Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được mô tả trong sách cổ của Việt Nam như thế nào?
Trong “Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” (quyển 1), có phần vẽ và chú giải, phản ánh việc khai thác và thực thi chủ quyền của các chúa Nguyễn đối với Bãi Cát Vàng (quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa).
Cuốn “Chủ quyền quốc gia Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua tư liệu Việt Nam và nước ngoài” (NXB Thông tin và Truyền thông, 2015), do PGS.TS Trương Minh Dục tập hợp, hệ thống hóa nguồn thư tịch, tư liệu của Việt Nam và nước ngoài liên quan đến việc Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử đã quản lý, bảo vệ và khai thác quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong cuốn sách này, PGS.TS Trương Minh Dục có đề cập đến tác phẩm “Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư”. Đây là một trong những tác phẩm sớm nhất đề cập đến địa lý, việc khai thác và quản lý các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của chính quyền phong kiến Việt Nam. “Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” do Đỗ Bá, tự Công Đạo sưu tầm, biên soạn và hoàn thành năm 1686 dưới tời Chính Hòa (1680-1705) do chỉ đạo của chúa Trịnh Căn.
“Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” là bộ sách gồm 4 quyển viết về hình thể, sông núi, đường lộ, hải đảo…của nước ta.
Khi biên soạn bộ sách “Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư”, tác giả sử dụng các bản đồ toàn quốc được hoàn thành từ thế kỷ XV (1490) dưới triều Vua Lê Thánh Tông, trong đó có tấm vẽ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông dưới tên thuần túy Việt Nam bằng danh xưng Nôm là Bãi Cát Vàng, thuộc phủ Quảng Ngãi.
Trong “Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” (quyển 1), có phần vẽ và chú giải, nhắc đến Hoàng Sa và Trường Sa như sau:
“Địa phận làng Kim Hộ, hai bên có hai ngọn núi, các núi này có đặt người tuần tra.
Giữa biển có một dải cát dài, tên gọi là Bãi Cát Vàng dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm đứng dựng giữa biển. Từ cửa biển Đại Chiêm đến cửa Sa Vinh (tức cửa biển Sa Kỳ) tỉnh Quảng Ngãi (nay thuộc tỉnh Quảng Ngãi) mỗi khi có gió Tây Nam thì thuyền buôn các nước chạy ở phía trong trôi dạt ở đấy; gió Đông bắc thì thương thuyền chạy ở phía ngoài cùng trôi dạt luôn vào làm cho mọi người đều chết đói ở đây cả. Hàng hóa, vật liệu đều phải để lại nơi đó.
Hàng năm vào cuối mùa Đông, Chúa Nguyễn đưa 18 chiếc thuyền đến đấy để lấy hàng hóa, vật sản, được nhiều vàng bạc, tiền tệ, súng đạn và các vật liệu khác. Từ cửa Đại Chiêm vượt biển đến đấy phải mất một ngày rưỡi, từ cửa Sa Kỳ đến đấy phải mất nửa ngày. Chỗ bãi cát dài ấy còn có nhiều đồi mồi”. (Giáo sư Bửu Cầm dịch).
Đoạn chú giải trên đã miêu tả vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, khí hậu của Bãi Cát Vàng. Đặc biệt, đã phản ánh việc khai thác và thực thi chủ quyền của các chúa Nguyễn đối với Bãi Cát Vàng (quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa).
“Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” có thể coi là văn kiện của nhà nước, một tài liệu chính thức quốc gia. Những thông tin thể hiện trong “Lộ đồ” đã cho thấy rõ ràng cương giới xứ Đàng Trong do Chúa Nguyễn quản lý từ cuối thế kỷ 16, đã được mở rộng ra khu vực ở các quần đảo ở giữa Biển Đông. Bãi Cát Vàng là tên gọi mà nhân dân xứ Đàng Trong đặt cho hai quần đảo san hô, rồi chuyển sang âm Hán Việt là “Hoàng Sa”, “Hoàng Sa chử”. Tên gọi “Hoàng Sa”, “Hoàng Sa chử” được thông dụng trong các văn kiện thời Lê và thời Nguyễn, chỉ chung hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa ngày nay. Đây là một tập tài liệu quý giá chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Thư tịch cổ Trung Hoa khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam
Theo PGS.TS Trương Minh Dục cho biết trong cuốn “Chủ quyền quốc gia Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa", các sách lịch sử và địa lý của Trung Quốc từ thời nhà Tần tới khi nước CHDCND Trung Hoa ra đời (1949) không đề cập đến hai quần đảo này.
Trong khi đó, không ít thư tịch cổ Trung Hoa do chính người Trung Hoa ghi lại trong lịch sử đã trực tiếp và gián tiếp khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Cụ thể, sau khi thống nhất Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng tiến hành xâm lược Văn Lang – Âu Lạc năm 214 TCN và thất bại. Tuy nhiên quân Tần chỉ gây chiến ở khu vực phía Bắc Sông Hồng do đó chúng không thể vượt Biển Đông để đến Hoàng Sa, Trường Sa.
Sau khi xâm lược thành công nước Âu Lạc, bên cạnh quận Giao Chỉ và Cửu Chân được nhà Triệu lập năm 179, nhà Hán lập ra quận Nhật Nam (bắt đầu từ Hoành Sơn – Quảng Bình đến Quảng Nam, Bình Định ngày nay). Tuy năm giữ chủ quyền trên đất liền nhưng nhà Hán không có thế lực gì trên khu vực biển dưới 20 độ vĩ Bắc.
Bản đồ Đại Minh hỗn nhất đồ thể hiện rõ lãnh thổ phía nam Trung Quốc chỉ tới đảo Hải Nam. Ảnh chụp màn hình SCMP.
Từ năm 40 SCN, nhân dân Giao Chỉ dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa và giành độc lập vào năm 43 SCN.
Nước Chiêm Thành (do nhân dân Nhật Nam khởi nghĩa và giành thắng lợi) là quốc gia phát triển hùng mạnh trên khu vực Biển Đông. Hoàng Sa và Trường Sa là địa bàn sinh sống của người Chăm, đồng thời cũng là chủ sở hữu của hai quần đảo này.
Do đó, khi lãnh thổ của đất nước Chămpa sáp nhập vào nước Việt thì đồng nghĩa là người Việt đã thừa kế lại quyền chiếm hữu của người Chăm đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Sách “Tư di lộ trình” của Giã Đam (nhà Đường, từ 785-805) ghi lại đường biển từ Quảng Châu đến Một Lai, tuy nhiên không đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ở triều nhà Minh, trong cuốn “Vũ bị chí” - Mao Nguyên Nghi, Biển Đông được gọi là Giao Chỉ Dương. Trên các bản đồ Trịnh Hòa hạ Tây Dương, Trịnh Hòa hàng hải đồ cũng không thấy ghi chép các danh xưng Hoàng Sa, Trường Sa trong các lộ trình và hải đạo của Trịnh Hòa sau 7 lần đi qua Biển Đông để khai phá Ấn Độ Dương.
Thời Nam Tống, cuốn “Lĩnh ngoại đại đáp” – Châu Khứ Phi xác nhận: “Vạn Lý Trường Sa (Hoàng Sa) tọa lạc lại Giao Chỉ Dương” (- biển của nước Giao Chỉ).
“Chư Phiên Đồ” thời Tống cũng xác định giới hạn lãnh thổ của Trung Quốc với các nước khác ở Giao Dương (tức Giao Chỉ Dương).
Giao Chỉ Dương chính là khu vực Vịnh Bắc Bộ ngày nay, trong khi đó Hoàng Sa và Trường Sa còn cách xa hàng trăm dặm về phía Nam.
Thế kỷ XII, sử gia Triệu Nhữ Quát đời Tống trong cuốn “Chư phiên chí” xác nhận nhiều sự kiện lịch sử quan trọng từ thời nhà Hán. Theo đó, năm 111 TCN, Hán Vũ Đế sai quân vượt biển sang chiếm đất của địch quân (Nam Việt) và đặt ra hai quân Châu Nhai và Đạm Nhĩ (đảo Hải Nam).
Sách này cũng cho biết vùng quần đảo Hoàng Sa (Vạn Lý Trường Sa) là nơi nguy hiểm, tàu thuyền Trung Quốc không nên đến gần. Nhan đề sách là Chư phiên chí, nghĩa là chép chuyện các phiên quốc, nước ngoài. Vạn Lý Trường Sa nằm ở phiên quốc, nghĩa là không thuộc về Trung Hoa mà thuộc về phiên quốc Nam Việt. Như vậy, biên giới trên Biển Đông của Trung Hoa vào đời nhà Hán chỉ tới đảo Hải Nam.
Đời nhà Thanh, trong cuốn “Hải ngoại ký sự” viết năm 1696, Thích Đại Sán - một nhà sư thời Khang Hy đến đất Thuận Hóa của chúa Nguyễn năm Ất Hợi (1695) mô tả vị trí Vạn Lý Trường Sa là “cách Đại Việt bảy ngày đường, chừng bảy trăm dặm. Thời Quốc vương trước, hàng năm sai thuyền đánh cá đi dọc theo bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các thuyền hư tấp vào bờ”.