"Chiến sĩ vô danh" chẳng lẽ lại là chiến sĩ… “vô danh tiểu tốt”?
admin100
2022-07-16T16:50:00-04:00
2022-07-16T16:50:00-04:00
http://nguyenduyxuan.net/kho-tri-thuc/chien-si-vo-danh-chang-le-lai-la-chien-si-vo-danh-tieu-tot-11534.html
http://nguyenduyxuan.net/uploads/news/lichsu/nghia-trang-liet-si.jpg
Nguyễn Duy Xuân
http://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Thứ bảy - 16/07/2022 16:50
Mộ liệt sĩ vô danh, hay liệt sĩ vô danh được hiểu là mộ liệt sĩ/liệt sĩ bị thất lạc họ tên, hoặc mộ liệt sĩ/liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Cách diễn đạt này thông dụng cả trong tiếng Hán lẫn tiếng Việt, cũng như nhiều thứ tiếng khác trên thế giới, và hoàn toàn không có gì sai.
Báo Tuổi Trẻ (05/07/2022) có bài Phải đổi tất cả các bia mộ liệt sĩ 'vô danh' thành 'liệt sĩ chưa xác định được tên'. Theo đây, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chỉ đạo “cần thực hiện quyết liệt việc đổi tên bia mộ”, bởi theo ông, “Không liệt sĩ nào là vô danh, những liệt sĩ đều có tên tuổi, quê quán. Vì vậy việc ghi tên bia mộ cần nghiêm túc thực hiện, thống nhất tên trên những tấm bia này là “liệt sĩ chưa xác định được thông tin”, không để “vô danh” nữa”.
Thực ra, đây không phải là ý kiến mới hoặc mang tính cá nhân của ông Đào Ngọc Dung. Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết việc đổi tên đã được nêu rất rõ ràng trong Nghị định 131/2021 của Chính phủ.
Cụ thể, khoản c, điều 152 về quản lý, chăm sóc công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ có quy định trên bia mộ liệt sĩ phải ghi thống nhất họ và tên, ngày sinh… “trường hợp không có thông tin thì trên bia mộ ghi “Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin”. Và ông Hoàng Công Thái, nguyên Cục trưởng Cục Người có công, cho rằng “việc thay đổi tên bia mộ liệt sĩ vô danh được bàn từ lâu, vì có ý kiến cho rằng để vô danh là “hơi vô cảm’, vì liệt sĩ nào cũng có tên tuổi, địa chỉ, gia đình, quê quán...“Những liệt sĩ này chưa xác định được thông tin chứ không phải vô danh. Do vậy trên bia mộ ghi “Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin” sẽ chính xác hơn.” (báo Pháp Luật TP.HCM).
Đáng chú ý, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng cho rằng “trước đây chúng ta hơi đơn giản khi đặt tên “Liệt sĩ vô danh”. “Làm gì có ai là vô danh? Rõ ràng những người hy sinh có tên, có tuổi, có quê quán đàng hoàng, thậm chí nhiều người còn có chức vụ, nên không thể gọi là vô danh được. Ghi “Liệt sĩ vô danh” là không đúng, thậm chí còn là xúc phạm” - ông Lưu Bình Nhưỡng nêu quan điểm.” (báo Người Lao Động).
Chủ trương “đổi tên bia mộ” này đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối gay gắt, cũng như tranh luận, đề xuất sôi nổi.
Thực ra, chưa bàn tới chủ trương đục bỏ, thay thế hàng trăm ngàn tấm bia, phá vỡ “sự yên tĩnh vĩnh hằng” của chừng ấy ngôi mộ liệt sĩ sẽ gây tốn kém, nhiêu khê tới mức nào(*). Chỉ riêng về cách hiểu hai chữ “vô danh” đã thấy các vị nói trên cần phải đi học lại tiếng Việt.
1-“Vô danh” là gì?
Vô danh là từ Việt gốc Hán. Trong đó chữ vô 無 được Hán ngữ đại từ điển ghi nhận 14 nghĩa (như không có; không; không phải; chưa, chưa từng; nhỏ bé; mất…); còn chữ danh 名 có tới 37 nghĩa (như tên người; tên; họ tên; thuỵ hiệu; tên gọi sự vật; danh mục, chủng loại; hiệu lệnh; công danh sự nghiệp; danh tiếng, tên tuổi; lưu danh; danh nghĩa…).
Liệt kê như trên để thấy vô và danh vốn có rất nhiều nghĩa, trong khi không đơn giản là cứ lấy nghĩa của từng yếu tố cấu tạo từ ghép lại là xác định được nghĩa của từ. Theo đây, bản thân hai chữ “vô danh” cũng đa nghĩa, và được dùng, được hiểu thế nào còn tuỳ theo từng ngữ cảnh.
Hán ngữ đại từ điển ghi nhận vô danh 無名 tới 7 nghĩa, như: 1. Không tiếng tăm tên tuổi; 2. Không cầu tiếng tăm danh vị; 3. Không có danh xưng; không có họ tên; 4. Không có danh nghĩa, lý do chính đáng; 5. Trạng thái đất trời chưa hình thành theo cách gọi của đạo gia; 6. Nộ khí, sự giận dữ; 7. Không thể mô tả bằng lời.
Vậy, hai chữ “vô danh” trong cụm từ “mộ liệt sĩ vô danh” hoặc “liệt sĩ vô danh” được hiểu với nghĩa như thế nào?
Chúng ta đều biết, những ngôi mộ mà chỉ biết đó là xương cốt của người lính đã hi sinh, chứ không xác định được danh tính, lai lịch, thì đó là “mộ liệt sĩ vô danh”, hay gọi là “liệt sĩ vô danh”. Bởi thế, “vô danh” ở đây là không/chưa xác định được danh tính, chứ không phải là liệt sĩ ấy vốn không có tên, hay sinh thời “không có tên tuổi, địa chỉ, gia đình, quê quán”.
Cứ như các ông Đào Ngọc Dung, ông Hoàng Công Thái, Lưu Bình Nhưỡng…thì dường như đã có sai sót về sử dụng từ ngữ. Vậy ta hãy đọc một đoạn xem Wikipedia tiếng Hán đã dùng từ gì để diễn đạt khái niệm Mộ liệt sĩ vô danh.
“Mộ chiến sĩ vô danh (nguyên văn 無名戰士墓 - vô danh chiến sĩ mộ) là bia mộ dành cho những người lính đã hy sinh trong trận chiến mà không xác định được danh tính, còn được gọi là ‘mộ vô danh’ (無名塚 - vô danh trủng). Trong lịch sử, nhiều quân nhân hy sinh trong chiến trận, sau đó không xác định được danh tính. Không ít quốc gia hiện đại đã lập những ngôi mộ vô danh cho những người lính như vậy. Những ngôi mộ vô danh được chôn cất xương cốt của những người lính vô danh, và đôi khi được khắc dòng chữ “Chỉ thượng đế mới biết” (nguyên văn 唯有上帝知晓 - known but to God). Những ngôi mộ vô danh cũng tượng trưng cho những người lính khác đã hi sinh mà không xác định được danh tính”.
Như vậy, mộ liệt sĩ vô danh, hay liệt sĩ vô danh được hiểu là mộ liệt sĩ/liệt sĩ bị thất lạc họ tên, hoặc mộ liệt sĩ/liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Cách diễn đạt này thông dụng cả trong tiếng Hán lẫn tiếng Việt, cũng như nhiều thứ tiếng khác trên thế giới, và hoàn toàn không có gì sai.
2. Vô danh không có nghĩa là… “vô danh”.
Như trên đã phân tích, chữ danh có hai nghĩa đáng chú ý: họ tên, và danh tiếng (tương tự như tên tuổi vừa có nghĩa là họ tên, lại vừa có nghĩa là danh tiếng vậy). Danh trong “mộ liệt sĩ vô danh”, trước hết có nghĩa là họ tên, tên tuổi (tên và tuổi).
Tuy nhiên, với những người đã chiến đấu, hy sinh thân mình cho cuộc chiến bảo vệ tổ quốc, hay xả thân vì chính nghĩa mà không lưu lại tên tuổi, không được người đời biết đến, thì danh trong “vô danh” lại có nghĩa là danh tiếng, tên tuổi (tên tuổi với nghĩa nổi tiếng, được nhiều người biết đến). Ví dụ “chiến sĩ vô danh”, “liệt sĩ vô danh”, “anh hùng vô danh”… Dĩ nhiên, “vô danh” ở đây có nghĩa là không để lại/không cầu tiếng tăm, tên tuổi, danh vị. Sự “vô danh” này thể hiện nghĩa cử cao đẹp, sự hi sinh, cống hiến thầm lặng, không chút tính toán hay mưu cầu ghi nhận, đền đáp.
Trong “vô danh” nghĩa 2 (“không cầu tiếng tăm danh vị”) đã liệt kê trên đây, Hán ngữ đại từ điển dẫn ngữ liệu: “Bậc chí nhân thì không nghĩ đến bản thân, bậc thần nhân thì không nghĩ đến công lao, bậc thánh nhân thì vô danh (không nghĩ đến, không cần lưu lại danh tiếng)” (Chí nhân vô kỷ, thần nhân vô công, thánh nhân vô danh - Trang Tử ‧ Tiêu giao du - 至人無己,神人無功,聖人無名 - 莊子‧逍遙游).
Hồi đầu kháng chiến chống Pháp (1948), Nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác bài “Chiến sĩ vô danh”, có đoạn ngợi ca: “Khi ra đi đã quyết chí nuôi căm hờn/ Muôn lời thiêng còn vang/ Hồn quật cường còn mang đến phút chiến thắng/ Sầu hận đời lấp tan/ Gươm anh linh đã bao lần vấy máu […]/Hỡi người chiến sĩ vô danh...”.
Thành ngữ gốc Hán Anh hùng vô danh (Vô danh anh hùng) được Hán ngữ đại từ điển giảng là: “Chỉ nhân vật hiến thân cho nghiệp lớn mà danh tính không được người đời biết đến.” [nguyên văn Vô danh anh hùng: chỉ hiến thân ư vĩ đại sự nghiệp nhi tính danh bất vi thế nhân sở tri đích nhân vật - 無名英雄: 指獻身於偉大事業而姓名不為世人所知的人物].
Một người lính xông pha chiến trận, vào sinh ra tử, lập nhiều chiến công, nhưng khi xuất ngũ, trở về với ruộng vườn, không cầu tiếng tăm, danh vị, không được người đời biết tên, đó là chiến sĩ vô danh, anh hùng vô danh. Một người lính quả cảm, xả thân vì nước, hy sinh trong một trận chiến khốc liệt, thân xác nằm lại chiến trường, tên tuổi bị thất lạc, không thể truy tìm được, thì đó cũng là liệt sĩ vô danh, anh hùng vô danh. Việc dùng từ “vô danh” này không những không có gì “vô cảm”, hay “xúc phạm”, mà ngược lại, còn thể hiện sự cảm phục, sự vinh danh đối với những người đã xả thân vì chính nghĩa.
Những ngôi mộ chiến sĩ vô danh, đài tưởng niệm chiến sĩ vô danh có ở rất nhiều nơi trên thế giới. Ví dụ trong Thế Chiến Thứ Nhất, 1.400.000 lính Pháp đã ngã xuống, 3.6 triệu người bị thương và 500.000 bị cầm tù. Năm 1921, mộ Chiến Sĩ Vô Danh được đặt dưới vòm Khải Hoàn Môn để tôn vinh tất cả những người lính đã hy sinh cho nước Pháp. Năm 1923, vào lễ kỷ niệm kết thúc Thế Chiến Thứ Nhất, ngày 11/11, bộ trưởng Chiến Tranh André Maginot thắp “ngọn lửa thiêng” trên tượng đài Chiến Sĩ Vô Danh để tôn vinh những người đã hy sinh, bảo vệ tự do cho nước Pháp…
3. “Vô danh” và “khuyết danh”.
Nhiều người đề xuất không dùng “Mộ liệt sĩ vô danh”; cũng không diễn đạt dài dòng “Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin”, mà dùng chữ “khuyết danh” thay cho “vô danh”. Nghĩa là “Mộ liệt sĩ vô danh” sẽ thành “Mộ liệt sĩ khuyết danh”.
Thực ra trong tiếng Việt, “vô danh” mới là từ vốn được dùng để chỉ sự “khuyết danh”. Theo đây, “vô danh” là cách nói tắt của “vô danh thị” 無名氏, mà nghĩa của nó được Hán ngữ đại từ điển giảng là “chỉ người không thể truy tìm, khảo xét được họ tên (chỉ tính danh bất khả khảo đích nhân - 指姓名不可考的人). Trong khi Hán điển (zdic.net) mục giải thích từ ngữ giảng “vô danh thị” là “người không muốn công khai danh tính hoặc không thể truy tìm được danh tính” (bất nguyện công bố tính danh hoặc tra bất xuất tính danh đích nhân - 不愿公布姓名或查不出姓名的人); mục từ vựng, từ điển này giải thích “vô danh thị” là “người ẩn danh hoặc thất lạc họ tên” (xưng ẩn một hoặc vong thất tính danh đích nhân - 称隐没或亡失姓名的人).
Nhiều cuốn từ điển tiếng Việt còn ghi nhận vô danh 無名 (đồng nghĩa khuyết danh) trong tiếng Việt được hiểu như vô danh thị 無名氏 gốc Hán. Ví dụ Từ điển tiếng Việt (Văn Tân chủ biên – 1967) giảng “vô danh” là “không có tên tác giả”, và lấy ví dụ “bài thơ vô danh”. Tương tự, Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức – 1932) giảng vô danh là “không có tên”, và lấy ví dụ “tác phẩm vô danh”.
“Bài thơ vô danh” hay “tác phẩm vô danh” ở đây có nghĩa là bài thơ khuyết danh, tác phẩm khuyết danh… Ngay như Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên – Viện ngôn ngữ - 1988) hãy còn ghi nhận vô danh với nghĩa: “Không có tên tác giả, không biết cụ thể của ai. Tác phẩm vô danh”.
Như trên đã đề cập, trước đây dùng “vô danh” với nghĩa “khuyết danh”. Nhưng về sau, “vô danh” đã nhường chỗ cho “khuyết danh” để chỉ tác phẩm “không có tên tác giả, không biết tên tác giả là ai”. Sự diễn tiến này để lại dấu ấn khá rõ ràng trong từ điển. Ví dụ Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên – Viện ngôn ngữ - 1988) ghi nhận vô danh có hai nghĩa: “1.Không có tên tác giả, không biết cụ thể của ai. Tác phẩm vô danh; 2. Không ai hoặc không mấy ai biết đến tên tuổi. Người anh hùng vô danh”. Tuy nhiên, bắt đầu từ bản in 2007, Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê – Vietlex – bản có chú chữ Hán cho những từ Hán Việt) đã có sự điều chỉnh. “Vô danh” được từ điển này định nghĩa là: “không mấy ai biết đến tên tuổi, không để lại tên tuổi. mộ liệt sĩ vô danh ~ một cây bút vô danh ~ “Lá thư của người vô danh nào đó đã ném qua cửa sổ cho rơi đúng vào giường của Tùng (…)”.
Bằng việc chỉnh lí này, người sử dụng từ điển vẫn có thể hiểu được khi cần tra cứu khái niệm “tác phẩm vô danh”, “bài thơ vô danh”. Tuy nhiên, “vô danh” với nghĩa mà bản in 1988 giảng: “không có tên tác giả, không biết cụ thể của ai”, đã được từ điển lược bỏ. Sự điều chỉnh này là hoàn toàn hợp lí. Vì theo những gì được dạy trong nhà trường phổ thông, cũng như trong thực tế hiện nay, nếu vẫn nói và viết theo lối cũ “truyện nôm vô danh”, “tác phẩm vô danh”, sẽ bị xem là sai. Cũng giống như liệt sĩ 烈士 vốn chỉ kẻ có khí tiết, có chí lớn, sau được hiểu là người đã hi sinh (chết) vì nghĩa lớn. Nếu vẫn dùng liệt sĩ theo nghĩa cũ sẽ không được chấp nhận.
Vậy, có thể dùng “liệt sĩ khuyết danh” được không? Câu trả lời là không, hoặc ít nhất là không nên. Vì sao vậy?
Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê – Vietlex) đã đúng khi ở mục “khuyết danh”, chỉ giảng một nghĩa duy nhất: “khuyết danh • 缺名 t. không có tên tác giả, không biết tác giả là ai. truyện Nôm khuyết danh ~ tác phẩm khuyết danh”.
“Khuyết danh” không hẳn là thất lạc tên tuổi, mà có thể là chủ động ẩn danh, giấu tên tuổi lai lịch, không muốn cho người khác biết. Bởi vậy, không thể tuỳ tiện đem “khuyết danh” trong “tác phẩm khuyết danh” để áp cho khái niệm “liệt sĩ khuyết danh” hay “mộ liệt sĩ khuyết danh”.
3. Kết luận:
- Cách gọi “Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin” theo Nghị định 131/2021 của Chính phủ đã dài dòng, lại làm mất đi ý nghĩa tôn vinh của hai chữ vô danh – chỉ sự xả thân vì nghĩa lớn mà không cầu danh tiếng hay tên tuổi. Mặt khác, cách diễn đạt này quá rộng và thiếu chính xác. Bởi thực ra nhiều trường hợp đã “xác định được thông tin” như liệt sĩ thuộc đơn vị X, hi sinh ở mặt trận hay chiến dịch Y, trong khoảng thời gian Z…, duy chỉ có họ tên cụ thể là không/chưa xác định được.
- “Khuyết danh” trong tiếng Việt là từ chuyên chỉ tác phẩm văn học “không có tên tác giả, không biết tác giả là ai”. Bởi vậy, không thể tuỳ tiện đem khuyết danh để thay cho cách diễn đạt “liệt sĩ vô danh”.
-Dùng hai chữ “vô danh” trong “Mộ liệt sĩ vô danh” không có gì sai. Ngược lại, đây là cách diễn đạt cô đọng, súc tích, vừa đảm bảo tính chính xác, ngắn gọn khi định danh cho một ngôi mộ liệt sĩ bị thất lạc tên tuổi, lại vừ có ý nghĩa tôn xưng sự hi sinh quên mình, sự cống hiến thầm lặng, không cần để lại tên tuổi, không cầu danh lợi, không chờ đợi sự ghi công, báo đáp.
Nếu chỉ vì không hiểu tiếng mẹ đẻ, vì “có ý kiến cho rằng để vô danh là “hơi vô cảm”, là “xúc phạm”, để rồi vội vàng ban hành nghị định, điều khoản, rồi âm thầm thay đổi mộ chí cho gần 300 ngàn “Mộ liệt sĩ vô danh”, thành “Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin”, là một việc làm vừa vô minh vừa bất minh. Bởi đục bỏ bia cũ, thay bia mới mà không góp phần tìm được thân nhân cho người nằm dưới mộ, thì khác nào vô cớ làm kinh động hàng trăm ngàn giấc ngủ ngàn thu, xới lại vết đau của chừng ấy gia đình liệt sĩ?
Hoàng Tuấn Công/7/2022
Chú thích:
(*) Trong thực tế, người ta đã lẳng lặng đục bỏ hàng ngàn bia mộ cũ để thay bằng bia mộ mới với dòng chữ "Liệt sĩ chưa xác định được thông tin". Mới đây, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Quảng Trị đề nghị được hỗ trợ 8,8 tỷ đồng để hoàn thành chuẩn hóa thông tin trên bia mộ liệt sĩ trong năm 2023.