man nào là thông tin đăng tải trên các báo chỉ sau chưa đầy 1/3 giây. Xin nêu một số dự án tượng đài sẽ khởi công hoặc hoàn thành trong năm 2023: dự án tượng đài Chiến thắng Cát Bi hơn 131 tỷ đồng, đặt tại Cảng hàng không Cát Bi; dự án khu tượng đài Bà Triệu tại Thanh Hóa hơn 250 tỷ đồng; dự án công viên, tượng đài tưởng niệm 64 giáo viên, học sinh hy sinh tại Thanh Hóa) với tổng mức đầu tư hơn 125 tỉ đồng; dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc trị giá 255 tỷ đồng ở Thanh Hóa; dự án đầu tư xây dựng cụm Tượng đài kỷ niệm chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cà Mau với tổng mức đầu tư trên 179 tỷ đồng;…
Chỉ 5 dự án nói trên đã tiêu tốn ngót nghét 1000 tỷ đồng. Còn bao nhiêu dự án tượng đài khác đã và đang xây dựng trong cả nước từ trước tới nay? Thật khó mà thống kê hết. Các dự án tượng đài có thể nói tiêu tốn rất nhiều tiền ngân sách trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang hết sức khó khăn sau đại dịch, đời sống người dân, nhất là ở vùng sâu vùng xa còn nhiều gian khổ, vất vả. Nhưng điều đáng lo ngại nhất là sự thất thoát, lãng phí khi thực hiện các dự án tượng đài, cổng chào. Đã có những tượng đài xuống cấp ngay sau khi vừa khánh thành xong, nhiều cá nhân liên quan tới nghi vấn rút ruột công trình bị khởi tố như tượng đài Chiến Thắng Điện Biên Phủ (khánh thành 2004) ở đồi D1 thành phố Điện Biên Phủ hoặc trở nên hoang phế như tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế ở TP Ninh Bình (https://tuoitre.vn/tuong-dai-dinh-tien-hoang-hon-1500-ti-dong-bi-bo-hoang-1008403.htm) hay vừa đưa vào sử dụng đã bị mưa giông đánh sập như cổng chào TP Dĩ An .
Sự thất thoát, lãng phí là không thể tránh khỏi bởi những thỏa thuận ngầm, “luật bất thành văn” giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Mới đây, vụ clip được cho là liên quan đến một phó chủ tịch UBND huyện Phú Tân ở Cà Mau mặc cả “lại quả” với nhà thầu từ 20 lên 30% giá trị công trình là một minh chứng cho điều lan truyền âm ỉ từ lâu trong dư luận về cái gọi là phết phẩy trắng trợn trong các lĩnh vực đầu tư công.
Vấn đề đặt ra ở đây là, những người cầm chịch các dự án tượng đài không thể không biết đất nước nói chung, địa phương mình nói riêng đang hết sức khó khăn. Biết, nhưng vẫn làm dự án vì cái phần trăm hấp dẫn kia. Họ bất chấp lò thiêu tham nhũng bởi chỉ một chữ ký hay cú gật đầu là có ngay 30% của tổng chi phí công trình. Dự án 100 tỷ chẳng hạn, chủ đầu tư nghiễm nhiên đút túi 33 tỷ. Một con số khủng, ngon ăn vậy bảo sao không ham. Địa phương khó khăn thế chứ khó khăn đến bao nhiêu đi chăng nữa vẫn quyết… xây tượng đài dù di tích chỉ cần một bức phù điêu ghi nhận, tưởng nhớ là đủ.
Điều lạ là, dư luận, báo chí từng lên tiếng rất quyết liệt về vấn đề này nhưng xem ra cơn sốt xây tượng đài, cổng chào vẫn không hề thuyên giảm, thậm chí thời gian gần đây càng nở rộ thành phong trào đua chen giữa các địa phương. Có tờ báo chạy tít “Phải ngăn “phong trào” xây tượng đài, cổng chào!”.
Nhưng… báo chí kêu thì cứ kêu, nào đã thấy ai “ra tay bộ hổ”, ngăn chặn có hiệu quả cơn sốt dự án tượng đài, cổng chào trong bối cảnh tình hình kinh tế, xã hội của đất nước còn gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19.
31/5/2023
Nguyễn Duy Xuân