Chuyện thu phí vào Công viên Thống nhất: hãy dỡ ngay rào chắn vô hình trong tư duy quản lý

Thứ bảy - 10/12/2022 20:35
Chuyện Công viên Thống nhất thu phí vào cổng đang dậy sóng dư luận những ngày qua.
 
Công viên Thống nhất
Công viên Thống nhất

Câu chuyện làm tôi nhớ đến một lần đi du lịch Campuchia cách đây dăm năm.

Trong chuyến đi ấy, đoàn chúng tôi vượt 500 cây số bằng ô tô từ cửa khẩu Mộc Bài đến Xiêm Riệp để thăm thú khu phế tích Angkor với hai di sản nổi tiếng là Angkor Wat và Angkor Thom.

Khi xếp hàng làm thủ tục trình vé vào thăm (do đoàn mua tập thể), tôi để ý thấy du khách là người Campuchia đi lối riêng. Họ chỉ cần xuất trình giấy tờ tùy thân là được vào mà không phải mua vé.

Thấy lạ, tôi liền hỏi hướng dẫn viên của đoàn là người Khơ me. Anh này cho biết, ở Campuchia người ta quan niệm các di sản văn hóa cha ông để lại đều là tài sản vô giá của quốc gia. Người dân Camphuchia là chủ nhân của các di sản đó cho nên việc họ được miễn phí vé vào cổng là điều hiển nhiên.

Nghe vậy, tôi thầm phục nước bạn, mà trước hết là chính quyền của họ. Một quan niệm rất trúng: nhân dân mới là người chủ thực sự của đất nước. Chính họ ngàn đời nay đã đổ bao mồ hôi, xương máu, của cải để bảo vệ và giữ gìn những gì mà ông cha để lại. Thế cho nên không có lý do gì buộc họ phải trả tiền để được chiêm ngưỡng những di sản đó. Chuyện đơn giản thế nhưng không phải quốc gia nào cũng làm được.

Nhìn lại chính mình, thử hỏi có danh thắng, di sản nào ông cha ta để lại trên khắp đất nước này mà mỗi khi con cháu muốn đến tham quan lại không phải bỏ tiền ra mua vé? Một con thác giữa núi rừng hoang dã, dân muốn đến du ngoạn cũng phải mất tiền vì nhà đầu tư đã đấu thầu, chắn rào dựng cổng. Xây chùa to, hoành tráng nhất nhì thế giới không phải vì sự thành tâm với Đức Phật mà là để thu tiền, lấy lãi vì doanh nghiệp đã bỏ vốn đầu tư.

Còn về công viên, xin nhắc lại đây để nhà quản lý hiểu đúng hơn khái niệm của nó: công viên “là khu vực được bảo vệ các nguồn thiên nhiên tự có hay trồng, một nơi vui chơi, giải trí đại chúng, các hoạt động văn hóa, hưởng thụ” (Wikipedia). Thế mà ở Thủ đô văn hiến, dân muốn vào công viên vui chơi, giải trí sau những giờ làm việc căng thẳng, vất vả cũng phải mua vé.

Chuyện thu phí ở Công viên Thống nhất không phải “vì hạnh phúc của nhân dân”, cũng chẳng phải “vì Tổ quốc giàu mạnh”. Bằng chứng là tiền thu vé vào cổng chỉ đạt khoảng 700 triệu đồng/năm trong khi tiền lương cho nhân viên bán vé gồm 22 người là 1,3 tỉ đồng/năm.

Một công viên lớn nhất Thủ đô, nằm ở vị trí trung tâm thành phố mà mỗi ngày chỉ thu hút được khoảng 500 người (bỏ tiền túi) vào vui chơi giải trí thì quả là một nghịch lý vô tiền khoáng hậu.

Được biết, ở thành phố Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác, công viên không có rào chắn, ngăn cách với thế giới bên ngoài, càng không có chuyện thu phí. Tại sao họ làm được điều đó? Đơn giản vì họ nghĩ đó là công viên.

Về chuyện xây rào, dựng cổng để thu phí ở Công viên Thống nhất, đừng đổ lỗi cho trăm thứ lý do khách quan, chủ quan. Hãy dỡ ngay cái rào chắn vô hình trong tư duy quản lý để người dân được thụ hưởng những công trình phúc lợi công cộng; để cuộc sống của họ luôn hài hòa giữa nhu cầu vật chất và tinh thần. Điều đó suy cho cùng cũng là để giữ cho nguồn lực về con người luôn phát triển bền vững, góp phần hiện thực hóa khát vọng “dân giàu, nước mạnh”.

8/12/2022
Nguyễn Duy Xuân

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TỔ QUỐC TRÊN HẾT
CM tháng 8 và QK 2/9
79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8
& QUỐC KHÁNH 2/9
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
Luong truy cap
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập93
  • Hôm nay30,701
  • Tháng hiện tại388,749
  • Tổng lượt truy cập59,286,402
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây