Sinh ra đời, ai cũng có một vùng quê để mà tự hào, như câu thơ của Đỗ Trung Quân đã thành câu hát trong tim mọi người: “Quê hương mỗi người chỉ một/Như là chỉ một mẹ thôi”. Quê tôi – Xuân Lâm – cũng chỉ một như Mẹ thân yêu của mình.
Xuân Lâm – cái tên ấy còn rất mới so với chiều dài lịch sử của quê hương. Theo gia phả của nhiều dòng họ đến sinh cơ lập nghiệp ở đây, vùng đất thuộc Xuân Lâm ngày nay đã có lịch sử trên dưới ngàn năm. Đời nhà Lê, vùng đất này thuộc tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đường (sau này vì tránh tên húy Ưng Đường của vua Đồng Khánh nên Nam Đường đổi thành Nam Đàn). Tên gọi Xuân Lâm chính thức có từ cuối năm 1947 đầu năm 1948 dưới chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Xuân Lâm được chia tách thành 2 xã là Xuân Tiến và Xuân La (1952), rồi thành 4 xã là Nam Lâm, Nam Quang, Nam Mỹ, Nam Long (1953). Tên gọi Xuân Lâm chính thức trở lại với vùng đất này từ giữa năm 1969 khi hợp nhất 3 xã Nam Lâm, Nam Quang, Nam Mỹ và tồn tại cho đến ngày nay.
Bây giờ tôi biết được tường tận như thế là nhờ sách vở chứ ngày xưa nào có ai kể cho mình nghe lịch sử quê hương ngoài những câu chuyện mang tính giai thoại về tổ tiên dòng họ do các cụ truyền lại.
Của đáng tội, cũng có biết đấy và nó đã trở thành kỷ niệm không bao giờ quên của tuổi thơ tôi.
Ngày ấy đã xa lắm. Thuở mới cắp sách đến trường học lớp Vỡ lòng (tương đương như lớp 1 bây giờ). Trường tôi thật to cao, đồ sộ trong con mắt của một cậu bé 6 tuổi mới thoát ra khỏi ngôi nhà tranh bé nhỏ của cha mẹ mình. Ngôi trường ấy là của một gia đình địa chủ giàu có trong vùng xây dựng từ thuở cha mẹ tôi chưa chào đời. Tôi biết thế nhờ bài học về lịch sử cách mạng của quê hương lần đầu tiên mình “đọc” được.
Chuyện là ở ngôi trường tôi học có một căn phòng (có lẽ là phòng truyền thống) trưng bày nhiều tranh vẽ, hiện vật về các chiến sĩ cách mạng quê nhà tham gia phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh 1930-1931. Vì có chút đam mê vẽ vời của con trẻ nên căn phòng lập tức thu hút sự quan tâm của tôi. Nhiều lần tranh thủ giờ ra chơi, tôi chạy vào phòng đứng lặng trước những bức vẽ minh họa chiến sĩ cách mạng bị thực dân Pháp bắt trói giật cánh khuỷu vào cọc gỗ, đánh đập, tra tấn dã man.
Phía sau trường còn có một khu mộ liệt sĩ, những người đã hy sinh trong đợt bắt bớ tra tấn dã man của quân giặc tại ngôi trường chúng tôi được học ngày ấy.
Đó là bài học đầu tiên của đời tôi về lịch sử, về truyền thống cách mạng quê hương, về lòng tự hào và tri ân các thế hệ đi trước đã ngã xuống vì tự do độc lập. Có lẽ nó là chất xúc tác vô cùng quan trọng để sau này tôi mê sử và cho đến bây giờ vẫn thích tìm hiểu về lịch sử của ông cha.
Bây giờ thì tôi biết rất rõ quê hương mình. Ở đó có ngót năm mươi dòng họ cùng chung sống với non vạn con người đang ngày đêm gắn bó trong tình làng nghĩa xóm, sớm hôm tối lửa tắt đèn có nhau; chung tay, chung sức xây dựng quê hương đẹp giàu; gìn giữ truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước ngàn đời của ông cha.
*
Theo cuốn “Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Xuân Lâm 1930-2008” (NXB Văn hóa – Thông tin, HN 2009), Xuân Lâm là 1 trong 4 xã đầu tiên của huyện Nam Đàn thành lập chi bộ Đảng. Sự ra đời của chi bộ Đảng vào đầu tháng 6 năm 1930 là bước ngoặt đặc biệt quan trọng đối với phong trào cách mạng của xã. Chi bộ vừa ra đời đã kịp thời lãnh đạo nhân dân địa phương tham gia phong trào đấu tranh cách mạng, tổ chức biểu tình, đưa yêu sách của quần chúng đối với chính quyền thực dân phong kiến, tự vũ trang bằng các loại vũ khí thô sơ, chiếm huyện đường, phá nhà lao giải thoát cho những người bị giam giữ, đốt giấy tờ, sổ sách; thành lập chính quyền Xô viết, tổ chức Nông hội đỏ và lực lượng Tự vệ đỏ; tịch thu ruộng đất công đem chia cho nông dân.
Sau cao trào 1930 – 1931, trước sự đàn áp dã man của địch, phong trào cách mạng trên địa bàn huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An nói chung và xã Xuân Lâm nói riêng gặp nhiều khó khăn và chịu tổn thất to lớn. Trong số 44 người bị bắt trong cao trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh ở Xuân Lâm, 37 chiến sĩ đã hi sinh anh dũng trước họng súng quân thù.
Giữa năm 1945, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng bộ Việt Minh, đông đảo người dân Xuân Lâm gia nhập Việt Minh, không khí cách mạng sục sôi, lực lượng bán vũ trang được thành lập.
Ngày 22/8/1945 nhân dân Xuân Lâm tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền. Lực lượng cách mạng đã thu triện, sổ sách của bọn cai Tổng, hào lý; chiếm đồn Xuân La; tổ chức mít tinh, tuyên bố giải tán chính quyền cũ và thành lập chính quyền cách mạng lâm thời của xã.
Cách mạng tháng Tám thành công chưa được bao lâu, cả dân tộc lại phải đứng lên làm cuộc trường chinh chống thực dân Pháp xâm lược trở lại, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chính quyền nhân dân còn non trẻ.
Cùng với cả nước, người dân và chính quyền cách mạng ở Xuân Lâm lại bước vào cuộc chiến đấu mới, với tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”!
Trong cuộc chiến đấu trường kỳ đầy gian khổ, hy sinh ấy, Xuân Lâm có 120 thanh niên tham gia nhập ngũ, 44 liệt sỹ, 16 thương binh; trên 400 lượt người tham gia dân công hỏa tuyến. Người Xuân Lâm đã làm hết sức mình, góp phần cùng quân dân cả nước làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp: “Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” (Tố Hữu, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên).
Sau khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc, Xuân Lâm bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, xây dựng hậu phương vững chắc, góp phần vào công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.
Nhưng đế quốc Mỹ và chính quyền Việt Nam cộng hòa đã phá bỏ hiệp định Giơ-ne-vơ, tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam. Cả nước lại ra trận với khí thế bừng bừng của một dân tộc: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu, Theo chân Bác).
Ngày 5-8-1964, Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc hòng cắt đứt nguồn chi viện của hậu phương cho chiến trường miền Nam. Trong bối cảnh đó, Xuân Lâm nhanh chóng chuyển mọi hoạt động từ thời bình sang thời chiến, lập các trạm báo động máy bay, tổ chức các “Đội chèo đò cảm tử”, thành lập trung đội dân quân trực chiến, các đội cứu thương, các đội cảm tử đào và rà phá bom, tổ chức 2 “Đại đội xe đạp thồ” tham gia vận chuyển hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm chi viện cho chiến trường miền Nam.
Đặc biệt ngày 26/5/1966, quân và dân Xuân Lâm đã góp phần lập chiến công xuất sắc, bắn rơi 1 máy bay phản lực F4 của Mỹ.
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Xuân Lâm đã có 447 người tham gia nhập ngũ (trong đó có 170 liệt sỹ, 106 thương binh, 75 bệnh binh, 47 người bị nhiễm chất độc da cam); 1.020 người tham gia dân công hỏa tuyến, 44 người tham gia thanh niên xung phong, 300 người tham gia lực lượng dân quân tập trung. Ngoài ra, xã còn huy động trên 20.000 ngày công làm giao thông, xây dựng hầm trú ẩn, đào phá bom mìn,…; đóng góp hơn 4.150 tấn lương thực, 515 tấn thực phẩm chi viện cho chiến trường miền Nam.
Những năm chống chiến tranh phá hoại, đất Xuân Lâm hứng chịu nhiều trận bom hủy diệt của máy bay Mỹ. Từ làng trên xóm dưới, từ ruộng đồng cho đến bãi sông, ở đâu cũng ghi dấu tội ác quân thù. Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại (1964-1968, 1972), cả xã có gần 100 người dân bị chết, hơn 150 người bị thương, 110 ngôi nhà bị phá huỷ hoàn toàn.
Thế hệ chúng tôi lớn lên trong khói lửa bom đạn chiến tranh. Tuổi thơ chúng tôi “Đến trường đầu đội mũ rơm/Vai mang xắc vải, mắt gờm tàu bay/Xung quanh hào luỹ đắp dày/“Con ma” Mĩ rú, tiếng thầy vút cao” (Nguyễn Duy Xuân, Ký ức); đã không ít lần tận mắt chứng kiến cảnh “Làng quê lửa cháy, ngút trời đạn bom”, để rồi khi lớn lên, càng ý thức sâu sắc cái giá của tự do độc lập càng tự răn mình, hãy sống tốt, sống đẹp với quê hương.
Đồng hành cùng đất nước trong suốt cuộc trường chinh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc ở thế kỷ XX, dân và quân Xuân Lâm đã lập được những thành tích to lớn. Dân và quân xã nhà vinh dự được Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Ba; 30 cờ thưởng cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân vì đã có thành tích tiêu biểu trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước; 15 cờ thưởng danh hiệu đơn vị quyết thắng cho lực lượng Công an và Dân quân tự vệ.
Về cá nhân, có 45 người được tặng Huân chương Độc lập, 19 người được tặng Huân chương kháng chiến chống Pháp, 1.228 người được tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước các loại. 1.290 gia đình được tặng huân, huy chương vì đã có đóng góp to lớn cho sự nghiệp kháng chiến cứu nước.
Quả là một bảng vàng chiến công đáng khâm phục và tự hào của quê hương anh dũng kiên cường trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc diễn ra gần trọn thế kỷ XX.
Không chỉ anh hùng trong chiến đấu, người Xuân Lâm còn dũng cảm, sáng tạo trong sản xuất, xây dựng quê hương. Kinh tế, giáo dục, văn hóa ngày càng phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Năm 2018, tổng thu nhập toàn xã đạt 265 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 35,5 triệu/người/năm; 3/3 trường học đạt chuẩn quốc gia.
Tháng Tư năm 2018, xã vinh dự đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Một bước tiến vượt bậc rất đáng tự hào đối với một xã thuần nông như Xuân Lâm.
*
Đất nước lại vào Thu. Tháng Tám trời Xuân Lâm vàng nắng. Ôn lại những trang sử vẻ vang của quê hương trong những ngày gợi nhớ lịch sử này bỗng thấy lòng bâng khuâng khó tả. Có niềm tự hào sâu sắc. Có lòng ngưỡng mộ và tri ân các thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương, cống hiến tuổi thanh xuân và cả cuộc đời mình vì tự do, độc lập của đất nước, vì hạnh phúc của quê hương. Có nỗi niềm trăn trở bởi thế hệ mình đã đi qua hơn nửa cuộc đời nhưng chưa làm được gì xứng đáng với truyền thống oanh liệt của cha anh, với tầm vóc vĩ đại của quê hương.
Xin gửi niềm tin và hy vọng vào thế hệ trẻ hôm nay. Những ngày gần đây, tin vui đặc biệt đến với bà con Xuân Lâm ở quê hương cũng như khắp mọi miền Tổ quốc. Em Nguyễn Thị Hà Giang ở xóm 11, là thủ khoa của tỉnh và xếp thứ 9 cả nước trong top những thí sinh đạt điểm khối A với thành tích 28,4 điểm. Cả bố và mẹ Hà Giang đều là nông dân, ngày đêm không quản nắng mưa, cần mẫn trên 1,3 mẫu ruộng để con cái hôm nay có được một “vụ mùa” bội thu.
Trước đó, năm 2017, em Trần Hữu Bình Minh cũng đã làm rạng danh không chỉ riêng quê hương Xuân Lâm mà còn cho cả vùng đất xứ Nghệ khi xuất sắc giành Huy chương Vàng Olympic Vật lý Quốc tế (IMO) và Huy chương Bạc Olympic Vật lý Châu Á – Thái Bình Dương.
Thành tích của Bình Minh, của Hà Giang thật đáng tự hào. Âu đó cũng là quy luật tất yếu của cuộc sống ở nơi vùng quê nghèo nhưng giàu nhân nghĩa, nhân văn và hiếu học. Các thế hệ đi trước không quản khó nhọc và cả sự hy sinh xương máu, để lại cho mùa sau trái ngọt, cây lành.
Và tôi tin, mọi người cùng tin, lớp trẻ như Hà Giang, Bình Minh sẽ xứng đáng với ông cha, làm rạng danh tiên tổ, viết tiếp trang sử huy hoàng của xứ sở, quê hương.
Tháng Tám mùa Thu 2019 Nguyễn Duy Xuân
Ghi chú: Nguồn tư liệu sử dụng trong bài lấy từ cuốn “Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Xuân Lâm 1930-2008” (NXB Văn hóa – Thông tin, HN 2009) và “Báo cáo thành tích đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Nhân dân và Lực lượng vũ trang xã Xuân Lâm” của UBND xã Xuân Lâm.
Bài đã đăng trên tạp chí Văn hóa Nghệ An số 394, 10-8-2019. Bút danh Nguyễn Duy: