Cụ Chánh
admin100
2021-12-16T21:25:00-05:00
2021-12-16T21:25:00-05:00
http://nguyenduyxuan.net/nguyen-duy-xuan-van/cu-chanh-11143.html
http://nguyenduyxuan.net/uploads/news/cuocsong/chay-chuc.jpg
Nguyễn Duy Xuân
http://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Thứ năm - 16/12/2021 21:25
Người ta chỉ oai khi còn quyền bính. Cái sức mạnh siêu hình ấy một khi đã bị tước đi thì anh chỉ còn là cái xác không hồn. Mới hôm qua thôi, bao kẻ còn quì dưới chân cụ thế mà bây giờ ngoắt cái, vẫn những thằng đó, hôm nay có gặp lại chúng cũng chẳng thèm nhếch mép hỏi lấy một câu.
Lạy cụ Nam Cao tha thứ cho sự mạo phạm này.
Khi truyện ngắn Phút 89 ra đời, có bạn đọc hỏi tôi cụ Chánh (một nhân vật trong truyện) là ai. Là ai ư? Sao lại truy tìm tung tích nhân vật văn học làm gì. Nhưng mà thôi, tôi cũng chẳng câu nệ, dù là nhân vật văn học thì nó cũng có đời sống, có số phận của nó. Xin thưa với độc giả rằng, lai lịch của cụ Chánh dài lắm, phức tạp lắm. Giá mà các bậc tiền bối như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao còn sống thì chắc sẽ có thêm tiểu thuyết như Xuân Tóc đỏ hay truyện ngắn kiểu Chí Phèo. Tiếc thay, tôi tài mọn, chỉ biết kể bỗ bã vắn tắt vài dòng sau đây, ngõ hầu thỏa mãn chút nào trí tò mò của quí vị.
*
Sau cái vụ Chí Phèo giết Bá Kiến làm rúng động làng Vũ Đại năm ấy, Lý Cường phút chốc mất hết chỗ dựa. Cánh Đội Tảo, Tư Đạm, Bát Tùng vội chớp thời cơ, cùng về hùa với nhau, nện cho Lý Cường một trận ra bã. Bao nhiêu vốn liếng, của cải tích cóp được từ thời cụ Bá còn là anh lý khét tiếng đều đội nón ra đi, lên hầu kiện quan phủ. Quả đúng như lời Đội Tảo toang toang ở chợ hôm đó: “Thằng bố chết, thằng con lớp này không khỏi người ta cho ăn bùn”.
Bẵng đi mười mấy năm sau, khi cuộc chiến Đông Dương kết thúc, quân Pháp lặng lẽ rút khỏi miền Bắc, bầu đoàn thê tử nhà Lí Cường cũng bị cuốn theo dòng người di cư vào Nam. Trôi dạt hết chỗ này đến chỗ khác, cuối cùng ông lí cựu cũng tìm được chốn dung thân. Đó là một vùng đất bán sơn địa miền Trung. Nơi miền đất mới, ông lí và gia tộc phải sống ẩn mình, cũng nai lưng ra mà cày cuốc như bất cứ người nông dân nào, chẳng ai hay cái lý lịch lóe sáng một thời của gia đình ông ở làng Vũ Đại ngoài Bắc xa lắc xa lư.
Tuy thế, mỗi đêm sau khi công việc đồng áng xong, nhấp li rượu rồi lên giường nằm, ông lại suy ngẫm về thời cuộc. Có những lúc tiếc đến cồn cào cái thời vàng son, nhưng rồi nghĩ lại ông thấy cuộc đời thật phù du. Số phận ông đã đến hồi kết. Đàn con ông đang tuổi ăn, tuổi lớn nhưng xem ra cũng chẳng hi vọng gì ở cái xã hội nhiễu nhương này. Trải qua ba lần vật đổi sao dời, ông hiểu đời lắm lắm. Số phận chưa thể mỉm cười với gia đình ông.
Cho đến năm 1973, khi cục diện chiến tranh thay đổi, nhất là khi Mĩ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, ông nghĩ trong bụng, cái chế độ tầm gửi này sẽ chẳng tồn tại được lâu nữa đâu, mình không nhanh chân thì con cháu biết bao giờ mới ngóc đầu dậy được?
Mấy ngày sau, trong làng rộ lên chuyện thằng cu út nhà ông mười bảy tuổi, hôm ấy đi rừng lấy củi bỗng dưng mất tích. Người độc miệng thì bảo cu cậu bị hổ ăn thịt. Có người lại nghi ngờ hay là bị Việt cộng trên rừng bắt? Bao nhiêu là đồn đại, ông chẳng bận tâm. Chính quyền mấy lần gọi ông lên tra hỏi nhưng cũng không sáng tỏ được gì hơn nên lâu ngày chuyện mất tích của cậu út dần đi vào quên lãng. Cho đến một hôm, sau ngày giải phóng mấy bữa.
Hôm ấy đang chuẩn bị cơm chiều thì ông nghe có tiếng lao xao ngoài ngõ. Chặp, xuất hiện trước mắt ông một chàng trai trẻ, đầu đội mũ tai bèo, vai đeo khẩu các bin, chân đi dép râu, miệng lắp bắp:
- Cha, cha!
Ông nhìn chàng trai từ đầu đến chân, không mấy vồ vập:
- Thằng út! Mày đấy hả?
Rồi lẳng lặng ngồi xuống phản. Út ngạc nhiên trước thái độ của cha mình. Nó thì làm sao mà hiểu được. Cái chuyện “mất tích” hai năm trước đều nằm trong sự tính toán của ông. Ông chờ đợi ngày hôm nay như một sự tất yếu sẽ diễn ra như thế. Và đứa con ông tin tưởng nhất bây giờ đã có được chỗ đứng trong chế độ mới.
Thế đấy, bạn đọc thân mến. Chắc các bạn đã tìm được câu trả lời: Cụ Chánh là ai?
Sau cái vụ “mất tích”, cụ Chánh, từ đây ta không gọi là cậu út nữa nhé, trở thành du kích rồi gia nhập bộ đội địa phương. Cũng tham gia đì đòm mấy trận nhưng do tài xạ thủ hơi bị kém nên hầu hết đạn cụ bắn ra đều đi tìm chim. Nhưng được cái cụ mau mồm, mau mép nên chiến công của đồng đội cũng là chiến công của mình. Hôm về thăm nhà, cụ tậu được ở đâu ra cái huy hiệu chiến sĩ giải phóng đỏ chót trên ngực làm người làng không khỏi trầm trồ cho là nhà ông lí có phúc.
Ở nhà được ba hôm, cụ Chánh nói với cha:
- Mai tôi đi rồi.
- Đi đâu?
- Lên xứ Thượng
- Xa thế à?
- Lên đó mới có đất làm ăn. Mấy thằng bạn tôi đều thế cả.
- Ừ, thì mày cứ đi đi. Nhớ những gì tao đã dặn.
Thế là cụ Chánh lên cao nguyên. Vùng đất ấy mênh mông bát ngát, vừa mới giải phóng, đất rộng, người thưa đang rất cần những cán binh như cụ làm nòng cốt. Chẳng mấy chốc cụ lên như diều gặp gió. Cái giấy thông hành đỏ chót xác nhận cụ đứng trong hàng ngũ tinh túy của chế độ mới quả là có sức mạnh vạn năng. Chuyện có cái giấy đỏ của cụ cũng thật dễ dàng. Thời chiến tranh, chỉ cần có tinh thần xung phong khi lâm trận, lại mồm mép một chút, nâng cái tinh thần ấy lên thành lí tưởng, thành lẽ sống trước mặt các chỉ huy là ô kê ngay. Lí lịch của cụ ghi: Trốn quân dịch vào rừng tìm theo cách mạng từ năm mười bảy tuổi, thật chẳng thua gì các bậc tiền bối. Thời của chủ nghĩa lý lịch những dòng như thế chả khác gì nghị quyết mà cấp trên đã phê cho cụ, để cụ cứ ung dung thăng tiến. Tuổi trẻ năng động, lý lịch đỏ chót, cụ thật “hồng” trong mắt bề trên.
Khi đã chắc chắn cái chỗ đứng trong chế độ mới, cụ bắt đầu sống thực với mình. Khát vọng của cụ chưa dừng lại. Cái gì mà cụ cố Bá Kiến và người cha Lý Cường một thời chưa làm được thì cụ phải làm được. Thiên hạ thời nào cũng thế, từ ngàn đời nay đều có kẻ ăn trên ngồi trốc, chuyện bình đẳng vẫn mãi mãi chỉ là mơ ước của nhân loại.
Những ngón nghề cai trị dân cụ học được từ các bậc tiền bối trong gia tộc nay đã đến kì thực hành. Nhưng mà cụ không máy móc. Cái thời của ông cha khác, bây giờ khác. Vả lại, ngày xưa các vị chỉ biết luẩn quẩn ở cái làng Vũ Đại, cỡi đầu có vài trăm suất đinh, thật chẳng thấm vào đâu so với hàng tổng dưới quyền cụ bây giờ, chỉ mỗi việc đi kinh lí một vòng thôi cũng đã mất cả tháng trời. Cho nên cụ không rập khuôn theo tiền nhân, làm vậy có mà ăn cám, cụ nghĩ thế. Bao nhiêu năm chinh chiến trên chính trường, cụ đã bổ túc thêm những chiêu thuật độc đáo, không phải là ba bốn cái bằng cử nhân, thạc sĩ mà mỗi lần diễn cuộc bầu cử, cụ lại trương ra đỏ chót, những thứ ấy chẳng qua chỉ để lòe thiên hạ và để bọn cánh hẩu không có cớ mà ném đá. Làm chánh trị mà không thông thạo các món này thì khác chi anh lính tò te, chưa lâm trận đã cầm chắc cái chết. Có lẽ vì thế mà mấy chục năm trên chính trường, cụ luôn luôn phải thượng đài, so găng mới mong giật được ghế từ tay kẻ khác. Thành tích làm lãnh đạo của cụ không phải được đo bằng chỉ số no ấm của hàng tổng và hạnh phúc của con dân dưới quyền cai trị của mình. Chính trị quả là một cuộc chiến không khoan nhượng. Ở cái tầm của cụ, điều đó lại càng chính xác. Có những trận chiến mà cụ cùng bộ tham mưu đã vận hết mọi mưu chước học được trong sách vở và trường đời, đã dùng đến những thủ đoạn bỉ ổi nhất mà vẫn đại bại. Đôi khi cái sự thất bại ấy cũng thật đơn giản, bàn cờ đã sắp, đâu phải muốn dí quân nào cũng được? Mà cụ thì chưa và có lẽ chẳng bao giờ có được cái quyền lực vô biên sắp xếp quân cờ ấy. Thì cái việc cu Kệch năm kia còn sờ sờ ra đó, dám chắc mười mươi nên cụ mới báo trước mấy tiếng đồng hồ để cho nó mừng, ai dè đến phút 89 lại quay quắt 180o.
Chưa nguôi ngoai bởi cú đá hậu ấy thì đùng một cái, đầu năm nay, tin tức cụ bị “phốt” trương lên khắp các mặt báo. Tận hang cùng ngõ hẻm chốn hàng tổng, đâu đâu cũng nghe thiên hạ bàn tán về cụ. Bóng ma của Đội Tảo, Tư Đạm, Bát Tùng thuở ông cha lại hiện về trên sắc mặt lạnh lùng của những kẻ luôn coi cụ như cái gai muốn nhổ đi, bây giờ được dịp mở cờ trong bụng: Chuyến này thì người ta cho ra bã!
Sự việc không bất ngờ đối với cụ, bởi cụ cũng đã lường trước. Làm chánh trị là thế. Phải biết dọn chỗ ngay cả khi đang ở trên đỉnh cao danh vọng, nếu không như người xưa đã nói, chết không có đất chôn. Cho nên trước bàn dân thiên hạ, cụ vẫn tỏ rõ cái oai của mình, huấn thị chỗ này, chỉ đạo chỗ kia, y như không có việc gì xảy ra. Bởi cụ tin ở lá bùa hộ mệnh của mình. Và quả thực, cái ghế của cụ vẫn vững như bàn thạch, chả thế mà sau đó cả hội đồng hàng tổng cùng kí vào tâm thư, hô vạn tuế, vạn vạn tuế!
Nhưng ở đời chả ai học được chữ ngờ. Nửa năm sau thì tai họa ập xuống đầu cụ thật sự. Trong cơn bĩ cực, cụ vội vã nhấc máy cầu cứu thần hộ mệnh nhưng tiếp cụ lại là tay giúp việc. Hắn bảo cụ: “ông (thằng này láo, cụ nghĩ thế vì bây giờ hắn dám ông ông tôi tôi với cụ) có biết câu ốc chưa lo nổi mình ốc không? Giờ thì nhớ mà im mồm thôi nhé!” Thế là hết. Cùng hội, cùng thuyền, cụ hiểu rõ từng câu từng chữ của hắn. Nó là dấu chấm hết cho sinh mệnh chánh trị của cụ. Thần thánh cũng có lúc mất thiêng, huống chi là cụ, suy cho cùng cũng chỉ là con tốt trên bàn cờ mà thôi. Chai sạn trên trường đời như cụ mà cũng thấy uất nghẹn không nói được. Cơn bão nhiệt đới mấy ngày qua tuy không quật đổ nhưng cũng làm lung lay nhưng gốc cổ thụ được cho là vững chãi nhất. Cụ chết là vì thế chứ tội cụ có đáng gì so với thiên hạ. Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết oan quả không sai. Bất chợt cụ nhớ đến Kệch, thương hắn mà tủi cho phận mình.
Thế là cụ phải cắp ô ra đi. Mà không, cụ được mời sang ngồi cái ghế khác, thứ ghế mốc luôn có sẵn để cho những kẻ thất cơ lỡ vận như cụ còn có chỗ ghé đít chờ ngày hạ cánh cuối cùng. Thế là may lắm rồi chứ đáng ra cụ phải ngồi bóc lịch cơ. Ấy là mấy thằng độc mồm nó nói vậy. Cụ ức lắm. Đến cả cái cậu lái xe mọi ngày cung cúc là thế vậy mà bây giờ cũng lên mặt với cụ thì còn gì mà nói nữa. Ôi trường đời! Cái ông Tây nào đó gọi là tấn trò đời thật chả sai. Vô vàn đào kép. Và cụ chỉ là một kép riu đã và đang diễn nốt vai hề của mình.
*
Bữa ni cụ dậy muộn. Từ hôm rời khỏi vai “kép” kia, mọi sinh hoạt của cụ đều bị đảo lộn. Mọi hồi chưa bảnh mắt ra đã có kẻ bấm còi chờ trước cổng để được vinh hạnh rước cụ đi chơi thể thao và ăn sáng. Cái việc tưởng đơn giản thế mà cũng nhiêu khê lắm, chúng nó phải tự thỏa thuận xếp lịch, để kẻ nào cũng được ơn mưa móc. Đôi khi cụ giật mình ngỡ như có tiếng còi xe nhưng rồi tất cả vẫn lặng như tờ. Căn nhà rộng thênh thang càng trở nên trống trải. Tự nhiên cụ thấy sợ, nỗi sợ của một kẻ bị loại khỏi cuộc chơi. Người ta chỉ oai khi còn quyền bính. Cái sức mạnh siêu hình ấy một khi đã bị tước đi thì anh chỉ còn là cái xác không hồn. Mới hôm qua thôi, bao kẻ còn quì dưới chân cụ thế mà bây giờ ngoắt cái, vẫn những thằng đó, hôm nay có gặp lại chúng cũng chẳng thèm nhếch mép hỏi lấy một câu. Chốn quan trường chỉ có kẻ thù chứ không có bạn. Người ta phải đạp lên nhau thì mới mong thăng quan tiến chức. Tài đức ư? Hãy đợi đấy! Những bài học chốn quan trường ngấm vào máu thịt cụ, truyền đời từ cha ông, học lõm từ địch thủ, thế mà rốt cuộc vẫn không thoát khỏi cái luật “giang hồ”, nói cho hoa mĩ là những trò chơi chính trị. Mà đã là trò chơi thì có may có rủi. Cái vận của mình, cụ không ngờ lại kết thúc bi thảm như thế.
Tâm thần cụ cứ thế trôi theo dòng thời gian, miên man với những khúc đoạn bi hùng của cuộc đời. Người xưa nói quả có sai, “quan nhất thời, dân vạn đại”. Bi kịch cho những ai không biết cách khép lại cái “nhất thời” ấy mà ngôn ngữ thời thượng gọi là hạ cánh an toàn. Cụ thấy đau nhói trong lồng ngực vì chưa bao giờ nghĩ mình lại rơi vào cảnh “giữa đường đứt gánh”. Nếu như không có cuộc sửa sai… Nếu như quí nhân phù hộ… Nếu như cụ tỉnh táo hơn… Ôi bao nhiêu cái sự “nếu như” đầy tiếc nuối khi tất cả đều đã vuột khỏi tay mình. Cụ tức, cụ giận. Tức đời, giận người, giận mình.
Có tiếng còi xe. Cụ cũng không thèm giật mình nữa. Rồi tiếng chuông gọi cửa. Cụ chẳng buồn mở. Cụ muốn yên tĩnh để không phá vỡ cái tâm trạng của mình lúc này. Cụ đang đau, nỗi đau của một kẻ yêng hùng thất thế.
Những ngày cuối năm con Rồng
Nguyễn Duy Xuân