Chương trình "Vua Tiếng Việt" tiếp tục phạm sai lầm về tiếng Việt

Chủ nhật - 01/12/2024 22:01
Trên trang cá nhân, nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công tiếp tục chỉ ra những sai lầm "chết người" trong việc sử dụng tiếng Việt của chương trình "Vua Tiếng Việt" trên VTV3, phát sóng hằng tuần vào tối thứ 6.

VUA TIẾNG VIỆT – CHỮ TÁC THÀNH CHỮ TỘ!

Chương trình Vua Tiếng Việt Mùa 3 (22/8/2024) đưa ra câu “Nét mực chẳng hay đau lòng gỗ/ Lời nói ngay trái lỗ tai người” làm ngữ liệu.

Văn bản hoàn toàn trùng khớp với lời đọc của Xuân Bắc. Tuy nhiên, có vẻ như khâu đánh máy có vấn đề. Chữ “THẲNG” bị đánh nhầm thành “CHẲNG”, rồi Xuân Bắc cứ thế đọc theo chăng?

Nhưng không, sau khi truy tìm trên google thì sự thực không phải vậy. Trang “Ngày ngày viết chữ” (ngayngayvietchu.com) có ghi nhận câu này.

Một ngày nào đó, câu “Nét mực THẰNG hay đau lòng gỗ”, đã bị “Ngày ngày viết chữ” xuyên tạc thành “Nét mực CHẲNG hay đau lòng gỗ”, rồi những người làm kịch bản của Vua Tiếng Việt đã copy cái sai này về, đem ra thử thách ngôi “Vua tiếng Việt” mà không cần biết nó đúng sai ra sao.

Dân gian có câu “Thẳng mực tàu đau lòng gỗ” (dị bản: Mực thẳng mất lòng cây gỗ cong; Cây vạy ghét mực tàu ngay). Theo đây, văn bản chính xác phải là “Nét [đúng ra là “Đường” - HTC] mực THẲNG hay đau lòng gỗ/ Lời nói ngay trái lỗ tai người” (Chữ “hay” trong câu này có nghĩa là “thường”, “thường hay”) suy ra → Đường mực THẲNG thường đau lòng gỗ/ Lời nói THẲNG thì trái lỗ tai người.

Trong phép sáng tác thành ngữ tục ngữ, để tăng thêm tính thuyết phục, dân gian nêu ra lẽ thường ở câu trước để làm cơ sở và từ đó khẳng định điều dễ hiểu, mang tính quy luật, tất yếu ở câu sau (tương tự: Thuốc đắng đã tật, sự thật mất lòng; Đau lòng súng súng nổ, đau lòng gỗ gỗ kêu; Báo tử lưu bì, nhân tử lưu danh; Trâu bò chết để da, người ta chết để tiếng,…). Thế nhưng, với bản dĩ hư truyền hư “Nét mực CHẲNG hay đau lòng gỗ” thì tri thức ngàn đời của cha ông đã bị Vua Tiếng Việt vô cớ sổ toẹt một cách thô bạo!

Dù vô tình hay hữu ý thì những lỗi sai liên tiếp, kéo dài của một chương trình luôn giương cao ngọn cờ “tôn vinh tiếng Việt, để làm cho tiếng Việt của chúng ta được sử dụng một cách chính xác hơn, phong phú hơn, trong sáng hơn và giàu đẹp hơn”, đều không thể chấp nhận.

“RỰC DỠ”(?!)

Vua Tiếng Việt Mùa 3 (chương trình mới nhất vừa phát sóng ngày 29/11/2024), yêu cầu người chơi phát hiện lỗi chính tả trong một đoạn văn, nhưng (vẫn như thường lệ), vị “Vua” này lại không thể nhận ra lỗi chính tả của chính mình. Từ “rực rỡ” trong đoạn ngữ liệu bị Vua Tiếng Việt viết thành “rực DỠ”(!)

Nguyên văn câu  hỏi của Vua Tiếng Việt đưa ra là:

“Có bao nhiêu lỗi chính tả trong câu: “Mặt trời chiếu rực dỡ rải sông, một buổi chiều êm ả và bao la. Dờ khắc thật rất hợp cho những lời tình tứ, nhưng trong đám người, tôi và Hậu chỉ nghồi lặng, thỉnh thoảng nhìn nhau.” (Theo tìm hiểu của chúng tôi thì đoạn văn được Vua Tiếng Việt lấy làm ngữ liệu này nằm trong tác phẩm “Nắng trong vườn” của Nhà văn Thạch Lam - HTC).

Người chơi trả lời “3" lỗi, và đây cũng chính là đáp án của Vua Tiếng Việt, với xác nhận bằng giấy trắng mực đen: “rải”, “dờ”, “nghồi”, cùng lời khẳng định của Xuân Bắc: “Đáp án chính xác”!


Ảnh chụp màn hình chương trình Vua Tiếng Việt phát sóng ngày 29/11/2024.

Sai lầm này của Vua Tiếng Việt đã biếu không 1 điểm cho người chơi có tên Nguyễn Phương Anh, nâng tổng số điểm ở phần chơi này lên 6 điểm, bằng với số điểm của một người khác là Bùi Quốc Chính. Sau đó, hai người phải phân thắng thua bằng câu hỏi phụ, và Nguyễn Phương Anh giành điểm đi tiếp, trong khi Bùi Quốc Chính phải rời cuộc chơi. Theo đây, nếu Vua Tiếng Việt không sai chính tả thì người ở lại phải là Bùi Quốc Chính chứ không phải Nguyễn Phương Anh (đây không phải là lần đầu tiên Vua Tiếng Việt đưa ra đáp án sai, khiến người thì được hưởng lợi, kẻ phải sớm rời cuộc chơi).

Như vậy, Vua Tiếng Việt cho rằng viết “Mặt trời chiếu rực DỠ” là đúng chính tả (!), nhưng đáng tiếc thay, viết thế là hoàn toàn sai, vì trong tiếng Việt không có từ “rực dỡ”; nguyên văn trong “Nắng trong vườn”, Nhà văn Thạch Lam cũng viết là “rực rỡ” chứ không phải “rực dỡ”.

Điều đáng nói hơn nữa, đây không phải là một đoạn văn do chương trình tự viết để làm ngữ liệu, mà là được trích ra từ một tác phẩm văn học. Nhưng đã gọi là trích và để trong ngoặc kép thì không được phép sai với nguyên văn. Cách  làm sai nguyên tắc này dễ khiến cho khán giả hiểu lầm là những lỗi chính tả ấy có trong tác phẩm của Thạch Lam, và Vua Tiếng Việt chỉ trích nguyên văn ra làm ngữ liệu mà thôi.

Cũng cần phải nói thêm, lỗi chính tả này (“rực rỡ” viết thành “rực dỡ”) là một lỗi rất khó hiểu. Nếu là lỗi do cách phát âm của phương ngữ Bắc gây ra thì thường cả hai âm /r/ đều phải nói/viết thành d (dực dỡ), đằng này chỉ mỗi “rỡ” thành “dỡ”, còn “rực” lại vẫn đúng. Thêm nữa, lỗi này chủ yếu thấy trong phát âm, còn trong viết rất ít gặp (vì “rực rỡ” là từ quá thông dụng), tại sao Vua Tiếng Việt lại không thể nhận ra là mình sai? Do năng lực quá yếu hay do cách làm việc quá cẩu thả, tùy tiện? Những câu hỏi này, một lần nữa chúng tôi xin gửi đến những người có trách nhiệm trong ê kíp của Vua Tiếng Việt và TGĐ Nguyễn Thanh Lâm.

Hoàng Tuấn Công (1/12/2024)
Thep Fb của tác giả.
(đầu đề do bản web đặt)

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
Luong truy cap
2025
CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập94
  • Hôm nay35,298
  • Tháng hiện tại368,734
  • Tổng lượt truy cập63,970,659
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây