Nhân kỷ niệm 10 năm “Phút 89” chào đời, bắt đầu từ hôm nay, nguyenduyxuan.net sẽ đăng lại truyện ngắn này và loạt bài viết, truyện ngắn khác liên quan đến “Phút 89” từng khiến bạn đọc bận lòng và gây chút ít “rắc rối” cho tác giả.
Xin nhắc lại, những cụ Chánh, Kệch, Cỡm,… trong truyện không là ai cả. Đó chỉ là con đẻ tinh thần của tác giả, là nhân vật văn chương. Còn ai đó giật mình (cho đến bây giờ) thì cũng chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên bởi do “có tật…” cả thôi. Trong mỗi chúng ta, ai mà chả có một chút bóng dáng của AQ hay Chí Phèo, nhỉ.
Truyện ngắn Phút 89 của Nguyễn Duy Xuân sau khi được đăng tải trên trang blog Quê choa (nhà văn Nguyễn Quang Lập) rồi sau đó là trang web trannhuong.com (nhà văn Trần Nhương: http://trannhuong.top/tin-tuc-11222/phut-89.vhtm) đã tạo nên một cú “sốc” trong dư luận, chí ít thì cũng ở cái xứ “Buồn muôn thuở” này.
Còn nhớ buổi sáng hôm ấy khi nhà văn Nguyễn Quang Lập đưa truyện ngắn này lên blog Quê choa, tôi đang đi công tác ở xã Q, huyện Cư để thẩm tra lí lịch kết nạp Đảng cho một cô sinh viên. Đang làm việc với ông Bí thư đảng ủy xã thì điện thoại di động reo. Tôi xin phép ra ngoài để nghe máy. Thì ra là ông bạn cùng cơ quan, cứ khen lấy khen để, chúc mừng rối rít rồi bảo đọc mà cứ nghĩ chuyện như vừa xảy ra ở đâu đây, có phải… có phải... Tôi bảo văn chương mà. Vừa xong, điện thoại lại reo tiếp. Lần này thì một ông bạn trên tỉnh, vừa nói vừa cười hè hè, biết rồi nha, biết rồi nha, ông nọ…, bà kia… hay lắm! Tôi nói các ông chớ có mà suy diễn, đây chỉ là chuyên văn chương. Lão cãi: Đành thế, nhưng đọc lên ai mà chả nghĩ đây là… đây là… Tôi bảo, thế thì có chút ít thành công rồi, he he. Nhưng các cụ đừng có mà gán ghép như vậy, thương nhau lại chẳng bằng mười hại nhau.
Thế rồi như một cơn lốc, người nọ rỉ tai người kia, Phút 89 lan tỏa khắp xứ. Người ta thi nhau mở mạng, người ta cóp về máy, đưa lên blog cá nhân, người ta in ấn. Thậm chí có nơi còn phô tô ra phát cho mỗi người một bản. Dư luận bàn tán râm ran nơi công sở, quán cà phê vỉa hè, bàn nhậu. Thấy mặt nhau là hỏi ngay: “Đã đọc Phút 89 chưa?”.
Một số trang mạng và blog cá nhân hăng hái quá, đăng tải lại Phút 89 từ Blog Quê choa, lại còn chèn ghép ảnh ông nọ bà kia rồi kèm theo bình luận, comment cứ y như thật.
Cả thành phố được dịp xả stress bởi lâu nay bức bối chuyện ngành, chuyện nghề mà “nỗi lòng biết ngỏ cùng ai”. Âu cũng là một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay nói cách khác là sự gặp gỡ giữa tác phẩm văn chương với độc giả. Văn chương là thế. Tác phẩm viết ra mà không phải cho mọi người xem thì viết làm gì? Cả đời cầm bút chỉ mong có được một chút gì đó đọng lại trong lòng bạn đọc, thế là hạnh phúc lắm rồi, sung sướng lắm rồi.
Nhưng chính cái sự nhiệt thành quá mức ấy của độc giả đối với Phút 89 lại khiến cho tác giả có lúc cười ra nước mắt.
Đã có người truy vấn tôi những câu đại loại: Mục đích viết bài? Tư liệu lấy ở đâu, ai cung cấp? Các nhân vật trong truyện là ai? Quan hệ (của tôi) với ông A, ông B nào đấy?
Lại có vị, chắc là bị ám ảnh bởi Phút 89 suốt mấy năm qua vì đã từng lăm le lên ngồi cái ghế nóng kia, thổ lộ với tôi, hồi ấy có người xúi cậu ta kiện tác giả vì cu Kệch rõ ràng là ám chỉ mình. Có lần với vẻ mặt rất chi là bí mật, cậu ta kéo tôi ra chỗ vắng nói, em có chuyện muốn hỏi anh nhưng chắc phải đợi lúc nào anh về hưu đã. Tôi bảo, chuyện gì thì ông cứ nói chứ đợi đến khi tôi về hưu thì… sốt ruột lắm. Thì ra vẫn là câu hỏi muôn thuở: Kệch là ai?
Ôi, cậu phó chánh kia ơi, đừng lo nghĩ vớ vẩn chi cho tổn hại sức khỏe. Cu Kệch không phải là cậu đâu. Cậu cứ việc ngủ ngon và yên tâm với cái ghế của mình hiện tại nhé.
*
Phút 89 là tác phẩm văn học, không phải phóng sự điều tra, không phải ghi chép, không phải bản tin. Những cụ Chánh, cu Kệch, lão Lậu, đĩ Cỡm,… chẳng là ai cả. Các nhân vật ấy không có tên tuổi, số má, không địa chỉ nơi cư trú hay cơ quan công tác như một công dân, viên chức bình thường…, nghĩa là chẳng có lấy một tí tư cách pháp nhân nào để bảo rằng, đấy là ông A bà B ngoài đời.
Các vị hẳn còn nhớ câu nói nổi tiếng của văn hào Lỗ Tấn bên Tàu: “Nguyên mẫu của nhân vật không chuyên dùng một người mà thường là miệng ở Triết Giang, mắt ở Bắc Kinh, áo quần ở Sơn Tây, là một nhân vật được lắp ghép lại”. Có lẽ vì thế mà trong mỗi chúng ta, dường như ai cũng có thể cảm nhận được một chút bóng dáng của mình phảng phất trong con người AQ, Chí Phèo, Xuân tóc đỏ,… chăng?
Duy chỉ có một điều, như là chân lí, rằng những kẻ tay đã nhúng chàm nhưng vẫn chễm chệ trên ghế quyền lực mới cảm thấy bị chạm nọc, con mắt mới hằn đỏ những tia máu độc. Nghĩ mà buồn cho thế thái nhân tình.
*
Lại nói đến số phận các nhân vật trong Phút 89. Thời gian trôi, vật đổi sao dời, chẳng có cái gì là tĩnh tại, các nhân vật trong Phút 89 cũng vậy. Bốn năm năm rồi còn gì.
Cu Kệch sau cái vụ “động đất” rơi điện thoại một sáng năm ấy, bỏ ăn mất cả tuần, trông như người mất hồn. Thỉnh thoảng lại còn cởi trần chạy lông nhông ngoài đường như đuổi ai, hai tay nắm chặt, răng nghiến ken két: “Chết này! Chết này! Mày chết này!”. Chị vợ sợ quá bèn gửi vô 134 Nguyễn Thị Định(*). Sau khi khỏi bệnh, Kệch nhận quyết định bổ về làm chánh tổng tổng X, oai ra phết. Tôi có gặp hắn một vài lần khi thì là thượng khách của tổng Y, khi lại là đại biểu dự hội nghị X. Thấy tôi, hắn cúi mặt, giả tảng như không quen biết gì, chắc là cu cậu đang rầy (thẹn) với mình chăng?
Lão Lậu thì vẫn chứng nào tật ấy, con cu hại đời quan chức, chạy rông khắp chốn, đi đến đâu gieo rắc mầm sống đến đấy. Chỉ tội mấy ả sồn sồn, tin lão mà vô tình đắc tội cắm sừng chồng lúc nào không hay.
Vị tiền nhiệm của đĩ Cỡm từ ngày thôi chức, vẫn được thượng cấp ưu ái lắm. Đúng là ở đời có số cả. Lão vẫn là quan hàng tổng tuy chỉ hữu danh vô thực. Nhưng từ ngày buộc phải rời cái ghế nóng “dưới một người trên vạn người” bởi cái thói ăn tạp, đúng như câu nói nổi tiếng của một vị lãnh đạo cao cấp nọ: “Chúng (bọn đầy tớ dân ấy) ăn của dân không từ một thứ gì”, lão không còn dám ngẩng mặt lên với thiên hạ. Hễ bước ra đường là y như rằng cứ cúi gằm mặt xuống mà đi. Hàng xóm khen lão giỏi, đi thế mà không đụng không té. Đúng là tài thật.
Còn cụ Chánh, sau cái phút 89 đầy ngẫu hứng và… sung sướng, cụ nghỉ hưu, dù tuổi thực của cụ đã dôi ra đến những năm năm. Kết thúc một đời làm quan mà quyền uy có được nhờ cái sự ma mãnh, cướp giật, luồn cúi và dọa nạt, cụ rũ bỏ bụi trần về với căn biệt thự rộng thênh thang nơi mặt phố. Vẫn cơm niêu nước lọ, sớm hôm cô độc một mình. Nghĩ mà thương cho cái thân già. Than ôi, thời oanh liệt còn đâu!
Đĩ Cỡm từ ngày hớt tay trên cu Kệch, cứ như là con nhộng lột xác cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nhìn bề ngoài đĩ thật bắt mắt. Chả thế mà trước bao nhiêu sóng gió, đĩ vẫn vững như bàn thạch, lại còn “chiến đấu” đến phút bù giờ cuối cùng. Bây giờ thì đĩ cũng đã về với góc phố tuổi thơ. Nghe đồn, hôm nọ cụ Chánh lọ mọ tìm đến nhà, bấm chuông mỏi cả tay đĩ mới chạy ra. Trông thấy cụ, mặt đĩ đanh lên, quẳng một cái bĩu môi dài thườn thượt vào mặt cụ rồi ngoảy đít quay vào, đóng sập cửa lại. Cụ Chánh đứng trân ra, miệng há hốc để lộ cái lỗ đen ngòm bởi hai răng cửa bị khuyết.
Hôm rồi, tôi bỗng nhận được một bức thư do cô nhân viên bưu điện trao cho. Chà, thời của “meo” của “phây” mà vẫn nhận được thư tay, hà, hồi hộp quá. Tôi vội mở ra xem và không khỏi ngạc nhiên. Thì ra các nhân vật Phút 89 gửi lời cảm ơn tôi đã làm bà đỡ cho họ sinh ra đời. Gạt chuyện buồn vui thù hận ra một bên, họ mong tôi đã thương thì thương cho trót, viết giúp họ cái đoạn sau cho trọn kiếp làm quan để lưu lại cho con cháu. Tôi định từ chối nhưng xem tình ý thì thấy mấy chả cũng có vẻ thiện ý, vả bây giờ họ biết thân biết phận rồi, lại nữa chắc độc giả Phút 89 có lẽ cũng còn tò mò muốn biết đoạn kết chốn quan trường của họ ra sao nên nhận lời. Quí vị hãy chờ xem.
Ôi! Tiền bạc, danh vọng, quyền lực! Rồi cũng chỉ là cát bụi mà thôi! Này cụ Chánh, này Kệch, Cỡm, này Lậu… Bây giờ thì ai còn nhớ đến các người nữa? Có chăng là câu chửi kèm theo bọt miếng phụt ra từ cửa miệng thiên hạ: “Đồ chó má!”. Mà nói chi đến thiên hạ, ngay cả các vị, cùng hội cùng thuyền kết nhau là thế nhưng có dám cam đoan rằng, các vị đã từng ỉa vào miệng nhau không?
Nhớ lại chuyện cũ sau bao năm, âu cũng là kỉ niệm khó quên trong đời cầm bút của mình.