Chiến thắng Điện Biên Phủ - sức mạnh chính trị tinh thần và sức mạnh của trí tuệ Việt Nam

Chủ nhật - 05/05/2024 18:01
Trận Điện Biên Phủ xứng đáng là một trận đánh tiêu biểu, nổi tiếng lịch sử quân sự thế giới của một quân đội nhỏ chiến thắng một quân đội lớn, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của nền nghệ thuật quân sự Việt Nam, đánh bại ý chí xâm lược của thực dân Pháp, đánh bại sức mạnh sắt thép và đô-la của can thiệp Mỹ.
Chiến thắng Điện Biên Phủ - sức mạnh chính trị tinh thần và sức mạnh của trí tuệ Việt Nam

Như một Xương Giang-Bạch Đằng-Chi Lăng-Đống Đa, Điện Biên Phủ đã ghi thêm một trang sử vàng hào hùng và oanh liệt của dân tộc ta.

Sau bảy năm tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam (tính đến năm 1952), thực dân Pháp đã bị thiệt hại hơn 30 vạn binh lính và sĩ quan. Các kế hoạch của Lơcléc, Valuy đến Đácgiăngliơ, Bôla, Pinhông, Rơve, Tátxinhi theo nhau bị phá sản. Người Pháp lúc nào cũng như phải làm lại từ đầu.

Cuộc chiến tranh không trận tuyến của thế trận chiến tranh nhân dân Việt Nam đánh cả ở đằng trước mặt địch và đằng sau lưng địch; cả ở nông thôn và thành phố đã làm cho quân Pháp mệt mỏi, suy yếu. Chính phủ Pháp theo đó mà dựng lên đổ xuống 17 lần, năm cao ủy và sáu viên tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương lần lượt bị triệu hồi.

Còn nhân dân Việt Nam qua bảy năm kháng chiến đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta càng chiến đấu, càng trưởng thành và lớn mạnh. Từ những đội vệ quốc quân nhỏ bé sát cánh với các đội dân quân tự vệ trong cả nước với những vũ khí thô sơ, thiếu thốn về nhiều mặt, lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đã từng bước phát triển bao gồm ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ, hình thành lực lượng cơ động và lực lượng tại chỗ.

Nhờ có đường lối chiến tranh nhân dân trong sự kết hợp hai phương thức tiến hành chiến tranh là: chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy (chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực), từ thế bị động, quân và dân ta đã chuyển dần sang thế chủ động, liên tiếp giành được nhiều thắng lợi qua các Chiến dịch Việt Bắc (1947), Biên giới (1950), Trung du-đường số 18-Hà Nam Ninh (1951), Hòa Bình (1951-1952), Tây Bắc-Thượng Lào (1952-1953).

Trước những thất bại liên tiếp đó ở Đông Dương, dư luận Pháp ngày càng chán ngán với cuộc chiến tranh này. Bế tắc và lúng túng, Chính phủ Pháp không còn muốn tiếp tục cuộc chiến tranh quá tốn kém và vô vọng, nhưng cũng chưa muốn nhường chỗ cho người Mỹ nhảy vào. Họ cho rằng một giải pháp tốt nhất lúc này là với sự giúp đỡ tiền bạc và vũ khí của Mỹ, trong một thời gian tương đối ngắn cố giành một thắng lợi có tính quyết định trên chiến trường, để từ đó rút ra khỏi cuộc chiến tranh bằng một "lối thoát danh dự", trên bàn đàm phán.

Kế hoạch quân sự đại quy mô mang tên Nava mà nội dung cơ bản là:

- Một mục tiêu: Kết thúc chiến tranh Đông Dương trong vòng 18 tháng.

- Hai biện pháp:

a. Tăng quân: Đưa thêm quân từ chính quốc, quân lê-dương, quân ngụy bản xứ và đi đôi với việc xin thêm tiền bạc, vũ khí Mỹ.

b. Tập trung quân: Thành lập các tiểu đoàn cơ động để hình thành các binh đoàn cơ động chiến lược (cụm cơ động có tính chiến lược - grouperment mobile).

- Hai giai đoạn:

a. Giai đoạn Đông Xuân 1953-1954: Giữ thế phòng ngự ở phía bắc, thực hành tiến công chiến lược phía nam.

b. Giai đoạn Thu Đông năm 1954 đến giữa năm 1955: Đưa toàn bộ lực lượng ra phía bắc thực hành "tổng giao chiến", giáng đòn quyết định tạo thế mạnh trên bàn đàm phán để nước Pháp rút ra khỏi cuộc chiến tranh trên thế người chiến thắng.

Ngay từ đầu năm 1953, thực hiện kế hoạch, Nava đã huy động được 480.000 quân với 267 tiểu đoàn, trong đó gồm 84 tiểu đoàn cơ động, riêng chiến trường Bắc Bộ có 44 tiểu đoàn tinh nhuệ. Về không quân, ngoài sự chi viện của Mỹ, Nava còn có trong tay 300 máy bay chiến đấu và máy bay vận tải.

Mở đầu cho kế hoạch này, sáu tháng cuối năm 1953, Nava đã mở hàng loạt các cuộc hành quân càn quét lớn ở nhiều nơi (Lạng Sơn, Trị-Thiên, Ninh Bình) nhằm tiêu hao, tiêu diệt lực lượng của ta, vừa là để thăm dò ý đồ quân sự của ta nhưng vẫn chưa tìm ra đáp số.

Các cuộc hành binh ấy chỉ gây cho ta một ít tổn thất về kho tàng như ở Lạng Sơn. Trong khi đó, chúng lại bị quân và dân địa phương đánh cho những đòn thiệt hại nặng nề, loại khỏi vòng chiến đấu 12 tiểu đoàn (gần bằng số quân cơ động vừa được tăng thêm). Còn các đơn vị chủ lực của ta (trừ Đại đoàn 320 đang đối phó với địch ở đồng bằng Bắc Bộ) vẫn "án binh bất động" vừa huấn luyện, vừa chờ lệnh xuất quân.

Cuối tháng 9/1953, Bộ Chính trị đã họp để thông qua kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954. Đây là một kế hoạch đồ sộ chứa đựng nhiều nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự mà trong đó mưu kế chiến lược đã được Bác Hồ khái quát bằng một cử chỉ hết sức đơn giản, như lời kể sau này của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Bàn tay Bác đang đặt trên bàn bỗng giơ lên rồi nắm lại, sau đó Bác lại mở xòe rộng, năm ngón tay ra năm hướng, Người nói: "Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh, không sợ! Ta buộc địch phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn". Đó chính là mưu kế chiến lược căng địch ra mà đánh, trói địch lại mà diệt.

Điều đầu tiên là việc chọn hướng, địa bàn mở chiến dịch, tình hình địch ta và khả năng trình độ tác chiến của ta lúc đó chưa cho phép quân ta đánh lớn, đánh tiêu diệt lớn ở chiến trường đồng bằng, đô thị.

Nhưng yêu cầu của chiến tranh lúc đó là quân ta phải đánh tiêu diệt lớn, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn thì mới làm chuyển biến cơ bản và nhanh chóng cục diện chiến tranh.

Muốn đánh bại các biện pháp thủ đoạn chiến lược chiến dịch của địch, đánh tiêu diệt lớn, trong khi kẻ địch lại đông quân và vũ khí trang bị hơn ta để giành được thắng lợi, ít thương vong thì ta phải chọn hướng địch yếu và ở địa bàn rừng núi thiên hiểm.

Mở đầu chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, Đại đoàn 316 được lệnh tiến lên Tây Bắc, bước ra quân chiến lược đầu tiên đã điểm trúng huyệt khiến Nava vội vã điều động sáu tiểu đoàn cơ động đánh chiếm cho Điện Biên Phủ, biến nó thành một tập đoàn cứ điểm mạnh với binh lực lên tới chín tiểu đoàn.

H. Nava muốn tương kế, tựu kế biến Điện Biên Phủ thành một pháo đài vững chắc, vừa là một cái chốt - một cái bẫy hay một cái máy nghiền, sẵn sàng nghiền nát các sư đoàn chủ lực của ta, đồng thời lại vẫn bảo vệ được nước Lào. Kế hoạch Nava bắt đầu bị đảo lộn.

Còn ta cũng lại tương kế, tựu kế thực hiện chiến tranh nhân dân, mưu kế của Hồ Chí Minh là: căng địch ra trên toàn chiến trường Đông Dương mà đánh, trói địch lại trên chiến trường Điện Biên Phủ để tiêu diệt. Ngay sau đó, ta chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược.

Chọn Điện Biên Phủ là chọn hướng, địa bàn, mục tiêu chính xác. Tuy là rừng núi xa hậu phương chiến lược, nhưng địch vẫn có thể cơ động các binh đoàn cơ động đi ứng cứu bằng đường không.

Để hạn chế các lực lượng cơ động đó - một thủ đoạn tác chiến lợi hại có hiệu lực của địch - thì ta phải phân tán các lực lượng cơ động đó của địch ra các chiến trường khác, bảo đảm không thể cơ động nhiều lực lượng ứng cứu cho Điện Biên Phủ, có thế mới bảo đảm chắc thắng cho Điện Biên Phủ. Như thế là làm cho địch phải tan, mà ta thì tụ.

Đó là mưu kế chiến lược nhằm chia địch, phân tán địch hoạt động mạnh ở các chiến trường khác, ở những chỗ địch sơ hở, không thể bỏ, tất phải cứu. Muốn mưu kế được thực hiện thì ta phải nghi binh, lừa địch, điều động địch. Nghi binh lừa địch, điều động địch cũng phải làm có hiệu lực. Có thế địch mới bị mắc lừa, buộc địch phải đến nơi ta lựa chọn và giam chân địch ở đó.

Đánh vào chỗ địch tất phải cứu.

Để tạo thế cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta giải phóng Lai Châu, sau đó lệnh cho Trung đoàn 36 Đại đoàn 308 bao vây phía nam Điện Biên Phủ, chặn đường nối thông với Thượng Lào. Ta đã điều một số đơn vị chủ lực nhỏ mà tinh đánh vào các hướng địch yếu nhưng lại hiểm và có ý nghĩa chiến lược về chính trị, do đó địch tất phải cứu. Đó là các hướng Thượng Lào, Trung Lào, Hạ Lào, đông bắc Campuchia và bắc Tây Nguyên.

Ở các hướng đó, quân địch nhanh chóng bị tiêu diệt, ta giải phóng được một số thị trấn, thị xã.

Trước nguy cơ mất quân, mất đất, địch buộc phải tung lực lượng cơ động ra các hướng đó để cứu vãn tình thế. Còn ta thì đẩy mạnh chiến tranh du kích trong cả nước, và vẫn bố trí một số các đơn vị chủ lực tinh nhuệ để kìm giữ và giam chân các lực lượng cơ động này.

Nhờ mưu kế đó, ta đã buộc khoảng 70 tiểu đoàn cơ động trên tổng số 84 tiểu đoàn cơ động địch phân tán ra các chiến trường trên toàn Đông Dương.

Địch phải tổ chức bảy "con nhím".

Ở Bắc Lào hai cụm cứ điểm.
Ở Trung Lào một cụm cứ điểm.
Ở Hạ Lào một cụm cứ điểm.
Ở Tây Nguyên hai cụm cứ điểm.
Và Điện Biên Phủ một cụm cứ điểm (tập đoàn cứ điểm mạnh nhất).

Ta đã thành công trong việc điều động phân tán địch trên năm chiến trường. Quả đấm mạnh của địch đã bị xoè ra thành năm ngón tay. Ta đã cao tay hơn địch. Mà chính tướng Nava cũng phải thú nhận rằng, hơn 80% lực lượng cơ động của quân Pháp đã bị phân chia ra các chiến trường Đông Dương và khi quân ta nổ súng tiến công Điện Biên Phủ thì lực lượng cơ động địch không thể tập trung lớn để đối phó được nữa.

Tại chiến trường chính Điện Biên Phủ, Bộ Chỉ huy chiến dịch (bộ phận đi trước) có sự tham gia ý kiến của các đồng chí cố vấn Trung Quốc, đề ra kế hoạch với phương châm "đánh nhanh, thắng nhanh" quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ chỉ hai ngày ba đêm trong điều kiện địch còn đang phòng ngự lâm thời.

Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng chiến dịch đi sau. Nhưng vì mới đến, sau khi nghe báo cáo, ông mặc dù rất phân vân, chưa có đủ yếu tố để bác bỏ phương án đã chọn của bộ phận đi trước bởi nó rất khác với suy tính của ông trước đó đã báo cáo gửi lên Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Diễn biến trên toàn chiến trường Đông Dương lúc này đã có những thay đổi. Đặc biệt là ở Điện Biên Phủ, Nava điên cuồng mù quáng quyết tâm tăng cường xây dựng công sự, sân bay, bổ sung lực lượng lên tới 17 tiểu đoàn nhằm biến nơi đây thành "cối xay thịt" để nghiền nát chủ lực ta.

Trước tình hình đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quả cảm quyết đoán nhạy bén nắm bắt tình hình đề nghị thay đổi phương châm tác chiến từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc", sau đó chuyển đổi đội hình bố trí lại lực lượng, ông đã được Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh phê chuẩn.

Bằng quyết định đó, ông đã phải trải qua những trăn trở cực kỳ khó khăn, cân nhắc thận trọng, xử lý khôn khéo, kiên trì thuyết phục để vừa giữ vững được nguyên tắc, vừa bảo đảm được đoàn kết nhất trí cao trong lãnh đạo và với cố vấn bạn. Sau đó, ông chỉ đạo chuyển đổi đội hình, bố trí lại lực lượng và thực hành nghi binh chiến lược trực tiếp ở Điện Biên Phủ là cho một đại đoàn chủ lực (Đại đoàn 308) đánh sang Thượng Lào.

Nhờ đó, ta có thể tổ chức lại trận địa và chủ động từng bước tập trung được một lực lượng hơn năm đại đoàn chủ lực để thực hiện chuyển sang vây hãm dài ngày, phát huy được tinh thần trí tuệ của toàn quân và sức mạnh của toàn dân cho cuộc chiến đấu quyết định vận mệnh của dân tộc.

Mặc dù trận địa đã được bố trí, pháo lớn đã kéo lên vị trí chiến đấu với bao công sức và xương máu, nhưng ông vẫn quyết tâm cho đưa pháo xuống, rồi lại kéo lên vào vị trí tác chiến mới.

Trói địch lại mà diệt.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, địch đã ở vào thế cô lập, cố thủ trong một thung lũng bị ta bao vây tiến công từ bốn phía. Muốn đập tan cái "cối xay thịt", diệt trừ "con nhím" khổng lồ này, trước hết ta đã từng bước vô hiệu hóa nó bằng cách đánh của Việt Nam.

Ta đã xây dựng cả một hệ thống giao thông hào, một hệ thống trận địa tấn công và bao vây tạo điều kiện cho quân ta triển khai vận động tiến công. Đây là lần đầu tiên quân ta tiến hành bao vây, tiến công một tập đoàn cứ điểm trong điều kiện quân Pháp có vũ khí trang bị hiện đại hơn ta.

Đó là cách đánh chiến dịch. Nghệ thuật tác chiến chiến dịch là đột phá lần lượt, liên tục kết hợp với vây lấn. Nghệ thuật tác chiến đó phù hợp với điều kiện Việt Nam. Phù hợp với thực tế là sáng tạo.

Đó là trí tuệ Việt Nam. Do ta kém địch về vũ khí đột phá như máy bay, xe tăng, pháo binh nên phải dùng cách đánh đó. Cách đánh đó phải kéo dài thời gian.

Sau này trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, sức đột phá, chọc sâu của ta mạnh, nên ta chỉ đánh có mấy ngày là giải phóng Sài Gòn.

Đặc biệt là ngay từ năm 1953, Bộ Quốc phòng đã sớm cho thành lập các trung đoàn pháo và pháo phòng không, một yếu tố rất quan trọng để tạo nên sức mạnh ở Điện Biên Phủ.

Một điều rất hay và rất sáng tạo là lần đầu tiên ở Việt Nam và cũng là rất hiếm ở trên thế giới, ta đã cho kéo pháo lên núi cao vào hầm chĩa thẳng pháo xuống đầu kẻ địch mà chế áp.

Với cách đánh này, vừa bảo vệ được pháo, vừa nâng cao được uy lực và mức chính xác, hiệu quả đến mức khiến cho viên chỉ huy pháo binh của Pháp là Pirốt bất ngờ hoảng loạn mà tự sát.

Còn lực lượng pháo phòng không cũng làm nên một kỳ tích. Lần đầu tiên pháo phòng không của ta xuất hiện nhờ có sự giúp đỡ kịp thời của các nước bạn: Liên Xô, Trung Quốc nên ta đã cố gắng kết hợp mọi biện pháp bảo đảm giữ bí mật đến phút nổ súng.

Trong quá trình chiến đấu, pháo cao xạ đã liên tục cơ động trên nhiều trận địa dự bị, bảo đảm tiêu diệt lực lượng địch, giữ gìn lực lượng ta, bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay địch. Lực lượng phòng không đã thực hành bao vây đường không đặc biệt sáng tạo ngăn chặn có hiệu quả đường tiếp tế bằng máy bay của địch bằng thả dù, yểm hộ tích cực cho bộ binh thực hành tấn công.

Bằng quyết định thay đổi phương châm tác chiến và cách đánh thích hợp, ta đã chủ động vây hãm địch dài ngày, từng bước triệt phá hỏa lực tại chỗ, triệt đường tiếp tế trên bộ và trên không của địch. Trói địch lại để ta tập trung binh, hỏa lực lần lượt tiến công từng bộ phận nhằm tiêu hao tiêu diệt nhỏ, đánh bại ý chí chiến đấu của địch, tiến tới tiêu diệt gọn hoàn toàn một tập đoàn cứ điểm khi chúng vẫn còn đông quân.

Thắng lợi của Điện Biên Phủ là thắng lợi của chiến tranh nhân dân trên toàn quốc với các trận đánh vang dội, tiến công vào sân bay Gia Lâm, sân bay Cát Bi, đường 5, đường sắt Hải Phòng-Hà Nội và ở khắp các chiến trường, phân tán địch trên toàn Đông Dương. Ở Điện Biên Phủ ta tiêu diệt và bắt sống hơn 1,6 vạn quân, còn toàn Đông Dương tiêu diệt và tiêu hao hơn 10 vạn quân.

Trận đánh Điện Biên Phủ ta đã tiêu diệt và bắt sống 17 tiểu đoàn (1) trong tổng số 84 tiểu đoàn cơ động của địch. Nó là một trận đánh tiêu diệt chiến lược, là đỉnh cao thắng lợi của cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp xâm lược giải phóng được một nửa đất nước.

Trận Điện Biên Phủ xứng đáng là một trận đánh tiêu biểu, nổi tiếng lịch sử quân sự thế giới của một quân đội nhỏ chiến thắng một quân đội lớn, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của nền nghệ thuật quân sự Việt Nam, đánh bại ý chí xâm lược của thực dân Pháp, đánh bại sức mạnh sắt thép và đô-la của can thiệp Mỹ.

Chiến thắng Điện Biên Phủ thể hiện tinh thần quật cường bất khuất của dân tộc Việt Nam. Nó không chỉ là một đòn tiêu diệt chiến lược đánh vào đạo quân viễn chinh Pháp, nó còn là một đòn khai tử chủ nghĩa thực dân, mà bản án đã được Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh xác lập, khi Người viết Bản án chế độ thực dân Pháp, tác phẩm in lần đầu tại Pari năm 1925.

Thắng lợi đó đã đem lại niềm tin mãnh liệt, cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc đang dâng cao mạnh mẽ trên toàn thế giới, nhất là ở lục địa châu Phi, đã tạo nên phản ứng dây chuyền không những dẫn đến độc lập ở các thuộc địa Pháp mà còn cho các dân tộc đang bị áp bức khác.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã qua đi nửa thế kỷ, nhưng bài học lịch sử của nó thì vẫn còn nguyên giá trị cho mọi thế hệ mai sau noi theo.

Đó là tinh thần bất khuất quật cường của một dân tộc quyết chống giặc ngoại xâm, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Lịch sử thế giới và lịch sử nước ta tỏ cho ta biết rằng: Hễ một dân tộc đã đứng lên kiên quyết tranh đấu cho Tổ quốc họ thì không ai, không lực lượng gì chiến thắng được họ..."(2)

Đó là bài học về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân do Đảng lãnh đạo, có truyền thống đánh giặc giữ nước nên đã phát huy được sức mạnh về ý chí của dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại. Cuộc đấu tranh của ta nêu cao được ngọn cờ chính nghĩa, giải phóng dân tộc nên ta đã được loài người tiến bộ ủng hộ, được các nước bạn giúp đỡ.

Sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước bạn, trong đó có sự đóng góp trực tiếp của đoàn chuyên gia cố vấn Trung Quốc, từ đồng chí Mai Gia Sinh - Phó đoàn sang Việt Nam trước, đi cùng với đồng chí Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng để chuẩn bị chiến dịch, đến đồng chí Vi Quốc Thanh - Trưởng đoàn làm việc bên cạnh Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và các đồng chí chuyên gia ở các đại đoàn. Trong suốt chiến dịch, trước cũng như sau khi ta thay đổi phương châm tác chiến, các bạn Trung Quốc đã giúp đỡ ta một cách nhiệt tình, tích cực luôn coi cuộc chiến đấu của ta cũng như của bạn. Sự giúp đỡ anh em đồng chí giữa hai đảng, hai dân tộc trong công cuộc giải phóng dân tộc của hai nước Trung Quốc và Việt Nam đã có từ lâu.

Nước bạn đã giúp đỡ ta đào tạo, huấn luyện cán bộ, trao đổi những kinh nghiệm chiến đấu của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Ở Chiến dịch Điện Biên Phủ, bạn đã giúp ta 24 khẩu pháo và 3.600 viên đạn pháo 105 ly, chiếm 18% tổng số đạn; giúp ta 1.700 tấn lương thực, chiếm 10,8% tổng số lương thực phải dùng. Và gần cuối chiến dịch, bạn còn bổ sung trang bị cho ta một tiểu đoàn pháo ĐKZ 75 ly và một tiểu đoàn hỏa tiễn Kachiusa 12 dàn 6 nòng đã làm tăng thêm nỗi kinh hoàng của địch vốn đã kiệt sức và tuyệt vọng. Đó là sự giúp đỡ anh em giữa hai nước trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Bằng cách đánh của Việt Nam, ta đã sử dụng vũ khí thông thường có một chút hiện đại của các nước bạn và một số thu được của Pháp. Nhờ có sự sáng tạo và lòng dũng cảm dám đánh, quyết đánh ta đã tìm ra cách đánh để đánh thắng vũ khí hiện đại của Pháp và Mỹ làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu.

Ngày nay, để bảo vệ Tổ quốc, muốn đánh bại được cuộc chiến tranh xâm lược bằng vũ khí công nghệ cao có máy bay và tên lửa hành trình kết hợp với lục quân cơ giới thì ta vẫn phải là chiến tranh nhân dân ba thứ quân, kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy bằng các lực lượng phòng không và chống tăng. Chiến đấu đánh trả cuộc tiến công bằng hỏa lực đường không cũng quan trọng như đánh địch ở trên bộ. Chiến tranh nhân dân là cốt lõi của học thuyết quân sự Việt Nam, là trường phái sử dụng nghệ thuật "dĩ đoản, chế trường", "thế thắng lực", "lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn". Ta có kém địch về vũ khí thì phải vận dụng phương châm lấy hiện đại thông thường có một ít tinh xảo để đánh lại hiện đại tinh xảo. Kết hợp với tinh thần ý chí chiến đấu và tài thao lược với trí tuệ Việt Nam.

Kẻ địch mạnh là nhờ có hỏa lực, ở Điện Biên Phủ hỏa lực của địch là pháo binh, xe tăng, máy bay, còn ngày nay sẽ là hỏa lực đường không bằng máy bay và tên lửa hành trình và hỏa lực trên bộ là xe tăng. Trị được những thứ đó thì kẻ địch nhất định sẽ bị đánh bại.

Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là một bài học lịch sử chứng minh cho sức mạnh chính trị, tinh thần và sức mạnh của trí tuệ Việt Nam.

Thượng tướng, GS. HOÀNG MINH THẢO

Chú thích:
1. Tổng số quân địch bị diệt và bắt sống ở Điện Biên Phủ là 21 tiểu đoàn.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 7.

Nguồn: 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Sách Điện Biên Phủ, hợp tuyển công trình khoa học, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2005. Tham luận tại Hội thảo khoa học quốc gia: Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, Điện Biên, ngày 7, 8/3/2004.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
CM tháng 8 và QK 2/9
79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8
& QUỐC KHÁNH 2/9
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
Luong truy cap
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập130
  • Hôm nay30,701
  • Tháng hiện tại387,793
  • Tổng lượt truy cập59,285,446
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây