Chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk: Vùng đất Tây Nguyên và lịch sử hình thành tỉnh Đắk Lắk
admin100
2024-11-22T03:08:37-05:00
2024-11-22T03:08:37-05:00
http://nguyenduyxuan.net/kho-tri-thuc/chao-mung-ky-niem-120-nam-thanh-lap-tinh-dak-lak-vung-dat-tay-nguyen-va-lich-su-hinh-thanh-tinh-dak-lak-12470.html
http://nguyenduyxuan.net/uploads/news/2022_04/image-20220411150107-1.jpeg
Nguyễn Duy Xuân
http://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Thứ sáu - 22/11/2024 02:53
Tỉnh Đắk Lắk có nền văn hóa lâu đời, đa dạng và độc đáo, đặc biệt, nền văn học dân gian ở đây phát triển từ sớm, là món ăn tinh thần thường nhật trong tâm thức người dân, tiêu biểu là các dòng truyện thần thoại, sử thi, truyện cười, cổ tích, ngụ ngôn,…; thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan, cách hiểu sâu sắc, những cảm xúc, tâm tư, hoài bão của đồng bào các dân tộc.
I.(1) Ghi chép những sự kiện quá khứ xa xưa về vùng đất Tây Nguyên, sách Đại Nam thực lục viết rõ: Thủy Xá, Hỏa Xá “ở phía trên nước Nam Bàn (khi Lê Thánh Tông đánh được Chiêm Thành, dòng dõi nước ấy làm vua nước Nam Bàn, cắt cho đất từ núi Thạch Bi về phía tây), thôn lạc có hơn năm chục, giữa có núi Bà Nam rất cao, vua Thủy ở phía đông núi, vua Hỏa ở phía tây núi”(2); chi tiết hơn, sách thuật lại rằng: “Buổi quốc sơ, vì cớ họ giáp với Phú Yên, cứ 5 năm một lần sai người đến các nước ấy cho quà (áo gấm, mũ, nồi đồng, chảo sắt và chén đĩa bằng sứ). Vua hai nước ấy nhận được vật cho, tức thì sắm sửa vật phẩm địa phương (kỳ nam, sáp ong, nhung hươu, mật gấu, voi đực) để hiến”(3), điều này thể hiện mối quan hệ bang giao giữa vùng Tây Nguyên với người Kinh được diễn ra một cách tự nhiên, tự nguyện. Sau khi đánh tan quân Chiêm Thành, triều đình nhà Lê ban hành một số chính sách nhằm duy trì mối quan hệ với các dân tộc nơi đây, đồng thời thực hiện di dân, lập ấp ở miền núi, thúc đẩy giao thương; tiến cử các vị tù trưởng, tộc trưởng từng vùng đất và tấn phong cho vua Hỏa Xá, Thủy Xá; tạo “vùng đệm” ngăn cách Đại Việt với Chăm-pa, ổn định vùng biên giới phía Nam(4).
Đến thời kỳ trị vì của triều Nguyễn, địa bàn Tây Nguyên - Đắk Lắk được gọi là trấn Man do triều Nguyễn gián tiếp quản lý. Nhận thấy vị trí trọng yếu về chính trị, quân sự vùng đất này (nằm giữa nước Việt Nam - Đại Nam với Lào, Cao Miên, Xiêm La (Thái Lan)), các vua nhà Nguyễn (nhất là Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức,…) thường xuyên cử sứ bộ đi lại giữa hai nước, lập đồn, tiến hành tuần tra, canh phòng biên giới và ngăn chặn sự xâm lược của quân Xiêm(5). Như vậy, vùng đất Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng từ lâu đã được định hình trong tâm thức người Việt, vai trò nơi đây đối với bảo đảm an ninh nước Đại Việt cũng được khẳng định, nhìn nhận từ sớm. Tuy nhiên, thời bấy giờ, đây vẫn là địa bàn xa lạ, có phần bí hiểm với người Kinh, ít ai có điều kiện lui tới bởi sự khác biệt về ngôn ngữ, phong tục, lối sống,... Đến năm 1867, thực dân Pháp tổ chức các đoàn thám hiểm tìm cách xâm nhập sâu vào nội địa vùng Tây Nguyên; năm 1899, Pháp ép vua Đồng Khánh trao quyền quản lý trực tiếp nhằm tiến hành chia để trị nơi đây và bắt đầu thực hiện các chính sách thực dân.
II.(2) Lịch sử hành chính Đắk Lắk
Đắk Lắk (còn ghi theo tiếng Pháp là Darlac) được thành lập theo nghị định ngày 22 tháng 11 năm 1904 của Toàn quyền Đông Dương và tách khỏi Lào, đặt dưới quyền cai trị của Khâm sứ Trung Kỳ. Trước đó, vào cuối thế kỷ 19, Darlac thuộc địa phận đại lý hành chính Kontum và bị Pháp nhập vào Lào.
Đến ngày 9 tháng 2 năm 1913 thì tỉnh này trở thành một đại lý hành chính trực thuộc tỉnh Kon Tum được thành lập cùng ngày. Mãi đến ngày 2 tháng 7 năm 1923, tỉnh Đắk Lắk mới được thành lập lại. Lúc mới thành lập, Đắk Lắk chưa chia huyện, tổng mà chỉ có đơn vị làng (còn gọi là buôn hay bon), người Ê Đê có 151 làng, người Bih có 24 làng, người Gia Rai có 11 làng, người Krung có 28 làng, người M'dhur có 120 làng, người M'Nông có 117 làng, người Xiêm có 1 làng. Năm 1931, trong cuộc cải cách hành chính toàn Đông Dương, tỉnh Đắk Lắk được chia làm 5 quận, gồm có Ban Mê Thuột, Buôn Hồ, Đăk Song, Lăk và M'Drắk, dưới có 440 làng.
Ngày 15 tháng 4 năm 1950, Bảo Đại ban hành Dụ số 6 đặt Cao nguyên Trung phần, trong đó có Đắk Lắk, làm Hoàng triều Cương thổ, có quy chế cai trị riêng.
Nghị định số 356-BNV/HC/NĐ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa ngày 2 tháng 7 năm 1958 ấn định tỉnh Đắk Lắk (được ghi là Darlac) có 5 quận, 21 tổng và 77 xã. Trong đó, Quận Ban Mê Thuột có 4 tổng, Quận Lạc Thiện (đổi tên từ quận Lăk) có 7 tổng, Quận M'Đrak có 4 tổng, Quận Đak Song có 2 tổng và Quận Buôn Hồ có 4 tổng.
Ngày 23 tháng 1 năm 1959, Chính quyền Việt Nam Cộng hòa ban hành Nghị định số 24/NV, tách gần như toàn bộ quận Đak Song của tỉnh Darlac, lập ra tỉnh Quảng Đức. Như vậy tỉnh Darlac còn lại 4 quận. Sau đó quận M'Đrak lại bị xé lẻ, một phần nhập vào tỉnh Khánh Hòa. Tháng 12 năm 1960, Chính phủ cách mạng chính thức thành lập tỉnh Quảng Đức dựa trên sự phân chia ranh giới của địch, lấy mật danh là B4.
Ngày 20 tháng 12 năm 1963, lập thêm một quận mới tên là Phước An, quận lỵ đặt tại Phước Trạch, đến ngày 1 tháng 9 năm 1965 chuyển về Thuận Hiếu. Sau này lại bỏ cấp tổng, nên chỉ còn cấp quận (4 quận) và xã.
III.(3) Tỉnh Đắk Lắk của nước Việt Nam thống nhất từ năm 1976 hình thành từ hai tỉnh Darlac và Quảng Đức, có diện tích lớn thứ hai Việt Nam sau tỉnh Gia Lai - Kon Tum, tổ chức hành chính trên địa bàn gồm thị xã Buôn Ma Thuột và 3 huyện: Krông Búk, Krông Pắc, Lăk. Tỉnh chỉ lớn nhất nước khi tỉnh Gia Lai - Kon Tum tách làm đôi, khi đó Đắk Lắk diện tích 19.800 km². Số huyện tăng dần cho đến 18 huyện.
Năm 1977, chia huyện Krông Búk thành 2 huyện: Krông Búk và Ea Súp; chia huyện Krông Pắc thành 2 huyện: Krông Pắc và M'Drắk.
Năm 1980, chia huyện Krông Búk thành 2 huyện: Krông Búk và Ea H'leo.
Năm 1981, thành lập huyện Krông Ana trên cơ sở tách ra từ huyện Krông Pắc và thị xã Buôn Ma Thuột; chia huyện Krông Pắc thành 2 huyện: Krông Pắc và Krông Bông.
Năm 1984, chia huyện Ea Súp thành 2 huyện: Ea Súp và Cư M'gar.
Năm 1986, thành lập huyện Ea Kar trên cơ sở tách ra từ 2 huyện Krông Pắc và M'Drắk.
Năm 1987, chia huyện Krông Búk thành 2 huyện: Krông Búk và Krông Năng.
Năm 1995, thành lập thành phố Buôn Ma Thuột và điều chỉnh địa giới hành chính giữa thành phố với các huyện Cư Jút, Ea Súp, Krông Pắc. Cùng năm, chia huyện Ea Súp thành 2 huyện: Ea Súp và Buôn Đôn.
Năm 2003, Quốc hội ra Nghị quyết số 22/2003/QH.11 chia tỉnh Đắk Lắk thành hai tỉnh mới là Đắk Lắk và Đắk Nông. Từ đó, tỉnh Đắk Lắk có 13 đơn vị hành chính gồm thành phố Buôn Ma Thuột và 12 huyện: Buôn Đôn, Cư M'gar, Ea H'leo, Ea Kar, Ea Súp, Krông Ana, Krông Bông, Krông Búk, Krông Năng, Krông Pắc, Lắk, M'đrắk.
Sau khi chia tách tỉnh. Tỉnh Đắk Lắk có diện tích tự nhiên là 13.062 km² và dân số là 2,418 triệu (2022) người.
Vào thời điểm hiện tại (2024), về mặt hành chính, Đắk Lắk được chia làm 9 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm: 1 thành phố trực thuộc tỉnh, 1 thị xã, 13 huyện và 180 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm: 18 phường, 13 thị trấn và 149 xã.
IV.(4) Tỉnh Đắk Lắk có nền văn hóa lâu đời, đa dạng và độc đáo, đặc biệt, nền văn học dân gian ở đây phát triển từ sớm, là món ăn tinh thần thường nhật trong tâm thức người dân, tiêu biểu là các dòng truyện thần thoại, sử thi, truyện cười, cổ tích, ngụ ngôn,…; thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan, cách hiểu sâu sắc, những cảm xúc, tâm tư, hoài bão của đồng bào các dân tộc. Nhiều hình ảnh đẹp, tráng lệ trong các bản sử thi hùng tráng, như các bộ (khan), Đăm Săn, Xing Nhã, Dam Di,... (dân tộc Ê-đê), những bộ Nước lụt, Đánh cá hồ Lau Lách, Tiăng bán tượng rỗ,... (dân tộc Mơ-nông),… đã trở thành niềm tự hào, kết tinh trí tuệ của người dân Đắk Lắk - Tây Nguyên; là viên ngọc quý trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Ngoài ra, “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản quý báu của đồng bào các DTTS, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là kiệt tác văn hóa truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại (năm 2005).
Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột trong ngày khai mạc lễ hội cà phê. Ảnh qdnd.vn.
Cùng với đó, nhiều nét đẹp đặc sắc, đặc trưng văn hóa nổi tiếng từ các lễ hội, như đâm trâu, đua voi mùa xuân, kiến trúc nhà sàn, nhà rông, nhạc cụ lâu đời (cồng chiêng, đàn đá, đàn Tơ-rưng,…), các bản trường ca Tây Nguyên,... đều thể hiện tâm hồn, trí tuệ và chất chứa tâm tư, nguyện vọng về cuộc đời bình yên của những con người miền núi, rừng chất phác, giản đơn mà phóng khoáng. Tất cả đều được lưu giữ, phát huy, tiếp biến trong mọi thời kỳ, tạo nên sự đa dạng, phong phú, hấp dẫn với nhiều mảng màu khác nhau nhưng hài hòa, thống nhất, qua thời gian, dần hình thành một nét độc đáo, tinh tế theo phong cách riêng biệt của Đắk Lắk,… Đặc biệt, trong bối cảnh xã hội phong kiến Việt Nam duy trì tình trạng tư tưởng phụ hệ, trọng nam khinh nữ, thì đến nay, ở Đắk Lắk vẫn còn tồn tại chế độ mẫu hệ, biểu hiện ở tập tục cưới chồng, đón rể, ở rể và con cái theo họ mẹ, đây là một trong những nét văn hóa cực kỳ ấn tượng.
Tỉnh Đắk Lắk là nơi có cảnh quan thiên nhiên quyến rũ, hội tụ đầy đủ những yếu tố bình yên, tươi đẹp mà kỳ bí ẩn mình trong núi, rừng Tây Nguyên; điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi về nhiều mặt, như thời tiết ôn hòa, dễ chịu, mát mẻ quanh năm với hai mùa mưa, nắng rõ rệt; nguồn đất đỏ ba-zan màu mỡ, dồi dào, tài nguyên thiên nhiên phong phú. Bên cạnh đó, nơi đây có nhiều sản phẩm du lịch sinh thái đặc sắc, hấp dẫn dựa vào địa hình tự nhiên với cảnh quan tươi đẹp, hùng vĩ, đa dạng, có đồi, núi xen kẽ các bình nguyên và thung lũng cùng hệ thống thác, ghềnh lớn, ấn tượng, như Dray Nur, Dray Sáp Thượng, Thuỷ Tiên, Bìm Bịp,… Tất cả đều gắn liền với đời sống tinh thần hằng ngày, đã hóa thân thành giá trị cao đẹp trong tâm thức người dân nơi đây, là động lực sống, cống hiến và bồi đắp nên tình yêu gia đình, buôn làng, quê hương sâu đậm.
NDX tổng hợp.
Nguồn tư liệu:
(1, 4) https://www.tapchicongsan.org.vn/en_US/web/guest/thuc-tien-kinh-nghiem1/-/2018/950502/tinh-dak-lak--tu-vi-the-dia-ly-dac-biet-quan-trong-va-truyen-thong-lich-su%2C-gia-tri-van-hoa-den-khat-vong%2C-tam-nhin%2C-phuong-huong-phat-trien-ben-vung-trong-tuong-lai.aspx
(2, 3) https://vi.wikipedia.org/wiki/L%E1%BB%8Bch_s%E1%BB%AD_h%C3%A0nh_ch%C3%ADnh_%C4%90%E1%BA%AFk_L%E1%BA%AFk