Nhớ lại những năm tháng đã qua, lòng tôi không khỏi bồi hồi xúc động. Biết bao thế hệ thầy trò đã đi qua. Biết bao con người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp quang vinh của nhà trường: đào tạo thầy cô giáo cho miền đất Tây Nguyên huyền thoại.
Kính tặng các thế hệ thầy cô và sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Buôn Ma thuột.
Cuối năm 1979, tôi cùng năm bạn đồng khóa vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm Vinh (sau này là Đại học Vinh) vào nhận công tác tại trường Cao đẳng Sư phạm Buôn Ma Thuột (từ tháng 4/1993, trường đổi tên thành Cao đẳng Sư Phạm Đắk Lắk sau khi sáp nhập trường Trung học Sư phạm tỉnh) theo sự phân công của Bộ Giáo dục lúc bấy giờ.
Hồi đó, sinh viên các trường đại học sư phạm ngoài Bắc, sau khi tốt nghiệp ra trường, phần lớn được Bộ phân bổ về các trường sư phạm hoặc trung học phổ thông phía Nam do đội ngũ giáo viên ở các địa phương nơi đây những năm đầu sau giải phóng còn rất thiếu. Cao đẳng Sư phạm Buôn Ma Thuột lúc bấy giờ là một trong mười lăm trường cao đẳng trực thuộc Bộ Giáo dục, và là trường cao đẳng duy nhất của các tỉnh bắc Tây Nguyên.
Lần giở từng trang lịch sử…
Một năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Chính phủ đã có quyết định chính thức thành lập trường Cao đẳng Sư phạm Buôn Ma Thuột, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết về đội ngũ giáo viên cho ngành giáo dục hai tỉnh Đắk Lắk (hồi đó chưa tách Đắk Nông) và Gia Lai – Kon Tum.
Những ngày đầu đặt chân đến trường thật bỡ ngỡ đối với các chàng trai, cô gái tuổi mới ngoài đôi mươi từ miền Bắc vào, từ miền Trung, đồng bằng lên. Nhưng rồi chúng tôi cũng dần quen với môi trường công tác mới. Sau vài tháng nghiên cứu giáo trình, chuẩn bị giáo án, ai nấy háo hức đợi ngày lên bục giảng. Háo hức mà run bởi “Học trò tôi mười tám đôi mươi/ Trẻ trung như tôi, sôi nổi tuyệt vời/ Gặp thầy, cúi đầu bẽn lẽn/ - Thưa thầy, em!”.
Đó là khó khăn lớn nhất đối với những giảng viên mặt còn búng ra sữa như tôi. Chuyện “đói cơm, rách áo” lúc đó chả nghĩa lý gì đối với những chàng trai, cô gái đang tràn đầy nhiệt huyết và sức trẻ.
Nhớ lại những năm tháng đã qua, lòng tôi không khỏi bồi hồi xúc động. Biết bao thế hệ thầy trò đã đi qua. Biết bao con người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp quang vinh của nhà trường: đào tạo thầy cô giáo cho miền đất Tây Nguyên huyền thoại.
Tổ Văn, khoa Văn - Sử (ảnh chụp khoảng năm 1984).
Những năm đầu mới thành lập trường là những năm đầy thử thách cam go. Thời bao cấp, thầy và trò phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Bữa ăn độn toàn bắp xay, sắn lát. Nước không đủ để mà tắm giặt, phải chắt chiu từng xô nước đục ngầu xách từ suối Ea Tam lên. Điện chập chờn, khi có khi không, khi có chỉ đủ đỏ dây tóc bóng đèn.
Đời sống tinh thần cũng chẳng khá hơn. Sách báo quả là hiếm hoi. Một năm chỉ có vài ba tối được xem phim bãi.
Ở Tây Nguyên lộng gió và ở nơi thị xã được mệnh danh là "bụi mù trời", “buồn muôn thuở”, điều kiện sinh hoạt như thế quả là một thử thách không nhỏ đối với những con người từ nhiều miền quê khắp cả nước đặt chân đến đây lập nghiệp trong đó có thầy trò trường Cao đẳng Sư phạm Buôn Ma Thuột.
Hàng ngàn, hàng vạn con người dũng cảm đó đã vững vàng bám trụ với nghị lực phi thường, với niềm tin mãnh liệt và hơn tất cả là lòng yêu người, yêu nghề, yêu mảnh đất Tây Nguyên giàu tiềm năng nhưng còn nhiều gian khổ. Thật đáng khâm phục và tự hào bao thế hệ sinh viên do trường đào tạo đã tỏa đi khắp các buôn làng, chịu đựng biết bao khó khăn gian khổ, hy sinh cả tuổi thanh xuân tươi đẹp của mình để thực hiện nhiệm vụ cao cả: đem ánh sáng văn hóa đến cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, gieo mầm tương lai cho vùng đất của những bản trường ca bất hủ Đam San, Xinh Nhã.
Những năm tháng ấy, tình hình kinh tế, xã hội đất nước sau chiến tranh hết sức khó khăn. Các khóa đào tạo được rút ngắn bởi yêu cầu cấp bách của ngành giáo dục hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai - Kon Tum. Thời gian họ được học chuyên môn nghiệp vụ có khi còn khiêm tốn hơn so với thời gian đi lao động xã hội chủ nghĩa. Những địa danh này đã đi vào lịch sử nhà trường, những mảnh đất này đã in dấu chân của lớp lớp thầy cô giáo và học sinh, sinh viên: Mang Yang, Đắk Tô, Tân Cảnh, Buôn Trấp, Buôn Triết, Cuôr Knia, Ea H’leo… Những cái tên ấy hôm nay không còn xa lạ đối với mọi người. Nhưng ở thời điểm của ba bốn chục năm về trước là nỗi lo sợ cho những ai yếu bóng vía, kém nghị lực.
Lớp Văn 6B lao động XHCN "khai phá rừng hoang" tại Cuôr Knia (Buôn Đôn), tháng 5/1982.
Cuộc sống khó khăn, cho nên một trung tâm đào tạo sư phạm chuyên nghiệp như nhà trường cũng phải gồng mình lên để tồn tại. Lãnh đạo trường trăn trở tìm lối ra. Việc gì có thể làm được để góp phần cải thiện đời sống cho thầy và trò là làm ngay. Tăng gia sản xuất, chăn nuôi gia súc gia cầm, đào ao thả cá, sản xuất gạch ngói, mở cơ sở chế biến nông lâm sản, thu hái cà phê cho các nông trường, liên kết trồng cà phê… Thầy cô giáo vốn chỉ quen với bảng đen phấn trắng thế mà giờ đây trồng rau, tỉa bắp cũng thành thạo chẳng kém gì nhà nông. Cái khó ló cái khôn. Tất cả chỉ vì một nỗi suy tư trăn trở: làm sao cho bữa ăn của thầy và trò khá hơn.
Tôi nhớ mãi câu nói của thầy Nguyễn Trúc (hiệu trưởng nhà trường giai đoạn 1982 – 1993) ở thời điểm “đỉnh cao” của sự khó khăn, thiếu thốn thời bao cấp: Tôi mong sẽ có ngày thầy cô được giải phóng khỏi những gian phòng chật chội của khu tập thể, có đất, có vườn, chỉ cần trồng được một cây ớt thôi cũng quý lắm rồi.
Và mong ước đó của người thầy hiệu trưởng tâm huyết, mê văn chương đã thành sự thật. Lãnh đạo trường ngay lập tức thực hiện chủ trương của Đảng ủy chia đất cho cán bộ, giáo viên tăng gia sản xuất. Chúng tôi đùa vui, giờ thì không chỉ nông dân mà cả nhà giáo cũng được xếp vào thành phần “người cày có ruộng”. Thế là câu thơ “Đến đây thì ở lại đây/Bao giờ bén rễ xanh cây mới về” của ai đó đã vận vào cuộc đời của nhiều giáo viên trẻ chúng tôi.
Nhu cầu cuộc sống của con người dường như không có giới hạn. Trong khó khăn, gian khổ, thiếu thốn con người ta càng cháy bỏng khát vọng vươn lên để thay đổi cuộc đời. Chúng tôi chẳng ai bảo ai, âm thầm lặng lẽ chắt chiu, dành dụm từng đồng lương ít ỏi hay từ những đồng tiền hiếm hoi kiếm được bằng các công việc làm thêm như chăn nuôi, trồng trọt để thỏa cơn khát “an cư lạc nghiệp”. Trước nhu cầu chính đáng và bức thiết ấy của cán bộ, giáo viên, công nhân viên, lãnh đạo trường lại thêm một lần trăn trở “vì tương lai con em chúng ta”. Một cuộc “ra quân” rầm rộ mở đường, phân lô biến các khu đất đã chia để tăng gia sản xuất thành khu dân cư mới.
Chỉ sau vài năm, làng Sư phạm – chúng tôi đặt tên cho quê hương mới của mình - hình thành. Những căn nhà cấp 4 thấp lè tè, nhỏ nhắn thi nhau mọc lên. Đấy là cả một cơ ngơi “đồ sộ” của những thầy cô giáo vốn chỉ biết cầm phấn trên bục giảng, ăn đong gạo mốc độn bắp đầy sâu mọt, tháng 13 ki lô từ cửa hàng lương thực nhà nước.
Đó là một bước chuyển mình vĩ đại của nhà trường, kết quả đột phá trong tư duy và hành động của tập thể Đảng ủy và Ban Giám hiệu. Người được hưởng thành quả to lớn đó không ai khác là những cán bộ, giáo viên, công nhân viên về trường công tác trong khoảng thời gian 10 năm sau khi thành lập trường (16/5/1976).
Mặc dù phải bươn chải vì cuộc sống nhưng nhà trường vẫn luôn xác định nhiệm vụ chính trị hàng đầu là dạy và học. Vượt lên khó khăn, thầy đêm đêm chong đèn miệt mài bên trang giáo án, trò ngày ngày chăm chỉ lên giảng đường. Nền nếp chuyên môn luôn luôn được giữ vững, chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao. Đó là khoảng thời gian tỏa sáng nhất của một cơ sở đào tạo được mệnh danh là “máy cái” của giáo dục Tây Nguyên.
Khẩu hiệu “Thi đua dạy tốt học tốt” ăn sâu trong tiềm thức mọi người. Nhiều thầy cô giáo trở thành tấm gương sáng về nghị lực phấn đấu vươn lên. Nhiều sinh viên trở thành những sinh viên xuất sắc trong học tập và rèn luyện. Trong gian khó, tình người càng thêm ấm áp. Nụ cười vẫn nở trên môi, niềm vui rạng ngời trên từng khuôn mặt, trong từng câu hát. Cuộc đời vẫn đẹp sao…
Sân trường còn lấm bụi đất nhưng luôn sôi nổi với những hoạt động thể dục thể thao. Sân khấu nhà trường đêm đêm vẫn cất cao lời ca, điệu múa.
Truyền thống quý báu nhất của Nhà trường là đã giáo dục, đào tạo được lớp lớp giáo viên toả đi khắp các buôn làng, gắn bó với sự nghiệp trồng người ở những nơi xa xôi hẻo lánh. Thời gian khổ, họ kiên trì bám trụ, hy sinh tuổi xuân của mình để đem ánh sáng văn hoá đến cho con em đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Ngày hội trường gặp lại nhau, mừng vui khôn xiết. Thời gian in dấu trên từng khuôn mặt, nhưng nụ cười vẫn tỏa sáng trên môi, niềm vui vẫn ánh lên trong khoé mắt. Trên ngực họ không một tấm huy chương nhưng lại có một thứ huy chương siêu hạng, được đúc bằng ý chí nghị lực của họ và luôn được tỏa sáng bằng niềm tin, lòng biết ơn của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Họ âm thầm lặng lẽ thắp sáng lên ngọn lửa cuộc đời.
Những ai đã từng sống, gắn bó với nhà trường chắc hẳn không quên những hình ảnh đã thành kỷ niệm, thành biểu tượng sâu sắc mỗi khi nhớ về mái trường sư phạm thân yêu. Tượng đài người anh hùng trẻ tuổi Lý Tự Trọng, ngôi sao vàng năm cánh vời vợi trên nóc giảng đường, bằng lăng hoa tím lưng đồi, anh đào nở rộ một màu trắng xóa mỗi độ xuân sang. Và đây, hai cây ngọc lan như một cặp tình nhân gắn bó chung thủy, sừng sững giữa sân trường luôn tỏa ngát hương thơm. Ngọc lan đứng đó âm thầm lặng lẽ, chứng kiến sự trôi chảy của thời gian; suy tư về quá khứ, hiện tại và tương lai.
Ngọc lan ơi, hãy chuyển lời tri ân của ta đối với bao thế hệ thầy và trò đã làm nên lịch sử và nhắn nhủ thế hệ hôm nay hãy sống hết mình cho sự sống để viết tiếp những trang sách đẹp của cuộc đời.
Xúc cảm của con người nhiều khi thật lạ, khó giải thích. Dường như trước mỗi biến cố của cuộc đời, con người ta mới cảm nhận được một cách sâu sắc cái thiêng liêng của sự sống.
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất,
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi…
Nhà thơ lớn của dân tộc Xuân Diệu đã từng khao khát đến cháy bỏng như thế, để mong níu giữ được hương sắc ngọt ngào của sự sống mà tạo hóa đã ban tặng cho con người. Tôi cũng muốn “tắt nắng, buộc gió” để níu giữ cho mình những kỷ niệm không thể phai mờ của một thời tuổi trẻ chìm trong gian khổ khó khăn nhưng không thiếu hương sắc, mật ngọt của đời.
Niềm tự hào lớn nhất của thế hệ chúng tôi và bao lứa sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Buôn Ma Thuột ngày ấy là đã góp phần cùng nhà trường hoàn thành sứ mệnh vẻ vang, đầy tự hào của mình: gieo hạt mùa sau cho vùng đất cao nguyên huyền thoại, để Buôn Ma Thuột không còn “bụi mù trời”, “buồn muôn thuở”; để Đắk Lắk hôm nay rạng rỡ muôn phần và Tây Nguyên thêm ngút ngàn cây xanh.