Về một số câu tục ngữ "chưa rõ nghĩa" trong "Từ điển tục ngữ Việt" (kỳ 3)

Thứ sáu - 05/08/2022 16:01
Trong Từ điển tục ngữ Việt (NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh - 2010) có một số câu Nguyễn Đức Dương thu thập, nhưng xếp vào diện “chưa rõ nghĩa”. Cách làm này thể hiện sự thận trọng, và cũng có cái hay là lưu ý cho độc giả và các nhà nghiên cứu về những vấn đề còn bỏ ngỏ.
Sau đây chúng tôi xin đưa ra cách giải thích về những câu “chưa rõ nghĩa” này (phần gạch đầu dòng sau số mục, đặt trong ngoặc kép là nguyên văn của Từ điển tục ngữ Việt).

(Tiếp kỳ 2)

8-“Cấy tháng sáu máu rồng [?] Chưa rõ nghĩa”.

Tháng sáu âm lịch, nắng mưa xen kẽ, cấy được vào lúc này là tốt nhất. “Máu rồng” ở đây chỉ sự quý giá của nước mưa tháng sáu (Mưa tháng sáu máu rồng); Phân gio không bằng cấy mò tháng sáu. “Cấy mò” ở đây có nghĩa cấy rốn, cấy sớm vào ban đêm, cấy sáng trăng… vừa tránh nắng nóng, gió lào cho người và lúa, vừa kịp thời vụ, tốt hơn cả bón phân tro.

Tham khảo: nhiều người giải thích “cấy mò” trong câu Phân gio không bằng cấy mò tháng sáu, nghĩa là cấy trong điều kiện ruộng ngập nước, đến mức phải mò mẫm mà cắm cây mạ (Từ điển tục ngữ Việt của Nguyễn Đức Dương cũng giải thích như vậy.). Tuy nhiên, xét về khoa học cũng như kinh nghiệm dân gian, thì cấy mà ruộng ngập tới mức nước lút cả cây mạ là không tốt (Lưu ý, khác với câu Phân gio không bằng no nước. Bởi “no” ở đây là “no đủ”, thoả mãn về điều kiện nước tưới, chứ không phải tình trạng ngập úng). Hơn nữa, tháng sáu chủ yếu là nắng nóng. Những cơn mưa lớn, kéo dài tới mức gây ngập úng đồng ruộng không phải là đặc trưng của thời tiết giai đoạn này.

9-“Chày cháy [?] trôi sông ngư ông ngỡ cá Chưa rõ nghĩa”.

“Chày cháy” ở đây là cái chày bằng gỗ, hoặc khúc củi hình dáng cái chày bị cháy dở, người ta vứt đi, trôi vật vờ dưới sông, nhưng ngư ông lại trông lầm, ngỡ là con cá to. Tục ngữ ám chỉ, chế giễu sự lầm lẫn, tưởng bở, thấy vật tầm thường, vô dụng lại tưởng vớ được của quý.

10-“Cơm chưa ăn, gạo còn đó Chưa rõ nghĩa”.

Ở vần C, chính Nguyễn Đức Dương đã thu thập và giải nghĩa câu “Chưa làm giỗ nếp hãy còn đó: Chưa làm đám giỗ thì nếp hãy còn nguyên đó (chứ có bị hao hụt chút nào đâu mà lo). Hay dùng để chê những kẻ quá lo xa, tới độ chưa hề dùng tới mà đã lo sẽ bị hao hụt mất”.

Như vậy, Chưa làm giỗ nếp hãy còn đó, là một dị  bản đồng nghĩa hoàn toàn với câu Cơm chưa ăn, gạo còn đó: chưa sử dụng thì hãy còn nguyên đó, không có gì phải băn khoăn lo lắng. Còn có một số dị bản Giỗ chưa làm, lợn còn đó; Giò chưa làm heo còn đó. Tất cả đều không có gì khó hiểu.

11-“Cú nói có; vọ nói không Chưa rõ nghĩa”.

“Cú” và “vọ” đều chỉ loài chim cú vọ. “Cú nói có, vọ nói không”, ý chỉ sự đôi co, cãi cọ, người bảo rằng có chuyện đó, người lại bảo rằng không, mỗi người mỗi phách, chẳng biết tin vào đâu, chẳng biết phân xử thế nào. Đại Nam quấc âm tự vị giảng: “Cú nói có, vọ nói không: Chối cãi không phù tiếng nói”.

12-“Đã trót thì phải trét Chưa rõ nghĩa”.

Đây là một câu thông dụng trong đời sống. “Trót” nghĩa là trót làm, “trét” có nghĩa làm cho xong: đã trót làm thì dù có khó khăn hay không còn hứng thú nữa cũng phải/đành phải cố làm cho xong.

13-“Đàn bà mới hay giết chồng; chứ đàn ông ít ai lại nỡ giết vợ Chưa rõ nghĩa”.

Câu này có một số dị bản như: “Gái giết chồng, đàn ông ai giết vợ”; “Gái giết chồng, đàn ông ai nỡ giết vợ”; “Gái giết chồng chứ, đàn ông không ai giết vợ”.

Câu tục ngữ phản ánh một thực tế lịch sử. Xưa kia trong chế độ đa thê, đàn ông “năm thê bảy thiếp”. Họ không vì có mới mà nới cũ, hoặc “có mới phải nới cũ”, mà là được phép “Năm con năm nhớ, mười vợ mười thương”!

Việc có đồng ý cho vợ chia tay hay không, hầu như hoàn toàn phụ thuộc vào quyền của người đàn ông. Trong Mô tả Vương quốc Đàng Ngoài, Samuel Baron cho biết như sau: “Luật pháp ở đây cho phép đàn ông ly dị vợ nhưng phụ nữ thì không được phép ly dị chồng, cũng khó mà ly thân, trừ khi bà ta xuất thân từ gia đình có thế lực và có thể dùng thế lực đó để can thiệp thì mới đuổi được người chồng đi”.

Trong khi đó, người chồng lại có thể rẫy vợ một cách dễ dàng, một khi cô ta phạm vào các lỗi “thất xuất”, “nghĩa tuyệt”, đôi khi rất cảm tính, như “đa ngôn” (lắm lời); “đố kị” (ghen tuông),v.v..

Theo Điều 108, Luật Gia Long, thì phía người vợ chỉ được phép cải giá sau thời hạn 3 năm, nếu như người chồng vô cớ mà bỏ nhà ra đi. Hoặc giả người vợ trình với quan trong trường hợp người chồng phạm vào các lỗi “nghĩa tuyệt” như: bán vợ làm nô lệ; bán vợ cho người khác làm vợ; cho thuê hay cầm cố vợ; đánh đập vợ mang thương tích nặng; đánh đập ông bà cha mẹ vợ,v.v..., thì mới được quan xét cho li dị.

Trong khi nhiều vụ án lại cho thấy, đàn bà ngoại tình, hoặc bị áp bức, thường thông đồng với kẻ gian phu lập mưu giết chồng để được tự do đi lại với “tình lang”, hoặc “tự giải phóng” mình. Bởi vậy, Luật Gia Long có hẳn điều 254 quy định về “Tội thông gian và giết chồng, vợ cả” như sau: “phàm thê thiếp nhân vì việc thông gian mà đồng mưu với gian phu trong việc giết chết chồng của mình thì bị xử tội lăng trì, gian phu thì bị xử trảm giam hậu.” (bị tống giam sau đó xử trảm-HTC).

Không thấy có điều luật quy định riêng về tội người chồng thông gian, hay gian dâm với người đàn bà khác, mà chỉ quy định đối với những trường hợp trái thuần phong mỹ tục, như: Tội người thân thuộc thông gian; Tội tăng đạo, tăng nhân thông gian; Tội quan chức phạm về thông gian; Tội thông gian trái đẳng cấp…

Cũng không thấy luật quy định về việc xử tội người chồng vì thông gian mà giết vợ. Điều này không có nghĩa luật pháp thiên vị, chỉ xử nặng tay với đàn bà, mà chứng tỏ chuyện đàn ông giết vợ để được sống với người tình, hoặc “tự giải phóng” mình, hầu như không xảy ra trong thực tế, nên nhà làm luật đã không có mục quy định riêng về tội này.

Dĩ nhiên, trong trường hợp vì lí do nào đó mà người đàn ông giết vợ, sẽ bị xử vào tội “giết người”, hoặc tội “chồng đánh vợ đến chết”. Ví dụ Lệ 7 thuộc Điều 254 Luật Gia Long.

(còn tiếp)
 
Hoàng Tuấn Công (trích bản thảo “Viết lúc nông nhàn” sắp xuất bản).

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Luong truy cap
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
CM tháng 8 và QK 2/9
79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8
& QUỐC KHÁNH 2/9
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập191
  • Hôm nay27,891
  • Tháng hiện tại461,433
  • Tổng lượt truy cập60,345,240
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây