Vì sao sách giáo khoa “khổ lớn, giấy tốt” nhưng chỉ dùng một lần?

Thứ ba - 07/06/2022 21:01
Nhân chuyện Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lý giải lý do sách giáo khoa (SGK) đội giá gấp 2, gấp 3 so với sách cũ vì khổ to, giấy tốt, xin được lạm bàn đôi điều.
 

Tôi không nghĩ cách giải thích nêu trên là do Bộ trưởng nghĩ ra. Bộ trưởng trăm công ngàn việc, toàn những việc to tát của ngành, thì giờ đâu mà bận tâm tới chuyện sách to sách nhỏ hay giấy tốt giấy xấu để thanh minh giùm doanh nghiệp trước cử tri cả nước. Chuyện “khổ to, giấy tốt” chắc là xuất phát từ nơi sản xuất ra SGK bộ mới với giá khiến phụ huynh bất an.

Bởi chả có lý do nào hay hơn thế vì mọi công đoạn làm sách, dù là sách cũ hay sách mới thì xưa nay vẫn thế.

Rồi nhìn vào đội ngũ biên soạn SGK qua mỗi lần thay sách, càng thấy rõ một thực tế, có những nhóm biên soạn, những chủ biên, tổng chủ biên “ôm” trọn hết bộ sách này đến bộ sách khác trong suốt nhiều thập kỷ qua. Thế cho nên không có gì lạ khi nhìn vào trang bìa SGK mỗi lần thay mới, nhóm biên soạn vẫn do ông A chủ biên. Lần 1, lần 2, rồi lần 3, lần 4 cũng ông A tuốt. Chỉ có giá sách là thay đổi, tăng đúng quy trình “năm sau cao hơn năm trước” sau mỗi lần thay mới hay chỉnh lý, bổ sung.

Bởi thế, năm nào Bộ cũng phải in SGK và thật diệu kỳ, sách mới “khổ to giấy tốt” nhưng chỉ dùng… một lần. Hàng chục triệu bản sách trở thành giấy lộn ngay sau khi năm học vừa kết thúc. Và đến hẹn lại lên, phụ huynh lại bắt đầu một kỳ hè chạy đôn chạy đáo chuẩn bị tiền sắm sách mới cho con.

Nhớ lại, ngày xửa ngày xưa, SGK “khổ nhỏ, giấy xấu” (đúng như ý Bộ trưởng “chê” SGK 2016 trong buổi thảo luận tổ ngày 25/5 của Quốc hội) nhưng dùng được nhiều năm theo “quy trình” anh/chị để lại cho em, em để lại cho cháu. Chuyện tái bản sách cực hiếm. Cái lợi vì thế đã rõ, nhà nước tiết kiệm được ngân sách, nguyên vật liệu, phụ huynh, nhất là phụ huynh nghèo đỡ “viêm màng túi” và quan trọng hơn, học sinh luôn có ý thức giữ gìn sách vở mà không cần phải dạy dỗ, nhắc nhở.

Bây giờ thì… SGK được in hàng năm. Dự tính cả nước có hơn 20 triệu học sinh các cấp thì cũng sẽ có hơn 20 triệu bộ SGK (với khoảng 100 triệu bản) in mới. Bao nhiêu vạn tấn giấy, bao nhiêu triệu cây xanh để đáp ứng được ngần ấy SGK? Bao nhiêu hóa chất thải ra môi trường từ việc khai thác, xử lý nguồn vật liệu khổng lồ ấy để có được lượng giấy đủ đáp ứng nhu cầu in 100 triệu bản SGK? Đấy là chưa kể, hàng ngàn tỉ tiền Việt mà phụ huynh buộc phải chi cho việc mua sách mỗi năm. Sự tốn kém, lãng phí, nguy hại từ việc in lại SGK hàng năm là khủng khiếp và nhờ thế, nguồn lợi từ việc biên soạn, thẩm định, xuất bản, in ấn SGK cũng thật khủng khiếp. Nguồn lợi ấy đã và đang chảy vào túi ai?

Trên mạng xã hội, có người chia sẻ, ở Canada học sinh tiểu học chỉ sử dụng sách tại trường, không mang về nhà, không phải mua. Sách bài tập để học sinh về nhà làm, được phát miễn phí. Từ lớp 6 đến lớp 12, học sinh mượn sách từ trường và trả lại khi năm học kết thúc.

Canada là quốc gia giàu có, vậy mà SGK của họ được dùng nhiều lần, học sinh được mượn không phải mua, mất mát hoặc hư hỏng mới phải bồi hoàn.

Đó là bài học không phải chỉ để nói ra cho vui.

Báo chí cũng đã từng phản ánh chuyện sử dụng SGK của các nước trên thế giới.

Học sinh tiểu học ở nhiều nước như Na Uy, Pháp,  Mexico, Cộng hòa Czech, Slovakia, Nhật Bản, Chile, Indonesia,… đều được nhận sách miễn phí.

Ở Mỹ, các bang có chu kỳ sử dụng SGK từ 7 đến 10 năm, một khoảng thời gian khá dài trước khi họ cung cấp bản mới cho học sinh.

Trong suốt thời gian sử dụng sách giáo khoa, nếu có những khác biệt về mặt số liệu, dữ kiện,… do xã hội có sự thay đổi thì cơ quan quản lý giáo dục sẽ cấp phép cho các nhà xuất bản thực hiện chỉnh sửa nhỏ nhằm đảm bảo tính cập nhật và chính xác.

Các nội dung mới cần update hàng năm có thể in tờ bổ sung, hoặc cập nhật lên web, ứng dụng để phụ huynh tự in… Công nghệ hiện đại đang giúp việc cập nhật, bổ sung dữ liệu mới tới giáo viên, học sinh và phụ huynh một cách dễ dàng, nhanh chóng mà không cần phải tái bản SGK hằng năm.

Chuyện đơn giản thế, tại sao chúng ta không màng?

Bởi “miếng bánh” SGK lớn quá, “thơm quá”. Ai đủ dũng cảm cắt bỏ bớt để ngân sách nhà nước và người dân được hưởng lợi?

Bỗng nhớ lời dạy của Hồ Chí Minh: “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”. Học nhiều rồi, ai còn nhớ hay ai đã quên?

30/5/2022
Nguyễn Duy Xuân


 

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Luong truy cap
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
CM tháng 8 và QK 2/9
79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8
& QUỐC KHÁNH 2/9
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập249
  • Hôm nay29,642
  • Tháng hiện tại444,460
  • Tổng lượt truy cập60,328,267
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây