Nghĩ về hình ảnh quan tòa bắt tay bị cáo Nguyễn Đức Chung
admin100
2020-12-16T02:01:42-05:00
2020-12-16T02:01:42-05:00
http://nguyenduyxuan.net/toi-lam-bao/nghi-ve-hinh-anh-quan-toa-bat-tay-bi-cao-nguyen-duc-chung-9917.html
/themes/default/images/no_image.gif
Nguyễn Duy Xuân
http://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Thứ ba - 15/12/2020 19:22
Cách hành xử của vị thẩm phán – quan tòa - không tránh khỏi sự dị nghị của người đời, bởi vị thế của thẩm phán và bị cáo đã được quy định cụ thể mang tính nguyên tắc trong Bộ luật tố tụng hình sự. Cho nên, dù có biện minh kiểu gì thì cũng không xóa được mối hoài nghi về tính nghiêm túc, minh bạch của phiên xét xử do mình chủ tọa.
Phiên tòa xét xử cựu chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung và đồng phạm vụ "Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước" vừa khép lại hôm 11-12-2020.
Điều đáng nói là phiên tòa kết thúc với hình ảnh hi hữu thu hút sự quan tâm của dư luận. Đó là việc thẩm phán Trương Việt Toàn (Phó Chánh án TAND TP Hà Nội) từ ghế chủ tọa đi xuống khu vực dành cho bị cáo bắt tay, vỗ về an ủi ông Nguyễn Đức Chung và các bị cáo khác.
Sự việc ngay lập tức được cộng đồng mạng chia sẻ và bình luận với những ý kiến trái chiều.
Có người cho rằng, hành vi của thẩm phán làm mất tính trang nghiêm, công bằng nơi pháp đình. Nhưng cũng có người cho rằng, đây là hành động nhân văn của một vị thẩm phán.
Giải thích về chuyện này, thẩm phán Trương Việt Toàn cho rằng: “Thực ra điều đó đơn giản là thể hiện tình người với nhau thôi”.
Người viết bài này thì lại nghĩ, thẩm phán Toàn và một số ý kiến của cộng đồng mạng đang lẫn lộn giữa tình và lý. Ừ thì tình, đấy là “nhân văn”, là “tình người” nhưng thiết nghĩ nó được đặt không đúng lúc, đúng chỗ.
Xét về tình, chẳng ai cấm một vị thẩm phán bắt tay, vỗ về kẻ phạm tội nhưng điều đó chỉ nên diễn ra bên ngoài xã hội, nơi riêng tư mang tính chất cá nhân với nhau và nếu có thì cũng không nên lộ ra giữa thanh thiên bạch nhật để thiên hạ đàm tiếu.
Về lý, đây là chốn công đường, nơi pháp đình tôn nghiêm – Tòa án Nhân dân – không có chỗ cho xúc cảm nhất thời giữa quan tòa và tội phạm. Ông Toàn lại thực hiện hành vi gây tranh cãi khi đang khoác trên mình y phục của quan tòa – biểu tượng công lý của nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Cách hành xử của vị thẩm phán – quan tòa - không tránh khỏi sự dị nghị của người đời, bởi vị thế của thẩm phán và bị cáo đã được quy định cụ thể mang tính nguyên tắc trong Bộ luật tố tụng hình sự. Cho nên, dù có biện minh kiểu gì thì cũng không xóa được mối hoài nghi về tính nghiêm túc, minh bạch của phiên xét xử do mình chủ tọa.
Chỉ một phút bất cẩn, dù vị thẩm phán đã “chững lại một chút” như ông bộc bạch nhưng vẫn không kiềm chế được cảm xúc, khiến cho niềm tin của người dân về công lý giảm sút.
Vị thẩm phán này còn cho biết đây không phải là lần đầu tiên ông bắt tay, vỗ về bị cáo sau khi kết thúc phiên xử.
Chẳng hay trong sách vở người ta có dạy các thẩm phán cách thể hiện “tình người” giữa quan tòa và bị cáo như thẩm phán Toàn từng làm? Hay đây là sự “vận dụng” sáng tạo của cá nhân ông – người từng ngồi ghế chủ tọa nhiều phiên tòa xử các vụ đại án?
Dân mình vốn rất trọng tình - đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại - nhưng vỗ về, an ủi bị cáo giữa chốn pháp đình tôn nghiêm thì có lẽ tự cổ chí kim, chỉ thẩm phán Toàn là một.
14-12-2020
Nguyễn Duy Xuân