Cổng chào và sự lãng phí tiền tỷ của dân

Chủ nhật - 23/01/2022 19:22
Cổng chào bây giờ hiện diện khắp nơi. Cổng chào thôn văn hóa, cổng chào xã, cổng chào huyện, cổng chào tỉnh, cổng chào thành phố, cổng chào cơ quan,…
 
Một trong số 13 cổng chào ở Kon Tum
Một trong số 13 cổng chào ở Kon Tum

Chuyện cổng chào lại rộ lên trong những ngày gần đây sau khi báo chí phản ảnh TP Kon Tum xây 13 cổng chào với chi phí hơn 21 tỷ đồng.[1]

Trong số đó có 11 cổng đèn led dựng trên 8 tuyến đường chính, gồm các đường: Trần Phú 2 cổng, đường Trần Phú nối dài 1 cổng, Bà Triệu 1 cổng, Lê Hồng Phong 2 cổng, Phạm Văn Đồng 1 cổng, Phan Đình Phùng 2 cổng, Duy Tân 1 cổng, Nguyễn Huệ 1 cổng và 2 dự án cổng chào cửa ngõ phía Nam và Bắc. Có những cổng chào cách nhau chỉ xấp xỉ 1km, đặt tại các vị trí: km1550+295, km1551+175, km1552+505.

Một số cổng chào nằm trên tuyến Quốc lộ, có nguy cơ gây mất an toàn giao thông, Cục Quản lý đường bộ III đã nhiều lần lập biên bản, xử phạt chủ đầu tư, nhà thầu và yêu cầu tháo dỡ các công trình, hoàn trả hiện trạng ban đầu, nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn không thực hiện.

Chưa bàn đến chuyện xây “chui”, trái phép theo kiểu “tiền trảm hậu tấu” thì việc cùng lúc dựng hàng loạt cổng chào trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, đời sống người dân địa phương còn nhiều khó khăn cũng đủ để khiến dư luận hết sức bức xúc.

Xây cổng chào để được lên đô thị loại II?

Trong buổi họp báo chiều 14-1-2022, ông Nguyễn Thanh Mân, chủ tịch UBND TP Kon Tum cho biết: “Mục tiêu cũng không phải là thương mại, lợi ích nhóm hay phục vụ cho riêng ai, mà phục vụ cho cộng đồng, đô thị…”.[2]

Cụ thể hơn, theo ông Mân, những công trình này được khởi công vì mục đích nâng cấp TP lên đô thị loại II. Theo quy chuẩn đô thị loại II, nếu thiếu các công trình đó, tỉ lệ chiếu sáng đô thị sẽ khó đạt được. Thế cũng có nghĩa là, không có cổng chào, Kon Tum khó mà lên đô thị loại II.

Ngờ ngợ điều ông chủ tịch TP nói, người viết bài này tìm đọc văn bản pháp quy về tiêu chuẩn đô thị ở Việt Nam hiện nay.

Điều 5 Nghị quyết số 1210/2016/ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 không có quy định nào liên quan đến việc xây cổng chào giúp đạt tỷ lệ chiếu sáng đô thị.

Trong phụ lục kèm theo Nghị quyết 1210 có quy định về tỷ lệ đường phố chính được chiếu sáng. Tỷ lệ đó phụ thuộc vào hệ thống chiếu sáng công cộng chứ không phải nhờ vào sự có mặt của mấy cái cổng chào.

Cũng trong buổi họp báo nói trên, vấn đề đáng được quan tâm nhất nhưng lại không thấy ông chủ tịch nhắc đến, đó là TP Kon Tum nâng cấp lên đô thị loại II để làm gì? Liệu có phải để cho dân được ấm no, hạnh phúc hay để các khoản chi tiêu, đầu tư xây dựng cơ bản của TP được nâng lên mức cao hơn; và nhiều, nhiều nữa ví như lãnh đạo TP loại 2 sẽ “oai” hơn lãnh đạo TP loại 3?

Được biết, Cục Quản lý đường bộ III đã nhiều lần lập biên bản, xử phạt chủ đầu tư, nhà thầu và yêu cầu tháo dỡ các công trình, hoàn trả hiện trạng ban đầu, đồng thời gửi văn bản cho UBND tỉnh Kon Tum, kiến nghị chỉ đạo xử lý vi phạm khi xây dựng các cổng chào trái phép nói trên. Hàng chục tỷ đồng đổ vào các cổng chào có nguy cơ tan thành mây khói. Ai chịu trách nhiệm việc này?

Chuyện cổng chào, “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”

Cổng chào bây giờ hiện diện khắp nơi. Cổng chào thôn văn hóa, cổng chào xã, cổng chào huyện, cổng chào tỉnh, cổng chào thành phố, cổng chào cơ quan,…

Cổng chào ngự ở những vị trí ranh giới địa phương, trên các trục đường chính. Cổng chào ngạo nghễ trên phố phường, hay nơi cửa ngõ ra vào nội đô của các thành phố, thị xã.

Ở Hà Nội, chỉ 21 cây số trên quốc lộ 32 đoạn từ huyện Hoài Đức, qua Đan Phượng đến Phúc Thọ cũng đã có tới 5 cổng chào.[3]

Các cổng chào cấp huyện trở lên được xây dựng hoành tráng với chi phí tiền tỷ. Cổng chào Bình Dương được khởi công xây dựng vào tháng 3-2009 với tổng kinh phí 40 tỷ đồng, trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng 19 tỷ đồng.

Dư luận đã từng bàn tán nhiều về cổng chào ở TP Long Xuyên (An Giang) được xây dựng từ nguồn vốn ngân sách với kinh phí 6,8 tỷ đồng. Theo UBND TP Long Xuyên, đây là công trình có ý nghĩa hết sức to lớn, góp phần thay đổi mạnh mẽ diện mạo đô thị, tạo điểm nhấn riêng biệt cho thành phố. Tuy nhiên, nhìn hình ảnh trên thực địa, dư luận không khỏi thất vọng bởi sự nặng nề, kém thẩm mỹ của một cổng chào được đúc bằng bê tông, sắt thép. Một cổng chào như thế sao có thể làm “thay đổi mạnh mẽ diện mạo đô thị, tạo điểm nhấn riêng biệt cho thành phố” Long Xuyên?[4]

Hầu hết các cổng chào chỉ có mỗi chức năng, hoặc là thông báo ranh giới địa phương (thường chỉ cần một tấm biển chỉ đường là đủ), hoặc là “Kính chào quý khách…” hay “Chúc quý khách thượng lộ bình an”. Những cổng chào hiện đại hơn, chạy chữ điện tử thì cũng không ngoài vài câu khẩu hiệu quen thuộc mà người dân cũng như khách đi đường chẳng mấy ai quan tâm.

Rõ ràng, chúng – những cổng chào tiền tỷ - không thể làm nên cái gọi là “có ý nghĩa hết sức to lớn, góp phần thay đổi mạnh mẽ diện mạo đô thị, tạo điểm nhấn riêng biệt cho thành phố”. Cũng như hội chứng tượng đài, việc cổng chào mọc lên như nấm là minh chứng cho sự lãng phí ngân sách, hậu quả của tư duy dự án, tư duy nhiệm kỳ.

Nhiều địa phương thuộc diện “hộ nghèo”, hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán vẫn phải xin Trung ương cứu trợ nhưng lại không ngần ngại bỏ ra hàng chục, hàng trăm tỷ để xây tượng đài, dựng cổng chào.

Về vấn đề này, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến cho rằng đây là biểu hiện của sự “vung tay quá trán”, khoa trương, hình thức. “Liệu có tình trạng vẽ ra các dự án lớn dùng tiền ngân sách để số tiền chảy vào túi cá nhân, lợi ích nhóm càng cao hay không?", ông Tiến nêu câu hỏi.[5]

Trong lúc bệnh viện quá tải, nhiều cơ sở khám chữa bệnh xuống cấp; ngành giáo dục vẫn còn lớp học tạm bợ; đường sá, cầu cống nhiều nơi bị hư hỏng nặng thì ngân sách vẫn phải gồng lên gánh những khoản chi không cần thiết, gây lãng phí vì không đem lại lợi ích gì cho sự phát triển và phúc lợi xã hội.

Trong những khoản chi lãng phí ấy, không thể không kể đến cổng chào. Giá như các vị lãnh đạo thấm nhuần lời Bác Hồ dạy: “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm…”.

17-1-2022
Nguyễn Duy Xuân
Nguồn tham khảo:

[1] https://laodong.vn/xa-hoi/thanh-pho-nho-xay-13-cong-chao-trong-luc-dich-benh-co-lang-phi-ton-kem-994852.ldo
[2] https://tuoitre.vn/tp-kon-tum-xay-5-cong-chao-trai-phep-cuc-duong-bo-yeu-cau-thao-do-20220114212307803.htm
[3] https://www.tienphong.vn/xa-hoi/5-cong-chao-tien-ty-tren-21-km-duong-655224.tpo
[4]. https://www.tienphong.vn/xa-hoi/tranh-cai-xung-quanh-tp-long-xuyen-xay-cong-chao-gan-7-ty-dong-1681936.tpo
[5] https://www.baogiaothong.vn/dia-phuong-ngheo-chi-hang-chuc-ty-dong-xay-cong-chao-khau-hieu-co-nen-d480729.html



 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

135 năm sinh Bác Hồ
KỶ NIỆM 135 NĂM NGÀY SINH
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
19/5/1890 - 19/5/2025

 
Luong truy cap
1/6
TRẺ EM HÔM NAY, THẾ GIỚI NGÀY MAI
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
100 năm báo chí
100 NĂM BÁO THANH NIÊN
100 NĂM BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM
(21/6/1925 - 21/6/2025)
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập113
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm112
  • Hôm nay31,584
  • Tháng hiện tại415,058
  • Tổng lượt truy cập70,865,779
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây