Lời giải nào cho bài toán “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”?
admin100
2023-09-12T22:02:49-04:00
2023-09-12T22:02:49-04:00
http://nguyenduyxuan.net/toi-lam-bao/loi-giai-nao-cho-bai-toan-khong-danh-doi-moi-truong-lay-tang-truong-kinh-te-12029.html
http://nguyenduyxuan.net/uploads/news/bao/bien-lo-dieu.jpg
Nguyễn Duy Xuân
http://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Thứ ba - 12/09/2023 21:56
Gần đây, dư luận băn khoăn trước việc một số “di sản” thiên nhiên có nguy cơ biến mất trong nay mai để nhường chỗ cho những dự án kinh tế.
“Xén” gần hết khu bảo tồn thiên nhiên
Tỉnh Thái Bình vừa ra quyết định số 731 của UBND tỉnh điều chỉnh diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải từ 12.500ha xuống còn 1.320ha (giảm hơn 11.000ha) để lấy đất làm đô thị. Chủ trương này của Thái Bình ngay lập tức nhận được sự phản ứng gay gắt từ các cơ quan chức năng và dư luận.
Trong văn bản báo cáo lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường về Quyết định số 731/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thái Bình, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học khẳng định, Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải là một trong hai vùng lõi của khu Dự trữ sinh quyển thế giới châu thổ sông Hồng, được UNESCO công nhận vào năm 2004. Quyết định của Thái Bình sẽ ảnh hưởng tới việc thực hiện các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học, chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện các cam kết quốc tế.
Đại diện Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) cho rằng, việc thu hẹp tới 90% Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải cần hết sức thận trọng, tuân thủ luật pháp Việt Nam và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, không đánh đổi thiên nhiên lấy phát triển kinh tế. Theo WWF, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải không chỉ là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng mà còn là một trong 63 vùng chim quan trọng (IBA) có ý nghĩa toàn cầu, đã được quốc tế công nhận.
Ông Michael Croft, Trưởng Đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) tại Việt Nam cũng vừa có văn bản gửi Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam (Bộ Ngoại giao) đề nghị cung cấp thông tin liên quan đến việc thu hẹp gần 90% diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải của chính quyền Thái Bình.
Lấy 600 ha rừng tự nhiên làm hồ thủy lợi
Để xây hồ thủy lợi Ka Pét có dung tích hơn 51 triệu m3 với tổng vốn hơn 874 tỷ đồng, cung cấp nước cho nông nghiệp, khu công nghiệp, sinh hoạt, cải tạo môi trường và điều tiết nước vùng hạ du Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận sẽ phải đốn hạ 619 ha rừng tự nhiên tại xã Mỹ Thạnh.
Theo phản ánh của báo chí, khu rừng sắp bị triệt hạ tồn tại từ lâu đời, gắn liền không gian sống của đồng bào Raglai hàng trăm năm qua. Khu rừng có rất nhiều loại gỗ quý hàng trăm năm tuổi, như lim, cẩm, hương, trắc, căm xe, mun, bằng lăng,…; nhiều loài động vật quý hiếm như nai đỏ, khỉ, voọc, heo rừng, chồn hương, nhím, kỳ đà,... trong số đó có loài thuộc nhóm có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng.
Trong số hơn 600 ha rừng tự nhiên sắp bị phá có 137 ha rừng đặc dụng của Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông. Nhờ được bảo vệ nghiêm ngặt, ít bị con người tác động, nên trữ lượng gỗ của khu rừng là rất lớn. Được biết, số lượng gỗ khổng lồ đó sẽ đem bán đấu giá cho đơn vị khai thác gỗ.
Tuy chủ trương phá hơn 600 ha rừng tự nhiên làm hồ thủy lợi đã được cấp trên phê duyệt, địa phương phải chấp hành nhưng lòng dân Mỹ Thạnh vẫn… buồn lắm.
Nguy cơ xóa sổ bãi biển đẹp, hoang sơ
Thôn Lộ Diêu nhỏ bé (thuộc xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) cách trung tâm TP.Quy Nhơn khoảng 80km về phía bắc. Người Lộ Diêu từ bao đời nay sống dựa vào làm nông và đi biển. Cảnh làng quê chân chất và bãi biển nên thơ chạy quanh gành đá, đậm chất hoang sơ tự nhiên. Lộ Diêu còn được xem là vùng “đất thép”, cái nôi của cách mạng ở Bình Định. Với địa thế 3 mặt giáp núi, trước mặt biển cả, nên trong kháng chiến, Lộ Diêu được chọn làm bến tàu không số để vận chuyển súng đạn, lương thực tiếp tế miền Nam.
Đó là những lợi thế to lớn của vùng đất này. Nếu có một chiến lược phát triển đúng đắn, trong tương lai không xa, Lộ Diêu sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách tới tham quan, nghỉ dưỡng.
Bãi biển Lộ Diêu. Ảnh báo Thanh niên
Nhưng vùng biển đẹp như tranh ấy đang đứng trước nguy cơ biến mất trong nay mai.
Cuối năm 2022, UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương cho Công ty CP gang thép Long Sơn đầu tư dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn tại thôn Lộ Diêu với tổng vốn đầu tư 53.500 tỉ đồng. Toàn bộ 556 hộ dân thôn Lộ Diêu sẽ phải di dời để lấy mặt bằng cho dự án.
Dư luận băn khoăn, lo lắng. Người dân Lộ Diêu càng như ngồi trên đống lửa.
Ngày 30/5/2023, tại buổi thông tin về các nội dung liên quan dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng trấn an người dân Lộ Diêu: “Nếu sau này làm nhà máy thép có mét khối nước thải nào đổ ra biển thì tôi chịu trách nhiệm”.
Ngày 13/4, tại Họp báo tình hình KT-XH quý I và nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn khẳng định: "Quan điểm nhất quán của tỉnh là không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế - xã hội".
Nhưng dân vẫn chưa thể hết lo lắng. Bởi dựa vào đâu mà các vị đầu tỉnh hứa và khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng dự án gang thép Long Sơn không ảnh hưởng môi trường? Dân còn lo xa vì dăm bảy năm sau khi dự án hoàn thành, có lẽ các vị đã xong nhiệm kỳ. Nhỡ lúc ấy nước thải đổ ra biển, lấy ai “chịu trách nhiệm”?
Sẽ là những bài học đắt giá
Nếu Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải hay rừng tự nhiên Mỹ Thạnh biến mất, nếu biển Lộ Diêu đẹp như tranh thủy mặc không còn, chuyện gì sẽ xảy ra?
Chúng ta sẽ mất đi những di sản vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho xứ sở. Đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế trước mắt tức là chúng ta đang tước đi quyền của người dân hôm nay và con cháu mai sau. Đó là quyền gìn giữ và thụ hưởng những gì mà thiên nhiên đã ưu ái cho đất nước này.
Cầm vàng đừng để vàng rơi. Các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước luôn khẳng định không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Đó là một chủ trương đúng đắn.
Thế giới cũng đã rút ra được những bài học đắt giá để thay đổi nhận thức và hành động trong cách ứng xử với thiên nhiên.
Hãy trân trọng những gì mà tạo hóa đã ban tặng cho con người, dù chỉ là một cái cây để làm bóng mát.
6/9/2023
Nguyễn Duy Xuân