Tục thờ Thần Tài xuất xứ từ Trung Quốc. Có nhiều sự tích kể về Thần Tài nhưng dân gian quan niệm đấy là vị thần cai quản tiền bạc và của cải, việc thờ cúng Thần Tài là để cầu mong tài lộc, may mắn.
Lễ cúng Thần Tài vào ngày 10 hằng tháng, riêng mùng 10 tháng Giêng âm lịch, ngoài việc sửa lễ cúng bái thịnh soạn hơn ngày thường, người ta thường đi mua vàng để mong việc làm ăn thuận lợi và được thần Tài phù trợ trong suốt cả năm.
Những năm gần đây, cùng với sự bùng phát của các lễ hội dân gian, ngày vía Thần Tài cũng được xã hội quan tâm, không chỉ người làm nghề buôn bán mà cả dân thường, thậm chí là cán bộ, công chức.
Cũng như các tục lễ dân gian khác, ngày vía Thần Tài không thiếu cảnh xô bồ, hàng ngàn người xếp hàng từ mờ sáng, rồi chen lấn, cãi nhau, tranh mua vàng lấy hên. Nhiều người bỏ cả công việc làm ăn vì một niềm hi vọng mơ hồ về sự giàu sang phú quí.
Đó chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc các lễ hội luôn đông nghịt người tham dự và những chuyện phản cảm như "cướp lộc", "giành ấn" tất yếu sẽ xảy ra.
Bên cạnh đó, khủng hoảng niềm tin, khủng hoảng các giá trị nhân văn đang khiến một bộ phận dân chúng bị dẫn dụ vào vòng xoáy của mê tín dị đoan, làm biến tướng những lễ hội văn hóa tâm linh của cộng đồng.
Chuyện giàu nghèo là do bàn tay, khối óc của con người quyết định chứ không phải do thần linh để rồi ai ai cũng hối hả, giành giật, dẫm đạp, chặt chém, lừa lọc, cay cú,… Thần Phật nào phù hộ cho những hành vi phản văn hóa, phản nhân văn như thế ở chốn linh thiêng?
Rõ ràng nhiều lễ hội văn hóa tâm linh đang có vấn đề. Sự xô bồ, mê tín dị đoan, kích động bạo lực không phải nảy sinh từ bản chất của lễ hội. Tất cả đều do con người. Một khi lễ hội không còn chất dân gian, bị thương mại hóa, chạy theo những giá trị ảo thì không tránh khỏi sự biến tướng.
Đã đến lúc chính quyền các cấp và các ngành chức năng phải ra tay chấn chỉnh, mạnh dạn dẹp bỏ những lễ hội lạc hậu, lỗi thời, phản cảm; tuyên truyền, giáo dục để người dân có được nhận thức đúng, thái độ đúng và cách hành xử đúng đối với lễ hội dân gian.