Có trải qua những tháng ngày khốc liệt của chiến tranh mới thấy hết giá trị của hòa bình, mới vỡ òa niềm vui khi đối phương buộc phải ngưng chiến. Và niềm vui lớn nhất mà tôi thêm một lần được chứng kiến cho đến thời điểm đó là ngày 27/1/1973 - ngày Hiệp định Paris được chính thức ký kết bởi đại diện của các bên tham chiến.
Mùa Xuân 1968, quân và dân ta mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên khắp chiến trường miền Nam, buộc chính quyền Tổng thống Mỹ Giôn-xơn phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Paris (Cộng hòa Pháp).
Ngày 13/5/1968, cuộc đàm phán chính thức giữa đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và đoàn đại biểu Chính phủ Mỹ bắt đầu, đánh dấu một giai đoạn mới của cuộc chiến tranh Việt Nam: đấu tranh trên cả hai mặt trận quân sự và ngoại giao (“vừa đánh, vừa đàm”).
Lúc bấy giờ, không mấy ai nghĩ đây sẽ là cuộc đàm phán dài nhất trong lịch sử ngoại giao thế giới với 4 năm 8 tháng 16 ngày, gồm 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Mỹ, 500 buổi họp báo, gần 1000 cuộc phỏng vấn. Cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao của ta những năm tháng đó phải nói là hết sức cam go, quyết liệt và đầy mưu trí.
Trong khoảng thời gian ấy, không chỉ tình hình thời sự trên chiến trường mà tin tức về cuộc hòa đàm Paris cũng lôi cuốn sự chú ý sâu sắc của dư luận trong nước và trên thế giới đến nỗi một cậu bé đang học cấp 2 (tương đương THCS ngày nay) trường làng như tôi cũng không thể thờ ơ. Thú thực, ngoài việc đọc tin tức trên báo Nhân dân mà cha tôi – một cán bộ địa phương – mang về mỗi chiều sau giờ làm việc, tôi còn theo người anh họ trạc tuổi mẹ tôi nhưng bị tật nguyền từ khi còn rất trẻ sau một trận ốm nặng, đi “nghe lén” bình luận về hòa đàm Paris của đài BBC mỗi tối tại nhà cụ Đính trong xóm.
Quả thực bây giờ nhớ lại, không hiểu sao tin tức về đàm phán Paris lại cuốn hút một đứa trẻ như tôi đến thế. Có phải vì nó gắn với số phận đất nước, trong đó có số phận bé nhỏ của cá nhân tôi, đang chìm trong bom đạn chiến tranh?
Trong hơn tám năm kiên cường chống chọi với chiến tranh phá hoại ác liệt của giặc Mỹ, có những khoảnh khắc thời gian con người vỡ òa vui sướng. Đó là lúc Tổng thống Mỹ Giôn-xơn bị buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc kể từ ngày 01/11/1068. Rồi 4 năm sau, trước thảm bại của chiến dịch Linebacker II với tham vọng điên cuồng hủy diệt Hà Nội và một số thành phố khác bằng máy bay ném bom chiến lược B.52, Tổng thống Mỹ Ních-xơn cũng phải ra lệnh chấm dứt chiến dịch, ngừng ném bom miền Bắc từ ngày 30 tháng 12 năm 1972 và đề nghị nối lại đàm phán tại Paris.
Có trải qua những tháng ngày khốc liệt của chiến tranh mới thấy hết giá trị của hòa bình, mới vỡ òa niềm vui khi đối phương buộc phải ngưng chiến. Và niềm vui lớn nhất mà tôi thêm một lần được chứng kiến cho đến thời điểm đó là ngày 27/1/1973 - ngày Hiệp định Paris được chính thức ký kết bởi đại diện của các bên tham chiến. Hôm ấy đã là hai mươi bốn tháng Chạp ta, chỉ còn một tuần nữa đến Tết Quý Sửu - một cái Tết, một mùa Xuân Hòa Bình đầu tiên ở cả hai miền Nam Bắc dẫu nước non vẫn còn đó nỗi đau chia cắt.
Trước đó cả tuần, đài báo thông tin liên tục về tình hình đàm phán, về việc Hiệp định được ký tắt giữa cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Henry Kissinger. Người dân mong ngóng, chờ đợi cái ngày chính thức chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ghi nhận bằng một hiệp định lịch sử.
Tôi nhớ mãi không quên buổi tối hôm hăm bảy tháng Giêng năm đó, trong chương trình thời sự 21 giờ phát ra từ chiếc loa truyền thanh nơi đầu xóm, khi nhạc hiệu quen thuộc vừa kết thúc, giọng hào sảng của phát thanh viên cất lên báo tin Hiệp định Paris đã chính thức được ký kết. Tôi chạy ra trước ngõ để nghe cho rõ như nuốt lấy từng câu, từng chữ của một bản văn lịch sử.
Thật tự hào khi nghe phát thanh viên đọc đến điều đầu tiên của Hiệp định: “Hoa kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam”. Và vui sướng biết bao khi điều 2 của Hiệp định khẳng định: “Một cuộc ngừng bắn sẽ được thực hiện trên khắp miền Nam Việt Nam kể từ hai mươi bốn giờ (giờ GMT) ngày hai mươi bảy tháng Giêng năm một nghìn chín trăm bảy mươi ba”; “Việc chấm dứt hoàn toàn chiến sự nói trong điều này là vững chắc và không thời hạn”.
Nhưng với tôi cảm xúc vui sướng không dừng ở đó. Tâm trạng tôi đan xen bao nỗi niềm, suy tưởng khi nghe phát thanh viên đọc đến những câu cuối của Hiệp định: “Làm tại Pari ngày hai mươi bảy tháng giêng năm một nghìn chín trăm bảy mươi ba bằng tiếng Việt Nam và tiếng Anh. Bản tiếng Việt Nam và bản tiếng Anh đều là những bản chính thức và có giá trị như nhau”.
Lần đầu tiên (theo sự hiểu biết nông cạn của mình và cũng là người may mắn sống trong những thời khắc lịch sử đặc biệt của đất nước) tôi biết đến một bản văn hiếm có trong lịch sử thế giới hiện đại được viết bằng tiếng Việt. Còn gì sung sướng và tự hào hơn khi nghe nữ phát thanh viên dõng dạc đọc câu kết của Hiệp định Paris: “Bản tiếng Việt Nam và bản tiếng Anh đều là những bản chính thức và có giá trị như nhau”.
Sau buổi phát thanh thời sự đặc biệt tối hôm ấy, tâm hồn bé bỏng của tôi lờ mờ cảm nhận được rằng, để có được câu kết tưởng như rất bình thường đó, dân dộc này đã trải qua những cuộc trường chinh giành độc lập và bảo vệ giang sơn bờ cõi với biết bao máu xương của các thế hệ người con đất Việt.
Đã được học qua sử sách và biết rằng, trước năm 1945, Việt Nam chưa có tên trên bản đồ thế giới. Việt Nam và các nước lân cận lúc bấy giờ chỉ đơn giản là một vùng lãnh thổ thuộc địa của Pháp. Cuộc cách mạng tháng Tám năm một chín bốn lăm vĩ đại đã làm thay đổi tất cả. Rồi trận Điện Biên Phủ chấn động địa cầu chín năm sau đó đã nâng vị thế nước Việt lên tầm cao mới. Lại thêm một Điện Biên Phủ trên không cuối tháng 12 năm 1972 khiến nhân loại phải ngả mũ khâm phục trước một Việt Nam: “Từ trong biển máu/Người vươn lên như một thiên thần”.
Thế mới hiểu tầm vóc vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói chung và Hiệp định Paris nói riêng.
Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao nước ta thời kỳ chống Mỹ cứu nước, là mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao Việt Nam; đánh dấu bước trưởng thành tột bậc của nền ngoại giao cách mạng thời đại Hồ Chí Minh.
Cội nguồn của thắng lợi đó là tinh thần quyết chiến quyết thắng, là ý chí quật cường đấu tranh bền bỉ bảo vệ chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của dân tộc Việt Nam.
Thắng lợi của Hiệp định Paris là minh chứng hùng hồn cho tư tưởng “đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo” của ông cha ta từ thuở xa xưa, để Việt Nam “hóa vàng nhân phẩm lương tâm” từ trong tro bụi, lầy bùn của nô lệ, lầm than; trở thành biểu tượng của hòa bình và chính nghĩa trong cuộc đấu tranh chung của nhân loại ở thế kỷ Hai mươi vì tự do, độc lập; vì hòa bình, công lý.
6/1/2023
Viết nhân kỷ niệm 50 năm Hiệp định Paris (27/1/1973 – 27/1/2023) Nguyễn Duy Xuân