Chuyện dài nước mắm: “Trả lại tên cho em”!

Thứ bảy - 16/03/2019 20:19
- Trả lại tên cho nước mắm truyền thống, sản phẩm truyền đời của ông cha, di sản văn hóa ẩm thực có một không hai của dân tộc.
Chút hi vọng mong manh của dư luận vừa lóe sáng trước việc Bộ Khoa học & Công nghệ quyết định tạm dừng công bố Tiêu chuẩn quốc gia "Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm" (TCVN 12607) bỗng dưng tắt ngấm khi chỉ mấy tiếng đồng hồ sau đó, báo chí đăng tải thông tin tập đoàn Masan đã từng tham gia soạn thảo bộ tiêu chuẩn nói trên.

Điều khiến dư luận nghi ngờ trong những ngày qua khi dư thảo TCVN 12607 được công bố đã thành sự thật. Những câu hỏi mà dư luận đặt ra như “Bộ ra 1 tiêu chuẩn, vạn dân lo sợ: Lại ẩn ý gì với nước mắm truyền thống?”; “Tiêu chuẩn nước mắm: “Cuộc chiến” giữa sản phẩm truyền thống và công nghiệp?” đã có lời đáp.

Vậy nên, dư luận cũng không quá đáng khi cho rằng, với TCVN 12607, người ta đang tìm cách “bức tử” nước mắm truyền thống.

Bởi Dự thảo TCVN 12607 không phân định rõ quy trình sản xuất đâu là nước mắm truyền thống, đâu là nước mắm công nghiệp; xóa nhòa ranh giới giữa nước mắm truyền thống và công nghiệp, mặc dù đây là hai ngành khác nhau cơ bản về tiêu chuẩn, qui phạm thực hành sản xuất.

Hơn thế nữa, Dự thảo TCVN 12607 còn đưa ra một loạt các nội dung quy định không phù hợp với thực tế sản xuất nước mắm truyền thống. Ví như quy định thùng chứa nước mắm phải màu sáng, quy định kiểm soát các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật...; đặc biệt là những quy định về hàm lượng Histamine trong nước mắm - một tiêu chí mà nếu thành hiện thực thì nước mắm truyền thống chỉ có nước… sập tiệm!

Tại sao Dự thảo TCVN 12607 lại đưa ra những nội dung gây khó dễ đối với ngành sản xuất nước mắm truyền thống trong khi đã có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 02-16:2012/BNNPTNT về các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất nước mắm hay bộ tiêu chuẩn cơ sở TCCS 01:2016/NMTT do các nhà sản xuất nước mắm truyền thống xây dựng sau vụ “nước mắm nhiễm asen”?

Trên báo Bình Thuận, ông Lê Trần Phú Đức (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nước mắm Phan Thiết) là 1 trong 12 người được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký quyết định tham gia xây dựng dự thảo về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm, cho biết: “Cuộc họp đầu tiên tôi tham dự rất cởi mở và đưa ra nhiều ý tưởng tốt, mang tính minh bạch cho nước mắm truyền thống lẫn nước mắm công nghiệp. Tuy nhiên, đến tháng 2.2018, không biết vì lý do gì, nội dung cuộc họp đầu tiên hoàn toàn bị xóa bỏ và tổ chức họp lại với điều kiện có sự tham dự của Tập đoàn Masan (nước mắm Nam Ngư)”.[1]

“Trong cuộc họp ấy, nhiều nội dung hoàn toàn được thay đổi so với cuộc họp tôi tham gia trước đó. Và khi ban hành dự thảo lần đầu, nội dung không giống với những gì đã bàn luận, có nhiều điểm làm khó cho nước mắm truyền thống.”, ông Đức nói.

Trước diễn biến quay quắt đó, ông Đức đã kịch liệt phản đối, và có lẽ vì thế mà ông không nhận được bất cứ giấy mời nào để tiếp tục tham gia góp ý cho dự thảo mới dù vẫn đang là thành viên.

Trong một diễn biến gần đây nhất, chiều ngày 8/3/2019, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cùng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng - TĐC (Bộ KH&CN) tổ chức buổi gặp gỡ báo chí để trao đổi về những nội dung liên quan đến Dự thảo TCVN 1260 đang gây bão dư luận.

Thế nhưng điều kì lạ là tại cuộc gặp đó, không hề có các chuyên gia nước mắm cũng như các nhà sản xuất nước mắm truyền thống, thay vào đó là các chuyên gia về an toàn vệ sinh thực phẩm, những người này đang làm lãnh đạo ở các lĩnh vực thực phẩm chức năng, sữa thuộc ngành… y tế.

Người duy nhất “liên quan đến nước mắm” có mặt trong cuộc gặp (dù không được mời) là TS. Trần Thị Dung, chuyên gia nước mắm, nguyên cán bộ Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Thủy sản, nay thuộc Bộ NN-PTNT) nhưng bà lại bị mời ra khỏi phòng họp khi xin phát biểu. Đáng chú ý là, bà Dung từng là người đầu tiên lên tiếng minh oan cho nước mắm truyền thống khi bị gắn mác “nhiễm asen” cách đây hơn 2 năm về trước.

Điểm lại một vài diễn biến trong quá trình soạn thảo TCVN 1260 để thấy, những người biên soạn đã đi ngược lại những nguyên tắc trong việc xây dựng bộ quy phạm thực hành sản xuất nước mắm mà Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ  Phạm Công Tạc đã nêu. Một là phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế-xã hội của nước ta tại thời điểm này. Hai là phải đảm bảo nguyên tắc đồng thuận của các thành phần liên quan trong xã hội. Ba là phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan.[2]

Xây dựng quy phạm, quy chuẩn cho các sản phẩm là điều phải làm, người được giao trọng trách biên soạn phải am hiểu lĩnh vực chuyên môn thuộc ngành nghề, sản phẩm được nói đến trong văn bản pháp quy. Nhưng quan trọng nhất là tính minh bạch, công tâm, khách quan. Văn bản quy phạm, quy chuẩn nào thì đích cuối cùng vẫn là đảm bảo sản xuất phát triển, sản phẩm tốt về giá cả, chất lượng và an toàn sức khỏe cộng đồng.

Có một thực tế là nhiều văn bản pháp quy được soạn thảo bởi các bộ, ngành nên không tránh khỏi những bất cập, không phản ánh đầy đủ quan điểm, lợi ích chung của cộng đồng. Thậm chí có những văn bản vừa ban hành ra đã phải thu hồi lại vì vi hiến. Chưa thể khẳng định chắc chắn nhưng cũng không loại trừ khả năng có sự chi phối của nhóm lợi ích ở những văn bản như thế.

Với Dự thảo TCVN 1260, dư luận đặt câu hỏi, tại sao biết thừa cá biển và muối thì làm gì có thuốc thú ý và thuốc bảo vệ thực vật nhưng những người soạn thảo vẫn đưa vào?

Họ cũng thừa biết rằng, hàm lượng Histamine trong nước mắm truyền thống luôn ở mức cao vậy mà vẫn cài bằng được quy định bất cập này với hàm lượng Histamine không quá 400mg/1lit nước mắm - chỉ tiêu thấp như thế chỉ có ở “nước mắm công nghiệp”, là nước mắm pha loãng nên không thể có nhiều Histamine?

Với những quy định ngặt nghèo ấy, dù có biện luận kiểu gì thì cũng không khó để đoán trước số phận của nước mắm truyền thống.

Thế cho nên, điều mà dư luận đặt ra sau cơn bão truyền thông do Dự thảo TCVN 1260 gây ra là:

- Việc xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia "Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm" là cần thiết nhưng phải do một ban soạn thảo công tâm, khách quan, minh bạch gồm đại diện các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống, các chuyên gia am hiểu về lĩnh vực này.

- Cần phải xây dựng tách bạch hai bộ tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn quốc gia "Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm" áp dụng cho nước mắm truyền thống. Tiêu chuẩn quốc gia "Quy phạm thực hành sản xuất nước chấm công nghiệp" áp dụng cho “nước mắm công nghiệp”.

- Trả lại tên cho nước mắm truyền thống, sản phẩm truyền đời của ông cha, di sản văn hóa ẩm thực có một không hai của dân tộc.

Vì lẽ đó, Hiệp hội nước mắm Việt Nam đang được vận động thành lập theo chỉ đạo của Thủ tướng, thành viên của nó cũng chỉ có thể là đại diện các cơ sở nước mắm truyền thống, các chuyên gia và các nghệ nhân hàng đầu ở lĩnh vực này.

Hy vọng rằng, các bộ ngành liên quan trên tinh thần thực sự cầu thị, tiếp thu phản ánh của dư luận. Quan trọng hơn là xây dựng được bộ tiêu chuẩn qui phạm quốc gia chuẩn, phù hợp với thực tiễn sản xuất; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; góp phần bảo tồn và phát huy tiềm năng của nước mắm Việt - một di sản quí báu của ông cha.

13-3-2019
Nguyễn Duy Xuân

Tham khảo:

[1]. https://nguoidothi.net.vn/tap-doan-masan-co-tham-du-cuoc-hop-soan-thao-tieu-chuan-nuoc-mam-17731.html
[2]. https://plo.vn/kinh-te/quan-ly/vu-tieu-chuan-ve-nuoc-mam-tam-dung-roi-sao-nua-821372.html

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Luong truy cap
Đại thắng mùa xuân 1975
50 NĂM
ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975

 
50 năm đại thắng mùa xuân
30/4 -  NGÀY HÒA BÌNH
THỐNG NHẤT NON SÔNG


 
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập51
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm46
  • Hôm nay21,305
  • Tháng hiện tại668,719
  • Tổng lượt truy cập54,783,423
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây