Từ một nghi thức đậm chất nhân văn, từ bi của đạo Phật, chuyện phóng sinh hiện đã và đang ngày càng biến tướng, bị thương mại hóa, nặng tính hình thức, đạo đức giả.
Hằng năm, đến độ rằm tháng Bảy, báo chí và dư luận lại rộ lên chuyện phóng sinh.
Theo quan niệm của Phật giáo, phóng sinh là cứu mạng, kéo dài sự sống của người hay sinh vật nào đó. Hành động phóng sinh thể hiện tâm từ bi của người thực hiện, và là một phương tiện để tu tập. Phóng sinh còn hàm ý nghĩa khác, đó là phóng thích những cái tâm ô uế như cái tâm tham, cái tâm đố kị, hơn thua và thù hận ra khỏi con người mình để mình được tự do thoải mái.
Hiểu theo “nguyên lý” trên, phóng sinh chỉ có ý nghĩa khi mỗi người tự giác (không định trước) thực hiện hành vi cứu mạng, bất kể đó là người hay vật; tự giác làm việc thiện, sống tử tế, loại bỏ khỏi chính mình những tham, sân, si.
Từ một nghi thức đậm chất nhân văn, từ bi của đạo Phật, chuyện phóng sinh hiện đã và đang ngày càng biến tướng, bị thương mại hóa, nặng tính hình thức, đạo đức giả.
Dạo quanh một vòng các trang báo điện tử mùa Vu Lan, đọc một số tít bài bỗng thấy lòng buồn và xót xa.
Tự bao giờ chuyện phóng sinh đã trở nên như rày: “Những chú chim kiệt sức ngay khi được thả về trời”, “Phóng sinh như thế, bằng mười sát sinh”, “ Chim phóng sinh bị mua đi bán lại đến chết”, Phóng sinh hay… bức tử?”, “ Cá phóng sinh: Người thả - kẻ chờ vớt”, “Viếng chùa mùa Vu Lan: Người thả cá phóng sanh, kẻ chực chờ... chích điện”.
Thương hàng vạn con vật, tưởng được cứu mạng nhờ phóng sinh ai dè lại bị phóng vào… cửa tử.
Tự bao giờ, xã hội lại có thêm nghề kinh doanh như rày: “Tiểu thương 'hốt bạc' nhờ bán chim phóng sinh dịp Rằm tháng 7”, “Phố chim phóng sinh bán nghìn con mỗi ngày trước dịp rằm tháng 7”, “Chợ chim phóng sinh đắt hàng dịp Rằm tháng Bảy”, “Nhộn nhịp chợ chim phóng sinh trong dịp rằm tháng 7”.
Thì ra, người ta cố tình bẫy chim, bắt cá nhốt lại, chờ dịp bán cho những ai có nhu cầu phóng sinh để kiếm lời.
Đúng là cơ chế thị trường, có cầu ắt có cung. Nhưng “cầu” không xuất phát từ sự tử tế chân tình như giáo lý của nhà Phật thì “cung” sẽ trở nên vụ lợi và có thể xem như là một hành vi tiếp tay cho tội sát sinh muôn loài.
Phóng sinh nào mà lại khiến cho con vật rơi vào vòng luẩn quẩn của sinh tử để rồi rất, rất nhiều trong số những chim, những cá được những bàn tay “tử tế” buông thả về với tự nhiên lại sớm nhận lấy cái kết bi thảm: hoặc là chịu cảnh mưa gió, đói khát vùi dập vì đã bị nhốt lâu ngày nên không thể thích nghi trở lại với môi trường quen thuộc, hoặc là bị chích điện hay sa bẫy của những kẻ khác đang rình rập, chực chờ.
Nếu không biết tôn trọng, quý trọng sự sống của muôn loài mà Mẹ Thiên nhiên đã ban tặng cuộc đời này thì xin đừng phóng sinh theo kiểu “bắt, nhốt, thả”, phi nhân bản, sống chết mặc bay.
Nếu không chăm lo nuôi dưỡng tâm từ thì phóng sinh sẽ không bao giờ là việc làm đúng nghĩa, thể hiện lòng từ bi bình đẳng, đánh thức tâm Bồ đề của chúng sinh.