Những danh nhân văn hóa tuổi Thìn

Chủ nhật - 04/02/2024 07:19
Nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024, nguyenduyxuan.net xin trân trọng giới thiệu những danh nhân văn hóa nổi tiếng của dân tộc cầm tinh con Rồng.

Mạc Đĩnh Chi (1280 – 1350)

Ông sinh năm Canh Thìn, tên tự là Tiết Phu, người làng Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Về năm sinh, năm mất của ông có tài liệu ghi là 1272 - 1346.

Năm 32 tuổi, ông đỗ Trạng nguyên khoa Giáp Thìn (1304) đời vua Trần Anh Tông, nhưng do tướng mạo xấu xí nên không được vua coi trọng. Ông liền làm bài phú “Ngọc tỉnh liên” để tự ví mình, vua đọc thấy hay rồi cất nhắc lên làm thái học sinh dũng thủ, sung chức Nội thư gia. Đời Trần Minh Tông ông được nhà vua tin dùng và hậu đãi.

Mạc Đĩnh Chi là nhà ngoại giao văn hóa xuất sắc của dân tộc. Tài ngoại giao, ứng đối và văn thơ của ông xứng bậc "đứng đầu quần Nho".

Hai lần đi sứ sang nhà Nguyên (Trung Quốc) Mạc Đĩnh Chi đều thể hiện tầm cao văn hóa trong hoạt động ngoại giao: mềm mỏng nhưng kiên quyết; khiêm nhường nhưng hiểu biết sâu rộng, ứng đối sắc sảo, nêu cao được vị thế của quốc gia Đại Việt. Ông từng được xưng tặng là "Lưỡng quốc Trạng nguyên".

Chu Văn An (1292 – ?)

Ông sinh năm Nhâm Thìn, không rõ năm mất (có tài liệu ghi là 1370), là người làng Thanh Liệt, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ông đỗ Thái học sinh (tiến sĩ) nhưng từ chối làm quan, về nhà mở trường dạy học. Học trò ông nhiều người thành đạt, có người nổi tiếng như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát.

Đời Trần Minh Tông, ông được mời ra làm Tư nghiệp Quốc tử giám. Đến đời Dụ Tông, thấy quyền thần làm nhiều điều vô đạo, ông dâng “Thất trảm sớ” xin chém bảy tên gian nịnh, nhưng vua không nghe. Ông chán nản từ quan về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương), lấy hiệu là Tiều ẩn (người hái củi ở ẩn), mở trường dạy học, viết sách cho tới khi mất.

Chu Văn An là một nhà nho tiết tháo, cương trực, luôn đấu tranh cho chính nghĩa; là người thầy của mọi thời đại, nhà giáo lỗi lạc của Việt Nam. Đại Việt sử ký toàn thư đánh giá ông là ông tổ của các nhà nho nước Việt.

Sau khi mất, ông được vua Trần truy phong tước Văn Trinh công; tôn vinh là “Vạn thế sư biểu” (Người thầy mẫu mực của muôn đời) và cho đặt tượng thờ trong Văn Miếu.

Ngày 7/11/2019, tại Paris (Pháp), Đại hội đồng UNESCO vinh danh Chu Văn An là danh nhân văn hóa thế giới.

Nguyễn Phan Chánh (1892 - 1984)

Nguyễn Phan Chánh tuổi Nhâm Thìn, là danh họa bậc thầy của hội họa lụa Việt Nam.

Ông sinh tại thôn Tiền Bạt, xã Trung Tiết, huyện Thạch Hà, nay là phường Tân Giang, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.

Năm 1931, Nguyễn Phan Chánh sáng tác tranh lụa "Chơi ô ăn quan" cùng một số họa phẩm khác như "Cô gái rửa rau", "Em bé cho chim ăn", "Lên đồng". Cũng năm này một số tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh được giới thiệu tại triển lãm Paris. Lần đầu tiên công chúng Pháp biết tranh lụa Việt Nam qua bút pháp Nguyễn Phan Chánh. Một số tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh đã được trưng bày ở Milan (Ý) năm 1934, ở San Francisco (Mỹ) năm 1937, ở Tokyo (Nhật Bản) năm 1940.

Sau cuộc triển lãm ở Paris, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh được coi là người đặt nền tảng cho tranh lụa hiện đại Việt Nam và là một trong những họa sĩ tiêu biểu cho nền hội họa Đông Dương.

Ông là người đang giữ kỷ lục về số tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ông được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I năm 1996. Tên ông được đặt cho một con phố ở Quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Đánh giá về tài năng hội họa của Nguyễn Phan Chánh, họa sỹ Trịnh Cung cho rằng: “Nguyễn Phan Chánh là một hiện tượng xuất chúng của hội họa Việt Nam cũng như Nguyễn Gia Trí với sơn mài.”

Đào Duy Anh (1904 - 1988)

Đào Duy Anh tuổi Giáp Thìn, sinh tại Thanh Hóa, là nhà sử học, nhà từ điển học, nhà ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu văn hóa, tôn giáo, văn học dân gian nổi tiếng của Việt Nam.

Quê gốc của ông ở làng Khúc Thủy, tổng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay là huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội).
 
Sau khi đỗ Thành chung tại Trường Quốc học Huế năm 1923, ông làm nghề dạy học ở Đồng Hới (Quảng Bình). Ông chịu ảnh hưởng của các phong trào yêu nước thời kỳ đó như phong trào đấu tranh đòi "ân xá" cho Phan Bội Châu năm 1925, đám tang Phan Chu Trinh năm 1926.

Năm 1926, ông cùng Huỳnh Thúc Kháng lập báo Tiếng dân và làm Thư ký tòa soạn. Ông từng là Tổng Bí thư của Tân Việt Cách mạng Đảng.

Năm 1928, ông sáng lập Quan hải tùng thư, với sự cộng tác của những trí thức yêu nước như Võ Liêm Sơn, Trần Đình Nam, Phan Đăng Lưu, xuất bản các tập sách phổ cập để người đọc làm quen với tư tưởng khoa học và duy vật lịch sử.

Tháng 7 năm 1929, Đào Duy Anh bị chính quyền bắt giam cho đến đầu năm 1930. Mãn hạn tù, ông chuyên tâm nghiên cứu văn hóa, bắt đầu là từ điển học rồi văn hóa, văn học, sử học. Sau Cách mạng tháng Tám, Đào Duy Anh tham gia hoạt động văn nghệ kháng chiến, giảng dạy đại học, làm chuyên viên Viện Sử học.

Ông được xem là người mở đầu cho nhiều ngành khoa học xã hội Việt Nam; là một trong số ít nhân vật Việt Nam được ghi tên vào bộ từ điển Larousse với tư cách là một nhà bách khoa toàn thư thời hiện đại.

Đào Duy Anh được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học xã hội năm 2000.

Xuân Diệu (1916 - 1985)

Xuân Diệu tên thật là Ngô Xuân Diệu, tuổi Bính Thìn, sinh tại quê mẹ Gò Bồi, thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, Bình Định. Quê gốc của ông ở làng Trảo Nha, Can Lộc, Hà Tĩnh.

Ông là một trong những nhà thơ tiêu biểu trong phong trào Thơ mới đầu thế kỷ XX với các tập “Thơ thơ” và “Gửi hương cho gió”. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh từng nhận xét “Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới.”

Trong khoảng thời gian từ năm 1936 đến năm 1944, thơ Xuân Diệu thể hiện triết lý bi quan, tuyệt vọng về tình ái nhưng lại có một mạch ngầm thúc giục, nhiều khi hừng hực sức sống. Nhờ đó, Xuân Diệu còn được mệnh danh là "ông hoàng thơ tình".

Năm 1944, Xuân Diệu tham gia phong trào Việt Minh, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau Cách mạng tháng Tám, ông hoạt động trong Hội văn hóa cứu quốc, làm thư ký tòa soạn tạp chí Văn nghệ ở Việt Bắc; nhiều năm tham gia BCH Hội Nhà văn Việt Nam.

Xuân Diệu từng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm nghệ thuật nước Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1983.

Ông đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về văn học nghệ thuật (1996).

10/2023
Nguyễn Duy Xuân (biên soạn)


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TỔ QUỐC TRÊN HẾT
Luong truy cap
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
CM tháng 8 và QK 2/9
79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8
& QUỐC KHÁNH 2/9
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập190
  • Hôm nay32,164
  • Tháng hiện tại423,915
  • Tổng lượt truy cập59,321,568
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây