Hình ảnh bên trong Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh với những hàng ghế gỗ lớn kết hợp bàn trà với trị giá hàng tỷ đồng, gây bàn tán trong dư luận thời gian qua, nhiều người đánh giá là phô trương.
Bài viết này sa vào tranh cãi chuyện “ghế” nói trên mà nhân đây ngẫm về một khía cạnh khác, rất cấp bách hiện nay: bảo tồn di sản văn hóa dân gian.
Nói đến chuyện bảo tồn di sản, không thể không nhắc đến những nỗ lực của ngành văn hóa trong suốt mấy chục năm qua, với vai trò là cơ quan chủ quản nhà nước, đã đạt được những thành tựu nhất định trong lĩnh vực này. Bằng chứng thuyết phục nhất là cho đến nay, chúng ta đã có hàng chục di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản thế giới cùng với hàng trăm di sản văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh. Nhưng điều quan trọng nhất không phải là ở số lượng di sản được công nhận mà là cách để bảo tồn, gìn giữ, phát huy và lan tỏa giá trị của di sản.
Trở lại câu chuyện “ghế” quan họ. Người Kinh Bắc xưa hát quan họ trên thuyền, trên đồi, trong chùa, trong đình, và trong các tư gia... Vì thế không gian diễn xướng của quan họ là bến nước, mái đình; là “ anh hai ngồi bẻ lái ấy quan họ về là về trao duyên”, “là trúc xinh trúc mọc bên đình…”. Những không gian nhỏ, dân dã đó phù hợp với làn điệu đậm chất dân gian của quan họ. Nội dung phần lời của các làn điệu quan họ cũng cho ta thấy rõ điều đó.
UNESCO từng đánh giá rất cao quan họ khi xem xét hồ sơ để công nhận di sản thế giới: Quan họ luôn được thực hành trong các hoạt động văn hóa, xã hội của cộng đồng, được cộng đồng hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang lưu giữ, trao truyền từ nhiều thế hệ và trở thành bản sắc của địa phương và lan tỏa trở thành không gian văn hóa đặc thù. Đã có 67 làng quan họ (tính đến năm 2016) được đưa vào danh sách bảo tồn và phát triển di sản văn hóa theo Nghị quyết của UNESCO, trong đó tỉnh Bắc Giang có 23 làng quan họ, tỉnh Bắc Ninh có 44 làng quan họ.
Như vậy, quan họ mà UNESCO công nhận là di sản thế giới là quan họ truyền thống, khác với “quan họ mới” với lời hát được cải biên, hình thức biểu diễn (hát) chủ yếu trên sân khấu trong nhà hát, trong các dịp lễ hội, hay hoạt động du lịch, nhà hàng,... Với “quan họ mới”, chất giao duyên, tính cộng đồng, đặc biệt là không gian văn hóa truyền thống của quan họ dường như không còn chỗ để tồn tại.
Thế nhưng dạng mới này của quan họ lại đang ngày càng phổ biến. Liệu đây có phải là xu hướng phát triển của quan họ trong tương lai? Nếu thế thì thật đáng lo ngại cho việc bảo tồn một di sản văn hóa truyền thống đã được UNESCO công nhận từ hơn mười năm nay.
Không chỉ “sân khấu hóa”, việc hát quan họ còn được “kỷ lục hóa” – một cách tôn vinh không làm rạng danh thêm giá trị của di sản.
Còn nhớ, cách đây trên mười năm, ngày 4/2/2012, tại Hội Lim tỉnh Bắc Ninh, hơn 3.500 người đã tham gia xác lập kỷ lục quốc gia “Nhiều người mặc trang phục quan họ và cùng hát dân ca Quan họ Bắc Ninh". Đó thực chất là một kỷ lục buồn bởi quan họ không cần những kỷ lục kiểu “to lớn rộng dài” như thế. Quan họ chỉ muốn được là chính mình trong môi trường sinh hoạt dân gian bình dị, sâu lắng.
Không chỉ riêng quan họ, các loại hình văn nghệ dân gian khác như ca trù, hát xoan, ví giặm, bài chòi, đờn ca tài tử, cồng chiêng Tây Nguyên,… đã được UNESCO công nhận đều gắn với không gian văn hóa mang những đặc trưng riêng của vùng miền, dân tộc.
Bảo tồn di sản phải coi đó là tiêu chí hàng đầu để gìn giữ, trân trọng, nâng niu những giá trị văn hóa muôn đời của ông cha; để con cháu hôm nay và mai sau biết đến tổ tiên mình đã từng sản sinh ra những loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian đậm chất nhân văn và nghệ thuật khiến thế giới phải “ngả mũ” khâm phục.