Rừng đang “chết” bởi tay ai?

Chủ nhật - 24/04/2022 16:03
Tôi viết những dòng này trong tâm trạng rối bời, đầy xót xa. Báo chí vừa đưa tin, 382 héc ta rừng bị lâm tặc tàn phá trong những ngày tháng Ba Tây Nguyên tại địa bàn xã Ea Tờ Mốt, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.
 
Ba trăm tám mươi hai héc ta! Một con số không hề nhỏ chút nào. Một vụ phá rừng với diện tích được cho là khủng nhất từ trước tới nay tại địa phương. Thế mà nó diễn ra “âm thầm” trước con mắt của chính quyền và lực lượng chức năng suốt mấy ngày liền.

Để phá được chừng ấy diện tích rừng, dù là rừng nghèo, “sản lượng gỗ thất thoát là không đáng kể vì rừng trồng và cây nhỏ, ít có giá trị về kinh tế” như một vị lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh từng nói tỉnh queo, hẳn bọn lâm tặc đã phải huy động một lực lượng lớn người, xe cộ và máy móc.

Chỉ riêng những âm thanh ghê rợn phát ra từ cưa máy, tiếng cây đổ ầm ầm, cũng đủ khiến người yếu tim cảm thấy ớn lạnh. Chúng chọn lúc màn đêm buông xuống, vạn vật đang chìm dần vào giấc ngủ sau một ngày phơi mình giữa cái nắng tháng Ba khô rát để ra tay tàn sát những thân cây vô tội. Cả rừng Ea Tờ Mốt gầm lên tiếng thét đau đớn, tuyệt vọng trước sự bạo tàn của con người.

Một cảnh tượng rùng rợn diễn ra công khai trong suốt hai tuần, vậy mà nó lại như tàng hình trước tai mắt của chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm.

Có phải do thời tiết xấu, đêm tối, địa hình phức tạp, và cả dịch bệnh Covid-19 nữa, đã cản trở “tầm nhìn’, diện “phủ sóng” của nhà chức trách?

Còn rất nhiều lý do khác, như bài ca muôn thuở mà dư luận vẫn thường nghe mỗi khi rừng bị tàn phá: “Không biết, không nghe, không thấy”. Các vị được giao trọng trách quản lý, bảo vệ, canh giữ rừng đáng lẽ phải là người mắt tinh, tai thính, và hơn ai hết là có trách nhiệm, tâm huyết với công việc. Đằng này…

Cũng mới đây thôi, tòa án vừa xử tù 40 tên lâm tặc, can tội phá rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (huyện Ea Ka, Đắk Lắk).

Buồn thay, trong đội ngũ phá rừng ấy có hai gương mặt cán bộ kiểm lâm sáng giá là Hoàng Công Ý (trạm trưởng trạm quản lý bảo vệ rừng số 3, thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô) và Vương Thế Cao (trạm Phó trạm quản lý bảo vệ rừng số 5, thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô). Hai cán bộ kiểm lâm này đã “thực thi” nhiệm vụ bảo vệ rừng bằng cách bày mưu, tính kế, bảo kê, chỉ dẫn cho nhóm lâm tặc chặt phá cây rừng sao cho “êm” nhất, ít khả năng bị phát hiện nhất.

Dư luận gọi những kẻ như Hoàng Công Ý, Vương Thế Cao là “kiểm lâm tặc”, quả không sai. Đây cũng không phải là vụ phá rừng duy nhất có sự tiếp tay của lực lượng chức năng. Trong một môi trường quản lý vô trách nhiệm như vậy thì chuyện “chảy máu” rừng sẽ không bao giờ dứt. Lâm tặc là ai, nhân dân biết rõ.

Ai tin được, rừng đã bị tàn phá không chỉ nơi vùng lõi xa xôi hiểm trở mà còn ngay sát nách trụ sở chính quyền địa phương hay trạm kiểm lâm?

Ai tin được những chuyến xe chất đầy gỗ khai thác lậu từ cửa rừng ra, ngạo nghễ đi qua trước trụ sở cơ quan công quyền mà nhà chức trách không hề hay biết?

Hồi tháng 2/2020, tại diễn đàn Quốc hội, ông Hoàng Văn Hùng, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên (khóa XIV), khi bàn về tình trạng phá rừng vẫn diễn biến ngày càng phức tạp và nghiêm trọng, đã từng đặt vấn đề: Phải chăng có sự bao che, tiếp tay, thiếu tinh thần trách nhiệm quản lý của một bộ phận cán bộ chính quyền, cơ quan chức năng chưa làm tròn trách nhiệm được giao?(*)

Các vị như bị “thôi miên” tới mức cả một cánh rừng hàng chục, hàng trăm héc ta biến mất mà không hay biết; và có những đoàn xe máy ngày đêm kìn kìn chở gỗ lậu qua trạm kiểm soát như qua chốn không người.

Thế cho nên rừng ngày càng cạn kiệt, như cái xác bị hút khô máu với đủ chiêu trò, từ chặt phá ngang nhiên hay bức tử bằng thuốc độc; từ núp bóng các dự án thủy điện, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng đến mở đường nhân danh phát triển hạ tầng, kết nối vùng,…

Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp ( Bộ NN và PTNT), chỉ trong hơn 5 năm từ năm 2012 -2017, diện tích rừng tự nhiên bị mất do chặt phá rừng trái pháp luật chiếm 11%, 89% còn lại do chuyển mục đích sử dụng rừng tại những dự án được duyệt.

Năm 2019, riêng phá rừng đã phát hiện 1.179 vụ, tăng trên 16% so với năm 2018. Quả là những con số xót xa cho những ai còn nặng lòng nghĩ đến tương lai con cháu.

Ôi, đau lắm, rừng ơi!

Buôn Ma Thuột, tháng Tư 2022
Nguyễn Duy Xuân
Nguồn tham khảo:

(*) https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/Pages/home.aspx?ItemID=44130

Đăng TTO:
https://tuoitre.vn/rung-dang-chet-boi-tay-ai-20220423094131685.htm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Luong truy cap
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
Đại thắng mùa xuân 1975
50 NĂM
ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975

 
50 năm đại thắng mùa xuân
30/4 -  NGÀY HÒA BÌNH
THỐNG NHẤT NON SÔNG


 
70 năm Điện Biên Phủ
70 NĂM CHIẾN THẮNG
ĐIỆN BIÊN PHỦ
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập57
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm52
  • Hôm nay14,534
  • Tháng hiện tại14,534
  • Tổng lượt truy cập55,205,995
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây