Khi trung thực chạm đáy

Thứ hai - 16/10/2023 03:41
Bấy nhiêu văn bản pháp quy dường như vẫn chưa đủ để răn đe, ngăn chặn những kẻ cơ hội, thoái hóa biến chất luồn sâu, leo cao trong bộ máy Đảng và Nhà nước bởi vấn đề cốt lõi vẫn là con người. Khi người ta đánh mất lòng trung thực, liêm sỉ và sự tử tế thì luật pháp chẳng còn nghĩa lý gì.

Tại Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII quyết định thi hành kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Lê Đức Thọ, ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.

Theo kết luận của Bộ Chính trị, ông Thọ vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đúng quy định.

Lần đầu tiên, một ủy viên Trung ương, bí thư Tỉnh ủy bị kỷ luật cách hết chức vụ trong Đảng vì không trung thực trong việc kê khai tài sản. Đó cũng chính là điều mà dư luận đang hết sức quan tâm sau vụ kỷ luật ông Lê Đức Thọ.

Ông Thọ là cán bộ lãnh đạo trẻ, được đào tạo bài bản, được Đảng và cấp trên tin cậy giao trọng trách lớn, thuộc diện cán bộ nguồn, cán bộ chiến lược chuẩn bị cho nhân sự BCH Trung ương khóa tới.

Thế nhưng, niềm tin của Đảng và Nhân dân đã gởi nhầm nơi. Kết luận của cơ quan cao nhất của Đảng nêu rõ: Vi phạm của ông Lê Đức Thọ mang tính hệ thống, kéo dài trong nhiều năm, đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận xấu, bức xúc, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, mất uy tín cá nhân. Điều đó cũng có nghĩa là sự không trung thực của ông Tạo không phải nhất thời, không phải ngày một ngày hai.

Nhưng dư luận cũng rất quan tâm, không chỉ riêng ông Lê Đức Thọ đánh mất lòng trung thực của một con người.

Hội nghị lần này, Trung ương còn kỷ luật hai trường hợp khác nữa. Đó là ông Trịnh Văn Chiến, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên bí thư Tỉnh ủy, nguyên bí thư Đảng đoàn, nguyên chủ tịch HĐND tỉnh, nguyên bí thư Ban cán sự đảng, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Ông Chiến cũng bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng về tội suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Còn ông Điểu K'ré thì cho thôi giữ chức vụ ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII vì đã thiếu tu dưỡng, rèn luyện, vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân.

Dù tính chất, mức độ vi phạm có khác nhau nhưng xét cho cùng, về đạo đức, cả ba ông đều không trung thực với Đảng, với Nhân dân. Không trung thực trong lối sống, trong các mối quan hệ, hành xử hằng ngày cho đến việc thi hành chức trách, nhiệm vụ được giao. Bởi nếu có lòng tự trọng và trung thực, các ông thật khó mà sa ngã vì đã được Đảng tôi rèn trong môi trường công tác hằng bao nhiêu năm nay. Huống chi, Đảng dường như liên tục nhắc nhở, cảnh báo, răn đe bằng nhiều văn bản, nghị quyết, quy định để cán bộ đảng viên không phạm phải sai lầm, trở thành kẻ thoái hóa biến chất. Huống chi, công cuộc đốt lò tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động mười năm nay đang ngày thêm quyết liệt, nóng bỏng.

Bao nhiêu gương “tối” nhỡn tiền để các ông hàng ngày tự vấn mình. Vậy mà vẫn chưa đủ để các ông ngộ ra, tránh vết xe đổ của các bạn đồng liêu như Trần Văn Nam, Phạm Xuân Thăng, Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Thành Phong, Huỳnh Tấn Việt, Bùi Nhật Quang,…

Phải chăng các ông ngộ nhận về chức tước mình đang nắm giữ, biến mình thành kẻ vĩ cuồng bởi quyền lực? Bởi cả quá trình, không chỉ một nhiệm kỳ, các ông đã mắc phải sai phạm. Sự không trung thực của cá nhân các ông và cả tập thể lãnh đạo tổ chức đảng, chính quyền dưới quyền, là bình phong che chắn cho những khuyết điểm, để các ông luôn xuất hiện trong vỏ bọc trong sạch, cao đạo. Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long từng phát biểu rất “vô tư” tại một hội nghị Chính phủ chỉ dăm tháng trước khi bị khởi tố, bắt tạm giam, rằng: “những vụ việc tham nhũng, tiêu cực lợi dụng dịch bệnh để trục lợi đã xói mòn lòng tin đối với ngành”.[1]

"Chúng ta phải có cơ chế để phát hiện ra bản chất thật của những người mà khi được bổ nhiệm đều mang vẻ mặt rất lý tưởng, kiên định lập trường, đạo mạo nhưng rốt cục thì...". Đó là phát biểu của PGS-TS. Đinh Phương Duy, nguyên Phó giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM.

Thực tế không phải là Đảng và Nhà nước không có cơ chế để kiểm soát quyền lực, để phát hiện ra bản chất thật của cán bộ lãnh đạo trước và sau khi được bổ nhiệm. Cơ chế đó là các Nghị quyết của Đảng về phòng chống tham nhũng, về trách nhiệm nêu gương, về những điều đảng viên không được làm,…; các bộ luật như Luật hình sự, Luật phòng chống tham nhũng, Luật cán bộ công chức,…

Nhưng bấy nhiêu văn bản pháp quy dường như vẫn chưa đủ để răn đe, ngăn chặn những kẻ cơ hội, thoái hóa biến chất luồn sâu, leo cao trong bộ máy Đảng và Nhà nước bởi vấn đề cốt lõi vẫn là con người. Khi người ta đánh mất lòng trung thực, liêm sỉ và sự tử tế thì luật pháp chẳng còn nghĩa lý gì.

Điều nguy hiểm là từ đầu nhiệm kỳ cho đến nay, không chỉ cá nhân mà còn có cả những tập thể cấp ủy đảng, chính quyền là Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố bị Trung ương kỷ luật vì thiếu trách nhiệm, thiếu kiểm tra, giám sát, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo. Suy cho cùng những khuyết điểm đó đều xuất phát từ sự không trung thực trong tư cách cán bộ của mỗi thành viên, và những ràng buộc khó nói bởi nhiều lẽ.

Bàn về việc xử lý cán bộ thoái hóa, biến chất, PGS-TS. Đinh Phương Duy thẳng thắn: “Mất thì mất thôi, không làm được thì cho nghỉ, hà cớ gì phải nương tay để duy trì lũ sâu mọt ấy trong bộ máy công quyền như trong vụ án “chuyến bay giải cứu”? Việt Nam không thiếu gì người có năng lực nhưng hiện tại người ta không thể “đi vào” guồng máy đó thôi”.[2]

Theo PGS-TS. Đinh Phương Duy: “Cần bớt hô khẩu hiệu, bớt những việc chỉ có hình thức bên ngoài mà phải đi vào bản chất bên trong là giá trị con người. Làm cán bộ cần có những trải nghiệm thực tiễn, đi xuống địa bàn chứng kiến cảnh khổ của dân, những mảnh đời bất hạnh, thấy được sự lầm than khi thiên tai lũ lụt, dân đói ra làm sao, bị thu hồi đất thế nào...”.

Vấn đề PGS-TS. Đinh Phương Duy nêu ra không mới vì căn bệnh hình thức, xa rời thực tế, mũ ni che tai đã có từ lâu, rất lâu. Và mới nhất, cách đây vài hôm, báo chí phản ánh chuyện thường trực UBND các quận, huyện TP.HCM được mời dự hội nghị về người lang thang xin ăn nhưng tất cả đều vắng mặt không có lý do.

Xem ra, để níu giữ được lòng trung thực, sự tử tế và liêm sỉ đối với người nắm trong tay quyền lực, thật khó lắm thay!

8/10/2023
Nguyễn Duy Xuân
Nguồn tham khảo:

[1] https://tuoitre.vn/bo-truong-nguyen-thanh-long-loi-dung-dich-benh-de-truc-loi-lam-xoi-mon-long-tin-voi-nganh-2022010515491457.htm
[2] https://nguoidothi.net.vn/tu-vu-an-viet-a-va-chuyen-bay-giai-cuu-su-my-mieu-cua-toi-ac-40752.html



 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
20/11
NGÀY NHÀ GIÁO VN 20/11
VÌ MỘT NỀN GIÁO DỤC
NHÂN BẢN - DÂN TỘC - KHAI PHÓNG
Luong truy cap
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập94
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm93
  • Hôm nay18,147
  • Tháng hiện tại68,026
  • Tổng lượt truy cập61,226,441
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây