Quan chức giáo dục, y tế dính vòng lao lý – lỗi tại lòng tham hay cơ chế?

Thứ ba - 09/11/2021 20:30
Sự tha hóa nào cũng khiến xã hội nhức nhối, nhưng sự tha hóa quyền lực thì tác hại của nó thật khôn lường.
 

Vài năm trở lại đây, nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực trong ngành giáo dục bị các cơ quan bảo vệ pháp luật phanh phui.

Đối tượng tham nhũng, tiêu cực chủ yếu là những người nắm giữ trọng trách trong ngành. Họ là giám đốc sở, trưởng phó phòng, hiệu trưởng,… tức là những người có quyền lực.

Lãnh đạo cấp sở lộ diện đầu tiên là nguyên giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo tỉnh Quảng Ninh Vũ Liên Oanh (bà Oanh nghỉ hưu năm 2019). Tiếp theo là nguyên giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Hằng. Bà Hằng khi bị khởi tố đương chức phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Và cuối tháng 9 vừa qua là đương kim giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên Nguyễn Văn Kiên.

Cả ba vị nguyên và đương nói trên đều bị Cơ quan cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an ra quyết định khởi tố về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Không chỉ riêng giáo dục, ngành Y cũng đang “chao đảo” bởi một loạt quan chức từng là thầy thuốc giỏi nhúng chàm bị lôi ra ánh sáng.

Năm ngoái, giữa lúc đại dịch bùng phát, ông Nguyễn Nhật Cảm, PGS.TS, Giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) Hà Nội và đồng phạm bị khởi tố vì tội gian lận, nâng giá mua bán thiết bị xét nghiệm y tế lên nhiều lần.

Mấy tháng sau, đến lượt ông Nguyễn Quốc Anh, PGS.TS, nguyên giám đốc Bệnh viện Bạch Mai bị Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc có liên quan đến vụ án "thổi giá" thiết bị y tế xảy ra tại bệnh viện này.

Tháng 10 năm nay, ông Nguyễn Quang Tuấn, GS.TS, người kế nhiệm ông Anh cũng bị khởi tố vì tội nâng khống giá thiết bị y tế.

Và mới đây nhất, thêm một thầy thuốc có chức quyền bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Người thầy thuốc dính vòng lao lý đó là ông Nguyễn Minh Quân, giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức.

Điều đáng nói ở đây, họ đều là những quan chức mà điểm xuất phát đều là thầy: Thầy giáo, thầy thuốc. Có người là chuyên gia đầu ngành, có người là anh hùng lao động. Họ từng là hình mẫu của người thầy, được các thế hệ học trò, phụ huynh, đồng nghiệp và bệnh nhân kính trọng.

Vậy thì tại sao họ, với danh xưng cao quý, thấm rất sâu lời dạy của tiền nhân, được ràng buộc bởi nhiều quy định của tổ chức Đảng và pháp luật Nhà nước, được răn đe bởi bao gương tày liếp trong những năm qua bởi công cuộc đốt lò, lại dễ dàng sa ngã như thế?

Có lẽ, lỗi trước hết là ở chính họ. Họ đã không giữ được mình trước cám dỗ vật chất quá lớn. Chữ đức trong con người họ bị chữ “tiền” lấn lướt, và khi có quyền lực trong tay thì sẵn sàng làm điều hại dân hại nước, kiếm ăn trên nỗi đau của đồng bào. Nhưng đây chưa phải là lý do chủ yếu dẫn đến sự tha hóa của họ.

Thế còn nguyên nhân nào khác? Có người nêu vấn đề: Lỗi tại cơ chế.

Lấy ví dụ tại vụ xét xử ông Nguyễn Nhật Cảm, đại diện ủy quyền của CDC Hà Nội cho rằng, thời điểm xảy ra vụ án, do yêu cầu cấp bách của việc phòng chống đại dịch nên phải mua máy xét nghiệm Covid- 19 gấp trong lúc đó Bộ Y tế và các cơ quan liên quan không đưa ra bất kỳ thông tin nào hướng dẫn về giá thiết bị y tế, dẫn đến giá cả mỗi nơi một khác; các nhà thầu nhân cơ hội đó làm giá và đây mới là bản chất của vụ án. Tuy nhiên HĐXX cấp phúc thẩm lại cho rằng, ông Nguyễn Nhật Cảm đã lợi dụng tình hình, vì động cơ vụ lợi mà thực hiện hành vi phạm tội. Ông Cảm đã không lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, xây dựng giá trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, theo quy định của luật Đấu thầu. Ông Cảm và đồng phạm đã phớt lờ luật pháp, móc nối, thỏa thuận với nhau để chia chác phần trăm số tiền bất lương chiếm đoạt được do hành vi nâng khống giá thiết bị.

Không riêng vụ ông Nguyễn Nhật Cảm, các vụ "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" nêu trên đều là hệ lụy của những lỗ hổng pháp lý trong việc giám sát quyền lực và quản lý tài chính, công sản.

Dân gian có câu “mỡ để miệng mèo”. Cơ chế quản lý, giám sát lỏng lẻo, luật pháp thiếu chặt chẽ thì lòng tham, vốn có sẵn trong mỗi người, sẽ trỗi dậy bất chấp liêm sỉ, bởi miếng ăn quá dễ, ngon lành, “mỡ để miệng mèo” - “mèo” quyền lực.

Sự tha hóa nào cũng khiến xã hội nhức nhối, nhưng sự tha hóa quyền lực thì tác hại của nó thật khôn lường.

8-11-2021
Nguyễn Duy Xuân


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
2025
CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025
Luong truy cap
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập138
  • Hôm nay35,298
  • Tháng hiện tại369,256
  • Tổng lượt truy cập63,971,181
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây