“Giấy thông hành” nhiêu khê, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Thứ năm - 12/08/2021 18:57
Tối 8-8, UBND TP Hà Nội ra quy định mới về việc siết chặt cấp và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội toàn TP.
Kiểm tra giấy tờ
Kiểm tra giấy tờ
Theo đó, ngoài mẫu giấy đi đường đã được ban hành kèm theo Công văn số 2434/UBND-KT ngày 29-7-2021 của UBND TP, người đi đường cần xuất trình kèm theo 4 loại giấy tờ khác: Căn cước công dân/Chứng minh thư nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.[1]

Mẫu giấy đi đường theo quy định mới phải được UBND phường, xã trên địa bàn xác nhận, thay vì chỉ đại diện cơ quan, đơn vị có cán bộ, người lao động... xác nhận như trước đây.

Quy định mới có hiệu lực từ 9-8 khiến người dân và các cơ quan trở tay không kịp.
Sáng 9-8, dù đa phần các chốt kiểm soát trên địa bàn TP chưa triển khai kiểm tra các loại giấy tờ như yêu cầu mới đặt ra nhưng ở một số chốt kiểm soát vẫn xảy ra hiện tượng chờ đến lượt kiểm tra "giấy thông hành" ùn ứ kéo dài.

Một người dân phản ánh với báo chí: "Không riêng tôi, bây giờ người dân cũng chẳng ai ra đường lượn lờ làm gì cả. Việc Hà Nội quy định thêm nhiều loại giấy tờ mới gây khó khăn không đúng lúc. Chưa kể, việc kiểm tra hết số giấy tờ trên vừa mất thời gian, gây ùn tắc, vừa tăng việc tiếp xúc tại các chốt kiểm soát, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao”.[2]

Dù chưa thực hiện ngay, nhưng việc kiểm tra một loạt giấy tờ theo quy định đối với người dân khi đi ra đường là rất nhiêu khê, tốn thời gian. Với một mớ giấy tờ như trên, dẫu cán bộ chốt kiểm tra có thao tác nhanh đến mấy thì cũng phải mất vài phút/người. Hiện tượng ùn ứ vì thế không thể không xảy ra. Hệ lụy này khiến cho việc kiểm tra giấy tờ vô hình trung làm trái với quy định của Chỉ thị 16 là yêu cầu không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng và giữ khoảng cách 2m.

Nói thẳng, đây là cách quản lý lạc hậu, theo kiểu “ngăn sông cấm chợ” của thời kỳ bao cấp.

Việc dừng xe kiểm tra có chăng chỉ đạt mục đích hành chính là kiểm soát người ra đường với lý do không cần thiết. Còn hệ lụy của nó thì đã rõ ràng: Gây ách ùn tắc, tốn công sức, thời gian của cả hai bên (người đi đường, người thi hành công vụ), gây phiền hà cho dân và đặc biệt là không thể kiểm soát được người đang mang trong mình mầm bệnh, do đó nguy cơ lây nhiễm là không thể tránh khỏi.

Trong 5k theo khuyến cáo của ngành y tế thì khoảng cách giữa người với người mới là điều kiện dễ lây lan dịch bệnh nhất. Trong bối cảnh thực hiện Chỉ thị 16, chỉ những người đang làm việc theo quy định mới buộc phải ra đường. Nếu để họ đơn lẻ đi trên đường thì không sao nhưng bắt họ dừng lại để kiểm tra sẽ làm tăng thêm nguy cơ lây lan cô vít trong cộng đồng.

Tại sao trong bối cảnh chống dịch như chống giặc không tối thiểu hóa thủ tục hành chính để giảm thiểu gánh nặng cho người dân, mà ngược lại, cứ cố đẻ ra nhiều thứ giấy phép con khiến người dân và cả chính quyền cơ sở phải chạy đôn chạy đáo? Công nghệ số ở đâu mà phải dùng biện pháp thủ công, vừa tốn kém, lãng phí vừa gây phiền hà trong việc kiểm soát giãn cách?

Mới đây, trong cuộc gặp giới doanh nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết ông đã yêu cầu chỉ cần kiểm tra điểm đầu và điểm cuối, không dừng xe kiểm tra giữa đường.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Cứ cho lái xe là F0 đi, thì họ cũng chỉ ngồi trên cabin, đến điểm giao hàng vẫn ngồi trên cabin, còn bốc dỡ hàng người khác làm. Nếu lái xe xuống mới xét nghiệm. Nếu đi dọc đường xe dừng lại thì địa phương nơi ấy mới phải kiểm tra. Nếu xe đang đi thì không dừng".

Quan điểm này của Thủ tướng rất xác đáng và thực tế. Chỉ khi quan sát thấy có dấu hiệu khác thường mới kiểm tra xử lý. Đấy là cách tốt nhất vừa hạn chế được sự lây lan dịch bệnh, vừa đảm bảo sản xuất của doanh nghiệp và sự vận hành trơn tru của bộ máy hành chính các cấp.

Bởi thế, kiểm soát người đi đường sao cho thông thoáng, linh hoạt, giảm bớt phiền hà cho người dân khi phải lo chạy các loại giấy tờ giữa lúc dịch căng thẳng là cách tốt nhất giảm nguy cơ tiềm ẩn biến các UBND phường, các chốt kiểm tra trở thành các tụ điểm lây lan dịch bệnh.

9-8-2021
Nguyễn Duy Xuân
Nguồn tham khảo:

[1] https://nld.com.vn/thoi-su/quyet-dinh-moi-ve-cap-su-dung-giay-di-duong-khi-ha-noi-gian-cach-xa-hoi-2021080819424464.htm
[2] https://tuoitre.vn/da-co-giay-di-duong-sao-con-doi-lich-truc-lich-lam-viec-phan-cong-nhiem-vu-20210809100707099.htm


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

70 năm Điện Biên Phủ
70 NĂM CHIẾN THẮNG
ĐIỆN BIÊN PHỦ
Luong truy cap
Đại thắng mùa xuân 1975
50 NĂM
ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975

 
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
50 năm đại thắng mùa xuân
30/4 -  NGÀY HÒA BÌNH
THỐNG NHẤT NON SÔNG


 
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập61
  • Máy chủ tìm kiếm14
  • Khách viếng thăm47
  • Hôm nay16,206
  • Tháng hiện tại1,025,762
  • Tổng lượt truy cập55,140,466
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây