Loa phường: giữ hay bỏ?
admin100
2022-07-29T16:42:00-04:00
2022-07-29T16:42:00-04:00
http://nguyenduyxuan.net/toi-lam-bao/loa-phuong-giu-hay-bo-11554.html
http://nguyenduyxuan.net/uploads/news/cuocsong/loa-phuong.jpg
Nguyễn Duy Xuân
http://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Thứ sáu - 29/07/2022 16:42
Đọc báo, lên mạng, xem ti vi thấy nói nhiều đến cái gọi là cách mạng 4.0 rồi 5.0. Ấy thế mà… chúng ta vẫn còn muốn níu giữ loa phường - sản phẩm của một thời xa lắc xa lơ – giữa Thủ đô văn minh, hiện đại.
UBND TP.Hà Nội vừa ban hành kế hoạch về thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022 - 2025.
Theo đó, từ nay đến năm 2025, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố có hệ thống truyền thanh (loa phường) hoạt động đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư.
Thông tin trên ngay lập tức khiến dư luận dậy sóng.
Nhớ lại 5 năm trước, Hà Nội tổ chức lấy ý kiến người dân về “số phận” loa phường, kết quả thật bất ngờ: 89,67% nhất trí bỏ loa phường. Từ kết quả này (do Sở TT&TT Hà Nội triển khai), một lãnh đạo TP Hà Nội lúc đó khẳng định, "loa phường đã hoàn thành sứ mệnh".
Sứ mệnh của loa phường bắt đầu từ những năm 60 của thế kỉ trước. Đã có những thời kỳ loa phường đóng vai trò tích cực, đầy hiệu quả trong việc tuyền truyền đường lối chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước khi mà các phương tiện truyền thông khác như báo giấy, báo nói, báo hình còn hạn chế và điều kiện kinh tế xã hội chưa phát triển.
Giờ là thời của truyền thông kĩ thuật số. Với điện thoại thông minh, thông tin đến với mọi người, mọi nơi, mọi lúc chỉ trong nháy mắt. Mạng xã hội như Facebook, Zalo,… đáp ứng mọi nhu cầu kết nối, giao lưu của con người. Báo điện tử phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ. Mấy ai còn để ý đến cái loa đầu ngõ, âm thanh phát ra như muốn đấm vào tai người nghe.
Thành phố hiện đại đối mặt với nhiều bất cập trong đó tiếng ồn là thứ "rác đô thị" gây ô nhiễm môi trường kinh khủng không kém gì các loại rác thải độc hại khác. Gần 90 phần trăm người dân Thủ đô đồng ý bỏ loa phường là một minh chứng hùng hồn cho sự kém hiệu quả và tác động xấu đến môi trường sống do tiếng ồn của loa phường gây ra.
Ở Buôn Ma Thuột nơi tôi sinh sống, loa phường đã chấm dứt tồn tại từ mấy năm nay mà không hề ảnh hưởng đến việc truyền tải thông tin của chính quyền đến từng người dân. Mỗi tổ dân phố lập một trang thông tin nội bộ trên mạng xã hội như Zalo. Tổ trưởng và các thành viên ban quản lý tổ dân phố là quản trị viên, có nhiệm vụ cập nhật thông tin hằng ngày. Thiết nghĩ đó là một cách làm hay, phù hợp với bối cảnh hiện tại. Việc bỏ loa phường ở địa phương này góp phần làm cho khu dân cư thêm yên bình và không hề ảnh hưởng tới công việc quản lý nhà nước nơi tận cùng cấp cơ sở.
Còn đây là cách duy trì “loa phường” ở Nhật Bản. Một chuyên gia Việt Nam về thiên tai, môi trường từng có nhiều năm làm việc và nghiên cứu ở Nhật cho biết: Người Nhật vẫn sử dụng hệ thống loa ngay cả khi hạ tầng về thông tin đã phát triển hiện đại. Nhưng họ dùng hệ thống loa để cảnh báo thiên tai, dịch bệnh và sự cố ô nhiễm môi trường. Không lạm dụng nó để hỗ trợ các chính trị gia tranh cử hay phát nhạc, và tất nhiên không dùng hệ thống loa đó để quảng cáo thực phẩm chức năng. Hệ thống loa ở Nhật chỉ phát tín hiệu âm thanh khoảng 15 giây vào lúc 5 giời sáng mỗi ngày, nhằm mục đích kiểm tra nếu có loa nào bị tịt thì sẽ thay thế.
Đọc báo, lên mạng, xem ti vi thấy nói nhiều đến cái gọi là cách mạng 4.0 rồi 5.0. Ấy thế mà… chúng ta vẫn còn muốn níu giữ loa phường - sản phẩm của một thời xa lắc xa lơ – giữa Thủ đô văn minh, hiện đại.
Ừ thì giữ. Người dân chỉ mong có được những phút giây yên tĩnh sau mỗi ngày làm việc vất vả; mỗi sáng, mỗi trưa, mỗi tối không còn phải căng tai nghe những âm thanh khọt khẹt, chát chúa phát ra từ những chiếc loa công cộng nơi phố phường đông đúc, xô bồ với bao thứ tiếng ồn không tên của cuộc sống hiện đại.
28-7-2022
Nguyễn Duy Xuân