Ai đang khiến văn hóa tụt dốc?

Thứ hai - 21/12/2020 19:20
Câu hỏi nhức nhối ấy đã từng được đặt ra từ lâu, nhất là khi truyền thông số xuất hiện, mạng xã hội trở thành kênh thông tin cực kỳ nhanh nhạy. Chuyện “hỷ, nộ, ái, ố” không còn được đóng khung theo kiểu “tốt phô ra, xấu xa đậy lại”.
Nhưng có lẽ nhờ đó mà người ta có thể lượng định được phản ứng của xã hội về muôn mặt đời sống trong đó có văn hóa. Và điều đáng lo ngại nhất là mặt trái của đời sống văn hóa dường như đang ngày càng mất kiểm soát cho dù những biểu hiện của nó luôn luôn bị cả xã hội kịch liệt lên án, phê phán. Chỉ mới đây thôi, một loạt các vấn đề khiến những ai quan tâm đến sự phát triển của văn hóa nước nhà không khỏi trăn trở, đau đáu.

1. Từ xưa tới nay, hoa hậu luôn được mọi người tôn vinh, điều đó ai cũng biết nhưng tôn vinh như cái cách mà người ta đã làm đối với tân hoa hậu Việt Nam 2020 thì cần phải “nghiêm túc rút kinh nghiệm”.

Đầu tiên là chuyện “tổ bái… vinh quy” (tít một bài báo trên tờ báo mạng GDVN) của hoa hậu Đỗ Thị Hà sau khi đăng quang.

Chính quyền địa phương nơi quê nhà của hoa hậu tổ chức “nghênh đón ầm ĩ”: Huy động khá đông nhân lực, xe cộ đưa đón; công an địa phương dùng xe công dẫn đường,… Hàng ngàn người dân từ già đến trẻ cầm cờ cầm hoa, giương băng rôn, khẩu hiệu xếp hàng dài cả cây số chờ đợi.

Nhìn cảnh đó, mọi người không khỏi liên tưởng đến hình ảnh giản dị, hòa đồng cùng dân làng của hoa hậu H'Hen Niê, người từng hai lần về “bái tổ” trên chiếc xe công nông hồi năm ngoái, năm kia. Không cờ xí rợp trời, không xe dẫn đường nhưng mọi người vẫn thấy hào quang của sự giản dị, khiêm tốn, gần gũi tỏa sáng trên vương miện của người đẹp Tây Nguyên.

Dường như rút được bài học “kinh nghiệm sâu sắc” từ cuộc “tổ bái vinh quy” rình rang ở quê nhà Hậu Lộc, cuộc đón tiếp “người đẹp nhất nước” tại Đại học Kinh tế Quốc dân, nơi hoa hậu đang là sinh viên năm thứ hai, đã bớt phô trương hơn. Tuy nhiên, nó vẫn không tránh khỏi sự đàm tiếu của dư luận khi truyền thông đăng tải bức ảnh gây tranh cãi. Nơi phòng khánh tiết trang trọng của nhà trường, thầy hiệu trưởng đứng chắp tay phía trước, tư thế có phần khiêm nhường, "khúm núm" trước hoa hậu đang ngồi ghế chủ tọa. Có cái gì đó ngược ngạo trong vị thế “thầy trò” đã diễn ra ở khoảnh khắc đón tiếp với sự tôn vinh có vẻ thái quá này. Đạo lý của ông cha từ bao đời nay: Trước mặt thầy, dù là bậc vua chúa thì cũng phải giữ phép tôn sư trọng đạo. Thế nhưng, người phá vỡ quy tắc đó, buồn thay lại chính là người thầy chứ không phải học trò “hoa hậu”.

Những cuộc đón tiếp có phần phản cảm như thế, lỗi chắc chắn không phải ở người được vinh danh. Có gan trời thì hoa hậu cũng không dám bắt cả làng nước đội nắng đón mình rình rang như thế; càng không đủ can đảm để “đổi ngôi” thầy trò.

2. Nghệ sỹ, danh hài Chí Tài đột ngột qua đời. Cái chết của ông khiến hàng triệu người hâm mộ trong và ngoài nước bàng hoàng, xót xa. Nhưng buồn thay, không ít kẻ lại lấy đó làm cơ hội để… “câu” like cho trang cá nhân của mình.

Đám tang, hay nơi quàn thi thể người mới qua đời là chỗ trang nghiêm, cần không gian tĩnh lặng và sự cung kính của mọi người. Thế nhưng, những “nhà báo” mạng xã hội lại bất chấp lễ nghi sơ đẳng đó. Họ với đầy đủ các thiết bị cần thiết trong tay như gậy hỗ trợ chụp ảnh, sạc dự phòng, đèn... chen chúc nhau, giành chỗ để livestream.

Chưa dừng lại đó, người ta còn dựng cả video giả livestream đăng lên YouTuber về lễ tang người quá cố. Những món hàng giả ấy, lạ thay vẫn thu hút hàng vạn người xem.

Đây rõ ràng là hành vi trục lợi trước sự ra đi của người khác của những kẻ có vấn đề về văn hoá ứng xử. Tiếp tay cho họ là hàng vạn người mà năng lực ứng xử văn hóa cũng không hơn gì những kẻ livestream, dựng clip giả kia.

3. Hồ Gươm ngàn đời nay được coi là nơi hội tụ linh khí của thủ đô văn hiến. Bỗng dưng một sáng mùa đông, khi mọi người thức dậy thì bắt gặp hình ảnh lạ mắt.
 
“Trái tim quái dị”, “trái tim bệnh hoạn”, “trái tim lông lá” – là cách mà cộng đồng mạng gọi cái vật thể kỳ dị đập vào mắt mọi người khiến dư luận phẫn nộ.

Ai có thể ngờ được cái thứ quái dị, trần tục ấy lại được phơi bày nơi Hồ Gươm linh thiêng, giữa trung tâm thủ đô Hà Nội?

Và cũng không khó để cộng đồng mạng vạch trần chân tướng. Thì ra “trái tim lông lá” ấy là sản phẩm “ăn cắp” từ xứ người. Một sự ăn cắp thô bỉ, vô văn hóa.

“Đừng bỡn cợt với không gian Hồ Gươm” là tít của một bài báo trên VietNamNet viết về vấn đề này. Như có lẽ đấy cũng đồng thời là lời nhắc nhở, cảnh báo đối với các nhà quản lý văn hóa và cả lãnh đạo chính quyền thủ đô.

Còn rất nhiều những câu chuyện tương tự về ứng xử văn hóa đã và đang diễn ra trong đời sống xã hội hiện nay.

Mỗi hành vi, lời nói, sản phẩm thiếu chuẩn mực, gây phản cảm nếu không được kiềm chế, thanh lọc thì sẽ như mưa dầm thấm đất, làm xói mòn những giá trị văn hóa vốn đã được thử thách qua thời gian lịch sử. Có lẽ đấy là điều đáng quan tâm và lo ngại nhất trong cuộc chiến thầm lặng như không kém phần cam go để bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc hiện nay.

14-12-2020
Nguyễn Duy Xuân

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
Luong truy cap
Chiến thắng Buôn Ma Thuột
50 CHIẾN THẮNG BUÔN MA THUỘT
10/3/1975 - 10/3/2025
Lễ hội cà phê
LỄ HỘI CÀ PHÊ BUÔN MA THUỘT LẦN THỨ 9 - 2025
 
Gạc Ma
14/3/1988 - 14/3/2025
37 NĂM TRUNG QUỐC CƯỠNG CHIẾM ĐẢO GẠC MA CỦA VIỆT NAM
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập406
  • Hôm nay95,476
  • Tháng hiện tại870,891
  • Tổng lượt truy cập66,922,435
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây