Như thế nào thì được gọi là "danh gia vọng tộc"?

Thứ năm - 21/12/2023 22:08
Độc giả Đỗ Đình Ngọc (Nam Định) hỏi: “Trong bài viết “Khi nào thì nên gọi là “Danh gia vọng tộc”, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho rằng không nên gọi gia đình đã lập nên Nhà xuất bản Mai Lĩnh là “danh gia vọng tộc” theo cách của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn(1). Lí do ông LNA viết:
“Gia đình đã lập ra nhà xuất bản Mai Lĩnh, cung cấp cho xã hội một loạt tác phẩm (sách và báo) văn nghệ, tri thức, là một gia đình kinh doanh văn hóa và có công trong sự nghiệp văn hóa của dân Việt. Nhưng có lẽ không nên dùng mấy chữ “danh gia vọng tộc”. “Danh gia”, nghĩa đen là gia đình /dòng họ/ có tên tuổi, tức là được thiên hạ biết đến, thì dúng rồi! Nhưng “vọng tộc”? Chữ này xưa kia để chỉ nguồn gốc cao quý, thậm chí là quý tộc, quý phái của gia đình hoặc đại gia đình ấy. (Ở thế kỷ XIX đến 1945 tại Việt Nam chỉ có quý tộc là các hoàng thân triều Nguyễn mà thôi! sau đó tại Việt Nam không còn quý tộc chính thức nữa, các hoàng thân triều Nguyễn hiện chỉ là “cựu” mà thôi!). Trong trường hợp dòng họ Đỗ đã làm nên nhà xuất bản Mai Lĩnh, thì họ không phải quý tộc. Họ làm doanh nghiệp, tức kinh doanh, làm ra lãi, là hoạt động kinh tế bình thường, chỉ do thứ hàng họ sản xuất là các văn bản văn hóa, tri thức, văn học, của những tác giả cụ thể, đã cộng tác đưa tác phẩm cho hãng này (Mai Lĩnh) sản xuất, thế thì hãng này cũng đóng góp cho sự nghiệp văn hóa. Thế thôi! Áp cho họ chữ “vọng tộc” là quá cao quá xa, cũng lạc hậu nữa!”

Xin chuyên  mục “Cà kê chuyện chữ nghĩa” cho biết cách giải thích về “danh gia vọng tộc” như trên có đúng không?”.

Trả lời:

1-   “Danh gia” là gì?

Danh gia 名家 là từ Việt gốc Hán, được Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên – Vietlex) giảng là “gia đình có tiếng tăm trong xã hội - Vốn dòng họ Hoạn danh gia, Con quan Lại bộ tên là Hoạn thư – Truyện Kiều)”.

Danh gia trong “Danh gia vọng tộc” đồng nghĩa với “danh môn” =  Nhà có danh, có địa vị cao, được nhiều người biết đến.

Như vậy, “danh gia” theo cách hiểu của ông LNA là đúng.

2-   “Vọng tộc” là gì?

-Hán ngữ đại từ điển giảng “vọng tộc” là “hữu thanh vọng đích gia tộc -有聲望的家族” (gia tộc có thanh vọng). Mà hai chữ “thanh vọng” được chính từ điển này giải thích là: “sở chúng ngưỡng vọng đích thanh danh”, nghĩa là: “có tiếng tăm tốt và được người đời ngưỡng mộ”.

-Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê, sách đã dẫn) giảng hai chữ “vọng tộc” là “dòng họ có danh tiếng trong xã hội cũ”, và lấy ví dụ: “Nhà ta nội ngoại là thế gia vọng tộc, đời đời khoa bảng nối nhau làm quan to…” (Lá ngọc cành vàng - Nguyễn Công Hoan)”.

Theo đây, hai chữ “vọng tộc” không có nghĩa là “quý tộc”, và hoàn toàn không phải “chỉ nguồn gốc cao quý, thậm chí là quý tộc, quý phái của gia đình hoặc đại gia đình ấy”, như cách hiểu của ông LNA.

3-   “Danh gia, vọng tộc”

Những phân tích trên đây cho thấy, “danh gia” và “vọng tộc” vốn là hai từ tồn tại độc lập. Khi ghép lại với nhau, thì “Danh gia vọng tộc” trở thành một câu thành ngữ với hai vế, kết cấu đẳng lập, chỉ gia đình, dòng họ có danh tiếng, được trọng vọng trong xã hội.

Về trường hợp cụ thể gia đình đã lập nên Nhà xuất bản Mai Lĩnh.

Bài “Nhớ vàng son Mai Lĩnh” (Lê Phương Liên – báo Nhân Dân, 16/4/2018) cho biết, người sáng lập NXB Mai Lĩnh là cụ Đỗ Văn Phong (1860-1930). Cụ là một nhà nho yêu nước từng tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục và bị kết án đi đày biệt xứ ở Guyane. Sau đó, cụ đã cùng một số tù nhân đóng bè vượt biển trốn thoát rồi trở về Việt Nam, trú ở vùng Long Xuyên.

Cụ Phong đã nhắn tin cho con cháu vào gặp, bàn bạc về ý nguyện mở nhà xuất bản để truyền lòng yêu nước và nâng cao dân trí. Việc chưa thành thì 12/1930, cụ mất tại Bạc Liêu. Ý nguyện của cụ về việc lập một cơ nghiệp có tên Mai Lĩnh (Thôn Mai, núi Lĩnh) để nhớ cội nguồn quê hương ở làng Xuân Mai, huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên (nay thuộc huyện Sóc Sơn - Hà Nội) đã được con cháu thực hiện.

Một cửa hàng văn hóa phẩm được mở tại thị trấn Phúc Yên, rồi một hiệu buôn văn hóa phẩm được mở tại Hải Phòng. Năm 1935 tờ báo Hải Phòng tuần báo do Mai Lĩnh chủ trương ra đời. Năm 1936 nhà in Mai Lĩnh đã bắt đầu hoạt động tại Hà Nội. Giám đốc nhà xuất bản Mai Lĩnh lúc bấy giờ là ông Đỗ Xuân Mai (con trai cụ Đỗ Văn Phong) đã quy tụ được nhiều nhà văn tên tuổi. Hàng loạt các tác phẩm có giá trị đã ra đời. Như Đào Trinh Nhất với các cuốn “Đông Kinh Nghĩa Thục” (1937), “Phan Đình Phùng” (1937), “Đời cách mạng Phan Bội Châu” (1938); Ngô Tất Tố với “Tắt đèn” (1939), “Việc làng”, “Lều chõng” (1941); Vũ Trọng Phụng với “Làm đĩ” (1939); Nguyễn Tuân với “Ngọn đèn dầu lạc”, “Tàn đèn dầu lạc” (1941)… NXB Mai Lĩnh sau đó tiếp tục hoạt động tại Hà Nội và Sài Gòn đến năm 1959.(2)

Như vậy, với tất cả những gì đã làm được, gia đình, dòng họ cụ Đỗ Văn Phong hoàn toàn xứng đáng được gọi là “Danh gia vọng tộc” với nghĩa “chỉ gia đình, dòng họ có danh tiếng, được trọng vọng trong xã hội”.

                                              Hoàng Tuấn Công 11/2023

(1)- Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn là cháu ngoại của Giám đốc Mai Lĩnh Đỗ Xuân Mai, gọi cụ Đỗ Văn Phong là Cụ.
(2)-Tham khảo thêm bài "Mai lĩnh vàng son một thuở"

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
20/11
NGÀY NHÀ GIÁO VN 20/11
VÌ MỘT NỀN GIÁO DỤC
NHÂN BẢN - DÂN TỘC - KHAI PHÓNG
Luong truy cap
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập195
  • Hôm nay39,293
  • Tháng hiện tại80,188
  • Tổng lượt truy cập62,150,841
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây