1. Đặt vấn đề
Trong lịch sử ngàn năm dựng nước, giữ nước, dân tộc Việt Nam đã bắt buộc phải tiến hành nhiều cuộc kháng chiến chống lại các thế lực ngoại xâm để giành và giữ nền độc lập. Trải qua nhiều cuộc kháng chiến trường kì, gian khổ, chịu đựng biết bao mất mát, hi sinh to lớn, hơn ai hết, dân tộc Việt Nam hiểu rất rõ và luôn trân quý giá trị của hòa bình, của độc lập và tự do. Ấy vậy mà, trong khi toàn dân tộc Việt Nam đang hân hoan chào đón thành quả Cách mạng Tháng Tám, với niềm hi vọng sẽ có cuộc sống hòa bình để dựng xây đất nước, thì thực dân Pháp lại nổ súng tấn công Sài Gòn ngày 23/9/1945, mở đầu cho cuộc tái chiến tranh xâm lược đất nước ta. Trước nguy cơ thành quả cách mạng bị kẻ thù tước đoạt, giá trị thiêng liêng của “độc lập, tự do” mà nhân dân ta đã khao khát hơn 80 năm mới giành được bị chà đạp, toàn dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh “quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải đễ giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” (1).
Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Harry S. Truman, ngày 8/02/1946.
Từ tháng 9/1945 đến 02/1946, trong thế vận nước “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh – hiện thân cho khát vọng độc lập, hòa bình của dân tộc, cùng với Chính phủ Lâm thời đã sáng suốt, kịp thời đề ra các đối sách ngoại giao, ứng phó mau lẹ và có hiệu quả với sức ép khủng khiếp của các nước lớn (lấy danh nghĩa quân Đồng Minh thực hiện nhiệm vụ giải giáp quân Nhật ở Đông Dương) và âm mưu tái xâm lược nước ta của thực dân Pháp, đồng thời, Người kiên quyết bảo vệ tới cùng nền độc lập, hòa bình non trẻ của của dân tộc mới giành được.
Xuất phát từ truyền thống hòa hiếu của dân tộc, cộng với đường lối ngoại giao hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời cũng là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đầu tiên của Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thay mặt toàn thể nhân dân Việt Nam chủ động mở rộng các mối quan hệ với các quốc gia dân chủ, tiến bộ trên thế giới, nhằm tranh thủ sự hậu thuẫn và thừa nhận của các quốc gia này đối với nền độc lập của Việt Nam. Đặc biệt, Người đã khai thác triệt để các cam kết của Hoa Kì và Đồng Minh thể hiện trong Hiến chương Đại Tây Dương, Hiến chương của Liên Hợp Quốc để đem lại những kết quả có lợi cho đất nước.
Từ việc xác định đúng vị thế của Hoa Kì, một cường quốc có vai trò cực kì quan trọng trong thế giới đương đại (Hoa Kì là một lực lượng chính trong việc thành lập Liên Hợp Quốc vào năm 1945, chủ trì một cuộc họp của năm mươi quốc gia ở San Francisco), đồng thời với niềm tin về một quốc gia Đồng Minh duy nhất đã từng giúp đỡ Việt Minh cả vật chất và tinh thần trong cuộc chiến với phát xít Nhật trước đó (2), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hi vọng có được mối quan hệ tốt đẹp, đầy đủ và toàn diện với Hoa Kì, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình trên toàn thế giới. Hi vọng này của Người là hoàn toàn có cơ sở, vì trước và sau khi kết thúc chiến tranh Hoa Kì đã nhiều lần tuyên bố không muốn khôi phục ách thống trị thực dân của Pháp ở Đông Dương (3), mà dự kiến lập nên một chế độ ủy trị quốc tế, rồi từng bước trao trả nền độc lập cho các dân tộc ở đây.
Mặc dù, không đặt hết kì vọng vào sự giúp đỡ của Hoa Kì để thoát khỏi thực dân, nhưng chủ trương và hành động ngoại giao chủ động của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Hoa Kì lại là một bước đi đúng đắn và rất cần thiết. Bởi lẽ, nếu Hoa Kì thừa nhận nền độc lập non trẻ của Việt Nam, thì đất nước chúng ta sẽ có được sự hậu thuẫn quan trọng của một cường quốc đứng đầu thế giới, một quốc gia có nhiều tiềm năng để hợp tác trong tương lai, không những thế đất nước non trẻ của chúng ta còn có thêm những điều kiện cần thiết để tiến hành đấu tranh bằng con đường ngoại giao hòa bình, từ đó, ngăn chặn hành động xâm lược của thực dân Pháp ở Đông Dương và tránh được một cuộc chiến tranh đang có nguy cơ xảy ra.
Với tinh thần ngoại giao thiện chí đó, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, từ tháng 9/1945 đến tháng 2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi thông điệp, thư, điện và công hàm cho Tổng thống Hoa Kì Harry S. Truman thể hiện khát vọng hòa bình, độc lập, tự do và ý chí tự cường của toàn dân tộc Việt Nam, đồng thời Người tố cáo hành vi trở lại xâm lược của Pháp là vi phạm các nguyên tắc trong Hiến chương Đại Tây Dương và Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Người đề nghị Hoa Kì công nhận nền độc lập của Việt Nam và bày tỏ mong muốn được hợp tác toàn diện với quốc gia này.
Tuy nhiên, do tình hình thế giới đã thay đổi quá nhanh, Hoa Kì bước vào thời kì “chiến tranh lạnh” với các nước xã hội chủ nghĩa, đứng đầu là Liên Xô. Do lo ngại về việc có thể làm rạn nứt mối quan hệ với Pháp - một đồng minh thân cận trong việc ngăn ngăn chặn sự bành trướng của Liên Xô ở châu Âu , Chính phủ Hoa Kì đã thay đổi hoàn toàn chính sách đối với Đông Dương và quay sang ủng hộ, công nhận chủ quyền của Pháp ở Đông Dương. Điều đó dẫn tới việc, Tổng thống Hoa Kì Harry S. Truman đã bỏ lỡ cơ hội thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam khi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành thực, thân thiện trao đến tận tay cho ông, khiến cho lịch sử đi theo một con đường khác. Và chỉ cho đến khi người Hoa Kì lún sâu vào cuộc chiến tranh khốc liệt ở Miền Nam Việt Nam, thì họ mới thấy: thật đáng tiếc, họ đã không nhận ra cho hết được thực tế diễn ra tại Việt Nam và Chính phủ Hoa Kì đã sai lầm khi bỏ qua mối quan hệ ngoại giao Hoa Kì - Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh nỗ lực, chủ động thiết lập trước đó.
2. Thông tin về tài liệu lưu trữ chứa đựng những bức thư, điện và công hàm của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong quá trình tìm hiểu thông tin cho bài viết này, bên cạnh tham khảo nội dung những bức thư, điện và công hàm của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Hoa Kì Harry S. Truman (đã được dịch sang tiếng Việt) qua các nguồn thông tin chính thống và một số ấn phẩm đã công bố xuất bản tại Việt Nam trước đây như: Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Nhà xuất bản chính trị Quốc gia, H-2000 ; Biên niên lịch sử Chính phủ Việt Nam 1945 – 1995, tập 1, năm 1945 – 1954. Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, H- 2006; Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử. Trang thông tin điện tử Hồ Chí Minh: http://hochiminh.vn; Sách “Góp phần tìm hiểu lịch sử quan hệ Việt Nam Hoa Kỳ” của PGS.TS. Phạm Xanh. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, H-2009,… chúng tôi còn tiếp cận nội dung toàn văn những bức thư điện và công hàm trên (nguyên gốc bằng tiếng Anh) từ tài liệu lưu trữ của Lưu trữ Quốc gia Hoa Kì qua Trang thông tin điện tử của cơ quan Lưu trữ Quốc gia này: http://www.archives.gov. Đây là tài liệu lưu trữ quan trọng không chỉ cho phép các nhà nghiên cứu điều kiện đối chiếu nội dung những bức thư, điện và công hàm nguyên gốc bằng tiếng Anh với các bản dịch bằng tiếng Việt đã được công bố tại Việt Nam trước đây, mà còn giúp các nhà nghiên cứu có cái nhìn đầy đủ hơn về những tài liệu lưu trữ chứa đựng của những bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Hoa Kì Harry S. Truman và Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kì James Byrnes,...
- Tài liệu thứ nhất (link: http://www.archives.gov/research/pentagon-papers/):
Tài liệu này có 9 bức thư, điện và công hàm của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Hoa Kì Harry S. Truman và Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kì James Byrnes (từ ngày 29/9/1945 – 18/02/1946) được tập hợp trong khối tài liệu: Các giấy tờ của Lầu Năm Góc (The Pentagon Papers), với tên gọi là: “United states - Vietnam Relations 1945 – 1967” (Quan hệ Hoa Kì – Việt Nam 1945 – 1967). Tài liệu này do Tổ công tác Việt Nam, Văn phòng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kì (Vietnam task force office the secretary of defence) thực hiện từ năm 1967 và hoàn thành vào năm 1969, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kì Robert McNamara. Theo Lưu trữ Quốc gia Hoa Kì, một phần nhỏ của tài liệu này đã bị rò rỉ vào tháng 6/1971 và được báo chí Hoa Kì thông tin rộng rãi . Tuy nhiên, những thông tin trong tài liệu bị rò rỉ này đều không đầy đủ và không đảm bảo chất lượng. Vào năm 2011, kỷ niệm 40 năm sự kiện tài liệu bị rò rỉ, Lưu trữ quốc gia Hoa Kì, cùng với Thư viện Tổng thống Kennedy, Johnson, Nixon đã giải mật và chính thức công bố rộng rãi. Tổng cộng có 48 hộp đựng tài liệu và khoảng 7.000 trang được giải mật, trong đó, có khoảng 34% tài liệu lần đầu tiên được đưa ra công luận.
“United states - Vietnam Relations 1945 – 1967” (Quan hệ Hoa Kì – Việt Nam 1945 – 1967), Báo cáo của Tổ công tác Việt Nam, Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng gồm có 6 Phần:
Phần I. Việt Nam và Hoa Kì, 1940 – 1950 (1 quyển) – Part I. Vietnam and the U.S., 1940-1950 (1 Vol.)
A. Chính sách Hoa Kì, 1940-1950 – A. US. Policy, 1945 - 1950
B. Tính chất và tiềm năng sức mạnh của Việt Minh – B. The Character and Power of the VietMinh
C. Hồ Chí Minh: Tito (4) Châu Á? – C. Ho Chi Minh: Asian Tito?
Phần II. Sự tham gia của Hoa Kì trong cuộc chiến tranh giữa Pháp – Việt Minh, 1950 – 1954 (1 quyển) - Part II. U.S. Involvement in the Franco-Viet Minh War, 1950-1954 (1 Vo1.)
Phần III. Hiệp định Geneva (1 quyển) - Part III. The Geneva Accords (1 Vol.)
Phần IV. Sự phát triển của chiến tranh (26 quyển) - Part IV. Evolution of the War (26; Vols.)
Phần V. Cơ sở lý luận của chiến tranh (11 quyển) - Part V. Justification of t he War (11 Vols.)
Phần VI . Giải quyết các xung đột ( 6 quyển) - Part VI. Settlement of the Conflict (6 Vols.)
9 bức thư, điện và công hàm của Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trong Mục C. Ho Chi Minh: Asian Tito? Phần I. Việt Nam và Hoa Kì, 1940 – 1950 (từ trang C-61- đến trang C-100), gồm:
1. Thư gửi Tổng thống Hoa Kì chia buồn về việc Đại tá Piter Dewey chỉ huy OSS tại Sài Gòn bị tử nạn, ngày 29/9/1945 - Letter from Ho Chi Ming to President of U.S., expressing sympathy at the death of Colonel Peter Dewey, O.S.S. Commander in Saigon. (United states - Vietnam Relations 1945 – 1967, I. Vietnam and the U.S., 1940-1950, C-61)
2. Điện văn gửi Tổng thống Hoa Kì Harry. S. Truman đề nghị để Việt Nam tham gia Hội đồng Tư vấn về Viễn Đông. Ngày 17/10/1945 – Telegram, Ho Chi Minh to President Truman. Appeals for DRV membership on UN Advisory Commission for the Far East, citing Atlantic Charter to advance its claims to membership vice those of France (United states - Vietnam Relations 1945 – 1967, I. Vietnam and the U.S., 1940-1950, C-73 – C-74).
3. Thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kì đề nghị Liên Hiệp Quốc quan tâm đến việc Pháp gây hấn và cử phái đoàn điều tra đến Đông Dương. Ngày 22/10/1945 - Letter, Ho Chi Minh to U.S. Secretary of State, calls for immediate interference by the UN. Appealing to the Atlantic Charter and the UN Charter, and warning of general warfare in Far East, Ho calls for UN action to interfere with France, including an “Inquiry Commission”. October 22, 1945. (United states - Vietnam Relations 1945 – 1967, I. Vietnam and the U.S., 1940-1950, C-80 – C-81).
4. Thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kì James Byrnes, đề nghị gửi một phái đoàn của 50 thanh niên Việt sang Hoa Kì để thúc đẩy quan hệ văn hóa thân thiện và học tập tại các trường đại học Hoa Kì. Ngày 01/11/1945 - Letter from Ho Chi Minh to James Byrnes, Secretary of State, proposing to send a delegation of 50 Viet youths to the U.S. to promote friendly cultural relations and to study at U.S. universities. November 1, 1945. (United states - Vietnam Relations 1945 – 1967, I. Vietnam and the U.S., 1940-1950, C-90).
5. Thư gửi Tổng thống Hoa Kì và Tổng Giám đốc Cơ quan Cứu tế Hoa Kì (UNRRA) kêu gọi giúp Việt Nam chống nạn đói. Ngày 23/11/1945 - Letters from Ho Chi Minh to President Truman and Director General of UNRRA, describing famine in North Vietnam, and appealing for relief, November 23, 1945. (United states - Vietnam Relations 1945 – 1967, I. Vietnam and the U.S., 1940-1950, C-87).
6. Điện gửi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kì bác bỏ mọi quyền của người Pháp phát biểu nhân danh nhân dân Việt Nam – Telegram to tho Secretary of State protesting that France did not have the right to speak for Vietnam in international councils. (United states - Vietnam Relations 1945 – 1967, I. Vietnam and the U.S., 1940-1950, C-89).
7. Thư gửi Tổng thống Truman yêu cầu Hoa Kì lập tức phải có giải pháp hoà bình ở Việt Nam Ngày 18/01/1946 - Letter from Hochiminh to President Truman, dated 18 January 1946, reminding that peace is indivisible and requesting President Truman's intervention for immediate resolution of the Vietnam issue. January 18, 1946. (United states - Vietnam Relations 1945 – 1967, I. Vietnam and the U.S., 1940-1950, C-93 - C-94)
8. Thư gửi Tổng thống Hoa Kì nêu các cam kết cam kết của Hoa Kì trước và sau chiến tranh, đồng thời lên án sự xâm lược của Pháp là trái với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, và đề nghị Hoa Kì công nhận nền độc lập của Việt Nam. Ngày 16/2/1946 - Letter signed by Ho Chi Minh to President of the U.S. cites the principle supported by the U.S. before, during and after the war, and in the UN, to call for U.S. aid to Vietnam in the face of French aggression. February 16, 1946. (United states - Vietnam Relations 1945 – 1967, I. Vietnam and the U.S., 1940-1950, C-95 – C-97).
9. Công hàm của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề nghị Chính phủ các nước Trung Quốc, Hoa Kì, Liên Xô, Vương quốc Anh khẩn trương can thiệp ngǎn chặn các cuộc xung đột, và đưa các vấn đề của Đông Dương ra trước Liên hợp quốc. Ngày 18/02/1946 - Note from the DRV to Governments of China, USA, USSR, and Great Britain, urgently appeals for interference by allies to halt the conflict, and the placing of the Indochina issue before the UN. February 18, 1946 (United states - Vietnam Relations 1945 – 1967, I. Vietnam and the U.S., 1940-1950, C-98 – C-100).
- Tài liệu thứ 2 (link: http://www.archives.gov/historical-docs/todays-doc/?dod-date=228) : Hồ sơ của Văn phòng phục vụ chiến lược , 1919 - 1948. Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Harry S. Truman, ngày 28/02/1946 – Letter from Ho Chi Minh to President Harry S. Truman, 28/2/1946. (National Archives Identifier: 305263); Joint Chiefs of Staff. Office of Strategic Services. (06/13/1942 - 10/01/1945); Records of the Office of Strategic Services, 1919 - 1948; Record Group 226; National Archives.
Như vậy, trong tổng số 10 bức thư, điện và công hàm cho Tổng thống Hoa Kì Harry S. Truman và Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ James Byrne mà chúng tôi tìm hiểu thì có tới 07 bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho người đứng đầu Nhà Trắng, trong đó có 5 thư, điện Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi riêng, đích danh cho Tổng thống Harry S. Truman.
Thư và điện Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Harry Truman năm 1946. Nguồn: Triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh cuộc đời và sự nghiệp từ tài liệu lưu trữ Việt Nam và quốc tế”.
3. Những thông điệp ngoại giao mang khát vọng độc lập, hòa bình của dân tộc Việt Nam
Khát vọng độc lập, hòa bình, không chỉ là ước vọng ngàn đời của dân tộc Việt Nam (một dân tộc yêu chuộng hòa bình, nhưng luôn bị bắt buộc phải đứng lên chống quân xâm lược, một dân tộc đã từng trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, với bao mất mát đau thương, nên luôn cảm nhận và trân quý giá trị của hòa bình, độc lập, tự do), mà còn là nguyện vọng chính đáng của nhân dân Việt Nam (luôn mong muốn hòa bình, ổn định để dựng xây và phát triển đất nước). Khát vọng cháy bỏng đó cũng là “ham muốn tột độ” và là mục tiêu lí tưởng cách mạng cao đẹp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đeo đuổi suốt cả cuộc đời: “Nếu không giải quyết được vấn đề giải phóng dân tộc, không đòi được độc lập cho dân tộc thì chẳng những quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.“Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu, “Ham muốn tột bậc của tôi là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”,…
Chính vì vậy, trước viễn cảnh nền độc lập, hòa bình của đất nước bị đe dọa, chế độ xã hội mới đang được xây dựng có nguy cơ bị tiêu diệt, giá trị thiêng liêng của “độc lập, tự do” mà nhân dân ta đã gian khổ mới giành được sau hơn 80 năm trường mất nước, đau khổ và đen tối có nguy cơ bị chà đạp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam phát đi những thông điệp ngoại giao thể hiện khát vọng độc lập, hòa bình của dân tộc Việt Nam đối với thế giới ngay trong những thời khắc quyết định của vận nước.
Từ việc kế thừa và phát triển những giá trị truyền thống tốt đẹp cha ông và niềm tin, ý chí sắt đá “Dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được tự do, độc lập”, cộng với kinh nghiệm của một nhà ngoại giao lão luyện có nhiều năm hoạt động trên trường quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuyển những thông điệp ngoại giao (dựa trên đường lối ngoại giao hòa bình và tôn trọng luật pháp quốc tế) thể hiện khát vọng độc lập, hòa bình của dân tộc tới Tổng thống Hoa Kì Harry S. Truman – người đứng đầu một cường quốc có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới đương đại. Kèm theo những thông điệp đó là hi vọng Hoa Kì - những người bảo vệ và chiến đấu cho công lí thế giới sẽ thấu hiểu Việt Nam, quan tâm đến nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, ủng hộ, thừa nhận chế độ xã hội mới đang được xây dựng ở Việt Nam, và ngăn chặn một cuộc chiến tranh do thực dân Pháp châm ngòi có nguy cơ xảy ra ở Việt Nam.
Nền độc lập và quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam
Trong điện văn gửi Tổng thống Harry S. Truman, ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện mối quan tâm đặc biệt của mình đối với sự vắng mặt của đại diện của Việt Nam trong Ủy ban tư vấn đối với khu vực Viễn Đông và sự có mặt của Pháp trong Uỷ ban tư vấn dẫn tới kết luận rằng Pháp sẽ đại diện cho nhân dân Việt Nam tại Uỷ ban này. Người khẳng định nền độc lập, quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam và cho rằng Việt Nam có đủ điều kiện để cử đại diện vào Uỷ ban tư vấn:
“…sự vắng mặt của Việt Nam và sự có mặt của Pháp trong Uỷ ban tư vấn dẫn tới kết luận rằng Pháp sẽ đại diện cho nhân dân Việt Nam tại Uỷ ban này. Sự đại diện ấy thiếu cơ sở pháp lý hoặc cơ sở thực tế. Về mặt pháp lý thì giữa Pháp và Việt Nam không còn tồn tại một bổn phận nào nữa: Bảo Đại đã huỷ bỏ các Hiệp ước 1884 và 1863. Bảo Đại đã tự nguyện thoái vị, trao lại chính quyền cho Chính phủ Dân chủ Cộng hoà; Chính phủ lâm thời chấp thuận việc huỷ bỏ các Hiệp ước 1884 và 1863. Trên thực tế, từ ngày 9 tháng 3, việc Pháp trao quyền thống trị cho Nhật đã cắt đứt toàn bộ các mối liên hệ về mặt hành chính với Việt Nam, từ ngày 19-8-1945 Chính phủ lâm thời trên thực tế đã là một Chính phủ độc lập về mọi phương diện. Những sự kiện xảy ra mới đây ở Sài Gòn do sự xúi giục của người Pháp đã khuấy động sự đồng lòng phản đối dẫn tới cuộc đấu tranh vì nền độc lập.
… theo bản Hiến chương Đại Tây Dương và bản Hiệp ước Hoà bình sau đó, và do thiện chí cùng với lập trường kiên định về nền dân chủ, Việt Nam có đủ điều kiện cử đại diện vào Uỷ ban tư vấn. Chúng tôi tin chắc rằng tại Uỷ ban này, Việt Nam có thể mang lại sự đóng góp có hiệu quả cho việc giải quyết các vấn đề còn tồn tại ở Viễn Đông; trái lại, sự vắng mặt của Việt Nam sẽ gây ra tình trạng bất ổn định và đặc tính nhất thời cho những giải pháp đạt được bằng cách khác.” (5)
Hòa bình ở Việt Nam có lợi cho thế giới
Trong thư gửi Tổng thống Harry S. Truman ngày 18/01/1946, Hồ Chí Minh kêu gọi sự ủng hộ để có được sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc trước tình hình Pháp tấn công Việt Nam. Người nhắc lại bản Tuyên bố 12 điểm của Tổng thống Truman ngày 29/10/1945, trong đó điểm thứ 12 khẳng định vai trò gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và trách nhiệm của các thành viên trong việc đảm bảo hòa bình thế giới. Nhân danh nhân dân và Chính phủ Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh để nghị Tổng thống Truman phải can thiệp để có ngay một giải pháp cho vấn đề Việt Nam: “Nhân dân Việt Nam hy vọng một cách nghiêm túc sự giúp đỡ to lớn của Chính phủ Mỹ đối với chúng tôi trong cuộc đấu tranh giành độc lập hoàn toàn và xây dựng lại đất nước của chúng tôi”. (6)
Trong thư Tổng thống Truman, ngày 16/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ chính nghĩa của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam, đứng về phía đồng minh chống phát xít; sự phi nghĩa của cuộc xâm lược mà thực dân Pháp đang đẩy mạnh ở Đông Dương trái ngược những lập trường Hoa Kì đã nêu trong các hội nghị quốc tế. Người viết:
“Từ nǎm 1941 đến nǎm 1945 chúng tôi đã chiến đấu gian khổ và duy trì được là nhờ chủ nghĩa yêu nước của đồng bào chúng tôi, và nhờ những cam kết của các nước Đồng minh tại Yanta, Xan Phranxixcô và Pôxđam.
Nhưng thực dân Pháp, những kẻ trong thời chiến đã phản bội cả các nước Đồng minh lẫn nhân dân Việt Nam, đã quay lại và đang tiến hành một cuộc chiến tranh tàn sát và không thương xót đối với chúng tôi hòng lập lại ách thống trị của họ. Cuộc xâm lǎng của họ đã mở rộng ở Nam Việt Nam và đang đe doạ chúng tôi ở Bắc Việt Nam. Chỉ một bản tường trình vắn tắt về những tội ác và những vụ tàn sát mà họ gây ra mỗi ngày ở vùng chiến sự cũng đã có thể kín nhiều tập giấy rồi.
Cuộc xâm lược của Pháp đối với một dân tộc yêu chuộng hoà bình là một mối đe doạ trực tiếp đối với an ninh thế giới. Nó hàm chứa sự đồng lõa, hay ít ra cũng là sự nhắm mắt làm ngơ của những nền Dân chủ vĩ đại. Liên hợp quốc phải giữ lời hứa. Họ phải can thiệp nhằm ngǎn chặn cuộc chiến tranh phi nghĩa này, và để tỏ ra rằng trong thời bình họ có ý định thực hiện những nguyên tắc mà vì chúng, họ đã chiến đấu trong thời chiến. Nhân dân Việt Nam chúng tôi, sau quá nhiều nǎm chịu sự cướp bóc và tàn phá, mới chỉ đang bắt đầu công cuộc xây dựng. Cần phải có an ninh và quyền tự do, trước hết là để đạt được phồn vinh và phúc lợi trong nước, và sau đó là góp phần nhỏ của mình vào việc xây dựng lại thế giới.
An ninh và tự do chỉ có thể được bảo đảm bằng sự độc lập của chúng ta đối với bất kỳ một cường quốc thực dân nào, và bằng sự hợp tác tự nguyện của chúng ta với tất cả các cường quốc khác. Chính là với niềm tin vững chắc này mà chúng tôi yêu cầu Hợp chủng quốc với tư cách là những người bảo vệ và những người bênh vực Công lý thế giới, thực hiện một bước quyết định ủng hộ nền độc lập của chúng tôi.
Điều mà chúng tôi đề nghị đã được trao cho Philippin một cách quý báu. Cũng như Philippin, mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để làm cho nền độc lập và sự hợp tác này trở nên có lợi cho toàn thế giới”. (7)
Trách nhiệm pháp lý của các cường quốc với nền độc lập và hòa bình ở Việt Nam
Trong công hàm gửi đến Chính phủ các nước Trung Quốc, Hoa Kì, Liên Xô và Anh, ngày 18/2 /1946 (8), Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục lên án Pháp phản bội phe Đồng Minh, mở cửa để Nhật vào Đông Dương năm 1940, sau đó lợi dụng việc Nhật đầu hàng tháng 8/1945 để trở lại tấn công Sài Gòn vào ngày 23/9/1945…
Người cũng nêu những thành tựu nổi bật mà nền dân chủ đã mới được thiết lập ở Việt Nam đạt được: “Trong vùng tự do của lãnh thổ quốc gia của chúng tôi, nhất là ở khu vực nằm trong sự kiểm soát của Trung Quốc phía bắc vĩ tuyến 16, nhân dân chúng tôi đã bắt tay vào lao động. Kết quả của nǎm tháng lao động kiến thiết này là rất tốt đẹp và đem lại những niềm hy vọng sáng sủa nhất… Nhân dân Việt Nam, bất chấp những khó khǎn hiện tại và hậu quả nặng nề của 5 nǎm Nhật - Pháp cùng cai trị, đã cho thế giới thấy rõ giá trị của mình. Các phóng viên nước ngoài và thành viên của các phái đoàn Đồng minh đã tới đây có thể làm chứng cho cuộc sống mới trên đất nước Việt Nam đã hồi sinh, cho nǎng lực tự quản, khát vọng được sống tự do và độc lập, cùng niềm tin của chúng tôi vào các Hiến chương Đại Tây Dương và Xan Phranxixcô”.
Người đề nghị các nước lớn (Trung Quốc, Hoa Kì, Liên Xô và Anh) – những cường quốc đã chống phát xít và đang bắt tay vào việc xây dựng lại thế giới:“Thực hiện tất cả những bước đi thích hợp để bằng sự can thiệp khẩn cấp ngǎn chặn cuộc đổ máu đang diễn ra ở Nam Việt Nam, và đi tới một giải pháp cấp bách và hợp lý cho vấn đề Đông Dương” “Đưa vấn đề Đông Dương ra trước tổ chức Liên hợp quốc, chúng tôi chỉ đòi hỏi nền độc lập hoàn toàn, nền độc lập mà cho tới nay đã là một thực tế, và nó sẽ cho phép chúng tôi hợp tác với các quốc gia khác trong việc xây dựng nên một thế giới tốt đẹp hơn và một nền hoà bình bền vững. Những nguyện vọng đó là chính đáng và sự nghiệp hoà bình thế giới phải được bảo vệ”. Đồng Người khẳng định ý chí quyết tâm quyết giữ độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam: “Trong khi tin tưởng chờ đón một biện pháp tích cực của các Chính phủ Oasinhtơn, Mátxcơva, Luân Đôn và Trùng Khánh, chúng tôi đã xác định sẽ chiến đấu tới giọt máu cuối cùng chống lại việc tái lập chủ nghĩa đế quốc Pháp”.
Ngày 28/2, trước sự kiện Hoa – Pháp thỏa thuận cho phép quân Pháp vào phía bắc vĩ tuyến 16 thay chân quân Tưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho Tổng thống Truman một bức điện (đây cũng là thông điệp cuối cùng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống thông báo tình hình tại Việt Nam và đưa ra lời yêu cầu tha thiết tới Tổng thống và người dân Hoa Kì: “can thiệp khẩn cấp và hỗ trợ độc lập cho chúng tôi và giúp làm cho các cuộc đàm phán phù hợp với các nguyên tắc của Điều lệ Đại Tây Dương và San Francisco” (9).
Như vậy, qua những thông điệp ngoại giao thể hiện khát vọng độc lập của dân tộc Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt nhân dân Việt Nam gửi tới Tổng thống Harry S. Truman, chúng ta có thể thấy những hành xử ngoại giao đầy tính nhân văn, coi trọng hòa hiếu, đề cao đối thoại trong quan hệ với các nước và phù hợp luật pháp quốc tế của Người. Rõ ràng là Chủ tịch Hồ Chí Minh không muốn đất nước mình phải chịu cảnh chiến tranh, cũng như không muốn đem chiến tranh đến với các nước khác, Người đã cố gắng tận dụng mọi khả năng giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình và chủ động đã chìa bàn tay hợp tác thân thiện với Hoa Kì. Tiếc rằng Tổng thống Harry S. Truman đã không nắm lấy, làm cho lịch sử đi theo con đường khác.
Ngày nay, với độ lùi của thời gian, chúng ta có thể khẳng định rằng, nếu ở thời điểm đó, Tổng thống Harry S. Truman Truman đáp ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công nhận nền độc lập của Việt Nam, ngăn chặn tham vọng xâm lược của Pháp, thì sẽ không có 02 cuộc chiến tranh do chính người Pháp (1945-1954) và người Hoa Kì (1954-1975) gây nên ở Việt Nam. Mặt khác, nếu ngày ấy, Hoa Kì nắm lấy bàn tay mà phía Việt Nam chủ động đưa ra, thì có lẽ quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai dân tộc đã được xác lập cách nay 7 thập kỷ./.
----------------------
Chú thích:
1. Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trung tâm Lưu trữ quốc gia III. Phông Phủ Thủ tướng, hồ sơ 586, tờ số 3
2. Cuối năm 1944 – đầu 1945, với trách nhiệm của một lực lượng trong phe Đồng minh chống phát xít, Việt Minh đã có những mối liên hệ đặc biệt với Hoa Kì. Ngày 16/7/1945, nhóm tình báo mang biệt danh “Con Nai” (The Deer Team) của OSS gồm 7 binh sĩ Mỹ nhảy dù xuống Việt Bắc huấn luyện lực lượng Việt Minh chống phát xít Nhật.
3. Trước Chiến tranh thế giới thứ II, Tổng thống thứ 32 của Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt đã nhiều lần tuyên bố không muốn khôi phục ách thống trị thực dân của Pháp ở Đông Dương. Sau đó, vào đầu tháng 10/1945, Chính quyền của Tổng thống Truman ra tuyên bố chính sách đối ngoại 12 điểm của Mỹ sau Chiến tranh thế giới thứ II, trong đó nêu rõ Mỹ sẽ “không phản đối và cũng không giúp Pháp tái lập sự kiểm soát ở Đông Dương”
4. Josip Broz Tito (7/5/1892-4/5/1980) là nhà cách mạng và chính khách người Nam Tư.
5. United states - Vietnam Relations 1945 – 1967, I. Vietnam and the U.S., 1940-1950, C-73 – C-74. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Nhà xuất bản chính trị Quốc gia, H-2000, trang 60 – 61
9. http://www.archives.gov/historical-docs/todays-doc/?dod-date=228
Trịnh Châu
Nguồn: Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước