“Tên Anh đã thành tên đất nước”

Thứ sáu - 15/07/2022 16:37
Nói “liệt sĩ vô danh” nhưng thực ra không liệt sĩ nào là vô danh. Người dân Việt từ lâu đều đã dành cảm xúc thiêng liêng, lòng biết ơn vô hạn đối với liệt sĩ có danh cũng như liệt sĩ vô danh.  
Tại buổi làm việc với đoàn công tác tỉnh Quảng Trị về công tác lao động, người có công nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ sáng 5/7 tại Hà Nội, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu chỉ đạo: "Không liệt sĩ nào là vô danh. Các liệt sĩ đều có tên tuổi, quê quán, vì thế, việc ghi tên bia mộ cần nghiêm túc thực hiện. Với những liệt sĩ chưa xác định được danh tính, cần thống nhất tên trên những tấm bia này là "Liệt sĩ chưa xác định được thông tin".

Quan điểm nói trên của Bộ trưởng Dung ngay lập tức bị dư luận phản ứng vì nhiều lẽ.

Có cần thiết phải “thay tên đổi họ” bia “Liệt sĩ vô danh”?

Trong tâm linh người Việt, đối với những người đã khuất, phải làm sao để “mồ yên mả đẹp”. Do đó, chuyện mồ mả không phải cứ muốn là thay đổi, là chỉnh sửa cho bằng được, huống chi việc “thay tên đổi họ” này lại liên quan đến hàng trăm ngàn ngôi mộ chứa hài cốt liệt sĩ đã yên nghỉ từ hàng chục năm nay.

Không ai muốn liệt sĩ vô danh nhưng tên gọi "Liệt sĩ vô danh" từ lâu đã trở nên quen thuộc và gợi xúc cảm đặc biệt đối với mọi người khi đứng trước mộ liệt sĩ thắp nén nhang, cúi mình tưởng nhớ anh linh những người lính “vô danh” đã ngã xuống vì tự do, độc lập, vì sự trường tồn của đất nước.

Theo quy luật phát triển của xã hội, cái mới thay thế cái cũ bao giờ cũng phải tốt hơn cả về nội dung lẫn hình thức.

Tên bia “Liệt sĩ vô danh” có từ lâu, ngắn gọn, không hề gây hiểu nhầm. Không ai lại hiểu “Liệt sĩ vô danh” là người hy sinh cho Tổ quốc không có tên như Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim chia sẻ việc thay đổi như mẫu con dấu, mẫu giấy tờ... đã sinh ra phiền toái trong công việc hành chính, bây giờ lại thay đổi tên mộ liệt sĩ toàn bộ thì cũng không có lợi trong vấn đề tình cảm, trách nhiệm, việc làm của nhân dân.

"Thay đổi gì cho đáng giá, đừng đụng chạm tới các anh hùng liệt sĩ đã yên nghỉ lâu rồi, đừng viết vẽ lên đó nhiều quá", ông Kim nêu ý kiến.

So với tên gọi “Liệt sĩ vô danh”, tên gọi mới "Liệt sĩ chưa xác định được thông tin" của bia mộ theo đề xuất của Bộ trưởng Dung có gì đó chưa ổn.

Thứ nhất là dài dòng văn tự vì tên gọi (dù chưa biết) khắc trên bia mộ cần ngắn gọn.

Thứ hai là nội hàm chưa chuẩn xác. “Vô danh” là có tên nhưng chưa biết tên. Chưa biết tên thì cũng bao hàm cả việc chưa xác định được các thông tin liên quan như ngày tháng năm sinh, quê quán, đơn vị,… của liệt sĩ. “Chưa xác định được thông tin” không có giới hạn nội dung, hiểu thế nào cũng được.

Liệt sĩ “Chưa xác định được thông tin” nhưng bia mộ vẫn cần một tên gọi ngắn gọn để đồng đội và những người còn sống cũng như hậu thế xưng danh mỗi khi thăm viếng. Tên bia “Liệt sĩ vô danh” đáp ứng được điều đó. Tên ấy như nhà thơ liệt sĩ Lê Anh Xuân đã khẳng định: “Tên Anh đã thành tên đất nước”, hay nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã ngợi ca: “Họ đã sống và chết/Giản dị và bình tâm/Không ai nhớ mặt, đặt tên/Nhưng họ đã làm ra đất nước”.

Điều nữa khiến dư luận “tâm tư”. Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Dung, việc thay bia liệt sĩ theo tên gọi mới phải được làm xong trong năm 2023. Hiện cả nước có gần 300.000 mộ liệt sĩ vô danh. Chi phí để thay mới 300.000 bia mộ, với yêu cầu “cùng loại đá, làm đẹp, dày dặn, chữ khắc sâu, rõ ràng", là rất lớn. Làm sao để đảm bảo “không được để tiêu cực trong việc này” như yêu cầu của Bộ trưởng?

Ý kiến sau đây của đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội rất đáng lưu ý. Ông Hòa cho rằng bia liệt sĩ ghi "Liệt sĩ vô danh" đã tồn tại từ hàng chục năm qua, việc thay đổi cách ghi trên bia mộ liệt sĩ cần có sự tham khảo ý kiến các lão thành cách mạng, thân nhân liệt sĩ, lãnh đạo ở các địa phương trên cả nước. Theo ông, "nguyên nhân, lý do gì mà phải thay đổi, có cần thiết hay không thì Bộ LĐ-TB-XH cũng phải giải thích cho rõ, bởi số lượng bia mộ liệt sĩ vô danh trên cả nước không phải ít và việc này phải dùng đến ngân sách nhà nước".

“Liệt sĩ vô danh” nhìn từ góc độ ngôn từ

“Liệt sĩ vô danh” là tổ hợp Hán Việt. Từ Hán Việt là một trong các loại từ gốc Hán, có vỏ ngữ âm là âm Hán Việt được mượn vào kho từ vựng tiếng Việt, được Việt hóa trở thành một bộ phận của từ vựng tiếng Việt.

Cấu trúc kiểu “vô danh” – vô: không, danh: tên - là một dạng cấu trúc phổ biến, xuất hiện trong các tổ hợp tương tự như vô học, vô nhân đạo, vô chính phủ,…

Nhưng “vô danh” không có nghĩa là không có tên. Khi kết hợp với “liệt sĩ” thành “liệt sĩ vô danh” thì không ai lại hiểu là liệt sĩ không có tên (theo nghĩa đen). Chuyện chưa xác định được tên (và thực tế là vô cùng khó) là do tác động khách quan, đó là sự khốc liệt của chiến tranh. “Vô danh”, như một nhà khoa học đã khẳng định, là sự thiêng liêng, là sự hy sinh thầm lặng, là công lao không được xướng lên, không cần báo đáp. Từ ngàn, vạn, triệu “vô danh” mà làm nên “có danh”.

Cho nên nói “liệt sĩ vô danh” nhưng thực ra không liệt sĩ nào là vô danh. Người dân Việt từ lâu đều đã dành cảm xúc thiêng liêng, lòng biết ơn vô hạn đối với liệt sĩ có danh cũng như liệt sĩ vô danh.  

Vậy thì, việc thay đổi bia liệt sĩ vô danh có đơn thuần là chuyện chữ nghĩa? Chúng ta đã từng có bài học đắt giá về việc đổi “thu phí” thành “thu giá”, “học phí” thành “học giá”.

“Liệt sĩ vô danh” (cũng như tổ hợp gần nghĩa khác là “Anh hùng vô danh”) là những cụm từ có lịch sử lâu đời trong kho từ vựng tiếng Việt, cho đến nay vẫn phát huy tác dụng tích cực trong đời sống giao tiếp của xã hội hiện đại. Quan trọng hơn nó đã trở nên thiêng liêng trong tình cảm dân tộc, do đó không có lý do gì để thay bằng một cụm từ “dài dòng văn tự”, vô cảm, làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.


09/7/2022
Nguyễn Duy Xuân

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
Luong truy cap
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
20/11
NGÀY NHÀ GIÁO VN 20/11
VÌ MỘT NỀN GIÁO DỤC
NHÂN BẢN - DÂN TỘC - KHAI PHÓNG
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập193
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm192
  • Hôm nay39,293
  • Tháng hiện tại80,322
  • Tổng lượt truy cập62,150,975
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây