- Những điểm sáng trong cuộc đời cống hiến đầy sôi động của nhà lãnh đạo Võ Văn Kiệt mãi mãi là di sản vô giá cho các thế hệ sau.
Những di sản cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt để lại cho đất nước rất lớn lao nhưng tựu trung có ba điểm sáng về tư tưởng đó là: Tinh thần dám nghĩ, dám làm; nhìn xa trông rộng; đại đoàn kết dân tộc. Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM, người đã có nhiều năm tháng gắn bó và làm việc trực tiếp với cố Thủ tướng lúc sinh thời. Ông Phạm Chánh Trực bày tỏ sự xúc động khi nhớ về một vị lãnh đạo tài năng, nhiệt huyết, suốt đời vì nước, vì dân.
Đặt lợi ích đất nước, nhân dân lên hàng đầu
. Phóng viên: Nhắc về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, không chỉ có những đóng góp của ông được đề cập, mà đó còn là tấm gương sáng để các thế hệ sau học hỏi. Là người đã có nhiều thời gian trực tiếp làm việc với ông Võ Văn Kiệt lúc sinh thời, ông có cảm nhận gì về những phẩm chất tốt đẹp này?
+ Ông Phạm Chánh Trực: Có thể nói rằng Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một người có rất nhiều phẩm chất tốt đẹp. Phẩm chất mà tôi cảm thấy nổi bật nhất là lòng yêu nước, thương dân. Cố Thủ tướng là một người luôn suy nghĩ và hành động vì dân. Bên cạnh đó, ông còn là một con người rất năng động, nhiệt huyết, không chịu khuất phục trước bất kỳ khó khăn, trở ngại nào. Trong bất cứ công việc nào, ông luôn có sự tư duy, sáng tạo, tìm mọi cách giải quyết vấn đề và khi đã làm thì hết sức quyết liệt, đi đến tận cùng.
Đối với đất nước, ông Sáu Dân là người luôn đặt lợi ích của Tổ quốc lên hàng đầu, luôn kiên định với lý tưởng cách mạng.
Đối với nhân dân, ông luôn sống gần gũi, vui vẻ, truyền nguồn cảm hứng và tinh thần yêu nước cho mọi người.
. Bản lĩnh của ông Sáu Dân được thể hiện mạnh mẽ ở tinh thần dám nghĩ, dám làm với những quyết định, những hành động lớn. Rất nhiều câu chuyện tiêu biểu cho tinh thần ấy của ông Sáu Dân, thưa ông…
+ Có rất nhiều câu chuyện thể hiện phẩm chất dám nghĩ, dám làm của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Những ngày sau giải phóng, đồng ruộng tan hoang do đạn pháo cày nát, nạn đói và nạn thất nghiệp tràn lan, đe dọa cuộc sống của người dân. Cả nước ta phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, ở đô thị lại càng khó khăn hơn vì có rất ít lúa gạo. Do không có đủ vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu… cung cấp cho nhân dân nên việc sản xuất lúa gạo bị ngưng trệ. TP.HCM với khoảng 4 triệu dân lúc bấy giờ dù sống bên cạnh vựa lúa ĐBSCL nhưng phải chịu cảnh đói ăn, nhiều người phải ăn cơm độn với khoai, mì.
Lúc bấy giờ Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt phải đi nhiều nơi để cứu đói cho người dân bằng cách trao đổi hàng tiêu dùng ở TP để đổi lấy gạo ở nông thôn. Ông Sáu Dân mua gạo của nông dân bằng với giá của thị trường chứ không theo giá nhà nước. Từ đó, người dân cảm thấy phấn khởi, có động lực tăng gia sản xuất để cung cấp cho đồng bào trên TP.
Chưa hết, thời điểm đó TP.HCM là trung tâm công nghiệp ở miền Nam nhưng nhà máy lại không có đủ vật tư, nguyên liệu để vận hành, thiết bị trước đây đã hư hỏng dần theo thời gian dẫn đến cả nền công nghiệp bị ngưng trệ. Nhà máy thừa công suất nhưng công nhân không có việc làm, phải thay phiên nhau nghỉ việc.
Để giải quyết tình trạng đó, ông Võ Văn Kiệt đã nghĩ ra cách vận động người dân mượn vàng, mượn ngoại tệ, nhập vật tư, nguyên liệu để nhà máy sản xuất. Sau khi trừ đi hết các chi phí, sản phẩm còn lại được người dân TP đem trao đổi với người dân nông thôn để lấy nông sản đi xuất khẩu. Khi xuất khẩu xong thì tiếp tục nhập các vật tư, nguyên liệu cho nhà máy sản xuất. Như vậy, một vòng tròn khép kín đã ra đời và tạo được công ăn việc làm cho người dân, nền kinh tế đã dần được phục hồi.
Năm 1986, tại Đại hội thứ VI, Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới một phần dựa trên những ý tưởng sáng tạo và những minh chứng rõ ràng, hiệu quả mà ông Võ Văn Kiệt cùng người dân đã thực hiện.
Có thể thấy rằng nhờ đức tính dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm mà ông Võ Văn Kiệt được coi là một trong những người đi tiên phong trong công cuộc đổi mới.
Thấy được tương lai hội nhập
. Bên cạnh đức tính dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn được biết đến với tầm nhìn xa trông rộng. Chính tầm nhìn đó đã làm nên một Võ Văn Kiệt vượt thời gian?
+ Khi cuộc sống của người dân lâm vào khó khăn, ông Võ Văn Kiệt không chịu ngồi im chờ các quyết sách từ trung ương mà đã tự đứng lên giải quyết vấn đề một cách chủ động. Ý tưởng nhập khẩu vật tư, nguyên liệu rồi xuất khẩu nông sản để đổi lấy ngoại tệ, sau đó lại nhập khẩu vật tư, nguyên liệu để phục vụ sản xuất, đó hoàn toàn là một tư tưởng mang tính chủ động, quyết tâm của ông.
Chỉ có nhìn xa trông rộng mới dám mạnh dạn đưa ra những quyết sách làm thay đổi cuộc sống của nhân dân. Vị cố Thủ tướng của chúng ta dường như đã nhìn thấy mầm mống của tương lai hội nhập ở thời điểm đó. chúng ta cần hội nhập và hợp tác với các quốc gia khác để học hỏi và phát triển, thoát khỏi cảnh nghèo đói. Sau này, quyết sách này đã trở thành chủ trương chung của Đảng ta.
. Một trong những giá trị to lớn khác mà ông Sáu Dân để lại đó chính là việc luôn nêu cao tinh thần đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc. Đó là sức mạnh vô cùng cần thiết để đất nước vượt qua khó khăn, phát triển, thưa ông?
+ Khi nhắc tới điều này, tôi cảm thấy rất xúc động trước những phẩm chất, việc làm của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Lúc bấy giờ, TP.HCM đứng trước tình trạng thất nghiệp tràn lan, mà thất nghiệp tức là dân đói. Lúc đó, ông Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo Thành đoàn thành lập lực lượng thanh niên xung phong (TNXP). Chỉ trong thời gian ngắn, chủ trương này đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân. Tất cả tầng lớp trong xã hội từ công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, con em chức sắc chế độ cũ đến những người từng lầm lỡ, vướng vào tệ nạn xã hội… đều gia nhập đội ngũ TNXP.
Đây là một sự tập hợp thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, một biểu tượng về sự hòa hợp đầu tiên ngay sau giải phóng. Lực lượng TNXP đã đi khắp Nam bộ cho đến Tây Nguyên. Đi tới đâu, bà con nông dân đều giúp đỡ tới đó. Bà con nông dân đã dạy thanh niên cách trồng lúa, chăn nuôi để tăng gia sản xuất, phục vụ đời sống...
. Xin cám ơn ông.
Tác giả: ĐÀO HÀ
-------
NHẬN ĐỊNH:
Từ việc nhỏ đến lớn, chú Sáu Dân luôn lấy lợi ích của dân là mục tiêu
Bà TRƯƠNG MỸ LỆ (bí danh Tư Liêm), nguyên Phó Bí thư Đảng ủy các trường đại học và trung học trọng điểm khu Sài Gòn - Gia Định:
Dù ở bất cứ cương vị nào, làm bất cứ việc gì, từ lớn đến nhỏ, chú Sáu Dân đều cố gắng hoàn thành và đạt kết quả cao nhất trong khả năng của mình, không so đo, tính toán. Ông không đặt chức quyền là mục tiêu, mà với ông lợi ích của nhân dân mới là mục tiêu.
Chính vì tư tưởng đó, ông đã đề xuất và chỉ đạo thực hiện những công trình rất lớn, có tầm vóc thế kỷ, như đường dây 500 kV Bắc-Nam. Phải có cái tâm tuyệt đối trong sáng, vì sự phát triển của đất nước, ông mới dũng cảm đề xuất và bảo vệ việc thực hiện công trình này trước nhiều ý kiến trái chiều, hoài nghi. Trên thế giới khi đó gần như chưa có công trình tương tự thật sự thành công. Việc tải điện với chiều dài như thế có rất nhiều hệ lụy về mặt kỹ thuật. Vậy mà công trình thành công vượt mong đợi. Nhờ vậy, dòng điện quốc gia mới thông suốt, các vùng, các địa phương san sẻ điện cho nhau để phục vụ sản xuất, sinh hoạt.
Chú Sáu Dân dám nghĩ, dám làm vì luôn đặt lợi ích của dân, của nước lên trên hết, không chùn bước trước bất cứ rào cản nào. Còn nhớ, thời điểm chú chỉ đạo xây dựng đường dây tải điện 500 kV, nhiều người thương chú, lo ngại chú phải chịu trách nhiệm trong trường hợp công trình không được như mong muốn. Nhưng cũng như nhiều việc lớn khác, chú đã dám quyết, dám làm và đã thành công. Nếu chú không đau đáu nghĩ cho dân, cho nước thì không thể có sự quyết liệt đó.
Làm việc với chú Sáu Dân, tôi học được đức tính luôn lạc quan, vững vàng hướng về phía trước, không chùn bước trước nghịch cảnh. Chính nhờ phẩm chất đó, các công trình do chú đề xuất và lãnh đạo, điều hành đều thành công.
Không chỉ là những công trình lớn ở tầm quốc gia như đường dây 500 kV nói trên, có những công trình nhỏ hơn đem lại lợi ích thiết thực cho người dân mà chưa hẳn ai cũng biết đến. Công viên văn hóa Đầm Sen, TP.HCM là một công trình như thế. Hay chú đã nhường nơi ở (đường Trương Định, TP.HCM) để xây dựng Trường Mầm non Hoa Mai và dời đến nơi khác nhỏ hơn.
Sau giải phóng, chú chủ trương và trực tiếp triển khai việc nâng cao vai trò của chính quyền cấp phường, xã trong quản lý mọi hoạt động, đặc biệt là con người. Thành quả đó bây giờ vẫn còn nguyên giá trị.
Về cải tạo con người, chú cũng có những tư tưởng và hành động hiệu quả. Không chỉ gầy dựng, thúc đẩy phong trào thanh niên xung phong - nơi quy tụ cả con em chức sắc chế độ cũ, đối với việc cải biến những thanh niên vướng phải xì ke, ma túy, chú cũng có dấu ấn rõ rệt. Chú đã chỉ đạo đưa những thanh niên này vào trường để họ vừa dứt được cơn nghiện bằng việc tham gia lao động, sản xuất, vừa được đào tạo nghề rồi trở về với cuộc sống bình thường.
Võ Văn Kiệt - Người thắp lửa trăm năm
TS VŨ TRUNG KIÊN, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, khu vực II:
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt không chỉ là nhà lãnh đạo gần dân, thấu hiểu sâu sắc nhân dân, đất nước mình, ông còn là nhà cách mạng với những tư duy đổi mới mang tầm vóc lịch sử.
Ông Võ Văn Kiệt ghi dấu ấn sâu đậm của mình lên một giai đoạn đặc biệt sôi động của đất nước - Thời kỳ Đổi mới. Chính ông, cùng những nhà lãnh đạo với tầm nhìn, tư duy vượt thời gian đã giúp cho đất nước đổi mới, hội nhập với thế giới nhanh hơn. Một trong những ấn tượng về ông được nhắc nhớ nhiều đó là cách ông đã ứng xử, lắng nghe, trân trọng trí thức.
Sau năm 1975, ông đã thuyết phục được nhiều trí thức của chế độ cũ ở lại cộng tác để đóng góp xây dựng đất nước. Khi nghe các trí thức đóng góp, có ý kiến đáp trả khá gay gắt, thậm chí đề nghị xử lý người phát biểu, ông đã trầm ngâm và công nhận rằng các ý kiến đó đau nhưng không phải không có lý.
Trên cương vị lãnh đạo TP.HCM, ông đã tập hợp các chuyên gia để giúp ông nghiên cứu những vấn đề mà ông trăn trở, suy tư. Ông quy tụ rất nhiều trí thức tên tuổi, trong số đó có cả trí thức của chế độ trước. ông đã tập hợp các trí thức xung quanh mình thành một nhóm chuyên gia như các ông Phan Chánh Dưỡng, Lâm Võ Hoàng, Huỳnh Bửu Sơn… và nhiều người cùng tâm huyết với đất nước, dân tộc. Những ý kiến đóng góp quý báu của các trí thức đều được ông trân trọng lắng nghe và có những chỉ đạo kịp thời.
Ông Phan Chánh Dưỡng, chuyên gia kinh tế cao cấp, từng chia sẻ: Ông Võ Văn Kiệt không câu nệ người ta là ai, ở đâu, miễn là kiến thức mà người ta nói ra phù hợp với việc xây dựng đất nước là ông ấy chịu khó nghe. Ông Võ Văn Kiệt dù ở vị trí rất cao (Thủ tướng) song ông sẵn sàng có mặt ở bất cứ chỗ nào, miễn là nơi đó ông nhận được thông tin có lợi cho đất nước.
Theo chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn, nhiều khi ông Võ Văn Kiệt đã “trân mình” ra để lắng nghe các trí thức vì họ nói “đúng quá”. Ông Trần Đức Nguyên, chuyên gia ban nghiên cứu của Thủ tướng khi đó, chia sẻ rằng ông Võ Văn Kiệt luôn khuyến khích mọi người nói thẳng tất cả suy nghĩ của mình và dù có nói ngược với ý kiến của Thủ tướng cũng không sao, miễn là nói đúng và trúng…
Với ông Võ Văn Kiệt, “trí thức là tài nguyên lớn nhất của mọi quốc gia, nếu quy tụ được sức người thì mọi nguồn tài nguyên khác cũng có thể quy tụ…”.
Sinh thời, ông từng nói trí thức tận tụy hay không là tùy vào chúng ta có tin dùng trí thức hay không, có giao cho họ đảm nhiệm những trọng trách mà họ xứng đáng được đảm nhiệm hay không. Điều đó không chỉ phụ thuộc vào bản thân của trí thức, mà nằm ở việc nhà lãnh đạo có đủ khả năng thu phục nhân tâm và nhân tài hay không. Bởi thu hút được nhân tài cũng là một tài năng.
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhớ về ông, chúng ta hãy học và làm theo những gì lúc sinh thời ông đã gieo mầm, đã làm. Trên các diễn đàn để lắng nghe trí thức phản biện, góp ý, chúng ta hãy trân trọng, thực sự lắng nghe các góp ý có giá trị, trên tinh thần cởi mở, vì cái chung, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc. Đó là cách chúng ta nhớ về ông ý nghĩa nhất.