Nỗi buồn mang tên “Lịch sử”

Thứ sáu - 27/05/2022 16:28
LTS: Bài này viết năm 2011, nhưng tính thời sự vẫn còn nóng hổi, nhất là lúc này đây, dư luận đang rất quan tâm chuyện Lịch sử là môn học tự chọn hay bắt buộc.

Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, Việt Nam phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh giữ nước và giải phóng dân tộc. Số phận đã đặt đất nước ở một vị trí địa chính trị đặc biệt để rồi thời nào cũng phải đương đầu với nạn ngoại xâm. Lòng quả cảm và tinh thần bất khuất là nét đặc trưng trong truyền thống ngàn đời của dân tộc. Đó chính là yếu tố làm nên sức mạnh để đất nước trường tồn dẫu phải trải qua những bước thăng trầm của lịch sử. Các thế hệ ông cha đã làm rất tốt cái việc giữ lửa và truyền lửa bất khuất cho con cháu:

Biết trồng tre đợi ngày thành gậy
Đi trả thù mà không sợ dài lâu.
(Nguyễn Khoa Điềm)

Còn chúng ta ngày nay thì sao?

Chuyện học trò dốt sử đang gây bức xúc trong xã hội. Bởi dốt sử tức là không hiểu biết gì về đất nước ông cha. Làm dân mà dốt sử thì sao có thể giữ và truyền lửa cho con cháu mai sau? Chúng ta đã quá quen với cái điệp khúc mà mùa thi nào cũng gặp: hàng ngàn học sinh bị điểm 0 môn sử. Nghĩa là hàng vạn thanh niên qua năm này năm khác, lơ mơ về quá khứ lịch sử của cha ông. Chất lượng giáo dục như thế là nguy cơ chứ không phải đáng buồn nữa. Thế mà, vị lãnh đạo cao nhất của ngành GD và ĐT lại khẳng định đó không phải là thảm họa(!).

Nhớ lại 60 năm trước, Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở:

Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam


Thế mà nay, đáng buồn thay, kết cục của việc dạy và học sử ở bậc phổ thông đang đi ngược lại lời dạy đó của Người.

Không chỉ ngành giáo dục có lỗi trong việc dạy sử nước nhà cho học sinh mà thái độ và cách hành xử của chúng ta về lịch sử có lúc, có nơi còn góp phần làm tăng cái sự dốt sử và đánh mất niềm tin của tuổi trẻ.

Thật khó hiểu khi ai đó đã đục bỏ bia ghi lại chiến công oanh liệt của quân dân ta ở Lạng Sơn trong cuộc chiến tranh Biên giới phía bắc mùa xuân năm 1979. Mới đây, người ta còn định đục bỏ lời thơ của Hồ Chí Minh viết về Nguyễn Huệ khắc trên tấm bia đặt tại đền thờ vị anh hùng dân tộc này trên núi Dũng Quyết ở Nghệ An. May thay, những người có ý định xóa bỏ lịch sử ấy còn biết sợ dư luận nên chưa dám đục thật mà chỉ áp vào một cái “mặt nạ” lên tấm bia gốc, ý muốn thử xem lòng dân phản ứng ra sao?

Hôm nọ, thật tình cờ, tôi lại phát hiện ra một sự thật không tưởng tượng nổi. Số là ngày nghỉ lễ Quốc khánh vừa qua, tôi đến nhà sách đối diện với cổng trường Đại học Tây Nguyên. Tôi vẫn thường dành cho mình thú vui này trong những ngày nghỉ. Đập vào mắt tôi là bộ sách gồm 12 tập bày trang trọng trên giá với cái tên gây chú ý độc giả: Những sự kiện lịch sử Việt Nam (từ 1945-2010) do hai tác giả Minh An và Bình An biên soạn, NXB Thanh Niên ấn hành quí 4-2010. Là một người thích tìm hiểu lịch sử, tôi hào hứng xem ngay. Và như một phản xạ tự nhiên hay là bị ám ảnh bởi những sự kiện “đục bỏ” nói trên mà khi mở tập “Tháng 2”, “Tháng 3”, tôi để ý xem tác giả viết về cuộc chiến tranh Biên giới năm 1979 như thế nào. Thế nhưng, một sự hụt hẫng, một sự thất vọng hoàn toàn khi ở cả hai tập trong mục tháng 2, tháng 3 “Năm 1979” không có một chữ nào về cuộc chiến tranh này (Chiến tranh xảy ra ngày 17-2-1979, kết thúc ngày 18-3-1979). Trong khi đó, ngày ban hành một nghị định của Chính phủ hay ngày mất của một vị Chủ tịch thành phố lại được ghi nhận là sự kiện lịch sử.

Nhớ lại cách đây vài tháng, một độc giả phát hiện cuốn sách dạy tiếng Trung với tựa đề "Luyện kỹ năng đọc hiểu Tiếng Hoa" cũng do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành, ở trang 274 lại in bản đồ Trung Quốc với đường lưỡi bò liếm gần hết cả biển Đông. Tôi tự hỏi tại sao sự thật lịch sử thì người ta lại xóa bỏ còn ngụy tạo lịch sử thì người ta lại mặc nhiên thừa nhận? Sách của nhà xuất bản Thanh Niên hướng tới đông đảo bạn đọc trẻ tuổi như tên gọi và mục đích của nó, để góp phần giáo dục thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống ông cha. Tuổi trẻ sẽ học được gì với những cuốn sách sai lệch sự thật lịch sử như thế?

Vẫn chưa yên tâm, tôi tìm đọc các cuốn sách viết về lịch sử Việt Nam hiện đại từ 1945 đến nay, có cả sách lịch sử Đảng, các cuốn này đều nhắc đến chiến tranh Biên giới 1979 tuy nội dung viết còn rất khái quát. Rõ ràng các nhà viết sử đã tôn trọng sự thật. Nhưng các tác giả biên soạn 12 tập sách Những sự kiện lịch sử Việt Nam (từ 1945-2010) thì không!

Nỗi buồn chưa nguôi thì tối 5-9 xem phim tài liệu Bộ Tổng tham mưu 65 năm xây dựng chiến đấu và trưởng thành (1946-2011) của Điện ảnh Quân đội chiếu trên VTV2 lúc 20 giờ, các sự kiện trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh Biên giới Tây Nam chống Pôn Pốt đều có cả, còn chiến tranh bảo vệ Biên giới phía Bắc tháng 2-1979 thì không có một hình ảnh hay lời bình nào. Tại sao? Ai có thể trả lời câu hỏi này? Lẽ nào một sự kiện lịch sử mới chỉ cách hôm nay hơn ba chục năm lại bị chối bỏ ở di tích, ở sách vở và cả trên phim ảnh truyền hình?

Những sự việc trên làm tôi nhớ đến câu châm ngôn: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn anh bằng đại bác”. Còn chúng ta? Chúng ta đang nã đại bác vào quá khứ!

6-9-2011
Nguyễn Duy Xuân

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TỔ QUỐC TRÊN HẾT
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
CM tháng 8 và QK 2/9
79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8
& QUỐC KHÁNH 2/9
Luong truy cap
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập189
  • Hôm nay32,164
  • Tháng hiện tại422,250
  • Tổng lượt truy cập59,319,903
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây