Vẫn chuyện tiền trường
admin100
2022-09-09T05:03:54-04:00
2022-09-09T05:03:54-04:00
http://nguyenduyxuan.net/toi-lam-bao/van-chuyen-tien-truong-11611.html
http://nguyenduyxuan.net/uploads/news/2016_08/khai-giang.jpg
Nguyễn Duy Xuân
http://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Thứ sáu - 09/09/2022 05:01
Đến hẹn lại lên, hằng năm vào thời điểm chuẩn bị cho năm học mới, chuyện tiền trường lại rộ lên, khiến dư luận không khỏi bức xúc.
Mặc dù trước khi bước vào năm học mới, ngành giáo dục cũng như các địa phương đều có văn bản chỉ đạo xử lý tình trạng lạm thu. Tuy nhiên, đâu đó ở một số trường vẫn để xảy ra tình trạng này, chỉ đến khi mạng xã hội và báo chí phản ánh thì ngành giáo dục và chính quyền địa phương mới hay.
Đơn cử một vài trường hợp “lạm thu” gần đây” khi các trường học trong cả nước đang chuẩn bị bước vào năm học mới.
Ngày 8/7/2022, tài khoản V.T.H đã đăng tải bảng kê 4 bộ đồng phục kèm 3 áo dành cho học sinh Trường Trung học cơ sở Phương Mai (quận Đống Đa, Hà Nội) với tổng số tiền phụ huynh phải đóng là 1.850.000 đồng. Theo nhà trường, mức giá này là do công ty may đưa ra.
Tuy Hiệu trưởng nhà trường khẳng định, không có chuyện trường ép buộc phụ huynh chi gần 2 triệu đồng mua đồng phục cho con em nhưng với thông báo bằng giấy trắng mực đen như thế, liệu có phụ huynh nào dám “tùy khả năng tài chính” của gia đình mà từ chối mua?
Phụ huynh lớp 1C, Trường Tiểu học Kỳ Trinh (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) phản ánh, bước vào năm học mới, mỗi học sinh phải đóng 550.000 đồng tiền bàn ghế, 173.000 đồng tiền bảng và 250.000 đồng tiền quỹ lớp và rèm cửa, tổng cộng 973.000 đồng.
Nội dung thông báo sau đây được cho là của cô N.T.L. gửi tới phụ huynh lớp 1C: “Các lớp chủ động đóng nộp để các em sang tuần có bàn ghế học. Còn quan điểm, chỉ đạo của nhà trường, ta 'nhập gia tuỳ tục', tránh tình trạng so sánh trường này với trường khác… Còn những phụ huynh nào không đồng ý nộp, sang tuần không có bàn ghế cho con em mình ngồi học thì cá nhân phụ huynh, học sinh phải tự chịu trách nhiệm”.
Khi phụ huynh đến gặp trực tiếp để phản ánh, cô Hiệu trưởng nhà trường trả lời "Người nào không đồng tình thì tự chọn cho con mình môi trường khác để học tập hay chuyển đi đâu thì tuỳ".
Vấn đề đáng bàn ở đây không chỉ là khoản tiền đóng góp phi lý. Lời nói, câu chữ rõ ràng như thế nhưng khi UBND thị xã Kỳ Anh, Phòng GD-ĐT tổ chức họp, rút kinh nghiệm về việc vận động tài trợ này, cô L. chỉ thừa nhận sai khi đã nói câu "nhập gia tùy tục". Bà Hiệu trưởng cũng chỉ nhận lỗi phát ngôn gây hiểu nhầm cho phụ huynh. Còn bà Phó phòng GĐ-ĐT thị xã Kỳ Anh thì cho rằng việc phát ngôn của lãnh đạo Trường Tiểu học Kỳ Trinh là chưa khéo léo (!).
Thực ra, không có chuyện vận động tài trợ gì ở đây cả, nói thẳng ra là lạm thu. Từ thông báo của cô L đến trả lời của bà Hiệu trưởng đều cho thấy đây là chủ trương của nhà trường, đẩy phụ huynh vào thế buộc phải thực hiện.
Tại trường Trường THCS thị trấn Núi Đối (huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng), nhiều phụ huynh bức xúc khi làm thủ tục, hồ sơ cho con vào lớp 6 phải nộp 2 triệu đồng mà không có phiếu thu, không được giải thích về số tiền phải nộp.
Trước phản ánh của phụ huynh, Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy đã phê bình Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Núi Đối và yêu cầu nhà trường hoàn trả số tiền đã thu cho phụ huynh học sinh.
Trường THPT Lê Chân (Hải Phòng) vận động tài trợ kinh phí xây dựng trạm biến áp với mức dự toán 1 tỷ đồng. Một tài khoản mạng xã hội đăng tải nội dung cho biết: “Nhà trường vận động cha mẹ học sinh đóng góp xây trạm biến áp bằng vốn xã hội hoá. Cô giáo thì nói là tuỳ tâm cha mẹ học sinh và không cào bằng số tiền cần đóng, nhưng cô lại đưa ra con số 26 triệu cần phải có đủ cho tổng số 37 em học sinh trong lớp”.
Điều đáng quan tâm là Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng đã phê duyệt kế hoạch vận động tài trợ này của Trường THPT Lê Chân trong năm học 2022-2023.
Những điệp khúc buồn về lạm thu tiền trường như thế vẫn cứ ngân lên khiến phụ huynh đau đầu, chạy ngược chạy xuôi lo đủ các khoản tiền cho con ăn học trong bối cảnh kinh tế xã hội chưa kịp hồi phục sau đại dịch Covid-19, đời sống của nhiều gia đình phụ huynh còn gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Dư luận từng vui mừng trước việc nhiều địa phương đã có chủ trương không thu học phí đến bậc THCS hay THPT từ năm học 2022-2023. Nhưng niềm vui ấy vừa lóe lên thì lại bị nỗi lo về các khoản đóng góp ngoài học phí lấn át. Đơn cử, chỉ khoản thu 2 triệu đồng của Trường THCS thị trấn Núi Đối nói trên đã gấp đôi học phí cả năm (mức thấp nhất 100.000 đồng/tháng đối với học sinh THCS vùng nông thôn).
Bao giờ chuyện lạm thu chấm dứt, tiền trường không còn là nỗi ám ảnh đối với phụ huynh? Đáp án của câu hỏi này nằm trong tay các cơ sở giáo dục và quý thầy cô giáo.
3-9-2022
Nguyễn Duy Xuân