Có nên tiếp tục biên soạn một bộ sách giáo khoa của nhà nước?

Thứ sáu - 27/10/2023 18:01
Theo báo cáo của Ban Dân nguyện, hiện có 36 tỉnh, TP trực thuộc trung ương đề nghị nên có 1 bộ SGK để sử dụng chung. Rất nhiều ý kiến bạn đọc được báo chí phản ánh đều đồng tình, ủng hộ chủ trương Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ SGK.

Mười năm trước, BCH Trung ương Đảng khóa XI ra Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
 
Tiếp theo đó, năm 2014 Quốc hội ban hành Nghị quyết 88/2014/QH13, nêu rõ: “Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa (SGK); có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học.

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa.”.

Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội, Bộ GD-ĐT mới tổ chức biên soạn được 3 bộ SGK xã hội hóa còn bộ SGK chuẩn của nhà nước vẫn nằm yên trong nghị quyết.

Từ khi có các bộ SGK xã hội hóa, giá sách giáo khoa thay đổi, tăng gấp 2-3 lần khiến hàng triệu phụ huynh đau đầu, còn các nhà xuất bản, đặc biệt là Nhà xuất bản Giáo dục thì lãi khủng. Giải trình trước các Đại biểu Quốc hội vào ngày 25/5/2022, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu lý do sách giáo khoa (SGK) đội giá gấp 2, gấp 3 so với sách cũ là vì “khổ to, giấy tốt”.

Mục tiêu xã hội hóa sách giáo khoa là tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để có sách tốt hơn, đa dạng hơn và giá sách phù hợp với thu nhập của đại đa số người dân nhưng xem ra trên thực tế, mục tiêu đó đã thất bại. Thị trường loạn các loại SGK, sách tham khảo; nguy cơ cạnh tranh bằng chiết khẩu đẩy xã hội hóa thành thương mại hóa ảnh hưởng lớn đến đại đa số người dân nhất là người nghèo, nông thôn và miền núi. Bên cạnh đó, có bộ sách lại mắc rất nhiều lỗi (như bộ sách “Cánh diều”) mà truyền thông đã từng phản ánh trong thời gian qua.

Những biểu hiện nói trên khiến dư luận băn khoăn, lo ngại về hiệu quả xã hội hóa SGK. Ngày 2/8/2023, tại Hội nghị phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội và cơ quan Thường trực Đoàn giám sát Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có báo cáo về việc ban hành chính sách, pháp luật và công tác quản lý Nhà nước về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 - 2022. Theo đó, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề xuất kiểm tra việc có hay không lợi ích nhóm trong in ấn, phát hành SGK, đẩy giá lên cao.

“Sự độc quyền dẫn đến lợi ích nhóm trong việc in ấn phát hành SGK và bán giá cao sẽ ảnh hưởng đến các hoàn cảnh khó khăn, nhất là trong giai đoạn kinh tế đang phục hồi sau đại dịch Covid-19, việc này sẽ tạo áp lực cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn”, báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu rõ.

Xuất phát từ thực tế đó, ngày 18/9/2023, Chủ tịch Quốc hội ký ban hành nghị quyết 686/NQ-UBTVQH15, khẳng định tiếp tục thực hiện chủ trương Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ sách giáo khoa như đã nêu trong Nghị quyết 88/2014/QH13.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng xã hội hóa nhưng vẫn phải bảo đảm nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục. Do đó, ông đề nghị Bộ GD-ĐT thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Nghị quyết 88 là biên soạn bộ sách giáo khoa của nhà nước.

Tại Công điện số 747/CĐ-TTg ngày 16/8/2023, Thủ tướng yêu cầu các Bộ liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương có giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập nêu tại Báo cáo số 584/BC-ĐGS ngày 11/8/2023 của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội, trong đó có việc chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước.

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề xuất Quốc hội nghiên cứu và đưa ra chiến lược trong biên soạn SGK, đảm bảo tính bền vững tương đối; không nên thay đổi thường xuyên vì gây lãng phí; Bộ GD-ĐT đổi mới thành phần của hội đồng biên soạn chương trình và SGK để đưa những người có chuyên môn giỏi, nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp vào hội đồng.

Sau khi có các nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về biên soạn một bộ sách giáo khoa của nhà nước, dư luận xã hội và báo chí dấy lên hai luồng ý kiến trái chiều, giữa ủng hộ và phản đối biên soạn một bộ SGK của nhà nước.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận một thực tế, đó là việc Bộ GD-ĐT không biên soạn một bộ SGK đã gây lúng túng cho địa phương, phụ huynh và học sinh trong quá trình lựa chọn SGK.

Theo báo cáo của Ban Dân nguyện, hiện có 36 tỉnh, TP trực thuộc trung ương đề nghị nên có 1 bộ SGK để sử dụng chung. Rất nhiều ý kiến bạn đọc qua phản ánh của báo chí đều đồng tình, ủng hộ chủ trương Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ SGK.

Khẳng định tính cần thiết của việc có một bộ SGK nhà nước, ông Đặng Tự Ân, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho rằng, nếu quay về thực hiện tinh thần Nghị quyết 88 sẽ giải quyết được nhiều mâu thuẫn hiện nay về vấn đề SGK; do đó, rất cần thiết việc biên soạn một bộ SGK của nhà nước, thậm chí là càng biên soạn sớm càng tốt.

Tuy nhiên, gần đây trên nghị trường, có người đặt vấn đề phủ nhận một bộ SGK nhà nước.

Họ cho rằng “ngay năm đầu tiên thực hiện đổi mới, đã có 3 nhà xuất bản và nhiều công ty sách tổ chức biên soạn, xuất bản, phát hành đầy đủ sách giáo khoa của tất cả các môn học”.

Họ lập luận “bỏ ra trên dưới 400 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước để làm thêm một bộ sách giáo khoa nữa là lãng phí, dẫn đến tình trạng trở lại độc quyền, xóa bỏ xã hội hóa” (trong khi thực tế SGK xã hội hóa đang lộ rõ lợi ích nhóm, độc quyền thể hiện qua việc in ấn, “đi đêm” chọn sách, đẩy giá cả lên cao như báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nêu).

Họ viện lý do “việc tổ chức biên soạn bộ sách giáo khoa của bộ không thực hiện được do không huy động được đủ số lượng tác giả cần thiết”.

Nhưng họ có biết đâu (hoặc không muốn biết) khi tổ chức biên soạn SGK xã hội hóa, Bộ GD-ĐT đã “quên chủ động” thực hiện vế sau của Nghị quyết 88: “Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa”. Nếu Bộ triển khai đúng tinh thần NQ QH, vừa xã hội hóa vừa biên soạn một bộ sách nhà nước thì làm gì có chuyện “không huy động được đủ số lượng tác giả cần thiết”.

Cử tri cả nước nhất là hàng triệu phụ huynh và học sinh chỉ mong có một bộ SGK nhà nước nội dung tốt, giá cả phù hợp với người lao động để cạnh tranh sòng phẳng với SGK xã hội hóa, để người dân không còn phải chịu cảnh thua thiệt, âu lo về SGK mỗi khi năm học mới đến.

Tháng 10/2023
Nguyễn Duy Xuân
Nguồn tham khảo
:
- https://tuoitre.vn/de-nghi-xem-xet-trach-nhiem-viec-bo-gd-dt-khong-bien-soan-mot-bo-sach-giao-khoa-20230921101401961.htm
- https://vnexpress.net/bo-giao-duc-co-nen-bien-soan-them-mot-bo-sach-giao-khoa-4636913.html
- https://thanhnien.vn/chu-tich-quoc-hoi-van-can-mot-bo-sach-giao-khoa-cua-nha-nuoc-185230814170615127.htm
- https://thanhnien.vn/bo-gd-dt-thong-tin-moi-nhat-ve-de-xuat-bo-bien-soan-mot-bo-sach-giao-khoa-185230830154932138.htm
- https://plo.vn/thu-tuong-giao-bo-gddt-lam-noi-dung-sach-giao-khoa-cua-nha-nuoc-post747237.html
- https://nhandan.vn/bo-truong-nguyen-kim-son-kien-nghi-can-nhac-lai-su-can-thiet-bien-soan-them-bo-sach-giao-khoa-cua-nha-nuoc-post767248.html
- https://tuoitre.vn/bien-soan-mot-bo-sach-giao-khoa-cua-bo-co-tro-lai-doc-quyen-xoa-bo-xa-hoi-hoa-20231024135918191.htm



 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TỔ QUỐC TRÊN HẾT
CM tháng 8 và QK 2/9
79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8
& QUỐC KHÁNH 2/9
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
Luong truy cap
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập234
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm230
  • Hôm nay29,309
  • Tháng hiện tại462,851
  • Tổng lượt truy cập60,346,658
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây