Ai là “Vua tiếng Việt”?
admin100
2023-04-26T04:30:00-04:00
2023-04-26T04:30:00-04:00
http://nguyenduyxuan.net/toi-lam-bao/ai-la-vua-tieng-viet-11876.html
http://nguyenduyxuan.net/uploads/news/2023_04/vua-tv-sai-chinh-ta.jpg
Nguyễn Duy Xuân
http://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Thứ ba - 25/04/2023 14:07
Chương trình truyền hình Vua tiếng Việt tập 28 phát sóng trên kênh VTV3 hôm 14/4 mắc lỗi đáng tiếc: từ “chậm trễ” được chương trình hướng dẫn viết thành “chậm chễ”. Người chơi chọn "chậm chễ", người dẫn chương trình là nghệ sĩ Xuân Bắc khẳng định đáp án của người chơi là đúng.
Trong trường hợp này, cái sai của những người làm chương trình thể hiện ở hai phương diện. Một là về từ ngữ, kho từ vựng tiếng Việt hiện đại không có từ “chậm chễ” (theo đáp án của chương trình) nên việc đưa ra câu hỏi để người chơi chọn phương án đúng giữa hai phương án "trậm trễ" hay "chậm chễ" là sai và áp đặt. Hai là về chính tả, viết “chậm chễ” là sai, lỗi này xuất phát từ cách phát âm địa phương (không phân biệt tr/ch).
Loại lỗi này rất phổ biến ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ (chậm trễ/chậm chễ, trồng trọt/chồng chọt, làm việc/nàm việc). Nếu ê kíp thực hiện chương trình cẩn trọng hơn thì chắc chắn sẽ không mắc phải sai sót đáng tiếc này. Dù các cố vấn và Ban tổ chức chương trình đã nhận ra sai sót nhưng điều khiến dư luận khó cảm thông là ở chỗ, các vị vẫn dài dòng biện hộ theo kiểu “… trong bối cảnh chính tả tiếng Việt còn nhiều thứ chưa được thống nhất một cách chặt chẽ…” hoặc cho rằng đây là “lỗi kỹ thuật”. Cái mà độc giả, người xem truyền hình mong muốn là thái độ nhận lỗi chân tình, thẳng thắn chứ không phải cách ngụy biện, vòng vo tam quốc như vẫn thường thấy lâu nay một khi cá nhân hay tập thể mắc lỗi bị dư luận lên án.
Cũng cần nói thêm về tên gọi gameshow truyền hình này: Vua tiếng Việt. Tôi còn nhớ, hình như lúc mới xuất hiện, dư luận cũng đã tỏ ý kiến không đồng tình với tên gọi của chương trình là “Vua tiếng Việt”. Đây, suy cho cùng chỉ là một trò chơi – trò chơi chữ nghĩa, diễn ra trong phạm vi thời lượng của chương trình tính bằng phút. Vậy thì sao lại gọi là “vua”, “vua” nào ở đây? Vua tiếng Việt ư? Khó lắm!
Ngoài đời, chẳng ai dám nhận mình là vua tiếng Việt đâu. Có vị là GS, TS, “tư lệnh” ngành hẳn hoi mà còn phát âm n/l lẫn lộn; có vị là chủ biên bộ từ điển tiếng Việt đồ sộ, tên tuổi lẫy lừng nhưng vẫn không tránh khỏi sai sót khi giải nghĩa từ, thậm chí còn viết sai chính tả. Các vị ấy có bề dày học tập, nghiên cứu về tiếng Việt mà còn va vấp thì liệu người chơi trong vòng ba mươi phút, trả lời được dăm ba chục câu hỏi, lại có thể là “vua tiếng Việt” được sao?
Tiếng nói của cha ông ta vô cùng phong phú, giàu có nhưng cũng hết sức bình dị như chính chủ nhân đã sáng tạo ra nó từ bao đời nay. Nhà thơ Lưu Quang Vũ từng viết: “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa/ Óng tre ngà và mềm mại như tơ”.
Một gameshow, một trò chơi chữ nghĩa phát trên sóng truyền hình quốc gia cho toàn dân xem, nặng tính giải trí, liệu có cần đến những ngôn từ đao to búa lớn? Đặt tên chương trình là “Vua tiếng Việt” – một kiểu “xưng hùng, xưng bá” – không tôn lên giá trị của chương trình mà trái lại chỉ có thể là hạ thấp nó trong mắt người xem mà thôi.
24/4/2023
Nguyễn Duy Xuân