Thu phí tham quan phố cổ: Hội An, sao lại thế?

Thứ sáu - 07/04/2023 16:38
Thật đáng sợ khi ai đó chủ trương “dùng người dân phố cổ nhận diện người phố cổ” để kiểm soát khách ra vào khu vực tham quan.
chua cau hoi an
Chùa Cầu (Hội An)

TP.Hội An vừa đề xuất phương án, từ 15/5/2023, du khách khi vào phố cổ Hội An sẽ phải mua vé, thay vì chỉ thu phí riêng ở các điểm di tích đặc biệt như trước. Giá vé theo quy định mới đối với khách quốc tế là 120.000 đồng và khách nội địa 80.000 đồng một lượt.

Để thực hiện chủ trương này, chính quyền thành phố sẽ phân hai lối đi tại các đường chính vào phố cổ: một lối đi dành cho người địa phương và một lối đi cho du khách. Thời gian bán vé từ 7h30 đến 21h30 hàng ngày vào mùa hè và 7h30 đến 21h vào mùa đông.

Sau khi thông tin trên được báo chí đồng loạt phản ánh từ ngày 3/4, dư luận đều tỏ thái độ không đồng tình. Nhưng sự bức xúc của dư luận không phải vì “cách giải thích của anh em Hội An không rõ ràng dẫn đến việc người ta đọc vào thì hiểu sai và ngộ nhận” như lãnh đạo thành phố nghĩ.

Ở đây chuyện thu phí tham quan phố cổ Hội An là có thực, bởi quy định mới nêu rõ về giá vé cho các đối tượng, thời điểm thực hiện, bố trí lối đi riêng,… Lý giải cho sự thay đổi này, Chủ tịch TP Hội An, ông Nguyễn Văn Sơn cho rằng việc áp dụng bắt buộc mua vé đối với tất cả du khách khi đến tham quan phố cổ là để đảm bảo công bằng đối với địa phương và tất cả du khách. Thế thì đã rõ, dư luận chẳng “hiểu sai và ngộ nhận” gì sất.

Còn đây là một thông tin đáng chú ý. Kết quả thăm dò ý kiến bạn đọc trên một số báo mạng như Thanh Niên, VNEXPRESS, Tuổi trẻ cho thấy, số người ủng hộ việc thu phí tham quan phố cổ Hộ An chưa vượt quá con số 10%. Thiết nghĩ chuyện nên hay không nên bán vé tham quan phố cổ, dư luận đã ngã ngũ, không cần phải bàn cãi thêm nữa.

Tôi xin kể ra đây hai câu chuyện mắt thấy tai nghe. Cách đây dăm năm, tôi cùng các đồng nghiệp sang Campuchia, tham quan Angkor Thom, Angkor Wat – hai di sản nổi tiếng thế giới của nước bạn. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là, người dân Campuchia được miễn phí khi đến tham quan Angkor Thom, Angkor Wat. Nhà nước Campuchia quan niệm: tất cả các di sản lịch sử, văn hóa, danh thắng thuộc về nhân dân, do nhân dân sáng tạo, gìn giữ cho muôn đời cho nên họ (và con cháu họ) có quyền thụ hưởng.

Chuyện thứ hai. Năm rồi tôi có chuyến du lịch Malaysia, tham quan phố cổ Malaca có tuổi đời khoảng 600 năm. Dấu ấn về một thời vàng son từ 600 năm về trước vẫn còn hiện hữu bởi không gian cổ kính, tĩnh lặng. Malacca được ví như một bảo tàng lịch sử khổng lồ, nơi lưu giữ nhiều di tích tôn giáo và văn hóa gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của đất nước Malaysia. Du khách đến Malaca thỏa sức dạo phố, ngắm cảnh, khám phá các di sản mà không hề thấy cảnh phân luồng, chặn cửa bán vé.

Trở về từ Malaca, tôi trăn trở mãi với câu hỏi: Điều gì đã khiến một thành phố có lịch sử hàng trăm năm mà vẫn tồn tại gần như nguyên vẹn trước sức tấn công mạnh mẽ của cuộc sống hiện đại? Người Malacca có bí quyết nào chăng giúp cho việc bảo tồn di sản hiệu quả mà một du khách chỉ thoáng qua trong chốc lát như tôi đành phải mang theo về câu hỏi mà chuyên đi ngắn chưa kịp tìm câu trả lời?

Còn Hội An của chúng ta cũng là một di sản quý hiếm của đất nước. Người dân ở Hội An cũng như trong cả nước có quyền tự hào về điều đó. Nhưng muốn khai thác giá trị của di sản cần có một quyết sách đúng, lấy bảo tồn di sản bền vững làm mục tiêu phấn đấu.

Phố cổ Hội An là khu di sản mở, có hàng trăm ngàn dân sinh sống. Vì thế, Hội An không thể khai thác giá trị di sản phố cổ bằng tư duy “ngăn sông, cấm chợ” một thời, tận thu theo kiểu chặn đường bán vé vào phố cổ dù với bất cứ đối tượng khách tham quan nào (về điểm này báo chí, mạng xã hội đã phân tích, lý giải rất đầy đủ).

Đó thực chất là cách nhanh nhất góp phần bóp chết du lịch Hội An, ngăn cản khách du lịch đến với phố cổ. Càng không thể làm cái việc kiểm tra, giám sát, nhận diện du khách, người địa phương ra vào phố cổ hằng ngày bằng việc điều động nhân lực hay áp dụng công nghệ hiện đại. Thật đáng sợ khi ai đó chủ trương “dùng người dân phố cổ nhận diện người phố cổ” để kiểm soát khách ra vào khu vực tham quan. Nếu không cân nhắc kỹ lợi hại, được mất, sẽ chẳng bao lâu sau khi áp dụng những quy định nêu trên, chúng ta sẽ thấy phố cổ Hội An với một diện mạo khác, không còn là nơi tụ hội an bình của khách thập phương. Rồi đây, biết đâu như hiệu ứng Domino, một loạt các di sản mở khác như phố cổ Hà Nội, thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam); Phong Nha (Quảng Bình); khu vực đền Hùng (xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), cao nguyên đá Đồng Văn,… cũng sẽ “noi gương” Hội An mà dựng rào, bán vé tham quan? Khi đó, du lịch Việt sẽ đi về đâu?

Nhân đây, cũng xin nhắc lại bài học còn nóng hổi về việc quản lý Công viên Thống nhất. Sau hàng chục năm lập rào thu phí nhưng kết quả là thu không đủ để bù chi, công viên rơi vào cảnh chợ chiều. Nay chỉ sau vài tháng dỡ rào, không gian mở đã mang đến cho công viên lâu đời nhất Thủ đô một diện mạo mới, môi trường thoáng đãng, cây cối dường như trở nên xanh tươi hơn còn người dân thì thoải mái ra vào, vui chơi, tập thể dục, thụ hưởng không gian công cộng yên bình.

Di sản chỉ có thể lan tỏa giá trị, cuốn hút du khách khi chính quyền, nhà quản lý, ngành du lịch tạo ra được môi trường du lịch thông thoáng cùng những sản phẩm du lịch tương xứng, có sức hấp dẫn, thân thiện, gắn liền với các giá trị di sản.

Thế cho nên, ý kiến sau đây của nhà văn Trần Kỳ Trung, một cư dân của phố cổ Hội An đăng tải trên trang cá nhân của ông thật đáng để cho những người có trách nhiệm suy ngẫm: “không thể “ tham bát, bỏ mâm” vội vàng thu tiền tham quan phố cổ, quên đi hoặc làm nửa vời về văn hoá như đôi ba lần trong năm tổ chức thi áo dài, hợp xướng quốc tế, lễ hội đèn lồng… không níu kéo được du khách ở lại… Tổn thất về kinh tế chỉ là phụ, tổn thất về văn hoá mới lớn: Người dân chán nản, phó mặc giữ phố cổ cho chính quyền, khách du lịch, nhất là khách du lịch trong nước có suy nghĩ “ xấu” về văn hoá Hội An, khách du lịch nước ngoài đến Hội An “một đi không trở lại”.

Còn đây là trăn trở của người viết bài này. Chẳng hay trong giá tour du lịch phố cổ du khách chi trả bấy lâu nay, có bao nhiêu phần trăm phí (bảo tồn di sản) mà các cơ sở lữ hành phải chuyển trả cho cơ quan quản lý di sản hay quỹ bảo tồn di sản ở địa phương?

5/4/2023
Nguyễn Duy Xuân

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Luong truy cap
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
20/11
NGÀY NHÀ GIÁO VN 20/11
VÌ MỘT NỀN GIÁO DỤC
NHÂN BẢN - DÂN TỘC - KHAI PHÓNG
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập81
  • Hôm nay25,144
  • Tháng hiện tại275,521
  • Tổng lượt truy cập61,433,936
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây