Về một số câu tục ngữ “chưa rõ nghĩa” trong “Từ điển tục ngữ Việt”

Thứ ba - 12/07/2022 16:40
Thông thường, khi biên soạn từ điển thì tất cả từ ngữ thu thập sẽ được soạn giả giải thích. Tuy nhiên, trong Từ điển tục ngữ Việt (NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh - 2010) có một số câu Nguyễn Đức Dương thu thập, nhưng xếp vào diện “chưa rõ nghĩa”. Cách làm này thể hiện sự thận trọng, và cũng có cái hay là lưu ý cho độc giả và các nhà nghiên cứu về những vấn đề còn bỏ ngỏ.
Sau đây chúng tôi xin đưa ra cách giải thích về những câu “chưa rõ nghĩa” này (phần gạch đầu dòng sau số mục, đặt trong ngoặc kép là nguyên văn của Từ điển tục ngữ Việt)

1-“Ao cá lửa thành Chưa rõ nghĩa”.

Thực ra đây chính là dị bản của Cháy thành vạ lây, mà chính Nguyễn Đức Dương đã thu thập và giải thích là: “Thành hễ bị cháy thì (những kẻ sống quanh đó) tất bị vạ lây. Hay dùng để than phiền về tình cảnh hay chịu vạ lây khi phải sống gần các cuộc giao tranh lớn”.

“Ao cá lửa thành” hay Thành môn ngư ương 城門魚殃 chính là dạng rút gọn của Thành môn thất hoả, ương cập trì ngư 城門失火,殃及池魚.

Tương truyền, thời Xuân Thu, Trì Trọng Ngư người nước Tống, nhà ở gần cửa thành. Một lần thành bị hoả tai, lửa lan rộng sang nhà họ Trì, khiến Trọng Ngư bị chết cháy. Và Trì Ngư ở đây là Trì Trọng Ngư. Lại có thuyết cho rằng trì ngư 池魚 đơn giản chỉ có nghĩa là ao cá (trì 池 = ao; ngư 魚 = cá). Tống thành bị hoả hoạn, người ta đổ xô đi múc nước chữa cháy, khiến cho ao chuôm gần đó bị cạn, cá tôm chết khô cả. Về sau, câu Thành môn ngư ương, hay Thành môn thất hoả, ương cập trì ngư, ví với trường hợp không có liên quan gì đến sự việc nhưng lại phải chịu hoạ hại [Tham khảo Hán ngữ đại từ điển, nguyên văn: 城門失火,殃及池魚: 相傳 春秋 時, 宋國 池仲魚 所居近城門,一次城門失火,延及其家, 仲魚 燒死.一說 宋 城門失火,因汲水滅火,池水乾涸,魚皆枯死 […] 後用以比喻無端受牽連而遭禍害].

2-“Áo chân cáy, váy chân sứa Chưa rõ nghĩa”.

Cáy là sinh vật nước lợ, thuộc họ Cua. Do chân cáy có nhiều lông và răng cưa nhỏ, gợi đến hình ảnh rách tướp, xác xơ. Còn sứa là một sinh vật biển, thân như ô như lọng, chân sứa giống tua mực xỏ xuống loà xoà. Áo chân cáy là áo có gấu rách tướp trông như chân cáy; váy chân sứa là váy có gấu rách tả tơi, trông như những cái chân con sứa. Áo chân cáy, váy chân sứa ý chỉ áo váy rách rưới tả tơi.

3-“Ăn có chỗ, đỗ [?] có nơi Chưa rõ nghĩa.”.

Theo ký hiệu đánh dấu [?] biểu thị nghi ngờ, thắc mắc, có lẽ soạn giả không hiểu “đỗ” có nghĩa là gì, dẫn đến cả câu “chưa rõ nghĩa”.

Thực ra “đỗ” ở đây là tạm, tạm thời dừng lại (đồng nghĩa với đậu), như Ăn nhờ ở đỗ = Ăn nhờ ở đậu, Ăn gửi nằm nhờ.

Câu Ăn có chỗ, đỗ có nơi (dị bản Ăn chọn nơi, chơi chọn bạn) có nghĩa phải biết chọn bạn mà chơi, không nên buông tuồng bừa bãi, bạ đâu xâu đó.

Tham khảo: Câu Ăn có chỗ, đỗ có nơi đồng nghĩa với Ăn có sở, ở có nơi. Đáng chú ý là với câu sau, Nguyễn Đức Dương cũng đã nhầm lẫn, không hiểu đúng nghĩa của từ sở nên giải thích sai: “Ăn có sở; ở có nơi: Ăn thì nên chọn những thứ hợp sở thích mà ăn; ở thì nên chọn những nơi thuần hậu mà cư ngụ;  sở dt. Sở thích [nói tắt]”.

4-“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt Chưa rõ nghĩa”.

Xưa kia, mỗi khi đói kém người ta lại lặn lội lên rừng để chạy đói, khai thác từ ngọn nứa tép cho đến cây gỗ quý. Tuy nhiên, chốn rừng núi “ma thiêng nước độc” với những rắn rết, thú dữ, đá lở đất nhào, lũ cuốn lũ quét…đã lấy đi nước mắt và sinh mạng của bao người. Người ta cho rằng, đó là thần rừng nổi giận, bắt con người phải trả giá vì đã “ăn của rừng”.

Câu “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt” được sử dụng khá rộng rãi trên báo chí, đặc biệt là khi nói về những thảm hoạ lũ lụt, sạt lở xảy ra do con người khai thác, tàn phá rừng bừa bãi. Ví dụ: “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt. Nước mắt kẻ “ăn rừng”, sớm muộn, có thể “rưng rưng” hay chẳng kịp “rưng rưng”. Nhưng, người dân miền núi, người dân vùng lũ vẫn chưa thôi vừa cạn dòng nước mắt, nước mắt lại lã chã tuôn rơi” (Uông Ngọc Dậu – báo Vietnamnet-2017); hay “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, âu đó cũng những gì chúng ta đã và đang phải trả giá cho lòng tham của mình khi quyết đánh đổi, tàn sát thiên nhiên trong suốt nhiều năm để đổi lấy tiền. Bởi ai đó đã nói rằng, nếu cứ san núi bạt rừng, bới đất lật cỏ lên mãi thì chỉ còn có mỗi âm ty và địa ngục” (Nam Hoàng – báo Công Lý – 2018).

5-“Bắt chấy mẹ chồng thấy bồ nông dưới bể Chưa rõ nghĩa”.

Quả tình, đây là một câu khó. Rất nhiều từ điển đã giải thích không đúng về nghĩa đen, dẫn đến đưa ra nghĩa bóng thiếu chính xác:

-Từ điển Vũ Dung: “Ng.đen: Hiện tượng nàng dâu bắt chấy cho mẹ chồng cũng hiếm như hiện tượng bồ nông dưới biển. Ng.bóng: Quan hệ mẹ chồng nàng dâu ít khi thành thật thương yêu  nhau.”

-Từ điển tiếng Việt (Ban biên soạn chuyên từ điển: New Era): “Quan hệ giữa nàng dâu và mẹ chồng, theo cách nhìn xưa nay, thường là ít gần gũi, ít có tình cảm với nhau nên không có sự chăm sóc, tâm tình và có phần đố kỵ, ví như việc nàng dâu bắt chấy cho mẹ chồng là hiếm hoi như trông thấy bồ nông dưới biển.”

-Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam (Nguyễn Cừ): “Mẹ chồng nàng dâu có bao giờ yêu nhau, nói chuyện nàng dâu bắt chấy cho mẹ chồng khác nào nói chuyện ngược đời là nhìn thấy chim bồ nông xuống biển mò ăn”.

Thực tế, bồ nông là loài chim biển, nên không có chuyện “Hiện tượng nàng dâu bắt chấy cho mẹ chồng cũng hiếm như hiện tượng bồ nông dưới biển”.

Sau đây là cách giải thích nghĩa đen của chúng tôi (đã in trên báo Người lao động - 25/4/2015). Lược trích:

Con chấy (đặc biệt là chấy mén) rất nhỏ. Bởi vậy, khi bắt chấy, dẫu mồm thủ thỉ đủ thứ chuyện trên đời với nhau, nhưng mặt, mắt, đôi tay vẫn luôn phải thật chăm chú, cắm cúi, tỉ mẩn, rẽ từng “chân tơ kẽ tóc” mới bắt được chấy. Ấy vậy mà cô con dâu nào đó, “Bắt chấy cho mẹ chồng” mà mắt lại “thấy bồ nông” tận ở “dưới bể” thì còn bắt cái nỗi gì?!

Như vậy, chúng ta có thể hình dung câu chuyện thế này:

Người bắt chấy thường ngồi ở phía sau. Người được bắt chấy không thể nhìn thấy mặt người bắt chấy. Thế là nàng dâu mới có cơ hội lừa mẹ chồng (hay lơ đễnh?): tay thì rẽ tóc, nhưng mắt lại ngóng nhìn tận đẩu tận đâu; nhìn thấy cả những thứ chẳng liên quan gì đến công việc của mình. Có thể nàng dâu không chủ ý như vậy, nhưng vì việc bắt chấy không xuất phát từ tình cảm thân mật, gần gũi nên cái kiểu “tâm bất tại” nó cứ tự nhiên diễn ra.

Có một số có dị bản mang tính địa phương, chưa được các nhà biên soạn từ điển ghi nhận như: Bắt chí (chấy) cho mụ gia (mẹ chồng) chộ (thấy) đa đa trên động, hoặc Bắt chí cho mụ gia, chộ ba ba ngoài bể (Hà Tĩnh); rồi Con dâu bắt chí mẹ chồng/Ngó ra ngoài đồng thấy ổ le le (Bình Định); Bắt chấy đồng Loi thấy đoi đồng Chùa (Thanh Hoá).

Con ba ba dưới bể, hay đa đa trên động, le le ngoài đồng có hiếm thấy không? Dĩ nhiên là không! Ngược lại rất sẵn, vì đó là môi trường sinh sống của chúng. Bởi vậy, khi xuất hiện trong câu tục ngữ, bồ nông, le le, hay đa đa… chỉ đóng vai trò là hình ảnh, sự vật bất kỳ ở một nơi rất xa nào đó, không liên quan chuyện bắt chấy, mà cô con dâu lại nhìn thấy. Điều đó chứng tỏ cô con dâu không tập trung vào việc bắt chấy cho mẹ chồng.

6-“Bòn nơi khố rách đãi nơi quần hồng Chưa rõ nghĩa”.

Câu này có một dị bản là Bòn nơi khố bện đãi nơi quần hồng. “Khố bện” hay “khố rách” chỉ kẻ nghèo khổ; “quần hồng” hay hồng quần 紅裙 chỉ con gái đẹp, nghĩa rộng là kẻ giàu sang. Bòn nơi khố rách đãi nơi quần hồng, ám chỉ kẻ bòn rút, bóc lột người nghèo khổ để cung phụng gái đẹp, chốn giàu sang.

7-“Buôn thuỷ buôn vã [?] chẳng đã [?] hà tiện. Chưa rõ nghĩa”.

Theo ký hiệu đánh dấu [?], thì có lẽ soạn giả đã không hiểu “buôn vã” và “chẳng đã” là gì, nên xếp câu này vào diện “chưa rõ nghĩa”.

Vậy “vã” trong “buôn vã” là gì? Từ điển Vietlex giảng: “vã • t. 1 [id] [đi lại] trên bộ và không có phương tiện [thường là đường dài, vất vả]. đi vã hàng chục cây số”.

Buôn vã hay Buôn vai gánh vã, có nghĩa là buôn bán bằng đôi vai gánh gồng nặng nhọc chứ không có phương tiện xe cộ nào khác. Ngược lại, “buôn thuỷ” hay buôn thuyền là buôn bán lớn, có phương tiện chuyên chở bằng thuyền bè. “Đã” trong “chẳng đã” có nghĩa là bằng. “Buôn thuỷ buôn vã chẳng đã hà tiện” tức buôn bán dù to (buôn thuỷ) hay nhỏ (buôn vã) cũng không thể nào bằng hà tiện, dành dụm, ăn tiêu chắt bóp. Đó là một quan điểm làm giàu.  

“Buôn thuỷ buôn vã chẳng đã hà tiện”, chính là dị bản của “Buôn tàu chẳng giàu bằng hà tiện”, mà chính Nguyễn Đức Dương đã thu thập và giải thích là “Buôn bằng cách dùng cả tàu bè (để vận chuyển) cũng chẳng tích cóp được nhiều của cải bằng ăn tiêu tằn tiện. Hay dùng với ẩn ý: nh. Buôn tàu buôn bè chẳng bằng ăn dè hà tiện”. Thế nhưng chỉ vì mấy chữ “lạ” “buôn vã” và “chẳng đã”, Nguyễn Đức Dương đã không hiểu “Buôn thuỷ buôn vã chẳng đã hà tiện” có nghĩa là gì.

Hoàng Tuấn Công (trích bản thảo "Viết lúc nông nhàn" sắp xuất bản)
Theo http://tuancongthuphong.blogspot.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
2025
CHÚC MỪNG NĂM MỚI
XUÂN ẤT TỴ 2025
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
Luong truy cap
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập228
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm225
  • Hôm nay75,507
  • Tháng hiện tại859,740
  • Tổng lượt truy cập64,461,665
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây