Kiểm soát quyền lực: nghĩ từ việc ông Chu Ngọc Anh bổ nhiệm hàng loạt cán bộ trước khi bị bắt
admin100
2022-06-21T16:45:00-04:00
2022-06-21T16:45:00-04:00
http://nguyenduyxuan.net/toi-lam-bao/kiem-soat-quyen-luc-nghi-tu-viec-ong-chu-ngoc-anh-bo-nhiem-hang-loat-can-bo-truoc-khi-bi-bat-11483.html
/themes/default/images/no_image.gif
Nguyễn Duy Xuân
http://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Thứ ba - 21/06/2022 16:45
Đọc thông tin báo chí vừa phản ánh mà không thể tin nổi.
Đó là việc ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, hôm 02/6, đã ký các quyết định bổ nhiệm hàng loạt lãnh đạo một số sở, ban ngành thuộc thành phố Hà Nội.
Đáng chú ý là việc bổ nhiệm này diễn ra chỉ 4 ngày trước khi ông Anh bị Ban Chấp hành Trung ương Đảng thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng và ngay sau đó bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam.
Các quyết định bổ nhiệm mà ông cựu chủ tịch Hà Nội ký gồm có:
- Quyết định 1855/QĐ-UBND bổ nhiệm ông Cù Ngọc Trang (38 tuổi), phụ trách Phòng Tổng hợp, Văn phòng UBND TP Hà Nội, giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội.
- Quyết định 1868/QĐ-UBND bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Sáng (51 tuổi), Chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp, Sở Tài chính TP Hà Nội, giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Tài chính.
- Quyết định 1869/QĐ-UBND bổ nhiệm ông Vũ Trung Thành (50 tuổi), Chánh Văn phòng Sở Tài chính TP Hà Nội, giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Tài chính.
- Quyết định 1886/QĐ-UBND bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Ngọc Anh (44 tuổi), Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Sở Ngoại vụ TP Hà Nội, giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ.
- Quyết định 1888/QĐ-UBND bổ nhiệm ông Nguyễn Danh Toàn (34 tuổi), Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, Quỹ Đầu tư phát triển TP Hà Nội giữ chức Phó Tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển TP Hà Nội.
- Quyết định 1889/QĐ-UBND bổ nhiệm ông Mai Xuân Trường (41 tuổi), Trưởng phòng Tổ chức biên chế, Sở Nội vụ TP Hà Nội, giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Nội vụ.
Cũng như các vụ bổ nhiệm vội vàng, cấp tập trước khi hạ cánh của không ít vị lãnh đạo chủ chốt đã từng khiến dư luận sửng sốt trước đây, việc ký các quyết định bổ nhiệm của ông Chu Ngọc Anh vừa rồi cũng phải nói là bất bình thường.
Và càng khôi hài hơn là vào chiều 6/6, khi UBND thành phố Hà Nội vừa tổ chức xong lễ công bố quyết định của Chủ tịch thành phố về việc bổ nhiệm ông Mai Xuân Trường giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Nội vụ thì cũng là lúc Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII họp bất thường để xem xét, thi hành kỷ luật khai trừ Đảng ông Chu Ngọc Anh.
Trước đó 2 tuần, ngày 17/5, tại Kỳ thứ 15, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật ông Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Điều đó cho thấy mức độ vi phạm của ông Anh đã rất nghiêm trọng không chỉ vì ông là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị quản lý.
Vấn đề đặt ra ở đây là, dù đương kim chủ tịch Thành phố Hà Nội, nhưng đang trong thời gian chờ án kỷ luật từ cấp cao nhất của Đảng, ông Chu Ngọc Anh liệu có đủ tư cách để bổ nhiệm cấp dưới thuộc phạm vi quản lý của Thành phố?
Việc ông Anh ký quyết định bổ nhiệm trong lúc chờ thi hành kỷ luật, tuy vẫn được cho đúng quy trình nhưng rõ ràng là rất phản cảm. Nó không đem lại tác động tích cực mà gây mất niềm tin của cán bộ, viên chức và nhân dân. Đặc biệt là không tránh khỏi điều tiếng của dư luận về chuyện “nâng đỡ không trong sáng” đối với những người được ông Anh bổ nhiệm.
Ngược dòng thời gian, xin nhắc lại vài vụ bổ nhiệm cán bộ cấp tập theo kiểu “chuyến tàu vét” cuối cùng đã từng diễn ra trong những năm trước đây khiến dư luận bức xúc.
Đó là trường hợp ông Trần Văn Truyền, cựu Tổng thanh tra Chính phủ, trong ngày cuối cùng (3-8-2011) trước khi rời nhiệm sở về quê, đã kí quyết định bổ nhiệm 22 người.
Đó là ông Nguyễn Thành Rum, Giám đốc Sở VH-TT&DL TP.HCM. Hai tuần trước ngày nghỉ hưu 1/3/2014, ông Rum cũng đã kí hàng loạt quyết định, bổ nhiệm 19 cán bộ thuộc quyền.
Đó là bà Trần Thị Hoài Thanh - giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Gia Lai, trước ngày nghỉ hưu 1/2/2020 đã kịp "nhón tay làm phúc", bổ nhiệm một loạt cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo cấp phòng, ban, trung tâm thuộc sở này.
Mới đây nhất, ngày 6/4/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình đã bỏ phiếu kỷ luật cách chức tỉnh ủy viên đối với ông Đinh Quý Nhân, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh, sau vụ việc ông này ký 8 quyết định tuyển dụng trước khi nghỉ hưu. Ngày 26/5, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Đinh Quý Nhân.
Nhằm ngăn chặn tình trạng lạm dụng quyền lực trong việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ lãnh đạo, ngày 23/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành quy định số 205 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.
Khoản 6, điều 5 của quy định 205 nêu rõ: "Kể từ khi có thông báo nghỉ hưu, nghỉ chờ hưu hoặc chuyển công tác, phải báo cáo bằng văn bản và phải được cấp trên trực tiếp đồng ý trước khi thực hiện quy trình công tác cán bộ theo thẩm quyền được phân cấp".
Tuy nhiên, Quy định 205 không nói đến trường hợp trong thời gian chờ xét kỷ luật hay chịu án kỷ luật, người đứng đầu có được phép ký quyết định bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ hay không.
Phải chăng đó là kẽ hở để ông Chu Ngọc Anh, trong lúc chờ xem xét kỷ luật vẫn ký các quyết định bổ nhiệm loạt lãnh đạo cấp sở, ban, ngành ở Hà Nội như báo chí đã phản ánh?
9/6/2022
Nguyễn Duy Xuân