Ngày tóc còn để chỏm, mỗi lần mẹ đi chợ là mỗi lần anh em chúng tôi lại đứng tựa cửa hay ra ngõ mong ngóng. Mẹ về chợ, thế nào cũng có quà.
(Đoản văn, Nguyễn Duy Xuân)
Mẹ về vui quá em ơi!
Trong quang gánh mẹ có đôi tấm quà
Này chùm quít đỏ căng da
Ngọt thanh lọn mía, bánh đa thơm giòn...
Ơ này! Cả chú voi con
…
Và những lúc hiếm hoi “Tháng chạp mưa giăng bụi đầy trời/Mẹ đi chợ tết, sớm tinh khôi/Gánh hàng trĩu nặng vai gầy yếu/Tôi chạy lon ton, kịp bước người”.
Đó là những kỷ niệm đẹp tuổi ấu thơ.
Bây giờ thì, hình như không còn cảnh trẻ con ngóng mẹ về chợ nữa. Chúng chẳng đến nỗi thiếu thốn, đói khát. Hàng quán ngay đầu ngõ với đủ thứ mà tuổi thơ của cha ông chúng dẫu có nằm mơ cũng không nghĩ tới. Vả bây giờ, chợ quê đã vắng những món ngày xửa ngày xưa khiến trẻ mê ly như tò he, lọn mía, khoanh khoai chạc,...
Về quê lần nào tôi cũng ghé xuống chợ. Chẳng mua bán gì cả. Chỉ là dạo vài vòng để thưởng thức cái không khí chợ làng, để sống với hoài niệm một thuở.
Những món hàng truyền thống vẫn còn đó và có lẽ là mãi mãi. Chè xanh từ mạn ngược về, hến và giắt giắt (chắt chắt) cào bắt lên từ sông Lam, rồi các loại cá đồng như lươn, chạch, tràu, rô, giam,… Dãy hàng cá biển cũng đủ loại như cá thu, cá nục, cá trích, cá ngừ, mực,…
Người bán cá trích
Cá trích xứ Nghệ thì nổi tiếng vì ngon, béo, ngậy. Nhớ ngày xưa buổi về chợ, trong rổ các bà, các chị thế nào cũng có chục cá trích. Bữa cơm trưa gia đình hôm đó thật tươi, vui và đầm ấm. Có canh hến nấu với cà dừa, có cá trích nướng thơm lừng, béo ngậy, có rau muống hái từ ao nhà, luộc lên chấm tương chế tí dầu lạc nguyên chất. Con cá trích nằm ngang trên miệng bát cơm gạo trắng là hình ảnh ám ảnh một thời đói nghèo trong rơm rạ của vùng quê này.
Rau quả ở chợ thì chủ yếu là sản phẩm lấy từ vườn nhà. Có khi người bán chỉ vài bó rau muống, mấy mớ rau cải vừa hái trong vườn từ sáng sớm bày trên mẹt. Một bó rau muống thật to nhưng chỉ 5 ngàn đồng. Khách chưa kịp ngã giá thì người bán đã vội nói như sợ khách bỏ đi: Thôi, 2 bó 8 ngàn cũng được.
Cái chất rất riêng ấy của chợ quê dường như không mấy thay đổi từ hàng chục năm nay và dẫu bây giờ đang ở thời kinh tế thị trường với công nghệ 4.0. “Rổ rau, mớ cá mang ra/Thịt heo mấy kí, bu gà mấy con/Bánh đa mấy liếp thơm giòn/Trầu không mấy lỉa hãy còn xanh tươi.../Người mua kẻ bán tươi cười/Mua không trả giá, bán thời cho mau”. Bởi “Kẻ mua người bán thân quen/Bà con, cô bác làng trên xóm ngoài”.
Đó là hồn cốt của chợ quê. Có lần, tôi đang “khảo giá” thì cô chủ hàng hỏi nhỏ: Nhìn anh thấy quen quen, có phải...? Ồ, té ra là người bà con cả. Và tôi đã gặp bốn năm chị bán hàng như thế. Lại ôn chuyện ngày xửa ngày xưa vì tôi xa quê đã lâu, từ hồi mới mười tám đôi mươi.
Vị khách "đặc biệt" của chợ Liệu
Bây giờ, không còn bắt gặp cảnh, lúc sáng sớm hay xế trưa, người đi chợ gồng gánh kĩu kịt hoặc tay nách thúng mủng trệ hông, kéo từng đoàn trên đê vừa đi vừa trò chuyện rôm rả. Hôm nay đắt hàng không? Lạc bữa ni được giá. Cá biển hôm nay rẻ nhỉ. Chị mua đâu chục cá trích nhìn ngon rứa. Nhà có việc hay răng mà mự mua nhiều thế?... Rồi từng người, từng người tỏa vào các ngõ xóm. Ở đó có những cô cậu bé quần trễ rốn, vừa bế em, vừa quệt mũi ngóng chờ...
Các bà, các chị giờ đi chợ cỡi xe máy vù vù. Đường đê thảm nhựa láng bóng, thênh thang như đại lộ. Loáng cái, chưa tan cuộc chè chát sáng đã thấy về, móc treo đồ trước xe lỉnh kỉnh những túi là túi, nào hến, cá trích, nào cua, bê thui, bánh tráng,...
Trưa nay, những món ngon quê nhà qua bàn tay chế biến khéo léo của các bà nội trợ lại quyến hồn kẻ phiêu lãng từ phương xa trở về.